Giáo hoàng Francis: Tư bản đương đại là đống phân của quỷ dữ

Vào tháng 7/2015, Giáo hoàng Francis đã có một bài diễn văn tại Santa Cruz, Bolivia. Tại đây, ông đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản và kêu gọi trao cho người nghèo những “quyền thiêng liêng” về lao động, chỗ ở và đất đai.

Giáo hoàng Francis: Tư bản đương đại là đống phân của quỷ dữ

Bài viết đăng trên tờ The Guardian của Anh ngày 10/7/2015.

Nguồn: Unbridled capitalism is the ‘dung of the devil’, says Pope Francis / The Guardian / 2015/07/10.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Giáo hoàng Francis đã kêu gọi những người bị áp bức thay đổi trật tự kinh tế thế giới, lên án một thứ “chủ nghĩa thực dân mới” của các tổ chức tư bản đang áp đặt những chương trình hà khắc lên người lao động và lên tiếng về việc trao cho người nghèo có những “quyền thiêng liêng” về lao động, chỗ ở và đất đai.

Trong một bài diễn văn mang tính khái quát, xúc động và dài nhất trong nhiệm kỳ của mình, vị Giáo hoàng sinh ra ở Argentina đã tận dụng chuyến thăm Bolivia (tháng 7/2015) để xin tha thứ cho những tội lỗi mà nhà thờ Công giáo La Mã đã gây ra trong việc đối xử với những người Mỹ bản địa trong thời kỳ “chinh phục châu Mỹ” theo cách gọi của ông.

Giáo hoàng cũng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cái mà ông gọi là “thảm họa diệt chủng” những tín đồ Thiên Chúa giáo đang diễn ra ở Trung Đông và xa hơn.

Ông miêu tả tình trạng đó là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba: “Hôm nay chúng ta đã mất lòng tin khi nhìn thấy cách mà nhiều anh chị em của chúng ta ở Trung Đông và những nơi khác trên thế giới bị hành quyết, tra tấn và giết chết vì đức tin của họ vào Jesus. Trong Chiến tranh thế giới Thứ ba được chia thành nhiều phần này, cái mà chúng ta đang trải qua, một loại diệt chủng đang diễn ra, và nó phải chấm dứt”, nguyên văn lời giáo hoàng Francis được Reuters trích dẫn.

Dẫn lời một mục sư ở thế kỷ 4, Giáo hoàng gọi việc theo đuổi tiền bạc không kiềm chế của chủ nghĩa tư bản là “đống phân của quỷ dữ”. Ông cho rằng không thể bòn rút các nước nghèo, và để họ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô và lao động giá rẻ cho các nước phát triển.

Lặp lại một số chủ đề trong bài diễn văn mang tính cột mốc Laudato Si về môi trường hồi tháng trước (6/2015), Giáo hoàng nói rằng, thời gian đang cạn dần trong cho nỗ lực cứu hành tinh khỏi tác hại không thể đảo ngược của hệ sinh thái (Laudato Si là thông điệp chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu của Giáo hoàng Francis được công bố năm 2015 – người dịch).

Giáo hoàng đã diễn thuyết tại thành phố Santa Cruz trước những người tham gia cuộc gặp gỡ thứ hai của các phong trào phổ biến thế giới, tổ chức quốc tế kết nối các lực lượng nằm bên lề xã hội, trong đó có người nghèo, người thất nghiệp và nông dân đã mất đất. Cuộc gặp gỡ đầu tiên do Vatican chủ trì diễn ra vào năm ngoái (2014).

Ông nói, ông ủng hộ nỗ lực của những đối tượng trên trong việc giành được “một quyền cơ bản và cần thiết không thể chối bỏ như, đó là quyền của ba chữ ‘L’: đất đai, chỗ ở và lao động” (land, lodging and labour)

Theo Reuters, trước bài diễn văn của Giáo hoàng là phần bình luận dài từ Tổng thống cánh tả của Bolivia, Evo Morales, người mặc áo khoác có hình nhà cách mạng Ernesto “Che” Guevara. Che đã bị quân đội Bolivia do CIA hậu thuẫn sát hại vào năm 1967.

Hãy để chúng ta không sợ hãi khi nói rằng: chúng ta muốn thay đổi, thay đổi thật sự, thay đổi trong cấu trúc”, Giáo hoàng nói. Ông coi thường thứ hệ thống tư bản “đã áp đặt tinh thần lợi nhuận bằng mọi giá mà không quan tâm đến việc nó sẽ làm băng hoại xã hội hoặc hủy diệt thiên nhiên”.

Cho đến nay, hệ thống này không còn có thể chấp nhận được: các công nhân nông trại không thể chịu đựng được, những người lao động không thể chịu đựng được, các dân tộc không thể chịu đựng được. Chính bản thân quả đất – người chị, người Mẹ Trái Đất của chúng ta, như thánh Francis đã nói – cũng không thể chịu đựng được”, lời Giáo hoàng trong bài diễn văn dài một giờ bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay và nhiều lần hoan hô.

Kể từ khi được bầu chọn vào năm 2013, Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh đã thường xuyên nói thẳng để bảo vệ người nghèo trước chủ nghĩa tư bản. Cho tới nay (2015), bài diễn văn ở Santa Cruz là bài nói toàn diện nhất của ông về các vấn đề mà ông ủng hộ.

Những cuộc tấn công chủ nghĩa tư bản trước đó của giáo hoàng Francis đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà chính trị và bình luận ở Mỹ, nơi ông viếng thăm vào tháng 9. Có vẻ như Giáo hoàng đã trực tiếp chỉ trích các tổ chức tiền tệ quốc tế như IMF và các chính sách hỗ trợ phát triển của một số quốc gia phát triển.

Không có quyền lực thực tế hay quyền lực đã thiết lập nào có quyền tước đoạt sự thực thi đầy đủ quyền tự chủ của các dân tộc. Bất cứ khi nào họ làm như thế, chúng tôi thấy sự nổi dậy của các loại chủ nghĩa thực dân mới có định kiến nghiêm trọng về khả năng hòa bình và công lý. Chủ nghĩa thực dân mới có nhiều gương mặt khác nhau. Thỉnh thoảng nó xuất hiện như ảnh hưởng vô danh của sự giàu có tội lỗi: các công ty, các cơ quan cho vay, một số hiệp định ‘tự do thương mại’ nhất định, sự áp đặt các biện pháp hà khắc luôn thít chặt thắt lưng của những công nhân và người nghèo”, ông nói.

Tuần trước đó, giáo hoàng Francis đã kêu gọi các nhà cầm quyền châu Âu duy trì phẩm giá con người ở trung tâm các tranh luận về giải pháp cho khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp.

Ông bảo vệ các liên đoàn lao động và ca ngợi những người nghèo đã xây dựng các hợp tác xã để tạo ra công việc ở những nơi mà trước đây “chỉ có sự khó chịu của một nền kinh tế sùng bái thần tượng”.

Trong một phần về chủ nghĩa thực dân, ông nói: “Tôi nói điều này với các bạn trong sự hối tiếc: nhân danh Chúa, nhiều tội ác nghiêm trọng đã được thực hiện để chống lại các dân tộc châu Mỹ bản địa”.

Ông bổ sung: “Một cách khiêm nhường tôi cầu xin sự tha thứ, không chỉ vì những tội ác của chính nhà thờ, mà còn vì những tội ác đã được gây ra trước các dân tộc bản địa trong thời kỳ được gọi là chinh phục châu Mỹ. Đó là tội ác và với số lượng lớn”.

Khán giả đã đứng dậy hoan hô giáo hoàng Francis khi ông đội một chiếc mũ thợ mỏ màu vàng được trao cho ông vào cuối bài diễn văn.

Thời điểm giáo hoàng đã thuyết giảng là cuối ngày trọn vẹn đầu tiên của ông ở Bolivia (ngày thứ năm 9/7/2015). Ông đến đó vào thứ tư, và vào buổi sáng thứ năm ông đã nói trước đám đông hàng trăm ngàn người về việc mỗi người đều có nghĩa vụ đạo đức trong việc giúp đỡ người nghèo. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể mong ước rằng người nghèo sẽ “biến mất”.

Giáo hoàng ca ngợi những cải cách xã hội của Bolivia để đem lại sự thịnh vượng dưới thời Morales (Evo Morales, tổng thống cánh tả đương nhiệm của Bolivia kể từ năm 2014). Vào thứ sáu, ông đã viếng thăm nhà tù bạo lực nổi tiếng Palmasola.

Trong buổi tối thứ tư, Giáo hoàng đã ngạc nhiên khi Tổng thống Morales trao cho ông món quà lạ lùng nhất trong những thứ ông từng được nhận: một cây búa và liềm – biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản – bằng gỗ chạm khắc hình ảnh chúa Jesus bị đóng đinh nằm trên cây búa.

Thứ sáu cũng là ngày giáo hoàng rời Bolivia để đến Paraguay, điểm đến cuối cùng trong chuyến công du “về nhà” của ông.

>> Thần học giải phóng: Khi người Thiên Chúa giáo chấp nhận Karl Marx
.

REDSVN.NET

Tags: , , ,