Đường có mái che vỉa hè ở các đô thị Việt Nam: Nên hay không?

Trên 84% số bạn đọc một tờ báo lớn của Việt Nam phản đối đề xuất làm đường có mái che ở đại lộ Lê Lợi, TPHCM. Đây là một dự án có quy mô khá khiêm tốn nhưng lại nhận được ít sự đồng tình của dư luận.

Đường có mái che vỉa hè ở các đô thị Việt Nam: Nên hay không?

Đường Lê Lợi ở Quận 1, TPHCM. Ảnh: H.G.

Trên 84% số bạn đọc một tờ báo lớn của Việt Nam phản đối đề xuất làm đường có mái che ở đại lộ Lê Lợi, TPHCM. Đây là một dự án có quy mô khá khiêm tốn nhưng lại nhận được ít sự đồng tình của dư luận. Đa số lý do phản đối là mái che sẽ gây mất mỹ quan của kiến trúc cổ điển của đường phố, chi phí đầu tư cao, cần thời gian thiết kế và xây dựng, bảo trì, vệ sinh. Một số lo lắng về các quy định về an toàn giao thông và an toàn của vật liệu dùng để xây mái che.

Từng được tham dự một số chương trình giao lưu giữa lãnh đạo TPHCM với Singapore với mục tiêu xây dựng “thành phố thông minh, thân thiện”, giúp tạo ra một không gian sống thân thiện với con người, tôi quyết định nên chia sẻ các kinh nghiệm mà Singapore, nơi tôi đang sống và làm việc, đã tiến hành các bước đi đầu tiên của họ bằng cách tạo sự thuận tiện cho người đi bộ, như thế nào.

Đường đi bộ có mái che là một phần quan trọng của kiến trúc đô thị Singapore ngay từ những năm 1960. Tại thời điểm này, Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng phát động phong trào “đi bộ nâng cao sức khỏe” cho người dân và hết sức quan tâm tới việc che mát vỉa hè, xây đường đi bộ có mái che.

Đến những năm 1990, Singapore đưa ra chiến lược “không gian sống xanh” để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Các đường đi bộ được thiết kế lại với mái che, kết hợp cây xanh, hoa cỏ và các tiểu cảnh khác để tạo ra một không gian sống đẹp mắt, thoải mái và thân thiện với môi trường.

Một lối đi có mái che dài hàng trăm mét kết nối trạm tàu điện với trạm xe bus ở Singapore. Ảnh: Ricemedia.

Mái che thường được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, như lưới chống nắng, để bảo vệ người đi bộ khỏi tác động của thời tiết. Mái che còn có màu sắc tươi sáng, thiết kế đẹp mắt để tạo điểm nhấn kiến trúc cho đường đi bộ.

Tổng thể, đường đi bộ với mái che tại Singapore là một phần trong chiến lược đô thị thông minh của thành phố, giúp tạo ra không gian sống xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường, thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân.

Hiện nay, Singapore có hàng trăm km đường đi bộ có mái che, được trang trí bởi cây xanh và các tiểu cảnh khác. Hầu hết các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư (HDB) đều có đường đi bộ có mái che mưa nắng dẫn đến các siêu thị, bến tàu xe, đến trung tâm văn hóa… Các cơ quan chức năng của Singapore còn có kế hoạch xây thêm 150km đường có mái che từ nay đến năm 2040.

Người dân Singapore hiện nay đang giữ kỷ lục là dân đi bộ nhanh nhất thế giới và nhiều nhất thế giới. Họ đi với tốc độ 19m trong 10,55 giây. Theo sau đó là người Đan Mạch (Copenhagen) và người Tây Ban Nha (Madrid). Có lẽ cũng nên so sánh tốc độ và thói quen đi bộ của người Singapore với tuổi thọ trung bình của người dân nước này. Theo Thống kê Dân số và Điều tra hộ gia đình Singapore, tuổi thọ trung bình của dân Singapore là 83,1 tuổi. Các yếu tố góp phần đến tuổi thọ cao của người Singapore, trong đó có môi trường sống tốt, lối sống lành mạnh và rèn luyện sức khỏe tốt.

Năm 2019, trong buổi tiếp xúc với Ủy ban đường bộ Singapore, lãnh đạo Sở Giao thông TPHCM có hỏi kinh nghiệm về phát triển giao thông công cộng ở Singapore và được chia sẻ: hãy làm thật nhiều đường bộ có mái che!

Các nước tiên tiến khác trên thế giới xây dựng đường đi bộ có mái che theo nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, văn hóa và kiến trúc địa phương. Tại Nhật Bản, đường phố được trang trí bằng mái che rộng, đẹp mắt, bảo vệ người đi bộ khỏi nắng mưa. Tại Hàn Quốc, các mái che có kiểu dáng khá đơn giản như Singapore, làm bằng chất liệu vững chãi như thép, kính cường lực. Đường có mái che có kiến trúc đẹp nhất là Pháp, làm bằng chất liệu đá, thép, kiểu dáng cổ điển, đẹp mắt.

Quay trở lại với vỉa hè đường Lê Lợi. Chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết các lo ngại của người dân về nhu cầu sử dụng, về tình trạng môi trường xung quanh, về quy hoạch đô thị, kiểm soát chi phí đầu tư, quản lý vận hành sau khi xây dựng.

Cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài nguyên Môi trường cần có sự phối hợp thích đáng cho dự án này. Nên nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia về kiến trúc, cảnh quan, kỹ thuật xây dựng để đảm bảo dự án được thiết kế và xây dựng đúng cách và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cân nhắc hài hòa với diện mạo kiến trúc tổng thể của phố Lê Lợi.

Cần đảm bảo rằng mái che được thiết kế sao cho không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà trái lại đem lại sự thuận tiện cho khách bộ hành. Cần kết hợp với cây xanh và hoa cỏ trồng trên vỉa hè. Cung cấp đầy đủ thông tin về an toàn cho người đi bộ và xe cộ dưới lòng đường. Cuối cùng, cần lan tỏa và thu hút sự ủng hộ của dư luận, sự tham gia của cả của cộng đồng để đường có mái che được duy trì và sử dụng lâu dài.

Đã đến lúc chúng ta trả lại vỉa hè đường phố cho người đi bộ, ưu tiên cho sự thuận tiện, an toàn của người đi bộ. Đường có mái che ở đại lộ Lê Lợi kết hợp với cây xanh để che mưa và che nắng, có lẽ, sẽ là bước đầu cho những con đường đi bộ có mái che ở những địa điểm đông dân khác trong thành phố. Khi mô hình này được nhân rộng, nó sẽ góp phần thay đổi hành vi giao thông của đông đảo dân chúng, đẩy giao thông công cộng, phát triển sức khỏe cộng đồng và lành mạnh hóa văn minh đô thị.

Theo MICHEAL NGUYỄN MINH / DÂN TRÍ

Tags: