Giáo dục đại học giữa thế giới biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ

Tôi bắt đầu những năm tiểu học ở miền Bắc khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt. Bọn trẻ chúng tôi khi đó không hề có ý niệm về một môi trường học tập ổn định.

Giáo dục đại học giữa thế giới biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ

Tác giả: Đàm Bích Thủy, nhà đồng sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam.

Ký ức đầu tiên về trường học của tôi là những giờ dưới ánh đèn dầu leo lét, trong căn lán sơ sài dựng tạm giữa rừng dành cho bọn trẻ thành phố sơ tán về nông thôn tránh bom.

Tôi học ở mọi nơi có thể, từ ở nhà, nơi sơ tán, cho đến trong rừng. Tôi học từ bất kỳ ai sẵn sàng dạy, từ mẹ, cô bác hàng xóm hay anh chị đi trước trong làng. Mãi đến năm 1972, tôi mới biết một ngôi trường thực thụ là thế nào khi đặt chân về Hà Nội sau khi các cuộc ném bom ngừng hẳn.

Với thế hệ chúng tôi, chiến tranh và hệ lụy của nó đã tạo ra một thế giới nhiều biến động (volatility), bất định (uncertainty), phức tạp (complexity) và mơ hồ (ambiguity) – ngày nay gọi là thế giới VUCA.

Tuy vậy, những thử thách ấy lại không thể vùi lấp trong chúng tôi khát khao học tập và đam mê tri thức. Tôi đã đọc và ghi nhớ mọi cuốn sách có được trong tay, dù đó là sách lịch sử, văn chương hay sinh học. Theo một cách nào đó, đấy chính là nền “giáo dục khai phóng” mà tôi đã tự tạo ra cho mình.

Tuy nhiên, thế giới VUCA của tôi khi ấy còn nhỏ bé và khép kín. Tất cả mọi người đều chung một vạch xuất phát, và đều phải đối mặt với thử thách như nhau. Nhưng với các bạn trẻ ngày nay, thế giới VUCA đang phải đối mặt hoàn toàn khác biệt.

Đó là nơi thay đổi diễn ra từng ngày, từng giờ và không thể lường trước do tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ. Tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, trong khi mang lại những giá trị lớn lao cho xã hội, đồng thời cũng dẫn tới nhiều xáo trộn chưa từng có về mặt kinh tế khi nhiều ngành nghề – từ công việc lắp ráp theo dây chuyền đến bán lẻ và luật – có nguy cơ biến mất nhanh chóng. Đó là một thế giới mà như dự báo của các nhà khoa học, khoảng 80% công việc của năm 2030, tức chưa đầy 10 năm nữa, còn chưa xuất hiện.

Trong suốt những năm qua, và bây giờ, khi đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn trật tự bình thường cũ của cuộc sống, những người làm giáo dục chúng tôi thường trăn trở với câu hỏi: Giáo dục, nhất là giáo dục đại học, có thể chuẩn bị gì cho thế hệ trẻ hôm nay để họ có thể đương đầu vững vàng với tương lai đầy bất định ngoài kia? Liệu những mô hình đại học truyền thống được thiết kế theo kiểu chỉ đào tạo một chuyên ngành hẹp có còn phù hợp với những thay đổi chưa thể hình dung?

Đã có quá nhiều tranh luận về cải cách giáo dục đại học, về triết lý giáo dục đại học mà Việt Nam nên theo đuổi. Nhưng tôi nghĩ, suy cho cùng, chúng ta cần quay trở về với sứ mệnh chân chính của giáo dục đại học, đó là “giúp người học thích ứng và quản lý tốt những thay đổi diễn ra trong xã hội”. Tôi tin rằng, đại học của thế kỉ 21 phải làm thế nào dạy cho sinh viên “học cách học”, để họ biết quên đi những kiến thức đã không còn phù hợp, biết học hỏi và liên tục tái tạo tri thức, kỹ năng mới như chính cuộc khủng hoảng COVID-19 đang dạy chúng ta.

Đó cũng chính là lý do ngay từ ngày đầu tiên, những người sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam chúng tôi đã quyết định theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng – mô hình đã được chứng minh về khả năng trang bị cho người học năng lực thích ứng với thay đổi trong môi trường công việc và xã hội nhờ phông nền kiến thức rộng và những kỹ năng sống còn như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Nhưng hành trình để thuyết phục xã hội tin tưởng vào những lựa chọn và thể nghiệm giáo dục mới không hề suôn sẻ. Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên năm năm về trước, khi chúng tôi mời một số cha mẹ học sinh và cả các chuyên gia giáo dục đến nói chuyện về giáo dục khai phóng. Có rất nhiều câu hỏi chất vấn và đâu đó là sự hoài nghi về tính thực tiễn của cách tiếp cận này. Trong bối cảnh hầu hết người Việt Nam tin rằng học đại học để lấy một nghề, nhiều người không thể hiểu tại sao sinh viên phải dành ít nhất năm đầu tiên tại Fulbright để tìm hiểu về nhiều lĩnh vực tri thức cơ bản, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cho tới nhân văn và nghệ thuật, trước khi quyết định chọn một chuyên ngành cụ thể.

Nhưng chỉ hai năm sau khi Fulbright tiếp nhận lứa sinh viên đầu, lời đáp đã ngày càng tỏ tường. Mới đây thôi, tôi nhận được chia sẻ từ giám đốc nhân sự một công ty công nghệ lớn của Việt Nam, cô cho biết CEO của họ đánh giá rất cao các sinh viên Fulbright đang thực tập tại đây vì kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Một số em đã nhận được lời mời làm việc chính thức từ công ty dù mới chỉ hoàn thành năm thứ hai đại học và ngay cả khi các em chưa lựa chọn chuyên ngành. Đối với những người làm giáo dục chúng tôi, đó quả là một sự khích lệ đầy ý nghĩa.

Trong lý thuyết “nguồn vốn con người” nổi tiếng, nhà kinh tế học thắng giải Nobel Gary Becker từng chỉ ra nguồn vốn con người thường chiếm từ 70% – 75% khả năng thịnh vượng của một quốc gia. Các nước châu Á, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, được nêu ra như ví dụ về những nền kinh tế đã sử dụng giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng. Dù có rất ít tài nguyên thiên nhiên, họ đã đầu tư mạnh cho hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực và gặt hái phần thưởng xứng đáng.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ nếu muốn tiếp bước con đường thành công của họ. Để với tới những thành tựu kinh tế – xã hội tốt hơn, Việt Nam buộc phải chuyển đổi thành công sang các hoạt động kinh tế thâm dụng tri thức và giá trị gia tăng cao. Nhưng dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau một sự thật rằng đang có khoảng cách lớn giữa nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng giáo dục đại học của Việt Nam, được phản ánh rõ nét qua tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày một tăng.

Điều gì ta có thể học được từ cuộc khủng hoảng COVID hiện tại? Đó có lẽ là: hành động chậm trễ trong khâu chuẩn bị cho những thay đổi đều phải trả giá rất đắt.

Thay đổi không còn ở thì tương lai nữa. Nó đang xảy ra ngay lúc này, ở đây, và đòi hỏi mỗi chúng ta phải tư duy lại về cách mà thế giới VUCA sẽ định hình cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và đất nước ta thuộc về.

Hành trình ấy, hơn bao giờ hết, phải bắt đầu từ giáo dục.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,