Đại dịch COVID-19: Thách thức và thời cơ cho Tổng thống Putin

Đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn với ông Putin. Tuy nhiên, việc đưa đất nước thoát khỏi thảm họa mà phương Tây đang phải chịu sẽ là một chiến thắng ngoạn mục để ông Putin tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo nước Nga của mình.

Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định dời cuộc bỏ phiếu thay đổi hiến pháp Nga vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Vào ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu trực tuyến trước toàn thể dân Nga về đại dịch COVID-19.

Đây là lần đầu tiên tổng thống Nga lên tiếng sau khi tròn một tháng nước này xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Mở đầu bài phát biểu, ông Putin khẳng định sẽ dời cuộc bỏ phiếu thay đổi hiến pháp, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 sắp tới.

Bàn cờ chính trị của ông Putin

Quyết định dời ngày bỏ phiếu của ông Putin rất đáng chú ý. Bởi lẽ nếu hiến pháp Nga được sớm bỏ phiếu và thông qua, Tổng thống Putin sẽ có thể cầm quyền tại điện Kremlin cho đến năm 2036. Khi đó, Tổng thống Putin đã ngoài 80 tuổi và được xem là vị tổng thống mang lại thay đổi lịch sử của nước Nga.

Đầu tháng 3/2020, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua kiến nghị sửa đổi hiến pháp về việc bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Putin. Cùng thời điểm này, Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền tuyên bố sẽ ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp cho phép ông Putin ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Động thái này đã mở đường cho khả năng ông Putin tranh cử và tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong nhiều năm tới, một tiền lệ (nếu có) sẽ là vô tiền khoáng hậu ở Nga.

Tổng thống Putin trước nay vẫn chưa lần nào khẳng định khả năng ông tiếp tục nắm quyền tới năm 2036. Thậm chí trong một lần gặp mặt các cựu chiến binh thời Thế chiến 2 vào tháng 1 vừa qua, ông Putin còn bày tỏ sự phản đối ý tưởng lãnh đạo nước Nga sẽ có nhiệm kỳ vô thời hạn. Tuy nhiên, giới quan sát chính trị quốc tế gần như đồng thuận rằng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga, chí ít là bởi sự đồng thuận của hệ thống chính trị lẫn người dân nước này đang ở tỉ lệ cao mà chưa có đối thủ nào đủ sức vượt mặt đương kim tổng thống.

Nên nhớ rằng ông Putin không phải lần đầu tạo ra bất ngờ cho nền chính trị Nga. Năm 2008, sau khi kết thúc ba nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin không thể tiếp tục vị trí lãnh đạo nước Nga mà thay vào đó là ông Dmitry Medvedev. Đây được xem là “bộ đôi quyền lực” của Nga. Ngay nhiệm kỳ tiếp theo của ông Medvedev, Tổng thống Putin đã quay lại điện Kremlin (năm 2012) và tiếp tục lãnh đạo nước Nga cho đến nay. Như vậy, thay đổi hiến pháp Nga lần này nếu có thì đó là một sự kiện lớn nhưng không gây bất ngờ.

COVID-19 trì hoãn thay đổi hiến pháp

Dịch COVID-19 đã trì hoãn quá trình bỏ phiếu thay đổi hiến pháp và ông Putin cũng chưa đưa ra lời hứa hẹn nào cho thời hạn tiến hành bỏ phiếu mới. Đại dịch đã và đang tạo ra áp lực cho hệ thống chính trị nước Nga ngày càng lớn. Nước Nga xuất hiện hàng ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong. So với các nước châu Âu hay Mỹ, Trung Quốc thì con số ở Nga còn rất nhỏ nhưng những rủi ro báo trước là vô cùng đáng suy nghĩ.

Chính quyền Moskva đã ban hành lệnh phong tỏa ở một số khu vực sầm uất như hai TP Moskva và St. Petersburg. Song song đó, Nga cấm nhập cảnh công dân nước ngoài (hiện chiếm 75% nguồn gốc số ca nhiễm tại nước này), ngừng khai thác các chuyến bay quốc tế đến Nga.

Tổng thống Putin trong bài phát biểu tuần trước nhấn mạnh người dân nên ở trong nhà. “Đừng nghĩ rằng dịch bệnh sẽ không thể xảy ra với tôi. Nó có thể ập đến bất kỳ ai. Điều quan trọng nhất là hãy ở yên trong nhà” – ông Putin nói.

Từ ngày 26/3, những người già từ 65 tuổi trở lên ở Nga được lệnh tự cách ly tại nhà. Các sự kiện thể thao, văn hóa; các tổ chức doanh nghiệp như bar, câu lạc bộ sinh hoạt về đêm, rạp chiếu phim và hầu hết cuộc tụ tập quy mô lớn đều được lệnh hủy hoặc ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, chính quyền Moskva đang bị giới quan sát chỉ trích rằng: Việc thực thi chính sách đảm bảo giãn cách xã hội chưa đủ. Chuyên gia dịch tễ học Vasily Vlasov, ĐH Kinh tế (Nga), nói với thời báo Moskva rằng: “Mọi người dân cần phải cách xa nhau đến mức tối đa và tôi phải nhấn mạnh rằng giải pháp này cần được thực hiện trong ít nhất hai tuần. Để làm được điều đó, (chính quyền Nga) cần đưa ra những giải pháp để buộc người dân phải ở yên trong nhà”.

Gánh nặng lên chính quyền Putin

Vlasov nhận định các cơ quan quản lý dịch của Nga đang đi đúng hướng nhưng tiếc thay các chính sách của Nga chưa được thực hiện hiệu quả trong khi các biện pháp chống dịch chưa được thực thi hữu hiệu. Nhận định này ngay lập tức linh ứng khi chỉ một tuần sau bài phát biểu của ông Putin hôm 25-3, số ca nhiễm tại Nga từ ngoài 600 đã tăng gần bốn lần, lên hơn 2.300 ca nhiễm.

Chính quyền Nga triển khai các gói chính sách cứu trợ kinh tế nhằm vào dân nghèo, trẻ em, các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế Nga đang gặp khó khăn vì đối đầu với (các lệnh trừng phạt) phương Tây, giá dầu thế giới giảm mạnh, nếu tình hình dịch tiếp tục leo thang thì suy thoái kinh tế là viễn cảnh khả dĩ.

Các gói cứu trợ sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế Nga nhưng tin xấu hơn đó là khủng hoảng xã hội có thể xảy ra khi dịch bệnh không được kiểm soát.

“Tại Nga, các nhà chức trách đang nỗ lực trấn an niềm tin của người dân và đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát” – Tatiana Stanovaya, người sáng lập dự án phân tích chính trị R.Politik (Nga), nhận định. Tuy nhiên, hai cây bút Evan Gershkovich và Jake Cordell của Thời Báo Moskva cho rằng đúng như chuyên gia dịch tễ học Vlasov nhận định: Đại dịch COVID-19 ở Nga chỉ mới bắt đầu. Nước Nga đang phải chuẩn bị cho một đợt bùng phát đại dịch.

Cơ hội cho ông Putin

Tính đến tháng 3/2020, ông Putin đã trải qua 20 năm lãnh đạo nước Nga kể từ ngày ông chính thức đắc cử tổng thống.

Nước Nga 20 năm qua trải qua không ít sự kiện khó khăn như các cuộc tấn công khủng bố tại trường học ở Beslan và thủ đô Moskva; khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009; các cuộc biểu tình phản đối ông Putin tái đắc cử năm 2012; giá dầu giảm mạnh giai đoạn 2014; đối đầu với phương Tây về Crimea hay Ukraina từ năm 2014 đến nay… Có thể nói tỉ lệ ủng hộ ông Putin thời gian qua có lúc tăng, có lúc giảm nhưng có điểm chung là chưa ai có thể trở thành đối thủ đáng gờm của ông Putin trên chính trường nước Nga.

Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng ở Nga cũng góp phần giúp ông Putin thể hiện vai trò lãnh đạo. Ở góc độ phương Tây, các chỉ trích nhắm vào ông Putin là không thể tránh khỏi vì các mâu thuẫn về lợi ích và cách vận hành nền dân chủ Nga. Tuy nhiên, một thực tế là chính quyền Moskva dưới thời ông Putin đã vượt qua nhiều khó khăn, tạo ra nhiều thành tựu cả về đối nội lẫn vị thế trên trường quốc tế. Các gói trừng phạt kinh tế lớn của phương Tây cho đến lúc này có thể khiến Nga lâm vào khó khăn nhưng vị thế của Nga vẫn vững.

Đại dịch COVID-19 lần này là một thách thức lớn với ông Putin, thậm chí quan trọng hơn cả việc bỏ phiếu thông qua thay đổi hiến pháp. Tuy nhiên, nếu Moskva quyết liệt áp dụng các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tác hại của đại dịch, đưa đất nước thoát khỏi những con số nhiễm và tử vong khủng mà phương Tây đang phải chịu thì đó là một chiến thắng ngoạn mục để ông Putin tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo nước Nga của mình.

.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: , ,