⠀
Điều gì thúc đẩy Việt Nam tái cấu trúc Bộ Công an?
Bộ Công an Việt Nam công bố hôm 02/04/2018 rằng Bộ Chính trị đã thông qua một đề án nhằm tái cấu trúc Bộ này.
Kế hoạch chi tiết do chính Bộ Công an soạn thảo đề xuất bãi bỏ 6 tổng cục hiện có và giảm số đơn vị cấp cục từ 126 như hiện nay xuống còn 60. Cuộc cải cách lớn này ước tính có thể tác động tới khoảng 300 đến 400 tướng tá và quan chức cấp cao của Bộ. Các sĩ quan cấp dưới cũng có thể chịu tác động khi một số người có thể bị điều chuyển khỏi Bộ. Những cải cách cơ cấu tương tự cũng sẽ được áp dụng cho các sở công an tỉnh thành và các đơn vị ở các cấp thấp hơn.
Việc tái cấu trúc nhằm làm cho lực lượng công an trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn. Với cấp tổng cục bị bãi bỏ và số lượng các cục giảm xuống, cơ cấu chỉ huy sẽ trực tiếp và nhanh gọn hơn. Ngoài tiết kiệm chi phí, việc tái cấu trúc cũng cho phép Bộ Công an chuyên nghiệp hóa các đơn vị công an ở cấp cơ sở bằng cách thay thế các nhân viên ít chuyên môn nghiệp vụ bằng những người được đào tạo tốt hơn từ các đơn vị cấp trên.
Nếu xét tầm quan trọng của Bộ Công an đối với an ninh chế độ và sự bất bình mà quá trình tái cấu trúc có thể gây ra cho một số quan chức bị ảnh hưởng, đợt cải cách này cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc cải cách bộ máy nhà nước. Để thấy được bức tranh chung, cần nhận thấy rằng Đảng và chính phủ cũng đang thúc đẩy các bộ khác tiến hành các biện pháp tinh giảm biên chế, sắp xếp và tái cấu trúc tương tự. Bản thân Đảng cũng đang thử nghiệm các cải cách thể chế khác nhau, đáng chú ý là việc hợp nhất hóa chức danh bí thư đảng với vị trí chủ tịch uỷ ban nhân dân ở một số cấp địa phương. Những cải cách này dự kiến sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo giữa các hệ thống đảng và chính quyền, tiết kiệm chi phí, tăng trách nhiệm giải trình của các quan chức và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị.
Một động lực chính cho quá trình cải cách này chính là áp lực xuất phát từ tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài của Việt Nam. Mặc dù Bộ Công an không tiết lộ tổng số nhân lực của mình, nhưng con số này ước tính lên tới hàng triệu người, đặt ra một gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc tinh giảm lực lượng của Bộ Công an là một biện pháp quan trọng để cải thiện vị thế ngân sách của chính phủ.
Đồng thời, do Bộ Công an đã giành được quyền lực đáng kể và phình to nhanh chóng dưới thời của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc sắp xếp lại và giảm quy mô của Bộ Công an có thể được coi là một biện pháp nhằm tái lập sự kiểm soát của Đảng đối với Bộ. Việc cải cách cũng mang lại một cơ hội tốt nhằm đề bạt các quan chức được xem là có năng lực, trong sạch và trung thành với ban lãnh đạo hiện nay. Sự thay đổi quan trọng này có được là nhờ sự kiểm soát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an thông qua sự tham gia chưa từng có tiền lệ của ông vào Đảng ủy Bộ Công an, cũng như sự ủng hộ đối với cải cách của bản thân Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Cuối cùng, tái cấu trúc Bộ Công an cũng có thể được xem như là một phần của việc tăng cường chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Để tiến hành chiến dịch một cách hiệu quả, trước hết Đảng cần một lực lượng công an trong sạch. Tuy nhiên, uy tín và phẩm chất của lực lượng này gần đây đã bị nghi ngờ do một số vụ bê bối tham nhũng. Ví dụ, vào tháng trước, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an đã bị khởi tố vì liên quan đến một đường dây cờ bạc và rửa tiền trực tuyến. Do đó, việc tái cơ cấu Bộ Công an sẽ là một biện pháp kịp thời nhằm giúp Đảng trong sạch hóa lực lượng công an và tiếp tục tăng cường chiến dịch chống tham nhũng của mình.
Theo LÊ HỒNG HIỆP / NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Bộ máy hành chính