Đôi lời về ‘con ngáo ộp’ mang tên lạm phát ở Việt Nam

Ai cũng sợ lạm phát. Điều đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng sợ lạm phát đến mức để lâm vào tình trạng để nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản, đứt gãy sản xuất thì nỗi sợ đó còn nguy hại hơn.

Đôi lời về ‘con ngáo ộp’ mang tên lạm phát ở Việt Nam

Hồi đầu năm nay, mỗi khi có dịp gặp các chuyên gia kinh tế tôi luôn hỏi dự báo của họ về triển vọng lạm phát của Việt Nam. Có người dự báo, lạm phát trong nước sẽ gia tăng dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên liệu tăng và nhiều yếu tố bên ngoài khác. Là nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, Việt Nam sẽ khó tránh được xu thế lạm phát.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia nói, những yếu tố đó chỉ tác động đến lạm phát trong nước một phần thôi vì khu vực FDI ở nước ta nhập khẩu nguyên vật liệu về lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu ra nước ngoài; và khu vực FDI là trụ cột kinh tế khi chiếm tới 73% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng họ khá tách biệt khỏi nền kinh tế. Hay nói cách khác, lạm phát được nhập vào, rồi lại được xuất đi thôi.

Hơn nữa, các chuyên gia giải thích thêm, các gói kích thích kinh tế hơn 350 ngàn tỷ đồng và đầu tư công sẽ rất khó được giải ngân đúng kế hoạch trong bối cảnh không ít công chức ở nhiều nơi không dám làm gì cả. Kết quả là lạm phát sẽ khó tăng cao trong năm 2022 này.

Tôi nghĩ rằng, quan điểm thứ hai này có cơ sở thuyết phục hơn.

Phải nói thật, ai cũng sợ lạm phát sau những trải nghiệm đắng cay trong mấy thập kỷ gần đây, nhất là người nghèo bởi nó là thuế đánh trực tiếp lên túi tiền eo hẹp, cắt giảm phần ăn trên mâm cơm mỗi ngày của họ.

Khi những ngày cuối cùng của năm 2022 hậu Covid-19 đang dần đi qua, luồng quan điểm thứ hai ngày càng có cơ sở và trên thực tế đã trở thành hiện thực. Lạm phát của Việt Nam chỉ hơn 3% chút đỉnh, thấp hơn con số lạm phát mục tiêu 4%.

Nói một cách thẳng thắn, lạm phát mục tiêu 4% là con số pháp lệnh nên nó luôn gây ám ảnh. Nhiều chính sách đã phải quay quanh nó, làm xuất hiện rất nhiều nghịch lý trong nền kinh tế.

Lạm phát thấp bậc nhất thế giới, nhưng lãi suất lại cao bậc nhất thế giới và tăng trưởng kinh tế cũng cao bậc nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao bậc nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường chứng khoán lại lao dốc với tốc độ kỷ lục thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mất hết động lực và đối diện với rủi ro chưa từng thấy, còn thị trường bất động sản đông cứng chưa biết đâu là điểm cuối.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền, đơn hàng; nhiều người lao động đối diện với tình trạng mất việc hay hoãn giãn việc làm.

Tất cả những nghịch lý trên và còn nhiều hơn nữa suy cho cùng có cùng một nguyên nhân chính là thiếu tiền, thiếu thanh khoản. Hay nói đúng hơn, tất cả là do “con ngáo ộp” mang tên lạm phát.

Trong 11 tháng đầu năm, cung tiền M2 chỉ tăng khoảng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021. Năm 2021 cả nền kinh tế đóng đông cứng do phong tỏa chống Covid-19, tăng trưởng thấp nhất trong mấy chục năm nay mà cung tiền còn cao hơn so với năm nay, khi nền kinh tế mở ra và tăng trưởng cao đến 8% thì mới thấy cung tiền của năm nay bất cập như thế nào. Rất hiếm khi có tình trạng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế chậm như vừa rồi, vòng quay của cung tiền giảm mạnh như vậy.

Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao và tỷ giá biến động thì doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn để trang trải chi phí tăng thêm. Tuy nhiên, họ không tiếp cận được vốn vì vòng kim cô mang tên “room” ghì chặt. Cho dù giá vốn có cao lên thì các doanh nghiệp vẫn phải vay để duy trì thanh khoản. Ấy vậy mà họ không vay được, làm tình trạng mất thanh khoản, tình trạng nợ đọng, nợ lẫn nhau diễn ra rất đáng báo động.

Hơn nữa, đợt điều chỉnh tỷ giá rất đột ngột hồi trung tuần tháng 9, làm nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, làm phá sản nhiều hợp đồng ký trước đó. Việc điều chỉnh tỷ giá là đặng chẳng đừng vì FED tăng lãi suất, hút dòng vốn USD về Mỹ làm các đồng tiền chao đảo.

Tuy nhiên, FED công bố lộ trình và liều lượng điều chỉnh lãi suất ngay từ cuối năm ngoái một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình nên doanh nghiệp nào cũng lường trước được chứ không như ở ta.

Lẽ ra, việc điều chỉnh tỷ giá cần rút kinh nghiệm từ lần điều chỉnh tỷ giá đột ngột tới 9,3% năm 2011, và đặc biệt sau khi Thủ tướng đã yêu cầu không được ban hành chính sách “giật cục” ngay từ đầu năm nay.

Ở mức độ nào đó, lạm phát năm nay được khống chế thấp một thành công. Tuy nhiên, cũng chính lạm phát thấp lại là tín hiệu xấu cho thấy nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy kiệt.

Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tháng 9 đến nay đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động cho thấy, có tới 482.120 người lao động tại 1.242 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở bị giảm giờ làm chỉ từ tháng 9 đến đầu tháng 12 này. Mà đó mới chỉ là thống kê sơ bộ và cả nước có tới hơn 857.500 doanh nghiệp.

Đã đành, dự báo luôn luôn khó khăn trong bối cảnh tình hình quốc tế được cho là “chưa có tiền lệ” và “không thể dự báo được”. Tuy nhiên, năng lực dự báo phải được cải thiện, kinh nghiệm và nhất là bản lĩnh cần được phát huy thì trong năm mới sẽ tránh được tình trạng con ngáo ộp lạm phát làm rất nhiều chính sách sợ hãi đến vậy.

Ai cũng sợ lạm phát. Điều đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng sợ lạm phát đến mức để lâm vào tình trạng nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản, đứt gãy sản xuất thì nỗi sợ đó còn nguy hại hơn.

Theo TƯ GIANG / VIETNAMNET

Tags: