⠀
Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải nhựa ở Việt Nam?
Mỗi lần về Việt Nam, tôi để ý thấy tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tràn lan. Quán cà phê dùng cốc nhựa, siêu thị dùng túi nilon đựng đồ cho khách hàng…
Tác giả: TS Bùi Mẫn, kỹ sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất.
Xu hướng gọi đồ ăn qua ứng dụng, mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử càng khiến sản phẩm nhựa dùng một lần vứt đầy trong thùng rác các gia đình ở đô thị.
Dubai, nơi tôi đang sinh sống và làm việc, các siêu thị tính phí từ 0,25 đến 0,50 AED (khoảng 1.500 đến 3.000 đồng) cho mỗi túi nhựa khách dùng. Chính sách này khuyến khích người tiêu dùng mang túi tái sử dụng để giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Gần đây, các siêu thị ở Dubai cung cấp túi giấy miễn phí và giá cả các mặt hàng dường như không đổi. Đây là giải pháp đơn giản và hiệu quả, tạo hình ảnh tốt về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khách hàng thực ra đang chịu thêm chi phí với các mặt hàng tính theo trọng lượng, vì túi giấy nặng hơn túi nilon.
Rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường sống, đại dương, sức khỏe, cũng như kinh tế du lịch. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm, 9 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển và hơn 1 triệu sinh vật biển chết do rác thải nhựa. Hạt vi nhựa đã được tìm thấy thậm chí trong nước uống, thực phẩm, và trong không khí. Các nghiên cứu cho thấy hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào máu, nội tạng như gan và phổi, và thậm chí là não, gây tổn thương tế bào, viêm nhiễm và thậm chí gây đột biến gen.
Trong khi đó, tỷ lệ tái chế nhựa hiện rất thấp, khoảng 9% rác thải nhựa toàn cầu được tái chế vào năm 2021, trong khi phần lớn bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường. Ở Việt Nam, con số này chỉ đạt 33%.
Có hai nhóm giải pháp chính để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Thứ nhất là giảm sử dụng nhựa dùng một lần, như bao nilon, chai nhựa và/hoặc thay thế bằng vật liệu khác. Thứ hai là tái sử dụng rác thải nhựa.
Để giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, cần khuyến khích người tiêu dùng chọn sản phẩm thân thiện với môi trường. Siêu thị và cửa hàng có thể cung cấp túi vải, túi giấy hoặc túi phân hủy sinh học thay thế túi nhựa, khuyến khích khách mang túi cá nhân khi mua sắm. Tại Việt Nam, một số công ty đã sử dụng lá sen, lá bàng, mo cau để làm chén đĩa, hoặc ống hút bằng cỏ, dao nĩa bằng tre, và lá chuối để gói hàng.
Tuy nhiên, có thể nói các nỗ lực trên chỉ như “muối bỏ biển” vì mối quan hệ cung – cầu góp phần duy trì sự phụ thuộc vào nhựa, đặc biệt khi nhựa sẵn có với số lượng lớn, giá thành thấp và dễ sản xuất hơn so với các vật liệu thay thế. Chuyển sang vật liệu thân thiện hơn với môi trường thường không mang lại lợi ích kinh tế tức thời. Do đó, nỗ lực thay thế nhựa bằng vật liệu sinh học hoặc composite sinh học gặp nhiều thách thức về nguồn cung và chi phí, do giá thành cao hơn, năng suất thấp và khó đạt được sự phổ biến như nhựa.
Hướng tới tương lai bền vững, chúng ta cần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, với sự phối hợp chặt chẽ từ doanh nghiệp, chính phủ, giới học thuật và người tiêu dùng. Để giảm chi phí và tăng cường sử dụng nhựa tái chế, cần thay đổi về công nghệ, chính sách và hành vi tiêu dùng.
Chính phủ có thể áp thuế môi trường cho sản phẩm nhựa mới, hỗ trợ tài chính cho các công ty tái chế, đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến, và đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc về sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất… Việt Nam có thể tham khảo các nước như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nauy trong việc thúc đẩy tái chế và quy trình phân loại rác tại nguồn, đồng thời hỗ trợ chương trình giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về tái chế và giảm thiểu nhựa.
Tỷ lệ tái chế nhựa hiện nay vẫn rất thấp vì các phương pháp tái chế chưa hiệu quả. Tái chế nhựa không chỉ gặp rào cản về chi phí mà còn phải cạnh tranh với nhựa mới có chất lượng cao hơn và chi phí thấp.
Quy trình tái chế phức tạp từ phân loại, thu gom, làm sạch đến sản xuất, khiến chi phí tái chế cao. Nhựa tái chế thường có chất lượng không đồng nhất do nguồn gốc và quy trình tái chế, và không thể tái sử dụng mãi vì chất lượng giảm sau mỗi lần tái chế.
Vì vậy, chúng ta rất cần các giải pháp sáng tạo để có thể tái chế quy mô lớn rác thải nhựa. Để góp phần vào giải pháp lâu dài, trong bài viết này, tôi đề xuất một số ý tưởng nhằm tái sử dụng rác thải nhựa quy mô lớn. Các giải pháp này, chủ yếu được áp dụng trong ngành xây dựng, đáp ứng được các tiêu chí về tiện, bền, rẻ, đẹp và thân thiện môi trường. Các ý tưởng có thể được phát triển thành sản phẩm có giá trị thực tế.
