Dân số già hóa nhanh: Việt Nam chưa sẵn sàng ứng phó?

Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng (cả về nhận thức và hành động) để đón dân số đang già nhanh chóng, thậm chí sẽ là dân số siêu già trong một vài thập kỷ nữa.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vào năm 2014, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam là 7,2% và tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên là 10,2%. Như vậy, theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam là một nước “đang già” (aging). Cùng lúc đó, Việt Nam cũng có một xu hướng dân số khác là “cơ cấu dân số vàng”. Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, từ 68,6 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014)1 và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050.2 Đến năm 2038, dự báo nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số và điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo hạ tầng và an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già, thậm chí siêu già.

Đáng nói hơn, Việt Nam sẽ chỉ mất không tới 20 năm để khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số (tức là chuyển từ gia đoạn “đang già”sang “già”) – đây là một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới (vì Pháp mất 115 năm; Mỹ là 69 năm). Nhật Bản có 60 năm để chuẩn bị cho một xã hội “già” và cũng mất từng đấy năm mới có thể bao phủ được bảo hiểm cho người cao tuổi. Anh cũng có thời gian chuẩn bị tương đối dài nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của quá nhiều người già trong xã hội. Việt Nam sẽ phải bắt tay vào chuẩn bị càng sớm càng tốt để kịp đón hàng chục triệu người cao tuổi và tận dụng được “cơ cấu dân số vàng” hiện tại nếu không muốn rơi vào tình trạng “chưa kịp giàu đã già”.

Chúng ta đang “dành chỗ” cho người già như thế nào?

Theo PGS.TS. Giang Thanh Long (Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân), để có thể chuẩn bị được cho một xã hội “già” thì trước hết chúng ta cần có ý thức “dành chỗ” cho người cao tuổi. PGS. Long nhận xét: “Việt Nam có rất nhiều chính sách cho người cao tuổi – từ các chương trình hành động cấp quốc gia tới các Luật, chính sách trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phấn đấu tăng độ bao phủ của các chương trình này, đặc biệt là bảo hiểm y tế hướng tới bao phủ 100% người cao tuổi vào những năm tới.”

Giữa một “rừng ma trận” như vậy, liệu hiệu quả thực thi của các chính sách đang đến đâu? Lấy ví dụ như để đảm bảo cho người già yếu, khuyết tật có thể di chuyển dễ dàng, năm 2014, Bộ Xây Dựng đã ban hành bộ quy chuẩn 10 về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, trong đó hướng dẫn chi tiết về thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng bãi đỗ xe, đường dốc, cửa, thang máy, biển báo, lối thoát hiểm… Tuy nhiên, cho đến nay các công trình xây dựng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Ví dụ, một cuộc khảo sát của Bộ Xây dựng vào năm 2015 cho thấy dù các công trình đều đảm bảo tiếp cận tối thiểu ở mức đường dẫn, nhưng tới 90% sai tiêu chuẩn thiết kế.3 Một ví dụ khác là dù Luật Người cao tuổi quy định là tất cả các bệnh viện (trừ chuyên khoa nhi) phải tổ chức khoa Lão hoặc dành từ 10% giường bệnh trở lên để phục vụ người bệnh cao tuổi, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tính đến năm 2014, cả nước chỉ có 36% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Lão, nhưng chủ yếu là hoạt động ghép với các chuyên khoa khác như: thận, tim mạch, nội…4 Thậm chí, ở đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh thì đến năm 2016 mới chỉ có 2/28 bệnh viện cấp thành phố có đủ trang thiết bị, nhân sự để thành lập lão khoa còn ở Hà Nội là 5/39 bệnh viện. Chưa nói đến tương lai, công suất giường bệnh hiện nay đã không đủ đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc của hàng triệu người cao tuổi.

Tại thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn già – nghĩa là khoảng 30 năm nữa – thì nhóm dân số già lúc đó chính là nhóm 30–40 tuổi hiện tại. Có tích lũy, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe thì nhóm dân số này khi già sẽ trở thành những người cao tuổi năng động (active older people) và đóng góp nhiều cho xã hội chứ không phải sống phụ thuộc.

PGS.TS Giang Thanh Long

.

Bên cạnh ý thức thực thi, việc các chính sách “xa rời đời sống” cũng góp phần làm giảm hiệu quả của chính sách, khiến người cao tuổi cảm thấy bị “thiếu quan tâm”. PGS. Giang Thanh Long nhận xét: “Việc xây dựng chính sách nhiều khi vẫn dựa trên cảm tính, nhận định cá nhân của người làm chính sách chứ chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người thụ hưởng”5. Do đó, nhiều chính sách được ban hành mà “không phù hợp với người cao tuổi và là những thứ họ không cần.” Ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh, người trên 75 tuổi được hưởng ưu đãi đi xe bus miễn phí. Tuy nhiên, người cao tuổi ít được hưởng ưu đãi này mà một phần là vì nhân viên phụ xe không được phổ biến chính sách, nhưng phần lớn là do người cao tuổi ở độ tuổi này đã không đủ sức khỏe để đi xe bus. Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Mai Hiển Thắng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phước Bình (Quận 9) nhận xét: “Đưa ra rồi không nhiều người được thụ hưởng thì sao gọi là quan tâm. Thành phố cần hạ độ tuổi được đi xe buýt miễn phí xuống để người già còn có khoảng thời gian “hưởng” chút”6.

Gánh nặng hay nguồn lực tích cực?

Dù chính sách còn xa vời hay đã có tính thực tiễn, đã được thực thi tốt hay mới chỉ dừng ở mức văn bản, có một thực tế là các chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam vẫn chỉ giới hạn ở việc quan tâm đến an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, chứ chưa thực sự tính đến đời sống tinh thần của họ. “Người cao tuổi thường hay được gắn liền với bệnh tật, khuyết tật, sống phụ thuộc và là gánh nặng của xã hội” – PGS. Long nhận xét.

Thế nhưng thực tế không phải vậy vì người cao tuổi vẫn đang làm nhiều công việc khác nhau, từ sản xuất cho tới nội trợ, chăm sóc con cháu… Thông thường, họ làm những công việc ít được xã hội ghi nhận và không được trả lương nên dẫn đến suy nghĩ rằng người cao tuổi sống phụ thuộc vì không tạo ra thu nhập. Ngoài ra, người cao tuổi còn có một tài sản quý báu mà người trẻ không so bì được là vốn tri thức và trải nghiệm xã hội đã được tích lũy qua năm tháng. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), ngày càng nhiều người vẫn tiếp tục lao động sau khi về hưu, tỷ lệ người trên 60 tuổi vẫn tiếp tục làm việc đã tăng từ 19% lên 36% đối với nữ và từ 35% lên 47% đối với nam trong giai đoạn 1999 – 2014. Có thể thấy rằng, người cao tuổi vẫn đang có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội, thậm chí là hỗ trợ cho con, cháu. Thế nên, nếu nhà hoạch định chính sách vẫn còn mang định kiến về tuổi già thì “việc thiết kế chính sách sẽ theo hướng “sẵn thì cho” chứ không phải theo hướng phát huy người cao tuổi để họ tiếp tục cống hiến.” – PGS. Long nhận xét.

Để thay đổi được thực trạng này, theo PGS. Long, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của xã hội về người cao tuổi. Chúng ta cần nhìn nhận những người cao tuổi như một nguồn lực tích cực của xã hội và có những chính sách khuyến khích họ tiếp tục lao động. Việt Nam đang dự định bắt đầu tăng tuổi hưu từ năm 2021 để tận dụng được nguồn lao động giàu kinh nghiệm này, tuy nhiên trước đó chúng ta phải xóa bỏ được hành vi phân biệt tuổi tác vẫn đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam, thể hiện ở những quy định tuyển dụng như yêu cầu ứng viên dưới 30 tuổi, còn độc thân… là những rào cản hạn chế người cao tuổi tiếp tục cống hiến. Hiện nay, phân biệt tuổi tác không được coi là vấn đề lớn ở Việt Nam, nhưng lại là hành vi phạm pháp và bị xử phạt nặng ở các nước phát triển: ví dụ, năm 2017, các công ty Shell, Indeed (Anh) đã bị cáo buộc vi phạm luật chống phân biệt đối xử khi sử dụng công cụ facebook để giới hạn độ tuổi của những người xem tin tuyển dụng xuống dưới 25 tuổi; còn đầu năm 2018, công ty Diverse Lynx (Mỹ) đã phải chấp nhận bồi thường cho ứng viên 50.000 USD sau khi phản hồi rằng “tuổi tác rất quan trọng”.

Lộ trình chuẩn bị cho xã hội “già”

Việt Nam sẽ cần chuẩn bị ngay hôm nay bởi nếu đợi đến khi “bùng nổ” số lượng người cao tuổi mới đầu tư thì có lẽ chính phủ sẽ không gánh nổi khoản chi phí quá lớn ngay lập tức – PGS. Long nhận định. Một điều PGS. Long cũng khuyến nghị là công việc chuẩn bị chỉ có thể tốt nếu như chúng ta hiểu đầy đủ về người cao tuổi mà điều này đòi hỏi phải có được một số lượng lớn các nghiên cứu toàn diện về người cao tuổi ở các khía cạnh nhân khẩu học, y tế, kinh tế…- và thực tế là Việt Nam đang thiếu các nghiên cứu như vậy. Không có nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu thì không đủ nguồn tham khảo cho việc hoạch định, vì thế khó có thể có chính sách tốt, đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi và xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh. Ví dụ như phải có nghiên cứu thì chúng ta mới xác định được người cao tuổi muốn sống trong các nhà dưỡng lão hay muốn sống ở nhà để được con, cháu chăm sóc. Nếu chỉ tập trung xây các nhà dưỡng lão mà không có các chính sách khuyến khích con, cháu sống cùng với bố mẹ, ông bà cao tuổi (như ở Singapore, chính phủ khuyến khích con cái sống với cha mẹ già bằng cách ưu tiên và giảm giá mua nhà, xét giảm thuế cá nhân và kinh doanh; còn Trung Quốc sẽ xử phạt cả những người không về thăm cha mẹ già) thì dễ dàng dẫn đến tình huống người già thà sống neo đơn chứ không chịu vào nhà dưỡng lão, hoặc vào nhưng tâm lý không thoải mái.

Việc chuẩn bị cũng cần đầy đủ và quan tâm tới mọi khía cạnh của đời sống người cao tuổi, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong cách chuẩn bị hạ tầng và hệ thống dịch vụ hỗ trợ một cách toàn diện – từ đi lại (người già được đi xe biển vàng chạy với tốc độ chậm, thiết kế thang máy chạy chậm, độ cao bậc thang thấp), mua sắm (có cửa hàng riêng dành cho người già với xe đẩy gắn chỗ ngồi, kệ hàng thấp trong tầm với, giá niêm yết viết chữ to), ăn uống (các nhà máy chế biến thức ăn riêng cho người già)… bởi nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi tương đối khác biệt so với các nhóm dân số khác. Các bệnh ở tuổi già cũng khác, chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo riêng trong chuyên ngành lão khoa. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có mã ngành lão khoa trong đào tạo đại học – hiện chỉ có một số cơ sở đào tạo điều dưỡng, tập huấn ngắn hạn hoặc khóa sau đại học chuyên ngành lão khoa, nhưng số lượng là chưa đủ – và có kế hoạch chi tiết để phát triển đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đủ để đáp ứng được nhu cầu của một xã hội già.

***

Để có thể tiến đến một xã hội “già hóa thành công”, đầu tiên chúng ta phải coi người cao tuổi là tài sản thay vì là gánh nặng xã hội như trước, sau đó mới định hướng việc chuẩn bị, và chuẩn bị ngay từ hôm nay. Cùng lúc đó, mỗi người dân cũng phải vận động và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình ngay từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội. Chúng ta không thể trông chờ vào chính phủ để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình.

——————————–

Chú thích:

1. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê ASEAN 2014
2. UNFPA(2011), Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách
3. http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Kien-truc-tiep-can-cho-nguoi-khuyet-tat-Canh-cua-khep-ho-10295
4. http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Ban-tin-y-te/1332/Ban-tin-y-te-so-40-Thieu-mau-dinh-duong-va-cach-phong-chong
5. https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/gia-hoa-thanh-cong-3663855.html
6. www.sggp.org.vn/bat-cap-chinh-sach-cho-nguoi-cao-tuoi-19414.html

Theo MINH THUẬN / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,