Điệp viên hai mang Phạm Chuyên – cái bẫy chết người dành cho CIA ở miền Bắc Việt Nam

Trong kháng chiến chống Mỹ có một cuộc đấu trí giữa tình báo Sài Gòn với ngành phản gián của ta xoay quanh điệp viên Phạm Chuyên. Trong cuộc đấu trí này, CIA và tình báo Sài Gòn đã bị ta dắt mũi suốt 10 năm trời.

Điệp viên hy vọng của CIA

Phạm Chuyên là điệp viên đơn tuyến đầu tiên được CIA và phòng 45 đặc ủy tình báo Phủ tổng thống VNCH tuyển mộ để đưa ra miền Bắc nằm vùng. Trong cuốn sách Cuộc chiến bí mật – Hồ sơ lực lượng biệt kích Ngụy do GS. Vũ Đình Hiếu dịch có nhắc đến đầy đủ quá trình tuyển mộ và huấn luyện Phạm Chuyên.

Đầu thập kỷ 1960, phòng liên lạc Phủ Tổng thống giao trách nhiệm cho Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên nguyên là đảng viên bị biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ, nên anh ta di cư vào Nam. Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối mặc dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời.

Trung úy Tiên buộc phải cộng tác với một nhân viên CIA là Edward Reagan tìm cách thuyết phục Chuyên. Sau hơn 6 tháng CIA trổ tài, Phạm Chuyên nhận lời. Anh ta được đưa ra Nha Trang để làm kỳ trắc nghiệm tâm lý. Chuyên đạt được điểm xuất sắc trong kỳ trắc nghiệm. Sau đó, Chuyên còn phải trải qua hai kỳ khảo nghiệm nữa. Tiếp theo CIA huấn luyện cho Chuyên 6 tháng nữa về kỹ năng truyền tin.

CIA và tình báo Sài Gòn lập kế hoạch cho Chuyên trở về Quảng Ninh là quê Chuyên để nằm vùng. Nhiệm vụ của điệp viên này không chỉ là thu thập tin tức mà còn tạo cơ sở để đưa các điệp viên khác ra trong thời gian sau. Để phục vụ cho việc đưa Chuyên ra miền Bắc, phòng 45 phái 1 điệp viên táo bạo bơi qua sông Bến Hải sang bờ bắc để thám thính.

Mặc dù điệp viên này trở về với chỉ một ít thông tin về đường đi nước bước của hệ thống an ninh miền Bắc, điều đó cũng làm cho cả phòng 45 và bộ phận CIA ở Sài Gòn hứng khởi. Họ quyết định cho Phạm Chuyên ra Đà Nẵng để chuẩn bị từ đó xâm nhập miền Bắc bằng đường biển. Từ đây, mật danh của Chuyên là ARES nghĩa là động mạch, kênh cung cấp quan trọng. Phi vụ ARES cũng là phi vụ mở đầu trong kỳ vọng làm suy yếu và rối loạn hậu phương miền Bắc Việt Nam của CIA.

Nửa sự thật mà CIA biết

Đầu tháng 4/1961, Chuyên lên chiếc tàu Nautilus 1 rời Đà Nẵng hướng về phía Bắc. Không may gặp thời tiết xấu nên chiếc tàu lại phải quay về. Vài hôm sau, thời tiết tốt lên, Chuyên lại lên đường. Chuyến này, chiếc Nautilus 1 đã đưa Chuyên xâm nhập vùng biển Quảng Ninh thành công.

Chuyên lên bờ giấu đồ đạc rồi lẻn về làng cũ. Anh ta cố thuyết phục người em trai là Phạm Độ. Với vẻ miễn cưỡng, Độ theo Chuyên ra bờ biển đào hai chiếc máy truyền tin lên, đem về nhà đào hố chôn ngay trong buồng. Sau đó ít ngày, Chuyên lẩn trốn trong một cánh rừng gần bãi biển và bắt đầu gửi bức điện đầu tiên về trung tâm.

Nhằm tránh làn sóng giao thoa, Phạm Chuyên đánh tín hiệu từ bờ biển miền Bắc, vượt đại dương đến trạm Bugs cảng Su Bích của Philippin. Từ đó, bức mật điện chuyển tiếp đến cơ quan CIA tại Sài Gòn.

Nhận được bức mật điện, Robert Kennedy một nhân viên CIA tay quơ quơ bức mật điện bước vào phòng 45, không giấu nổi nỗi mừng khôn xiết, anh ta nói lớn: “Thành công rồi”. Một bản sao bức mật điện của Phạm Chuyên được trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau này, Chuyên còn gửi thêm 22 bản báo cáo nữa trong một thời gian rất ngắn.

Nhưng rồi trong gần 2 tháng sau đó, phòng 45 mất liên lạc với Phạm Chuyên. Mọi lo lắng hồi hộp đều vô ích vì đường liên lạc duy nhất qua vô tuyến điện đã đứt. Họ cũng chẳng có cách gì hơn là ngồi chờ. Thế rồi đúng 9h sáng ngày 8/8/1961, sau 2 tháng mất liên lạc, Sài Gòn lại nhận được mật điện của Phạm Chuyên. Điệp viên này cắt nghĩa về sự im lặng của mình thời gian qua rằng mẹ và em gái anh ta không đủ tiền nộp thuế nông nghiệp do đó anh ta phải tạm thời lánh lên Hà Nội. Cũng trong bức điện này, Chuyên yêu cầu tiếp tế cho anh ta. Sài Gòn không có cách gì hơn, đành tạm tin những gì Chuyên nói và chấp nhận tiếp tế cho anh ta.

Ngày 12/1/1962, Chiếc Nautilus 1 lại rời Đà Nẵng đem đồ tiếp tế cho Chuyên. Tàu đến vịnh Hạ Long mà không gặp sự cản trở nào một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng sau đó nó cũng đột ngột mất liên lạc một cách đáng ngạc nhiên với Sài Gòn. Phạm Chuyên cũng đột mất liên lạc với Sài Gòn một cách bí ẩn.

Phòng 45 bắt đầu lo lắng cho số phận chiếc Nautilus 1 cùng với thủy thủ đoàn xen vào đó có cả sự nghi hoặc về điệp viên Ares. Sau nhiều ngày bặt tin, phòng 45 đã cho đóng chiếc tàu khác, lấy tên Nautilus 2. Ngày 11/4/62, chiếc Nautilus 2 lại lên đường ra Bắc mang theo tiếp tế cho Chuyên. 14 thủy thủ dùng thuyền cao su chở theo đồ tiếp tế gồm 7 hòm sắt và 23 thùng carton được bọc kín băng nylon. 6 thủy thủ chèo thuyền đến một đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, chất hàng lên đảo rồi chặt cây đậy lại.

Khi chiếc Nautilus 2 về đến Đà Nẵng an toàn, phòng 45 mở tiệc ăn mừng sự thành công của chuyến tiếp tế đầu tiên cho điệp viên Ares. Ngày 2/5/62 họ gửi tín hiệu chỉ điểm nơi giấu hàng cho Chuyên. Ít lâu sau Chuyên điện báo đã nhận được đồ tiếp tế, kể cả máy truyền tin cùng với máy ảnh 35 mm.

Lên bờ và bị bắt

Ngày 4/4, Phạm Chuyên bơi một chiếc thuyền nhỏ từ tàu Nautilus 1 vào bờ. Những sĩ quan tình báo Sài Gòn tin rằng cần phải chờ một vài tuần cho Chuyên ổn định vỏ bọc. Nhưng họ không biết rằng ngày 19/4 có vài ngư dân đã phát hiện ra chiếc thuyền mà Chuyên dùng để bơi từ tàu Nautilus 1 vào bờ. Công an liền vào cuộc điều tra ai là chủ nhân chiếc thuyền tại làng chài nhỏ bé quê Chuyên. Không có ai nhận là chủ nhân, cuộc điều tra được mở rộng ra toàn bộ bãi biển.

Trưởng Ty Công an Quảng Ninh nghi ngờ có biệt kích xâm nhập nên thảo ngay một kế hoạch khám xét khu vực làng chài, đặc biệt đối với những gia đình có người di cư vào Nam hoặc từng có thân nhân làm việc cho Pháp trước đây.

Đúng thời gian đó, một cụ già báo cho Công an Quảng Ninh rằng có người lạ tìm cách giấu mặt đang sống trong một căn lều gần bãi biển. Cụ già còn cung cấp thêm, có người trong làng chài khoe một cây viết bis, vật ít thấy ở miền Bắc khi đó.

Với những thông tin thu thập được, công an theo dõi căn nhà của gia đình Phạm Chuyên. Ngày 11/6 công an Quảng Ninh bắt giữ Phạm Độ trong khi anh ta đem đồ tiếp tế vào rừng cho Chuyên. Ngày 17/6 thì Chuyên bị bắt cùng với máy truyền tin và bản mật mã.

Lựa chọn của Hà Nội

Trước sự việc bắt được tên gián điệp Phạm Chuyên, ta có hai lựa chọn. Hoặc là công bố và đưa ra xét xử Phạm Chuyên hoặc là khống chế và sử dụng hắn để tương kế tựu kế với địch. Cuối cùng ta chọn cách thứ 2. Tuy nhiên, Phạm Chuyên là một kẻ ngoan cố.

Trong hồ sơ của an ninh ta, Phạm Chuyên sinh năm 1922 tại Tiền An, Yên Hưng, Quảng Ninh, từng hoạt động trong Thanh niên Cứu quốc và một số tổ chức đoàn thể. Năm 1947 bị Pháp bắt giam 3 tháng rồi về nhà dạy học và liên lạc với với cách mạng tiếp tục thoát ly công tác. Từ 1948 đến 1957 Chuyên tham gia nhiều công tác khác nhau nhưng bản tính tự cao tự đại nên hay vi phạm đạo đức và làm mất đoàn kết nội bộ. Sau khi bố Chuyên tự tử vì bị nghi oan, Chuyên bất mãn trở về địa phương và tháng 6/1959 thì trốn vào Nam.

Qua lời khai của Chuyên, ta còn biết rằng trước khi được đào tạo trở thành điệp viên, Chuyên đã nhiều lần được cơ quan đặc biệt Mỹ – Sài Gòn đưa đi dự các cuộc mít tinh để phát biểu đả kích chế độ miền Bắc và tuyên truyền cho chúng.

Là người khá thông minh lại từng tham gia nhiều công tác cách mạng, Chuyên không chỉ ngoan cố mà còn có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan điều tra. Để đấu tranh với Chuyên, Bộ Công an đã thành lập chuyên án mang bí số BK63 nhằm khai thác Chuyên để đấu tranh với địch.

Cuốn Giải mã hồ sơ mật của Nxb Lao Động cho biết chi tiết: Thực hiện lệnh của Bộ Công An, đồng chí Nguyễn Tài – Cục trưởng cục K61 đã trực tiếp về Quảng Ninh chỉ đạo quá trình xét hỏi, thuyết phục Chuyên tự nguyện cộng tác để chuộc tội. Căn cứ điều kiện thực tế và yêu cầu đấu tranh, Bộ quyết định lập chuyên án, đặt bí số là BK63, sử dụng Chuyên để bí mật chiến đấu với trung tâm địch.

CIA bị dắt mũi ra sao?

Sau gần 2 tháng đấu tranh, cuối cùng Phạm Chuyên đã đầu hàng, chịu chấp nhận hợp tác với ta và đánh về Sài Gòn bức mật điện đầu tiên kể từ khi bị bắt. Điều đó cũng lý giải vì sao Sài Gòn đã không liên lạc được với Chuyên trong gần 2 tháng.

Lần gửi điện này đã mở ra một chiến dịch đấu trí 10 năm liên tục giữa ngành phản gián của ta với CIA và tình báo Sài Gòn. Theo thống kê của lực lượng an ninh ta, trong quãng thời gian đó, chúng ta đã lợi dụng Phạm Chuyên để dụ quân Mỹ phải bộc lộ các điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc là thuyền viên của nước thứ 3 cập cảng Hải Phòng và những đầu mối gián điệp chúng cài lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ta cũng đã dụ đối phương tiếp tế cho Phạm Chuyên 6 lần bằng cả đường biển và đường không, thu được nhiều phương tiện hoạt động gián điệp, vũ khí, thuốc men và tiền, vàng. Quan trọng hơn, qua Phạm Chuyên, ta đã câu nhử và bắt được nhiều toán gián điệp khác của Sài Gòn xâm nhập Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang nhằm phối hợp với Phạm Chuyên. Đối với các toán bị bắt ở Bắc Giang ta mở chuyên án Eagle (Đại bàng) còn toán bị bắt ở Hà Giang ta mở chuyên án Red Dragon (Rồng đỏ) để đấu tranh song song với BK 63.

Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, tình báo Sài Gòn có ý rút Phạm Chuyên cùng các điệp viên trong Eagle và Red Dragon về Sài Gòn để củng cố. Lãnh đạo Bộ Công an tổng kết quá trình đấu tranh thấy những nhiệm vụ cơ bản đã đạt được, quyết định cho kết thúc chuyên án. Ba chuyên án kết thúc theo 3 hình thức: Chuyên án Eagle (Bắc Giang) ta cho báo cáo về trung tâm vì rừng núi bao la, đường xa không thể rút bằng đường bộ nên cả toán đề nghị giải tán nương nhờ cơ sở, khi trung tâm có điều kiện sẽ ra đón. Chuyên án Red Dragon ta đưa tin công khai ngày 1/10/1969 bắt một toán gián điệp biệt kích và cho ngừng liên lạc.

Còn chuyên án BK63 đầu năm 1970 ta cho Phạm Chuyên trở vào nam bằng cách đi bộ vượt giới tuyến đến khu vực Vĩnh Linh làm mất liên lạc. Tổng cộng trong 10 năm đấu tranh, ban chuyên án đã 13 lần vượt qua sự kiểm soát của an ninh đối phương, cung cấp hơn 300 tin giả, câu nhử bắt hàng chục tên gián điệp, biệt kích. Thu giữ tàu địch và hàng tấn vũ khí mà chúng tiếp tế cho BK63 để kịp thời chuyển vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Mặc dù trong thống kê không nêu cụ thể, song ta có thể đoán rằng chiếc Nautilus 1 sau khi chở đồ tiếp tế cho Chuyên đã bị ta bắt sống và thu giữ.

Thắng lợi của chuyên án BK63 là một chiến công lớn của ngành an ninh ta. Chỗ đặc biệt của nó là cho đến sau chiến tranh, nhiều sĩ quan tình báo đối phương vẫn còn chưa thể nói chắc được Phạm Chuyên là thế nào. Cựu tình báo Mỹ Sedgwick Tourison thú nhận: “Điệp viên ARES. Tôi biết anh ta quá đi chứ, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta, anh ta có nhiều tên nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Chúng tôi tuyển mộ và đưa anh ta quay trở lại Bắc Việt Nam năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi ít ra là cho đên năm 1969 và tôi không biết rõ là anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt?”

Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT

Tags: , , ,