‘Đế chế Obama’ tiếp tục chi phối chính trường Mỹ như thế nào?

Tám năm và hai nhiệm kỳ tổng thống không chỉ giúp ông Obama xây dựng “đế chế” trong lòng cử tri Mỹ, mà còn đặt ông vào vị trí chi phối của đảng Dân chủ.

‘Đế chế Obama’ tiếp tục chi phối chính trường Mỹ như thế nào?

Khu West End ở Washington, D.C., thủ đô Mỹ – nằm giữa hai khu nổi tiếng hơn là Georgetown và Dupont Circle – từng là nơi người ta chỉ đi qua, không phải đi đến. Song điều đó đã thay đổi cách đây 5 năm, đối với những thành viên đảng Dân chủ.

Đó là lúc cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lập văn phòng riêng của ông tại West End (ảnh bên là tòa nhà nơi đặt văn phòng). Từ bên ngoài, khó có thể biết một trong những ngôi nhà bình thường ở đây là nơi ông Obama thường xuyên lui tới sau khi rời Nhà Trắng.

Trong mùa bầu cử 2020, gần như mọi chiến dịch của phe Dân chủ đều bắt đầu bằng việc mà một cố vấn thân cận của ông Obama gọi là “chuyến hành hương”: đến West End gặp cựu tổng thống. Việc này xuất phát từ thực tế rằng ông Obama vẫn là một trong những người được ngưỡng mộ nhất tại Mỹ và được xem là người mang tính quyết định của đảng Dân chủ.

Ông để lại di sản lớn trong nội bộ đảng, khi cuộc chiến xây dựng cương lĩnh chính trị của đảng này cho thấy phe ủng hộ thiết chế của Obama vẫn thống trị, kể từ khi ông chính thức giành được đề cử của đảng cho cuộc chạy đua Nhà Trắng năm 2012.

“Đảng Dân chủ vẫn là đảng của Obama”, cây viết Branko Marcetic của tạp chí Jacobin, bình luận.

Những chuyến “hành hương” đến West End

Chuyến “hành hương” đầu tiên như vậy diễn ra từ đầu năm 2018 và hàng loạt ứng viên Dân chủ trong cuộc đua Nhà Trắng 2020 lần lượt đến gặp ông Obama trong mùa hè 2019, trước các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này, theo một bài viết của Politico.

Theo quy luật thông thường, ai càng thân với Obama thì việc đến West End càng ít quan trọng. Song Joe Biden, một trong hai ứng viên mà tổng thổng Mỹ thứ 44 quen biết ở mức độ gia đình, thay vì chỉ dừng lại ở mức độ công việc, là một “ngoại lệ”, cố vấn của Obama nói.

Đối với những người khác – Elizabeth Warren, Bernie Sanders, Pete Buttigieg, Kamala Harris, Cory Booker, Beto O’Rourke, Steve Bullock… – cuộc gặp này cũng quan trọng như việc lên kế hoạch cho cuộc ra mắt khởi động chiến dịch tranh cử hoặc cho ấn phẩm quảng cáo đầu tiên.

Trong căn phòng được trang trí không hề giống Phòng Bầu dục, ông Obama tỏ ra thận trọng với các vị khách – ông biết một bình luận “lạc đề” có thể bị rò rỉ và thay đổi diễn tiến cuộc đua như thế nào, với ảnh hưởng mà ông đang có.

Kể từ khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017, ông Obama cố gắng tránh can dự vào các vấn đề chính trị, cũng như tránh chỉ trích người kế nhiệm, như truyền thống của các tổng thống Mỹ. Song nhìn vào những con số, giữa một nước Mỹ ngày càng chia rẽ, người ta có thể thấy cựu tổng thống vẫn nắm giữ những tài sản chính trị to lớn.

Tỷ lệ ủng hộ ông vào năm 2009, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, vốn bị thống trị bởi cuộc Đại Suy thoái, trung bình là 56,5%. Và trong khi con số này giảm xuống mức dưới 50% trong phần lớn nhiệm kỳ, sự ủng hộ dành cho ông sau nhiệm kỳ đã luôn rất mạnh. Trong thăm dò nhìn lại nhiệm kỳ mà Gallup thực hiện năm 2018 – phong vũ biểu cho thấy di sản tổng thống ra sao – tỷ lệ ủng hộ ông Obama là 63%.

Cuộc thăm dò hồi tháng 5 của Đại học Monmouth cho thấy 57% người Mỹ nói rằng họ hài lòng về ông Obama. Con số này bao gồm 92% đảng viên Dân chủ và 19% đảng viên Cộng hòa.

Tỷ lệ hài lòng với ông Obama cao hơn cả hai cái tên trên phiếu bầu tổng thống Mỹ vào tháng 11. Cuộc thăm dò trên cho thấy 41% người Mỹ hài lòng với ông Joe Biden, phó tổng thống thời Obama và là ứng viên tổng thống của phe Dân chủ năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ hài lòng với tổng thống đương nhiệm, Donald Trump, là 40%.

Ông Obama vẫn là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất tại Mỹ năm 2019, năm thứ 12 liên tiếp, theo kết quả khảo sát của Gallup – dù đứng chung với ông Trump, người lần đầu giữ vị trí này. Kết quả này cũng cho thấy tính đảng phái rõ rệt khi hầu hết người ủng hộ phe Dân chủ chọn ông Obama, trong khi đa số người theo phe Cộng hòa chọn ông Trump. Người đứng đầu danh sách nữ là bà Michelle Obama, cựu đệ nhất phu nhân, năm thứ hai liên tiếp.

Với danh tiếng vẫn được duy trì như vậy, không khó hiểu khi ông Obama được xem là thế lực chi phối đảng Dân chủ từ mùa bầu cử 2016 đến mùa bầu cử năm nay, theo các nhà thăm dò. Dù vậy, ông Obama không công khai thể hiện sự ủng hộ với bất cứ ứng viên nào của đảng Dân chủ cho đến khi người cuối cùng lộ diện.

“Obama có ảnh hưởng chi phối. Nhưng tôi không biết liệu ông ấy có công khai ủng hộ ai hay không. Nếu ông làm vậy, thì sự ủng hộ đó quan trọng hơn gấp mười lần so với sự ủng hộ của bất kỳ ai khác”, Nate Silver, nhà sáng lập chuyên trang thăm dò FiveThirtyEight, nhận xét hồi tháng 7/2019.

Cuối cùng, cựu tổng thống cũng lên tiếng. Đó là vào tháng 4, sau khi ông Biden đã lội ngược dòng thành công trong bầu cử sơ bộ và trở thành ứng viên duy nhất còn lại của đảng Dân chủ trên đường đua.

“Tôi rất tự hào khi ủng hộ Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ. Việc chọn Joe làm phó tổng thống là một trong những quyết định đúng đắn nhất tôi từng đưa ra”, ông Obama khẳng định trong đoạn video dài 12 phút hôm 13/4.

“Tôi tin rằng Joe có đủ mọi phẩm chất chúng ta cần ở một vị tổng thống trong tình hình hiện nay. Ông ấy là người đã học được sự kiên định, cách để vươn mình sau khi bị quật ngã”.

Chờ đợi người kiến tạo ngôi vương

Sau gần 8 năm kể từ lần cuối xuất hiện trên lá phiếu cử tri, ông Obama lại nổi lên như là nhân vật trung tâm của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020, AP đưa ra nhận định hồi tháng 5. Ông Biden, người từng là phó tổng thống trong cả hai nhiệm kỳ của ông Obama, cũng nóng lòng tìm cách tận dụng điều này.

“Chiến dịch của ông Biden coi ông Obama là một tài sản rõ ràng giữa lúc họ không chỉ tìm cách tiếp thêm tinh thần cho các cử tri Dân chủ, mà còn thu hút các cử tri độc lập cũng như các cử tri Cộng hòa có xu hướng ôn hòa hơn, những người có thể lo lắng nếu ông Trump ở lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa”, theo bài viết.

Đối với nhiều đảng viên Dân chủ, cựu tổng thống Obama có thể là người lý trí và khách quan. Đầu năm 2017, nhiều người đã kêu gọi ông lên tiếng phản pháo ông Trump nhiều hơn, và ông hầu như không làm theo những lời kêu gọi đó.

Thời kỳ hậu Nhà Trắng của ông Obama không giống bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó. Nhiều tổng thống đã phải xử lý câu chuyện chính trị phức tạp của việc rời nhiệm sở khi một tổng thống của đảng khác tiếp quản. Và nhiều tổng thống cũng phải giải quyết tình huống tế nhị là phó tổng thống của họ muốn ra tranh cử.

Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ cùng lúc phải đối mặt với cả hai tình huống, trong những điều kiện chưa từng có: Ông Obama gần như mỗi ngày đều bị tấn công cá nhân bởi tổng thống đương nhiệm, người đã tweet về ông không ngừng nghỉ trong bốn năm qua, thường xuyên cáo buộc ông và các quan chức hàng đầu của ông một loạt tội lỗi, tình huống mà không một cựu tổng thống nào phải đối mặt hoặc thậm chí là tưởng tượng.

