Góc nhìn tâm lý học về sự hung hăng của con người

Trong tâm lý học, thuật ngữ “hung hăng” (Agression) dùng để chỉ một loạt các hành vi gây ra tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần cho bản thân, những người xung quanh hoặc các vật thể tại nơi hành vi đó xảy ra.

Các dạng hung hăng

Hung hăng có thể tồn tại dưới nhiều dạng, bao gồm:

– Thể chất.
– Lời nói.
– Tinh thần.
– Cảm xúc.

Mặc dù ta thường cho rằng hung hăng chỉ đơn thuần là làm tổn thương cơ thể của nhau như đánh đám hay xô đẩy, tuy nhiên hung hăng gây tổn thương tinh thần cũng cực kỳ nguy hại.

Hăm dọa hoặc dùng mắng mỏ người khác là những ví dụ về hung hăng lời nói, tinh thần và cảm xúc.

Mục đích tồn tại của hành vi hung hăng

Hung hăng xuất hiện nhằm một số mục đích khác nhau như sau:

– Để thể hiện sự tức giận hoặc thái độ thù địch.
– Để khẳng định sự thống trị.
– Để hăm hoặc đe dọa.
– Để đạt được một mục tiêu nào đó.
– Để thể hiện tính chiếm hữu.
– Là một phản ứng khi sợ hãi.
– Là một phản ứng khi bị đau.
– Để ganh đua với người khác.

Những kiểu hung hăng

Các nhà tâm lý học cũng phân biệt 2 loại hung hăng như sau:

Hung hăng bộc phát: Còn được gọi là hung hăng do cảm xúc, được định hình bởi những cảm xúc mãnh liệt, thường là giận dữ. Dạng hung hăng này không có kế hoạch từ trước và thường xuất hiện vào những lúc căng thẳng leo cao. Một chiếc xe phóng vèo ngay trước mặt bạn và bạn bắt đầu la ó, mắng mỏ người tài xế kia, lúc này bạn đang ở dạng hung hăng bộc phát.

Hung hăng có mục đích: Còn được gọi là hung hăng có tính toán, xác định bởi những hành vi thực hiện để nhằm đạt được một mục đích nào đó lớn hơn.

Hung hăng có mục đích thường được lên kế hoạch kỹ càng và thường được xem là công cụ để đạt được mục đích. Làm tổn thương ai đó trong một vụ cướp tài sản hoặc cướp xe hơi là một ví dụ về dạng hung hăng này. Mục đích thực hiện những hành vi hung hăng này là để chiếm đoạt tiền hoặc phương tiện. Ở dạng này, làm tổn thương người khác chỉ là một cách để đạt được những mục tiêu đó.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng lên hành vi hung hăng

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người xuất hiện dạng hung hăng bộc phát, tức không có kế hoạch và không kiểm soát được những hành vi hung hăng ấy, có xu hướng sở hữu IQ thấp hơn những người hung hăng có mục đích. Hung hăng có mục đích được định nghĩa là dạng hung hăng có kiểm soát, có kế hoạch và hướng đến đạt được một mục tiêu nhất định.

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng lên sự thể hiện đặc tính hung hăng. Các yếu tố sinh học cũng nắm một vai trò nhất định. Đàn ông thường có xu hướng thực hiện các hành vi hung hăng thể chất hơn phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù đúng là phụ nữ ít có các hành vi hung hăng gây tổn thương cơ thể nhưng họ lại có những kiểu hung hăng không động tay động chân khác như hung hăng dùng lời nói, đả kích các mối quan hệ và đặc tính chối bỏ xã hội.

Các yếu tố môi trường cũng góp phần ảnh hưởng, trong đó có cách một người được nuôi lớn. Những người lớn lên chứng kiến càng nhiều các hành vi hung hăng bao nhiêu thì càng có khả năng tin rằng những hành vi bạo lực và thái độ thù địch đó được đông đảo xã hội chấp nhận. Thí nghiệm kinh điển về búp bê Bobo của Bandura đã mô tả rằng chỉ bằng quan sát, hung hăng cũng dễ dàng được học và làm theo. Trong thí nghiệm, trẻ được cho xem video về một người lớn đối xử bạo lực với một con bú bê Bobo và những đứa trẻ ấy đã bắt chước hành vi đánh đập ấy khi có cơ hội.

Theo NHƯ TRANG / TRANGTAMLY.BLOG

Tags: