Giáo dục tại nhà: Những mảnh ghép còn thiếu và gợi mở cho Việt Nam

Những năm gần đây, homeschooling (hình thức giáo dục tại nhà) dần trở nên thịnh hành, đặc biệt từ khi thế giới chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tuy vậy, vẫn tồn tại những mảnh ghép còn thiếu khi mô hình này hoạt động tại Việt Nam.

Giáo dục tại nhà: Những mảnh ghép còn thiếu và gợi mở cho Việt Nam

Thay vì theo học tại trường học và chương trình học truyền thống, với homeschooling, phụ huynh đóng vai trò chính trong việc xây dựng nội dung giáo dục cho con em mình.

Hình thức homeschooling được cho là có hiệu quả hơn so với chương trình phổ thông truyền thống do nội dung học sẽ được thiết kế phù hợp với thiên hướng của mỗi trẻ em. Hình thức này cũng chú trọng phát triển kỹ năng mềm và trải nghiệm thực tế, đồng thời giúp tăng cường sự gắn kết gia đình.

Xu thế thịnh hành thời COVID-19

Homeschooling không còn là một hiện tượng tại Mỹ. Theo ThinkImpact, hình thức này giữ mức tăng ổn định từ 2-8% về số lượng trẻ em tham gia mỗi năm trên thế giới. Đáng chú ý, do nhiều trường học phải đóng cửa vì dịch COVID-19, giáo dục tại gia được nhiều phụ huynh lựa chọn hơn bao giờ hết.

Hiện nay, homeschooling phổ biến nhất tại Mỹ và các nước phát triển như Anh, Canada, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác.

Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Giáo dục tại gia tại Mỹ (NHERI), số trẻ em Mỹ được giáo dục tại nhà trong năm học 2020-2021 đã chạm ngưỡng 5 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Dữ liệu cũng cho thấy, học sinh theo hình thức homeschooling tại Mỹ đạt kết quả tốt hơn học sinh phổ thông trong kì thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Hiện nay, homeschooling phổ biến nhất tại Mỹ và các nước phát triển như Anh, Canada, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác.

Tại Mỹ, bằng giáo dục tại gia có giá trị tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông truyền thống và được các trường đại học, cao đẳng chấp nhận. Để có tấm bằng homeschooling hợp pháp, phụ huynh cần theo dõi quá trình học tập của con và đảm bảo con đáp ứng đủ yêu cầu tốt nghiệp phổ thông mà bang yêu cầu.

Tuy nhiên, theo The Harvard Gazette, Giáo sư Đại học Luật Harvard Elizabeth Bartholet cảnh báo, thực trạng homeschooling tại Mỹ đang tồn tại lỗ hổng pháp lý lớn liên quan tới việc thiếu quy định, thiếu giám sát từ chính quyền dẫn tới nguy cơ gia tăng ngược đãi trẻ em.

Một số nước châu Âu cũng có cơ chế quản lý việc homeschooling chặt chẽ hơn. Tại Đan Mạch, sẽ có điều tra định kỳ mỗi năm đối với các trẻ được giáo dục tại gia thực hiện bởi trường công lập địa phương.

Tại Pháp và Italy, để con có thể theo hệ homeschooling, cha mẹ cần sự xác nhận từ chính quyền địa phương. Tại Estonia và Slovenia, trẻ em học theo hình thức giáo dục này cần vượt qua các bài kiềm tra hàng năm. Nếu kết quả không đạt, các em phải quay lại trường công lập.

Những mảnh ghép còn thiếu…

Thực tế, Việt Nam hiện vẫn chưa chấp nhận học bạ và chứng chỉ tại gia. Việc lựa chọn giáo dục tại gia đồng nghĩa với trẻ sẽ bị tách khỏi nền giáo dục truyền thống và chỉ còn lựa chọn đi theo hệ homeschooling nước ngoài rồi apply du học.

Những phụ huynh Việt Nam chọn cho con hình thức giáo dục tại gia sẽ phải nghiên cứu rất kỹ về tiềm năng của con để lên kế hoạch đường dài trong 12 năm để đảm bảo đầu ra là việc du học. Họ cần lựa chọn cho con một giáo trình học phù hợp, dành thời gian kèm cặp, tự phát triển các hoạt động thực tế khoa học, lịch sử; cùng với đó là giáo dục kỹ năng mềm, nếp sống hằng ngày.