Cần lưu ý, một điểm yếu lớn của nhựa là khả năng chịu nhiệt kém và dễ biến dạng khi gặp nhiệt độ cao. Điều này đòi hỏi nhựa tái chế trong xây dựng phải có biện pháp xử lý cụ thể, như sử dụng phụ gia chịu nhiệt, kết hợp sợi thủy tinh hoặc sợi carbon, thêm lớp phủ cách nhiệt, hoặc thiết kế cấu trúc thông minh để tản nhiệt. Các giải pháp này giúp nhựa tái chế có thể dùng trong cấu kiện xây dựng yêu cầu độ bền cao, nhưng lại tăng chi phí sản xuất và xử lý, khiến tái chế nhựa trở thành bài toán kinh tế phức tạp.
Một giải pháp lớn là sử dụng rác thải nhựa để làm bờ kè sông, hồ và bờ biển. Các bản nhựa tái chế dạng mô-đun có thể lắp ghép dễ dàng, cố định vào hệ thống chịu lực chính, tạo hệ thống kè chắn chịu lực tốt, chống xói lở và tăng ổn định. Các bản nhựa này giảm chi phí so với bê tông hay đá, nhờ thi công lắp ráp nhanh. Với thiết kế linh hoạt, bờ kè nhựa còn tạo không gian cho cây cỏ phát triển, góp phần xây dựng hệ sinh thái tại công trình.
Tiếp theo, chúng ta có thể tái chế rác nhựa thành các hộp nhựa rỗng khổng lồ, gia cường để có khả năng chịu lực cao, có thể lắp ghép để phục vụ san nền cho công trình giao thông và dân dụng, thay thế cho đất cát, vốn là tài nguyên đang dần cạn kiệt. Với đặc tính chống nước và chống mài mòn, những hộp nhựa này tạo ra lớp đệm ổn định, giảm lún sụt, tăng ổn định và giảm chi phí thi công. Nhựa tái chế nhẹ hơn cát và đá, giúp giảm tải trọng và chi phí vận chuyển. Các hộp nhựa được sản xuất sẵn tại nhà máy, mang lại hiệu quả kinh tế cao và rút ngắn thời gian thi công. Đây còn là giải pháp tiềm năng cho vấn đề lún sụt địa tầng.
Một giải pháp nổi bật khác là chế tạo cọc nhựa gia cường sợi (và cốt thép nếu cần) từ rác thải nhựa để làm móng cọc. Cọc cần được gia cường đủ để chịu áp lực ép cọc và tải trọng công trình. Với khả năng chống ăn mòn và không bị ảnh hưởng bởi nước ngầm, cọc nhựa là lựa chọn lý tưởng thay thế cọc bê tông. Giải pháp này giúp giảm lượng rác thải nhựa, biến rác thành tài nguyên hữu ích cho xây dựng. Móng cọc nhựa gia cường có thể gồm nhiều đoạn: đoạn bên dưới là cọc nhựa gia cường sợi, đoạn trên cùng là cọc bê tông cốt thép để neo thép vào đài móng và giảm rủi ro khi có hỏa hoạn.
Cuối cùng, một giải pháp tiềm năng là dùng rác thải nhựa để chế tạo gạch (panel) xây dựng kích thước lớn, với thiết kế ngàm lắp ghép mà không cần vữa. Loại gạch này có thể được sản xuất hàng loạt trong nhà máy với khuôn mẫu chính xác, tạo sản phẩm đồng nhất và dễ lắp ráp tại công trường. Bề mặt gạch được xử lý chịu nhiệt, chống cháy, đảm bảo an toàn cho công trình. Gạch này còn có thể tích rỗng ở giữa để cách nhiệt, đặc biệt cho xứ lạnh. Sử dụng gạch nhựa (không cần vữa) không chỉ giảm chi phí và thời gian thi công nhờ tính tiện lợi, mà còn giảm phát thải CO₂ nhờ loại bỏ công đoạn nung gạch hoặc sử dụng xi măng.
Với nhu cầu xây dựng lớn trên toàn cầu hàng năm, gạch nhựa lắp ghép khối lớn có thể tiêu thụ lượng rác thải nhựa khổng lồ, giúp giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Bên cạnh xây dựng, ngành thời trang cũng là một hướng đi tiềm năng để tận dụng rác thải nhựa quy mô lớn. Sản xuất quần áo từ sợi nylon tái chế là giải pháp khả thi. Nếu mỗi người dùng 1kg quần áo chứa nilon tái chế mỗi năm, lượng rác thải nhựa tái chế có thể đạt tới 8 triệu tấn. Điều này giúp giảm nhựa mới, tạo xu hướng thời trang bền vững và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Các ý tưởng trên không chỉ đáp ứng yêu cầu về tiện lợi-bền-rẻ-đẹp, mà còn có tiềm năng tiêu thụ lượng lớn rác thải nhựa trong các ngành công nghiệp và xây dựng. Rác nhựa sẽ có giá trị cao, hay nói nôm na là tái chế… ra tiền.
Quản lý rác thải nhựa không chỉ là thách thức về môi trường mà còn là vấn đề kinh tế và xã hội phức tạp. Nếu không có thay đổi căn bản trong sản xuất, cũng như các ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng và xử lý nhựa, rác thải nhựa sẽ tiếp tục là gánh nặng cho môi trường và sức khỏe con người.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Rác thải, Quản lý môi trường