Dạy thêm, học thêm: Tại sao nói bao năm mà vẫn không giải quyết nổi?

Tôi ngạc nhiên khi nhiều giáo viên thuê nhà cạnh trường để tiện dạy thêm, từ trẻ em đến người già đều biết, nhưng các cấp quản lý lại không.

Việc dạy thêm, học thêm với giáo viên chủ nhiệm là thực trạng rất bất cập những đã tồn tại từ lâu. Nó giống như bạn đi đi mua điểm cho con vậy, vì nếu không học thêm, học sinh sẽ bị điểm kém bằng cách này hay cách khác. Phụ huynh vì sợ con em mình “bị đì” nên đành phải đăng ký cho trẻ học thêm với chính giáo viên trên lớp của chúng.

Đầu năm học này, nhiều địa phương đã nỗ lực giải quyết vấn nạn dạy thêm sao cho hiệu quả, nhưng hiệu quả tới đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Như tại nơi tôi đang sinh sống, vấn nạn này không biết đến bao giờ mới được giải quyết triệt để? Nhất là với bậc Tiểu học, các giáo viên chủ nhiệm gần như có toàn quyền, nên hoạt động dạy thêm diễn ra một cách thoải mái, tràn lan mà chẳng hề bị thanh kiểm tra, xử lý, theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.

Hiện ngay, các Hiệu trưởng thường được giao làm Trưởng ban kiểm tra các giáo viên của trường mình có dạy thêm không? Nhưng tôi chưa thấy một trường hợp nào mà họ làm mạnh tay vấn đề này, chủ yếu các trường vẫn bao che cho hoạt động dạy và học thêm. Tôi cho rằng, muốn kiểm soát được tình trạng này, chúng ta phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, ví như kiểm tra đột xuất hay vì các đợt thanh, kiểm tra được báo trước cả tuần, cả tháng.

Chỉ cần đến khu vực gần các trường tiểu học và hỏi người dân quanh đó về giáo viên nào đang dạy thêm để cho con học, từ trẻ em đến người già đều biết và chỉ cho tôi cụ thể. Ấy thế nhưng từ Thanh tra giáo dục quận đến Hiệu trưởng các trường đều không biết. Vậy nên vấn nạn dạy thêm vẫn cứ tràn lan như nấm mọc sau mưa. Có giáo viên thuê nhà ngay cạnh trường để tiện dạy thêm mà không bị ai xử lý.

Tôi tự hỏi, các cấp quản lý ngành Giáo dục thực sự không biết đến tình trạng này, hay tất cả đều ủng hộ công khai cho việc giáo viên dạy thêm? Giáo viên dạy thêm để cải thiện cuộc sống đúng là một lý do hợp lý. Nhưng cái bất hợp lý ở đây là họ dạy thêm chính học sinh trên lớp của mình.

Cừ đến hẹn lại lên, năm nào tôi cũng thấy báo đài nói lên vấn nạn giáo viên gây sức ép để học sinh của mình phải đi học thêm, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thay đổi được gì. Tôi chỉ mong các ban ngành quản lý kiên quyết xử lý dứt điểm vấn nạn dạy thêm, học thêm này để lập lại trật tự, sự trong sạch cho nền giáo dục nước nhà.

Học thêm “tự nguyện” chẳng khác gì bắt buộc

“Tôi tốn hàng nghìn giờ của tuổi thơ vào việc học thêm, để:

– Không bị cô giáo trù.
– Làm được các bài kiểm tra mà cô chỉ dạy trong lớp học thêm.
– Bạn nào cũng đăng ký học thêm, nên bố mẹ sợ tôi bị bỏ xa.

Đến năm lớp chín, tôi mất hết đam mê học hành. Hàng ngày tan học không được nán lại một chút ăn quà vặt với bạn bè mà phải đi học thêm. Cuối tuần cũng kín lịch học phụ đạo, không có thời gian đi đá bóng, đi xem phim. Thi vào lớp 10, tôi đỗ nhưng vẫn tìm đường sang châu Âu. Chọn trường THPT dễ nhất có thể, rồi cứ đến kỳ thi làm bài vừa đủ điểm là xong. Không một giờ học thêm, không đêm nào ôn bài quá 22h, thời gian rảnh học lập trình và rèn luyện phát triển bản thân. Trước khi tốt nghiệp cấp ba, tôi đã có công việc thực tập ở một công ty công nghệ. Sau năm buổi phỏng vấn, không ai hỏi tôi bằng cấp hay nhưng kiến thức học thuộc. Họ chỉ nói: “Đây là một vấn đề. Bạn hãy dùng ngôn ngữ lập trình để giải quyết nó và giải thích quá trình suy nghĩ của bạn…”.

Theo VNEXPRESS

Tags: