Graffiti: Từ văn hóa đương đại đến trò vô văn hóa, bôi bẩn các đô thị Việt Nam

Tác nhân mới nhất gây ô nhiễm thị giác tại trung tâm các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay là graffiti (vẽ tranh đường phố). Như thể, ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn thôi vẫn còn chưa đủ.

Tác giả: Tiến sĩ Mark A.Ashwill, nhà giáo dục quốc tế, đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2005.

Mỗi cánh cửa, cửa sổ, bức tường hay mảng bêtông trống đều có thể trở thành “tấm toan” chờ bị bôi vẽ bởi những người tự xưng là “nghệ sĩ” mang theo bình phun sơn.

Những khu vực bị phá hoại bởi graffiti luôn khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh các cộng đồng dân cư đói nghèo, đau khổ và nhiều bạo lực tại quê nhà ở Mỹ.

Đi bộ hoặc lái xe trước những khung cảnh bị bôi vẽ nham nhở này tại Hà Nội – nơi tôi đang sống – hoặc TP HCM – nơi tôi lui tới thường xuyên, luôn khiến tôi có cảm giác khó chịu, buồn bã và tức giận. Trong một chuyến vào miền Nam gần đây, tôi ấn tượng với hai hình ảnh xuất hiện khắp nơi: những biển hiệu cho thuê nhà – một hậu quả của đại dịch và graffiti.

Hình thức phá hoại tài sản công và nhà dân bằng graffiti cho thấy không gian công cộng phần nào đó đã rơi vào tay của một nhóm chừng vài chục người thích thú với ý nghĩ mình đang làm một việc “cool ngầu”, đóng góp cho văn hóa đô thị. Thực tế, họ phần lớn chỉ tạo ra những thứ vô giá trị và thường là không xin phép, gây ô nhiễm thị giác và phá hỏng cảnh quan, làm mất đi sự quyến rũ vốn có của những thành phố như Hà Nội và TP HCM.

Phun sơn vào những thứ không thuộc sở hữu của mình không phải là cách để thể hiện quan điểm hay cái tôi cá nhân. Đó là hành vi xâm phạm tài sản, làm đảo lộn các giá trị thẩm mỹ đã được tạo dựng và gìn giữ. Trong sự việc hai toa tàu của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên bị phun sơn, một luật sư nói rằng, những kẻ bôi bẩn có thể không ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi này. Có thể họ tưởng làm thế là đẹp chứ không định hủy hoại, xâm phạm tài sản công. Tôi không nghĩ vậy. Họ không còn là trẻ con cần mắng nhiếc dạy bảo mà đã đủ tuổi để nhận thức được việc mình làm.

Một số ý kiến đề xuất rằng cộng đồng nên tạo ra những khu vực nhất định để các “nghệ sĩ chớm nở” này thể hiện bản thân. Ví dụ thiết kế các không gian riêng như những triển lãm nghệ thuật ngoài trời hoặc để họ trang trí các khối hộp tiện ích công cộng bằng hình cỏ cây hoa lá. Nhưng bản chất vấn đề không nằm ở đó.

Phần lớn “nghệ sĩ” graffiti không hứng thú gì với những giải pháp này. Yếu tố bất hợp pháp và bị cấm được coi là khía cạnh hấp dẫn, kích thích adrenalin, khiến họ lang thang ra đường đêm này qua đêm khác để vẽ.

Singapore, một đất nước nổi tiếng với ý thức bảo vệ cảnh quan công cộng, sử dụng biện pháp đánh đòn đối với hành vi vẽ tranh tường trái phép. Trong một vụ án được xét xử công khai năm 2015, hai thanh niên Đức bị phạt 3 roi và 9 tháng tù giam vì sơn phun graffiti lên tàu điện.

Tôi nghĩ Việt Nam cũng không nên dễ dãi chấp nhận loại hình kém thẩm mỹ này và có hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ phá hoại.

Những giải pháp tôi nêu ra dưới đây khá đơn giản và ít tốn kém hơn so với cách sơn bề mặt công trình bằng lớp phủ chống vẽ bậy (vốn khá tốn kém, chỉ phù hợp với các gia đình giàu có hoặc doanh nghiệp lớn).

Thứ nhất, lắp thêm đèn và camera an ninh tại các vị trí dễ bị biến thành “toan vẽ”. Những “nghệ sĩ phun sơn” sẽ ngần ngại hơn khi biết hành vi bôi bẩn của mình bị camera ghi lại.

Thứ hai, tạo cơ sở dữ liệu, bao gồm cả ảnh, của những kẻ có tiền sử vi phạm; sau đó sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt từ hình ảnh do các camera an ninh ghi lại, để ngăn chặn kịp thời. Nếu muốn bảo vệ cảnh quan, việc áp dụng các biện pháp mạnh tay là điều cần thiết.

Thứ ba, tăng cường giám sát trực tiếp và phạt tiền các hành vi vi phạm. Việc này cũng có thể được thực hiện online bằng hình thức thu thập bằng chứng (video, ảnh) do chính họ chia sẻ trên các mạng xã hội, xuất phát từ tâm lý muốn khoe khoang chiến công. Ngoài phạt tiền (cần đủ lớn), có thể cân nhắc áp dụng phạt tù với những kẻ tái phạm.

Đến đây, nếu bạn vẫn còn băn khoăn, tôi sẽ cung cấp thêm số liệu. Một thùng Elephant Snot 19 lít, dùng để tẩy xóa sơn graffiti có giá 15,4 triệu đồng. Loại rẻ nhất – Krud Kutter – cũng tốn đến 5,5 triệu cho trọng lượng tương tự. Các sản phẩm loại bỏ graffiti, mà nay bất đắc dĩ đã trở thành một ngành kinh doanh, không rẻ chút nào.

Người nước ngoài ở Việt Nam cũng “nhập gia tùy tục”, phải bị phạt và cảnh cáo, thậm chí trục xuất nếu tái phạm. “Thể hiện bản thân” ở nơi không được phép và không đúng cách là vi phạm các điều khoản về thị thực và xâm phạm văn hóa Việt Nam.

Tuy không định cùng lúc dùng cả “cây gậy và củ cà rốt” nhưng tôi vẫn muốn đưa ra một vài gợi ý khác cho những nghệ sĩ graffiti muốn từ chuyển hướng hoạt động từ bóng tối ra ánh sáng. Chính phủ, các công ty và cá nhân có thể lựa chọn những người đủ tài năng để làm đẹp cho những không gian cần trang trí, tạo ra những tác phẩm có tính thẩm mỹ và mang thông điệp nhất định.

Tôi không phủ nhận sạch trơn giá trị của graffiti vì thế giới đã và đang tồn tại những tác phẩm tranh vẽ đường phố có tính sáng tạo và giá trị thẩm mỹ cao. Nhưng nếu không đủ tài năng để tạo ra các tác phẩm lớn, thuyết phục số đông, bạn không nên tự do thể hiện bản thân ở không gian chung và bắt người khác chịu đựng.

Mọi công dân, kể cả người nước ngoài đang sống, làm việc và gắn bó với Việt Nam, có quyền được đòi hỏi một không gian sống khiến họ được thỏa mãn cả con mắt, trái tim và tâm hồn.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,