Đại dịch COVID-19 và vết sẹo chưa lành ở thành phố Vũ Hán

Nhìn bên ngoài, nơi khởi phát dịch COVID-19 dường như đã quay về nhịp sống thường nhật. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong, cảm giác bất an vẫn tồn tại.

Đại dịch COVID-19 và vết sẹo chưa lành ở thành phố Vũ Hán

Người dân Vũ Hán tham dự một triển lãm về cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Nếu không phải nhờ những chiếc khẩu trang, người ta sẽ khó có thể đoán được đại dịch đã bắt đầu từ đây.

Phố Giang Hán (Jianghan), một đại lộ mua sắm nổi tiếng với những tòa nhà từ thời xa xưa, tràn ngập tiếng hò reo trong Tết Nguyên đán. Đèn lồng đỏ treo trên những ngọn đèn đường, mặt tiền các cửa hàng bày bán bạt ngàn đồ lễ, các gia đình tay cầm những xiên kẹo táo gai và mua quần áo, quà tặng cho mùa lễ hội.

Rất ít người Vũ Hán muốn nhớ lại

Một năm trước, những con phố này chìm trong khung cảnh ảm đạm đáng sợ. Cư dân Vũ Hán thu mình trong nhà, bị cấm ra ngoài vì loại virus chết người. Các bệnh viện quá tải, bệnh nhân thoi thóp thở trong phòng chờ và bãi đậu xe, trong khi người thân kêu cứu trên Internet và qua đường dây nóng của chính quyền mà ít khi liên lạc được.

Rất ít người Vũ Hán muốn nhớ lại thời điểm đó. Những cảnh tương tự đã tái diễn trên khắp thế giới khi COVID-19 lan rộng, đến nay giết chết hơn 2,3 triệu người. Tuy nhiên, ở đây, nơi đại dịch bắt đầu, cuộc sống đã trở lại nhịp điệu quen thuộc. Kể từ tháng 4/2020, Vũ Hán chỉ ghi nhận hơn 10 ca nhiễm mới.

Nhìn bên ngoài, thành phố dường như đã quay về lối sống thường nhật: Hai phụ nữ trẻ ngồi trên vỉa hè, huyên thuyên về bạn trai. Một người đàn ông lớn tuổi đẩy xe lăn cho vợ dưới ánh nắng Mặt Trời, nắm tay bà khi nhìn vào đám đông đang cười. Nhưng sâu bên trong, một cảm giác bất an vẫn tồn tại.

Mary Xu, 56 tuổi, một nhà trị liệu ở Vũ Hán cho biết: “Cứ như tất cả đều trải qua một cơn hôn mê. Mọi người không muốn đối mặt với nó. Họ tê liệt và né tránh”.

Không ai xung quanh muốn nói về dịp kỷ niệm một năm ngày Vũ Hán bị phong tỏa (23/1), bà chia sẻ. Bất cứ khi nào nó xuất hiện trong cuộc trò chuyện, ai đó sẽ nhanh chóng thay đổi chủ đề, đôi khi là nâng ly: “Chúc mừng, chúng ta vẫn còn sống!”. “Mọi người đã xây dựng một vỏ bọc để bảo vệ mình”, bà nói.

Bà Xu đã tư vấn cho nhiều bệnh nhân vẫn mang trong mình cảm giác tội lỗi và đau buồn, đặc biệt là những người mất người thân trong những ngày đầu phong tỏa Vũ Hán. Thiếu kit xét nghiệm và giường bệnh có nghĩa là nhiều người đã chết mà không được xác nhận liệu họ có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Một phụ nữ có mẹ và chồng qua đời chỉ cách nhau vài ngày. Một người vợ đã hoảng sợ khi chồng mình bị cách ly. Cô vứt bỏ tất cả những gì chồng đã chạm vào ở nhà. Ngồi một mình, cô cảm thấy khó thở, sợ mình sẽ chết mà không ai biết. Xu đã tư vấn cho cô qua điện thoại.

