Giảm ăn thịt giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe như thế nào?

Giảm ăn thịt không chỉ là cách bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ chính chúng ta, tránh mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo.

Giảm ăn thịt giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe như thế nào?

Ăn nhiều thịt dễ mắc bệnh hiểm nghèo

Để thu lợi nhuận cao nhất, con vật bị nhồi nhét, bị tiêm hor­mone để kích thích ăn uống, sinh trưởng, bị uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nhiều hỗn hợp hóa chất dùng làm thức ăn.

Một bài viết trên tờ New York Times đưa ra nhận định: “Sự nguy hiểm đe dọa trầm trọng sức khỏe người tiêu dùng là các nhân tố gây bệnh bị che đậy, được gọi là các vi khuẩn như salmonella và các phần bã còn lại khi dùng các loại thuốc trừ sâu, nitrate, natri, hormone, kháng sinh và các hóa chất khác”.

Có rất nhiều chất hóa học đã được tìm ra là nguyên nhân của bệnh ung thư và thực tế có nhiều con vật đã chết vì các loại dược phẩm trước khi chúng bị làm thịt. Các công trình nghiên cứu cho thấy nhiều hóa chất trong thịt và cá có thể gây ung thư và nhiều loại bệnh khác, làm thai bị dị dạng, tác hại rất lớn tới phụ nữ có thai và trẻ em.

Mặc dù ăn thịt giàu đạm (protein) giúp nâng cao thể chất, tuy nhiên y học đã phát hiện ra rằng tiêu thụ thịt quá nhiều không có lợi cho sức khỏe vì nó làm tăng nguy cơ bệnh tim và một số dạng ung thư.

Sự thực hiển nhiên là thịt động vật nếu cứ để tự nhiên thì sau một ngày sẽ bị ôi thiu. Vì thế, nền công nghiệp thực phẩm đã cố gắng bảo quản và che giấu sự biến màu của thịt bằng cách thêm vào Natri, Nitrat và các chất bảo quản khác.

Những chất bảo quản đó làm thịt tươi lâu. Song nó chính là sát thủ nguy hiểm vì có chứa chất carcinogenic gây ung thư. Ông William Lijinsky, nhà nghiên cứu ung thư nổi tiếng Mỹ đã nói: “Thậm chí tôi không bao giờ cho con mèo của tôi ăn những thức ăn có Nitrat”.

Lý lẽ thuyết phục nhất khiến người ta tuân thủ một chế độ ăn không có thịt là mối liên quan không thể bác bỏ giữa việc ăn thịt và bệnh tim mạch. Đây là căn bệnh phổ biến nhất của xã hội hiện đại có nhiều người ăn thịt như Mỹ, Canada, Tây Âu và bây giờ là Việt Nam. Điều gì gây tai hại cho sự lưu thông máu ở những người ăn nhiều thịt?

Cái giá phải trả cho môi trường

Nếu tất cả mọi người trên trái đất ăn thịt nhiều như người dân ở Mỹ chẳng hạn (trung bình người Mỹ tiêu thụ 120 kg thịt/năm, đứng đầu thế giới), sẽ không có đủ đất đai và không có đủ nước để trồng đủ lương thực nuôi lượng gia súc cần thiết. Vấn đề cấp bách đặt ra là làm thế nào để đảo ngược xu hướng này.

Những con số thống kê trên cho thấy cái giá phải trả cho môi trường và chi phí của nền kinh tế toàn cầu cho việc sản xuất và tiêu thụ thịt rõ ràng rất lớn.

Và nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, thịt sẽ được sản xuất ngày càng nhiều hơn và kết quả tất yếu là thiệt hại môi trường nhiều hơn. Đây là xu hướng không bền vững và tất yếu dẫn đến thảm họa. Ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật (hay ăn chay) hoặc ít nhất giảm tiêu thụ thịt là giải pháp cho vấn đề trên.

Chế độ ăn này không chỉ bảo vệ môi trường, có ý nghĩa kinh tế mà còn tốt cho sức khỏe và có ý nghĩa tín ngưỡng, hầu hết các tôn giáo đều có lý do tinh thần để không ăn thịt.

Giảm ăn thịt vì môi trường và sức khỏe

Các nhà khoa học tại Đại học Harvard khẳng định rằng: Huyết áp trung bình ở người ăn chay ổn định hơn nhiều so với những người ăn mặn. Tại Mỹ, bệnh tim mạch là căn bệnh giết người hàng đầu. Một nửa số người chết là do bệnh tim hay có liên quan đến bệnh về mạch máu.

Càng ngày càng có nhiều thầy thuốc ở Mỹ đưa ra chế độ ăn hạn chế thịt cho các bệnh nhân tim mạch hoặc thuyết phục người bệnh thôi hẳn việc ăn thịt.

Tạp chí Hiệp hội Hoa Kỳ đã công bố: “Chế độ ăn chay có thể ngăn ngừa 90- 97% bệnh tim mạch (tắc nghẽn mạch máu và tắc động mạch vành)”.

Các nhà khoa học đã thừa nhận rằng: Chất xơ do chế độ ăn chay đã làm cho lượng cholesteron ở vào mức thấp.

Bác sĩ U.D.Register – Chủ nhiệm khoa dinh dưỡng tại Đại học Loma Linda thuộc bang California – đã mô tả thí nghiệm về một chế độ ăn giàu đỗ tương, đậu… thực sự làm giảm lượng cholesteron ở cả những người đang ăn một số lượng lớn bơ sữa.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết lượng khí thải độc hại sinh ra từ ngành chăn nuôi và sản xuất thịt chiếm tới 1/5 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Dự tính đến năm 2050, tổng sản lượng thịt trên thế giới sẽ lên tới 456 triệu tấn, gấp đôi sản lượng thịt năm 2001. Chính vì lý do trên, các nhà khoa học khuyến cáo nhân dân thế giới nhịn các món khoái khẩu từ thịt ít nhất hai ngày trong tuần nhằm góp phần cứu Hành tinh Xanh của chúng ta.

Theo MOITRUONG.COM.VN

Tags: , ,