Khoan nói đến may rủi trong chuyện được nhận vào trường đại học nước ngoài, việc homeschooling không được hợp pháp hóa ở Việt Nam cũng dẫn tới những lỗ hổng dễ nhận thấy trong mô hình này.

Mục tiêu đảm bảo đầu ra tại các trường nước ngoài, cùng với việc tài liệu homeschooling ở Việt Nam còn hạn chế, dẫn tới hầu hết các gia đình chọn những chương trình giáo dục tại gia có tiếng tại Mỹ như Abeka để cho con theo học từ nhỏ.

Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử, giáo dục tại gia là hình thức giáo dục dành cho các gia đình có hoàn cảnh, theo tôn giáo khác với số đông trong khu vực. Các gia đình này chọn hình thức giáo dục riêng để con không bị phân biệt tại trường học; trong đó, cha mẹ đóng vai trò giáo dục chính.

Hình thức giáo dục này đạt hiệu quả tốt nhất khi có sự kết nối với gia đình và bối cảnh sở tại. Khi học giáo trình mượn từ nước ngoài, trẻ em Việt sẽ gặp khó khăn với những bộ môn Ngữ Văn, Lịch Sử do không hiểu bối cảnh nước Mỹ. Bài thi chuẩn hóa môn Ngữ Văn tại Mỹ đòi hỏi học sinh phải hiểu tác phẩm văn xuôi, điều này là rất khó khi trẻ không có sự cập nhật các sự kiện đang diễn ra tại Mỹ để liên hệ.

Hơn nữa, khi học theo chương trình thiếu sự chuyển đổi linh hoạt với văn hóa bản địa, trẻ em sẽ phần nào thiếu vốn kiến thức về xã hội so với các bạn cùng lứa. Vẫn còn những phụ huynh có xu hướng “sính ngoại”, chỉ tập trung cho các em học chương trình tiếng Anh bản xứ mà lơ là giáo dục tiếng bản địa.

Một điều cần lưu ý khác là sự kết hợp homeschooling với giáo dục phổ thông Việt Nam một cách thiếu cân bằng. Có phụ huynh muốn con vừa theo học chương trình tự giáo dục nước ngoài để thông thạo ngoại ngữ, vừa đảm bảo học tập trên lớp. Điều này dẫn tới quá tải, đi ngược lại với tư tưởng giáo dục tại gia – đó là đảm bảo khối lượng học kiến thức vừa đủ để có thời gian phát triển kỹ năng.

…Và lối đi nào cho Việt Nam?

Homeschooling là bước chuyển cấp thiết của thời đại. Tuy vậy, trên phương diện toàn cầu, nó vẫn cần cải thiện những khuyết điểm vốn có.

Nhiều nhà giáo dục đã dấy lên lo ngại homeschooling có nguy cơ khiến khả năng hòa nhập cộng đồng giảm, trẻ ít có cơ hội phát triển mối quan hệ với bạn bè. Homeschooling cũng có thể đi chệch hướng, gây tốn kém thời gian và tiền bạc.

Tuy vậy, các gia đình có con theo homeschooling không cần quá lo lắng, bởi một số cơ sở giáo dục đại học quốc tế tại Việt Nam đã bắt đầu nhận sinh viên có chứng chỉ của các tổ chức giáo dục tại gia Mỹ.

Những bậc cha mẹ muốn đầu tư nền giáo dục tại gia xứng đáng cho con tại Việt Nam cũng có thể tham khảo nguồn tài liệu, kinh nghiệm chia sẻ trên các hội nhóm hoặc mạng Internet. Luôn có những người đi trước giúp định hướng tốt trong lĩnh vực này, bởi nó không còn quá mới tại Việt Nam.

Trong tương lai, hy vọng sẽ có những nhà giáo dục phát triển chương trình học tại gia hiệu quả trên nền tảng những giá trị Việt Nam để nền giáo dục tại gia Việt Nam không còn là “vay mượn” thuần túy từ nước ngoài.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: