Di sản của Đế chế Ottoman đối với trật tự Trung Đông

Nguồn gốc sâu xa của rất nhiều xung đột tại Trung Đông nằm ở sự tan rã của Đế chế Ottoman vào đầu thế kỷ 20, cùng với đó là sự thất bại trong việc xây dựng một trật tự ổn định cho khu vực kể từ thời điểm nói trên.

Di sản của Đế chế Ottoman đối với trật tự Trung Đông

Tác giả: Carl Bildt, ngoại trưởng Thụy Điển từ 2006-10/2014, là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.

Nguồn: Carl Bildt, “Preserving the Ottoman Mosaic”, Project Syndicate, 30/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp.

Trong quá trình hướng tới mục tiêu đảm bảo nền hòa bình bền vững cho toàn vùng, các nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế cần ghi nhớ bài học lịch sử từ Đế chế Ottoman.

Ottoman – một đế chế từng trải dài từ thành phố Bihac của Bosnia ngày nay đến tận Basra, Iraq – là bức tranh đầy màu sắc bởi sự pha trộn văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dưới quyền cai quản tối cao của vị Sultan[1] ở Istanbul. Đây từng là nơi đặc biệt ổn định, tạo ra nền tảng hòa bình cho toàn khu vực suốt hàng trăm năm. Tuy nhiên, khi sự tan rã bắt đầu nhen nhóm, nó đã khiến tình hình trở nên vô cùng bạo lực.

Vùng Balkan là nơi khởi đầu của quá trình tan rã của Đế chế Ottoman thành các quốc gia – dân tộc. Đó cũng đồng thời là tiến trình mở màn cho những cuộc chiến khốc liệt – lần đầu tiên diễn ra vào đầu thế kỷ 20, lần thứ hai là vào thập niên 1990.

Trong khi đó, ở vùng Lưỡng Hà và Levant (Đông Địa Trung Hải), một loạt các quốc gia mới nổi lên khi các cường quốc bên ngoài vẽ lại bản đồ Ottoman. Syria và Iraq là kết quả của các cuộc đàm phán tranh giành lợi ích giữa Pháp và Anh. Người Hy Lạp đã thực hiện một nỗ lực thất bại nhằm xâm chiếm miền tây Anatolia – rốt cuộc làm nổ ra cuộc cách mạng dẫn tới sự ra đời của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đồng thời, Tuyên bố Balfour năm 1917 – một cam kết của nước Anh về việc thành lập nhà nước Do Thái trên vùng lãnh thổ Palestine – đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của Israel vào năm 1948, kéo theo hàng chục năm xung đột và thương lượng triền miên.

Việc xác định tỉnh Mosul của Đế chế Ottoman sẽ thuộc về nước nào cho thấy là một vấn đề khó khăn, bởi tỉnh này cùng lúc được cả chính quyền mới của Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iraq tuyên bố chủ quyền. Một hội đồng được thành lập bởi Hội Quốc Liên và do một nhà ngoại giao Thụy Điển dẫn đầu đã đi khắp khu vực nhằm tìm kiếm một giải pháp phù hợp nhưng sau cùng đành thất bại trong việc vẽ ra được đường ranh giới thỏa mãn các bên. Rốt cuộc, hội đồng này đề xuất sáp nhập Mosul vào Iraq, nhưng quyết định này được đưa ra là do nước này được cho là sẽ nằm dưới sự ủy trị kéo dài hàng thập niên của Hội Quốc Liên.

Kể từ đó, trải qua các cuộc chiến tranh và cách mạng triền miên, có một chân lý vẫn giữ nguyên giá trị: không một ranh giới nào ở Ottoman đủ rõ ràng để có thể sắp đặt êm thấm một trật tự mới giữa các nhà nước hay thực thể chính trị mà vẫn đảm bảo được sự thuần nhất về sắc tộc, dân tộc cũng như tôn giáo. Thừa nhận thực tế đó quả thực là một nghịch lý, bởi trật tự khu vực được tạo ra sau Thế chiến I có thể là một sự sắp đặt tùy tiện, nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi trật tự đó lại có thể dẫn đến những hậu quả thậm chí còn đẫm máu hơn.

Một ví dụ điển hình là nếu tách Iraq thành 2 nhà nước theo giáo phái Sunni và Shia sẽ dễ dàng tạo ra phiên bản ở vùng Lưỡng Hà của thảm kịch 1947 tại Nam Á khi hàng triệu người bỏ mạng trong lúc cố gắng trốn chạy sang Pakistan hoặc Ấn Độ sau sự kiện đất nước này tách làm hai. Thực vậy, cuộc xung đột giữa người Ả-rập và người Kurd vốn sẽ nảy sinh nếu Iraq bị chia cắt có lẽ sẽ vô cùng đẫm máu và dai dẳng, đồng thời tạo ra những hệ lụy sâu sắc đối với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những nơi có số lượng người Kurd đông đảo. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Baghdad rất có thể cũng sẽ khốc liệt tương tự.

Để tìm ra một giải pháp cho xung đột tại Syria cũng không phải là điều đơn giản. Nhà nước của tộc Alawite (do Assad lãnh đạo) được Nga bảo trợ dọc vùng ven biển có thể sẽ đứng vững, nhưng quyền lực tại Damascus vẫn là một cuộc tranh giành không hồi kết. Nhóm thiểu số đạo Cơ Đốc tại Syria sẽ trở thành nạn nhân của những nỗ lực tranh đoạt nói trên. Quốc gia này vốn là cội nguồn của một vài những cộng đồng Cơ Đốc giáo cổ xưa nhất trên thế giới, những cộng đồng dù quy mô đã bị thu hẹp đi đáng kể so với trước đây nhưng vẫn tiếp tục nắm giữ những quyền lịch sử không thể chối cãi đối với toàn khu vực. Họ là một phần của mảnh ghép nhỏ trong bức tranh về một Ottoman đa dạng được giữ gìn ở Syria ngày nay; và họ sẽ diệt vong nếu bức tranh đa sắc này biến mất hoàn toàn.

Có một điều chắc chắn là bức tranh đa dạng của Ottoman đã bị hủy hoại nghiêm trọng và hiện đang trong tiến trình tan rã. Nhưng dù những thành phố thương nghiệp đa văn hóa cổ xưa như Aleppo và Mosul có thể không bao giờ phục hồi và phồn vinh trở lại, đó cũng không phải là cái cớ để cắt xẻ lãnh thổ khu vực này theo các ranh giới mới, nếu không muốn trả giá bằng một biển máu.

Trong quá trình nỗ lực để chấm dứt sự hỗn loạn và xung đột đang xé nát Trung Đông, đồng thời thiết lập một trật tự khu vực có thể giúp duy trì hòa bình và ổn định dài lâu, các nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế nên cố gắng làm việc trong các khuôn khổ hiện hữu. Những chiến lược gia ngồi phòng lạnh ở các đất nước xa xôi sẽ chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân nếu họ nghĩ rằng các nỗ lực áp đặt các biên giới mới rõ ràng hơn lên vùng đất cổ xưa này sẽ không thất bại trong bối cạnh hiện nay.

————————-

Chú thích:

[1] Chú thích của người dịch: Sultan là tước hiệu của nhà vua tại các quốc gia Hồi giáo.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,