Một phụ nữ khác đã mất nhiều ngày xin xe cấp cứu (vào thời điểm đó, ôtô cá nhân cũng bị cấm trên đường phố Vũ Hán) cho cha cô, nhưng khi đến bệnh viện, cô không thể tìm được giường bệnh cho ông. Cô đưa ông về nhà, để ông nằm ở tầng một vì không đủ sức để cõng ông lên cầu thang.

“Ông đã qua đời ở đó trước mặt cô ấy. Cô ấy đang nấu cháo cho ông”, Xu nói. “Cô ấy không thể nói lời vĩnh biệt”.

Để dịu bớt những sang chấn như vậy có thể mất nhiều năm. Nhiều người dân Vũ Hán khoá chặt ký ức về những ngày đen tối nhất. Xu cho biết thành phố cũng thiếu các nhà tâm lý học giỏi. Nhiều người quá vội vàng chẩn đoán vấn đề hơn là khám phá cảm giác tức giận, buồn phiền và sợ hãi của bệnh nhân. Cảm giác xấu hổ cũng rất phổ biến.

“Có sự xa lánh”, cô nói. Thậm chí, cô còn cảm thấy e ngại khi hỏi thăm những người có thân nhân đã mất vào năm ngoái . Những người từng nhiễm virus và sống sót không muốn nói về căn bệnh. Xu chia sẻ: “Đó là cảm giác tội lỗi và lo sợ mọi người sẽ xa lánh bạn”.

Nỗi đau dai dẳng

Đối với một số người ở Vũ Hán, ký ức đó là một nỗi đau dai dẳng.

Zhong Hanneng, 68 tuổi, mất con trai Peng Yi vì COVID-19 vào tháng 2/2020. Khi đó, bà cũng nhiễm bệnh và đang cách ly ở nhà, không biết về cái chết của con cho đến một tháng sau, khi con dâu bà dám mở lời. Người con dâu đã vô cùng vất vả để tìm người chồng 39 tuổi một chiếc giường bệnh.

Sau nhiều ngày thương lượng, họ mới tìm được một chiếc xe bán tải để chở Peng đến trung tâm y tế. Anh sốt cao, nằm trên chiếc giường gắn trong thùng xe để mở, dầm mưa giữa mùa đông suốt một giờ trên đường đi.

Tại bệnh viện, Peng đã bị bỏ mặc vì các nhân viên y tế đều quá tải. Họ chỉ được cho một hộp sữa sau nhiều giờ nài nỉ, bà Zhong kể. Trong những giây phút cuối cùng trước khi hôn mê, Peng đã gửi nhiều tin nhắn nhờ nhân viên bệnh viện giúp đỡ, nhưng đều không được trả lời.

Bà Zhong chỉ mới biết về những khoảnh khắc đau đớn đó gần đây, khi bà nhận về điện thoại di động của Peng và xem qua nội dung.

“Tôi luôn nghĩ về nó khi một mình, nó đã ra đi như thế nào khi không có ai xung quanh. Thật bất lực, thật sợ hãi”, bà Zhong nói. “Thật khó để tôi vượt qua việc đó. Tôi không thể ngừng nghĩ về nó. Tôi không thể vượt qua”.

Bà Zhong tức giận vì đã tin những thông điệp ban đầu trên truyền hình về loại virus này là “có thể kiểm soát và ngăn ngừa được”, không có nguy cơ lây truyền từ người sang người. Đó chính là vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán năm ngoái, khi gia đình bà đi chơi cùng nhau vì tin rằng họ sẽ không bị nhiễm bệnh.

“Giá như họ nói với chúng tôi sớm hơn. Chúng tôi không được cảnh báo”, bà Zhong nói. “Chúng tôi đã quá ngây thơ”.

Zhong đã nộp hai đơn khiếu nại chống lại chính quyền địa phương để quy trách nhiệm về việc điều trị của con trai bà nhưng không nhận được hồi âm. Peng từng là một giáo viên tiểu học được nhiều người yêu mến.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,