(Vào năm 2001, trong quá trình chuyển giao ở Nhà Trắng, đội ngũ của ông Clinton đã nghịch ngợm loại bỏ phím W khỏi nhiều bàn phím máy tính trước khi đội ngũ của George W. Bush đến, và sự việc đã bị coi là một vụ bê bối).

Dù vậy, cuối cùng ông Obama cũng bắt đầu lên tiếng. Ông công bố sự ủng hộ, phát biểu cũng như đưa ra lời khuyên, và vào mùa thu năm 2018, ông đã tham gia tích cực vào chiến dịch bầu cử giữa kỳ đến nỗi ông có thể xứng đáng được được ghi công trong việc đảng Dân chủ giành lại Hạ viện.

Khi cuộc đua tổng thống diễn ra trong năm nay, mọi thứ lại như cũ. Ông Obama “mất tích” trước công chúng, đưa ra lời khuyên một cách riêng tư trong các cuộc gặp ở West End, và khiến những người bạn chính trị thân thiết tức giận, chứ không chỉ Biden, người muốn có một cú huých.

Ông Obama đã thiết kế thời kỳ hậu Nhà Trắng của mình vào năm 2016, thời điểm mà ông tin rằng bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng và ông Biden sẽ rời khỏi chính trường. Với người kế nhiệm được lựa chọn cẩn thận và cựu phó tổng thống của ông vui vẻ nghỉ hưu, ông Obama lên kế hoạch tập trung vào việc thiết lập một quỹ của riêng mình, viết hồi ký và dành tâm sức cho các vấn đề dài hạn như phát triển thế hệ lãnh đạo trẻ trên toàn thế giới.

Thế nhưng, kế hoạch ban đầu về thời kỳ hậu Nhà Trắng thoải mái viết lách, suy nghĩ và cố vấn, một kế hoạch tương đối không bị cản trở bởi chính trị đảng phái, đã bị thổi bay bởi hai bất ngờ: chiến thắng của ông Trump cuối năm 2016 và quyết định tranh cử năm 2020 của ông Biden.

Thay vì tiếp tục đứng ngoài xung đột, ông Obama buộc phải quay trở lại trung tâm chính trường vì cuộc đua Trump – Biden, những người mà, vì những lý do trái ngược, nói về ông và di sản của ông mọi lúc mọi nơi.

“Trong một thế giới hoàn hảo, ông ấy sẽ lui về ở ẩn còn kỹ hơn nữa, giống như cách mà tôi nghĩ George W. Bush đã làm sau nhiệm kỳ tổng thống của mình”, Eric Holder, Bộ trưởng Tư pháp thời Obama, nói. “Ông ấy đã muốn trở thành một chính khách được trọng vọng, dù còn quá trẻ”.

Hậu trường chiến dịch

Trong khoảng một năm cho đến khi ông Obama thể hiện sự ủng hộ công khai với ông Biden, hai người dường như đã tiến hành “giãn cách chính trị”. Trong đó, ông Obama về mặt công khai duy trì quan điểm trung lập đối với bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, còn ông Biden nói muốn tự mình giành chiến thắng.

Song với khả năng “tàng hình” vi tế, ông Obama đã tham gia nhiều hơn đáng kể vào chặng cuối của cuộc đua bầu cử sơ bộ so với những gì đã được tiết lộ trước đó, ngay cả trước khi ông công bố đoạn video ủng hộ ông Biden.

Theo New York Times, trong nhiều tháng, ông Obama giữ liên lạc chặt chẽ với các quan chức cấp cao của đảng, với hy vọng ngăn chặn cuộc đua sơ bộ kéo dài và khó chịu năm 2016 tái diễn.

Và rồi, vài tuần sau khi có thông tin rõ ràng rằng ông Biden gần như chắc chắn là ứng viên của đảng Dân chủ, ông Obama – nói với một người bạn rằng ông cần “đẩy nhanh cuộc chơi” – đã có ít nhất bốn cuộc trò chuyện dài với đối thủ còn lại cuối cùng của cựu phó tổng thống, Thượng nghị sĩ Sanders.

Những nỗ lực của ông Obama nhằm loại bỏ ông Sanders ra khỏi cuộc đua đóng vai trò quan trọng trong việc ông quyết định chấm dứt chiến dịch và ủng hộ ông Biden, theo những người thân cận với thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont. Ông Sanders, nhà lập pháp theo đường lối cấp tiến, thường được mô tả là xung khắc với cựu tổng thống, người không muốn đảng Dân chủ trở nên quá thiên tả.

Từ năm ngoái, ông Obama đã tư vấn cho đội ngũ của ông Biden về chiến lược tranh cử và ông đã động viên ông Biden sau thất bại trong bầu cử sơ bộ ở Iowa. Trong một bữa tối riêng vào mùa thu năm ngoái với các thành viên của Liên minh Dân chủ, ông Obama đã đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng về các chính sách “cách mạng” của ông Sanders và khẳng định rằng cử tri muốn thay đổi chứ không phải để “phá bỏ hệ thống”.

Giống mùa bầu cử tổng thống năm 2016 và bầu cử giữa kỳ năm 2018, ông Obama vốn dự định chỉ tham gia công khai sau Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ, khi đề cử ứng viên tổng thống của đảng này chính thức được công bố. Tuy nhiên, ông ngày càng lo lắng về tình trạng cuộc đua khi ông Sanders tăng điểm và ông Biden sa sút.

Vào cuối tháng 2, ông nói với những người thân cận rằng chiến dịch của ông Biden đang thiếu “cơ sở hạ tầng” một cách đáng báo động và nghi ngờ khả năng ông Biden giành được đề cử sau khi thua ở hai bang Iowa và New Hampshire.

Các quan chức đảng Dân chủ nói ông Obama không có vai trò trực tiếp trong việc tái sắp xếp đội ngũ nhân sự của chiến dịch tranh cử diễn ra ngay sau đó. Song những người hiểu biết về tình hình cho hay ông đã nói rõ ông ủng hộ quyết định của Biden về việc bổ nhiệm quản lý chiến dịch mới, Jennifer O’Malley Dillon, cựu chuyên gia tổ chức chiến dịch của ông Obama, và cho một người cũ khác của cựu tổng thống, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anita Dunn, nắm giữ vai trò quyền lực hơn.

Ông Obama không trực tiếp khuyến khích các đối thủ ủng hộ ông Biden trước các cuộc bầu cử sơ bộ quyết định trong ngày Siêu Thứ Ba. Song ông đã nói với Pete Buttigieg, một ứng viên theo đường lối ôn hòa, rằng thị trưởng trẻ tuổi ở Indiana sẽ không bao giờ có nhiều đòn bẩy hơn so với ngày ông từ bỏ cuộc đua – và ông Buttigieg đã sớm gia nhập lực lượng hùng hậu ủng hộ ông Biden trong số các ứng viên của đảng Dân chủ.

Ông Sanders, người vào năm 2016 cáo buộc lực lượng nòng cốt đảng Dân chủ thông đồng ủng hộ bà Clinton, đã lưu ý đến tất cả những động thái này, nhưng ông không đưa ra cáo buộc nào đối với ông Obama.

Trên thực tế, một trong những cố vấn chiến dịch của ông nói với điều kiện giấu tên rằng thượng nghị sĩ rất biết ơn vì sự trung lập của ông Obama trong suốt chiến dịch. Và ông Sanders, người phủ nhận thông tin rằng ông từng cân nhắc thách thức Obama vào năm 2012, đã đề nghị liên hệ với cựu tổng thống nhiều lần trong những tháng cuối cùng để cập nhật cho ông về diễn biến chiến dịch.

Trước những cuộc trò chuyện đó, hai người có mối quan hệ lịch sự nhưng lạnh nhạt, và một số cuộc trao đổi riêng của họ trong nhiều năm đã biến thành các cuộc tranh luận về chính sách, các cựu trợ lý cho biết. Tuy nhiên, ông Obama coi việc ông Sanders chủ động nói chuyện như một cơ hội để đảm nhận vai trò nhà kiến tạo hòa bình mà ông tin rằng mình là người phù hợp nhất để gánh lấy.

Ông Sanders thân thiết với ông Biden hơn nhiều mặc dù họ có những khác biệt về chính trị, nhưng ông Obama, không giống Biden, vẫn là nhân vật đáng tin cậy đối với nhiều người ủng hộ Sanders, đến nỗi chiến dịch của thượng nghị sĩ Vermont đã phát hành một quảng cáo có nhiều clip ghi lại những lời ca ngợi của ông Obama dành cho ông Sanders.

Ảnh hưởng lâu dài trong đảng Dân chủ

Song ảnh hưởng của ông Obama không chỉ dừng lại trong chiến dịch tranh cử mà còn lâu dài hơn thế, thông qua việc xây dựng cương lĩnh chính trị của đảng Dân chủ. Đây là công việc rất quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp và không rõ ràng.

