⠀
Giữa phố mà như trong rừng: Một câu chuyện về Singapore
“Đi giữa phố mà như ở trong rừng và áo mặc cả tuần không dính bụi các em ạ”, năm 1988, thầy dạy địa lý kể về Singapore trong một tiết học bậc trung học của tôi.
Tác giả: Huỳnh Thế Du, tiến sĩ, giảng viên Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Gần 20 năm sau, trong lần đầu xuất ngoại, tôi đến Đảo quốc Sư tử và tận mắt chứng kiến rừng trong phố.
Singapore là một câu chuyện thực của mô hình đô thị nén, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng mà Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra trong cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Triết lý phát triển của Singapore được thể hiện rất rõ trong hồi ký của ông Lý Quang Diệu – người lập quốc và có vai trò quan trọng nhất trong việc đưa quốc đảo này từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất chỉ trong một thế hệ. Ông Lý cùng các đồng sự đã chắt lọc lý thuyết và kinh nghiệm trên thế giới để ra mô hình phát triển cho đất nước mình. Họ biết đứng trên vai những người khổng lồ.
Ví dụ, nhà nước Singapore theo mô hình thiểu số tài năng cai trị mà Aristotle đã viết trong “Chính trị luận” cách đây gần 2.500 năm; và thành phố vườn (garden city) xuất phát từ ý tưởng do nhà quy hoạch đô thị người Anh Ebenezer Howard đưa ra năm 1898.
Thành phố vườn được đưa ra trong bối cảnh thiếu nhà ở, đặc biệt là không gian sống chất lượng, đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng của các đô thị trên thế giới, nhất là những nơi đông đúc như London, New York và Paris. Ý tưởng của Howard là xây dựng các đô thị có diện tích 36 km2 cho 32 nghìn người ở, với không gian mở, công viên, cây xanh, và đảm bảo tự túc.
Letchworth và Welwyn (cách London hơn 50 km và hơn 30 km) là những thành phố vườn đầu tiên ở Anh. Mô hình này sau đó được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Singapore là một điển hình thành công nhất.
Tầm nhìn “thành phố vườn” được Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra năm 1967, biến Singapore thành một thành phố với nhiều cây xanh và môi trường trong lành nhằm mang lại cuộc sống dễ chịu hơn cho người dân.
Với hai triệu người trong diện tích hơn 700 km2, mỗi người Singapore vào năm 1967 có hơn 350 m2 đất. Con số hiện nay là 133 m2 và đến năm 2030 ước tính chỉ còn khoảng 112 m2, bằng 1/10 mục tiêu mà Howard đưa ra. Do vậy, để có thể dành nhiều đất cho cây xanh và các tiện ích dùng chung, Singapore (cũng như nhiều đô thị thành công khác) đã phát triển theo chiều cao (đô thị nén) và định hướng giao thông công cộng (TOD). Phần lớn người dân sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng và sử dụng giao thông công cộng.
Kế hoạch sử dụng đất của Singapore đến năm 2030 gồm: 17% cho nhà ở, 9% cho công viên và dự trữ tự nhiên, 7% cho các cơ sở vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng, và 13% cho giao thông mặt đất. Thêm vào đó, tỷ lệ xây dựng trên tổng diện tích đất không được quá 50% (thường là dưới ⅓); và mật độ xây dựng (tổng diện tích sàn trên tổng diện tích đất) có thể đến 2,8 cho nhà từ 36 tầng trở xuống và cao hơn 2,8 cho nhà trên 36 tầng.
Một số thành phố trong khu vực cũng có các quy định tương tự. Ví dụ, tỷ lệ xây dựng của Tokyo trong giới hạn 30-80% và mật độ xây dựng tối đa là 13; hai con số của Seoul lần lượt là 20-80% và 5.
Trở lại Việt Nam, quận 4 TP HCM là một điển hình của đô thị truyền thống. Quận này có diện tích nhỏ nhất (4,18 km2), nhưng mật độ dân số và nhà ở cao nhất cả nước (hơn 42.000 người và gần 11.000 căn nhà/km2). Về cơ bản, gần như toàn bộ diện tích đất đã được xây nhà với đa phần các căn nhà có tỷ lệ xây dựng 100%. Đất dành cho giao thông rất khiêm tốn (chưa đến 10%), và đất dành cho các tiện ích công cộng khác, đặc biệt là công viên và không gian xanh gần như bằng không.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có những mô hình vườn trong nhà và rừng trong phố. Khu phức hợp ở quận 2, TP HCM do một công ty của Singapore phát triển là mô hình trong nhà có vườn. Các cao ốc hơn 30 tầng với gần 900 căn hộ có tỷ lệ xây dựng chưa đến 30% trên khu đất gần 4,8 ha, và mật độ dân số ước tính gần 55 nghìn người/km2.
Một khu đô thị khác ở Bình Thạnh, TP HCM có diện tích 43,91 ha nhưng tỷ lệ xây dựng chỉ là 16%, trong khi riêng khu công viên chiếm trên 31% (13,8 ha). Ước tính một cách thận trọng, mật độ dân số ở khu đô thị này là trên 60 nghìn người/km2, gấp 1,5 lần quận 4. Nhưng về cơ bản, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ cần thiết trong vòng 15 phút đi bộ – một mô phỏng của mô hình thành phố 15 phút.
Sự tương phản giữa quận 4 (khu phát triển truyền thống) và hai ví dụ còn lại là rất rõ. Một bên có tỷ lệ xây dựng rất cao, nhưng mật độ xây dựng thấp, thiếu tiện ích dùng chung và không gian xanh; bên kia là ngược lại với tỷ lệ và mật độ xây dựng ở mức thông thường như Singapore, cũng như các đô thị thành công khác và có nhiều không gian xanh và tiện ích dùng chung. Thêm vào đó, hai khu đô thị này kết nối với tuyến Metro số 1 sắp hoàn thành để tạo ra TOD cho TP HCM.
Đến đây chúng ta có thể thấy lời giải cho bài toán đô thị của Việt Nam. Đó chính là đô thị nén định hướng giao thông công cộng. Một vài con số so sánh để có thể thấy rõ giải pháp. Diện tích đất ở/người của Singapore vào năm 2030 chưa đến 20 m2 trong khi bình quân của Hà Nội năm 2021 là 27,3 m2 và TP HCM là 28,3 m2. Hơn thế, tỷ lệ xây dựng ở các đô thị Việt Nam đang rất cao.
Khi có chính sách hợp lý, người dân có thể chuyển đổi và góp đất cho việc phát triển đô thị theo hình thái mới. Để làm được điều này, cần có các chính sách về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng cùng thuế khóa và trợ cấp hợp lý.
Nếu có chính sách đúng thì quá trình chuyển đổi có thể cơ bản hoàn tất trong vài thập kỷ. Học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đã vận hành tốt ở nhiều nơi sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và hạn chế sai lầm.
Theo VNEXPRESS
Tags: Singapore, Đô thị