Tại Mỹ, cương lĩnh chính trị của các đảng không có tính ràng buộc và đôi khi, thậm chí bị chính các ứng viên phớt lờ, khiến nhiều người tự hỏi chúng thực sự quan trọng đến mức nào. Tuy nhiên, như một số người đã chỉ ra, những thay đổi về cương lĩnh thường định hình trước những thay đổi quan trọng về hệ tư tưởng trong một đảng. Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1980 đến năm 2004, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu phù hợp với cương lĩnh của đảng họ trung bình 82% số lần.

Là chương trình nghị sự của tổng thống (có thể) tiếp theo từ đảng Dân chủ (và cả đảng nói chung), cương lĩnh là kết quả của nhiều giờ tranh luận và thương lượng căng thẳng giữa các phe phái tranh cãi về lợi ích chính trị. Nó cũng thường được viết bởi những người chiến thắng.

Năm nay, những người chiến thắng đó không chỉ là ông Joe Biden và phe ủng hộ thiết chế trong đảng Dân chủ – mà còn là nhánh Obama của phe đó, theo một bài viết trên tạp chí In These Times.

Ông Obama đã bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động của ông, Tom Perez, làm chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) vào tháng 2/2017. Xem xét kỹ các đề cử của ông Perez cho ủy ban cương lĩnh đảng Dân chủ năm 2020, có thể thấy đảng này sẽ tuân thủ tầm nhìn chính trị theo đường lối “thay đổi từng bước” của ông Obama, vốn trái ngược với chủ trương thúc đẩy thay đổi táo bạo của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và những người ủng hộ ông.

Hai đề cử của ông Perez cho vị trí đồng chủ tịch ủy ban cương lĩnh đều là cựu quan chức thời Obama. Người có thể có quyền lực lớn hơn cả là Denis McDo­nough, Chánh văn phòng cuối cùng của tổng thống thứ 44.

Ông Perez và ông McDonough nhiều khả năng sẽ không vấp phải sự phản đối từ một đồng chủ tịch khác của ủy ban cương lĩnh, Julie Chávez Rodríguez, người từng là phó giám đốc quan hệ công chúng trong Nhà Trắng của ông Obama.

Việc chỉ định ông McDo­nough và bà Chávez Rodríguez làm nổi bật nhiều năm nỗ lực của ông Obama nhằm hạn chế ảnh hưởng của ông Sanders trong đảng Dân chủ và đảm bảo đường lối của ông Obama cho đảng này vẫn tiếp tục thống trị.

Vấn đề là ông Obama có thể giúp ông Biden giành lấy chiến thắng cuối cùng vào ngày 3/11 như thế nào.

Là tổng thống da den đầu tiên ở một đất nước đa chủng tộc như Mỹ, ông Obama rốt cuộc vẫn là nhân vật gây tranh cãi. Song ông cũng là đảng viên Dân chủ cuối cùng tập hợp được một liên minh chiến thắng rộng rãi.

Ông đã thúc đẩy một lượng lớn cử tri da đen đi bỏ phiếu, truyền cảm hứng cho thế hệ “millennials” và thuyết phục những người da trắng ở vùng thượng Trung Tây ủng hộ ông, theo nhà sáng lập FiveThirtyEight Nate Silver.

Ở khía cạnh cốt lõi, việc ông Biden tranh cử tạo tiền đề để khôi phục lại thời kỳ Obama êm ả đó – về mặt bầu cử cũng như về mặt chính trị. Đó là lý do tại sao ông Obama có thể là chìa khóa thành công của ông Biden, có lẽ nhiều hơn bất kỳ người đại diện chiến dịch nào khác trong kỷ nguyên hiện đại, theo các nhà phân tích của FiveThirtyEight.

Theo một cách nào đó, ông Biden là một “Obama da trắng” hoàn hảo – phe Dân chủ, nam giới, da trắng đang cố lái chiếc xe “hy vọng và thay đổi” (khẩu hiệu tranh cử của ông Obama), nhưng cũng đưa khuôn mặt nam giới da trắng truyền thống của Mỹ lên vị trí tổng thống.

Tuy nhiên nước Mỹ, vốn đã đi trên con tàu lượn chính trị đầy cảm xúc trong bốn năm qua, dường như chỉ đang tiến gần đến đỉnh một con khác trên hành trình. Không ai nói trước được điều gì có thể xảy ra.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,