Đã quá muộn để nhân loại phát triển bền vững?

Dennis Meadows, một trong những tác giả của báo cáo gây chấn động cách đây 40 năm mang tựa đề Các giới hạn tăng trưởng, cho rằng đã quá muộn khi nói về phát triển bền vững.

Tháng 3/1972, một nhóm chuyên gia của Đại học MIT, trong đó có Dennis Meadows, đã công bố một báo cáo gây chấn động mang tựa đề Các giới hạn tăng trưởng, trong đó cảnh báo rằng nếu xu hướng gia tăng dân số, công nghiệp hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực, và khai thác tài nguyên, vẫn cứ tiếp tục thì không tránh khỏi dẫn tới một thời kỳ suy thoái trong vòng 100 năm, khi dân số bị sụt giảm, kinh tế đi xuống, và môi trường sống sụp đổ.

Trải qua bốn thập kỷ, cuốn sách Các giới hạn tăng trưởng đã bán được hơn 10 triệu bản trên 30 ngôn ngữ khác nhau, là một trong những tài liệu nghiên cứu về môi trường kinh điển trong thế kỷ 20. Tháng 3/2012 Câu lạc bộ Rome và Viện Smithsonian đã tổ chức kỷ niệm nhân dịp báo cáo tròn 40 năm. Tại lễ kỷ niệm, trả lời phỏng vấn của nhà báo Megan Gambino, Dennis Meadows cho rằng đã quá muộn khi nói về phát triển bền vững. Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.

– Từ năm 1970 đến năm 1972, ông và 15 người khác đã nỗ lực thực hiện nghiên cứu với công trình Các giới hạn tăng trưởng. Vậy đâu là những mục tiêu mà các ông đặt ra khi bắt đầu dự án này?

– Jay Forrester, vị giáo sư lâu năm của MIT (Học viện công nghệ Massachusset) đã xây dựng mô hình lí thuyết chỉ ra mối quan hệ giữa năm yếu tố tăng trưởng then chốt toàn cầu: dân số, tài nguyên, ô nhiễm, sản xuất lương thực và hoạt động công nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp các dữ liệu để kiểm tra mô hình lý thuyết này và tìm hiểu kỹ hơn. Chúng tôi muốn hiểu nguyên nhân và hậu quả của quá trình tăng trưởng mang tính vật chất đối với hành tinh của chúng ta trong khoảng thời gian 200 năm, từ 1900 đến 2100.

– Căn cứ trên kết quả chạy mô hình dưới kịch bản “tiêu chuẩn”, hay còn gọi là kịch bản “duy trì kinh doanh sản xuất như bình thường” (“business-as-usual”), các ông đã dự đoán rằng chúng ta có thể vượt quá khả năng chịu đựng của hành tinh và sự sụp đổ sẽ xảy ra vào giữa thế kỷ 21. Vậy khái niệm sụp đổ ở đây nghĩa là như thế nào?

– Dữ liệu từ mô hình phân tích trên quy mô thế giới cho thấy, nếu chúng ta không có những thay đổi lớn sớm – từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước – thì trong giai đoạn 2020 – 2050, các đại lượng như dân số, công nghiệp, lương thực, và các đại lượng khác sẽ đạt đến ngưỡng cực đại và sau đó bắt đầu tụt dốc. Đấy là cái mà chúng tôi gọi là sụp đổ.

Trong cuộc sống thực, chúng ta không biết chắc sự sụp đổ diễn ra thế nào. Cũng như khi chúng ta đang ở San Francisco và biết rằng sẽ có một trận động đất khiến các tòa nhà sụp đổ. Nhưng cụ thể thì tòa nhà nào sẽ sụp đổ và đổ vào đâu? Chúng ta không có cách gì để biết chắc câu trả lời.

Tương tự như vậy, chúng ta biết rằng trong tương lai năng lượng, lương thực, và tiêu thụ vật chất chắc chắn sẽ tụt dốc, với nguyên nhân nhiều khả năng là rất nhiều các vấn đề xã hội mà chúng tôi không mô hình hóa trong phân tích của mình. Nếu các tham số vật chất này của trái đất suy giảm thì rõ ràng không có cơ hội để có thể gia tăng được tự do, dân chủ, và nhiều những giá trị phi vật chất khác mà chúng ta coi trọng.

– Làm thế nào các ông tính được khả năng chịu đựng của hành tinh?

– Khả năng chịu đựng của hành tinh liên quan đến tất cả các vấn đề khoa học, kĩ thuật và triết học. Mathis Wackernagel (nhà kinh tế Thụy Sỹ, người vận động cho phát triển bền vững) và các đồng nghiệp của ông đã có được nghiên cứu tốt nhất cho việc giải quyết các vấn đề khác nhau này để đưa ra được những con số cụ thể. Mathis đã đưa ra khái niệm đươc gọi là dấu ấn tác động sinh thái toàn cầu (global ecological footprint). Về cơ bản, nó quy đồng tất cả năng lượng và vật chất mà loài người sử dụng hàng năm từ các nguồn tài nguyên không tái tạo [như dầu hỏa] và đưa ra giả thuyết rằng bằng cách này hay cách khác chúng sẽ được bù đắp từ các nguồn năng lượng tái tạo được [như gỗ và mặt trời]. Từ đó, nó so sánh mức tiêu thụ hiện tại của chúng ta với mức tái tạo được của trái đất.

Điều lý giải việc chúng ta đi quá ngưỡng chịu đựng của hành tinh, nói ngắn gọn, cũng giống như việc chúng ta có thể tiêu pha nhiều hơn mức thu nhập của mình trong một giai đoạn ngắn nhất định nếu trước đó chúng ta đã tiết kiệm trong một khoảng thời gian dài. Nhưng cuối cùng thì chúng ta sẽ tiêu hết sạch số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình, và trở nên bế tắc. Đấy chính là những gì đang xẩy ra với chúng ta trên toàn cầu. Chúng ta đang sống nhờ vào khoản tiết kiệm tích lũy của tự nhiên, về đa dạng sinh học, nhiên liệu hóa thạch, đất hoa màu và nước ngầm, để rồi khi tiêu dùng hết [khoản tiết kiệm này của thiên nhiên], chúng ta sẽ buộc phải cắt giảm mức tiêu thụ, về đúng trong phạm vi thu nhập hàng năm của mình.

– Như mô tả trong bài báo của tờ Washington Post vào năm 1972, ông và các đồng nghiệp đã “bị mọi người xua đuổi như những kẻ lập dị.” Vậy đâu là những luận điểm chính phản biện lại nghiên cứu của các ông?

– Chúng tôi đã bỏ qua cơ chế giá và thị trường trong mô hình của mình. Và chúng tôi đã đánh giá thấp tốc độ của tiến bộ công nghệ. Có thể nói đó là hai luận điểm phản biện cơ bản. Chúng tôi đã nhìn nhận thế giới một cách tổng thể, nhưng mọi người đã chỉ ra một điểm rất xác đáng rằng thế giới không đồng nhất. Trên thế giới có một số lượng lớn các khu vực và văn hóa khác nhau. Những yếu tố này đã bị bỏ qua trong mô hình của chúng tôi. Chúng tôi bỏ qua vì cho rằng vai trò của chúng không tạo ra khác biệt đối với kết luận chính của chúng tôi. Nhưng những người phê phán chúng tôi không nghĩ như vậy.

– Giới truyền thông chỉ chú tâm vào sụp đổ và sự bi quan. Nhưng báo cáo “các giới hạn tăng trưởng” cũng bao gồm cả những kịch bản lạc quan với một tương lai ổn định và bền vững. Các giả định nào đã đem lại khác biệt ở những kịch bản này?

– Chúng tôi đã sử dụng mô hình như một cơ sở để thử nghiệm, giống như khi chúng ta thiết kế máy bay và cho các mô hình bay thử trong các đường hầm đầy gió để thử nghiệm các thiết kế khác nhau. Chúng tôi đã thử nghiệm với hàng loạt các thay đổi khác nhau để xem cái gì có thể ngăn chặn sự sụp đổ. Chúng tôi đã bắt đầu với những giả định về thay đổi công nghệ làm tăng năng suất nông nghiệp, giảm ô nhiễm, tăng nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên, v.v. Và điều mà chúng tôi nhận ra là chỉ thay đổi về công nghệ là chưa đủ để ngăn chặn sụp đổ. Cần thiết phải có những thay đổi về xã hội và văn hóa. Chúng ta cần ổn định dân số, cần chuyển xu hướng chú trọng tiêu dùng hàng hóa vật chất sang khu vực phi vật chất – tình yêu, tự do, tình bạn, sự thấu hiểu bản thân, và những gì tương tự.

– Khi đó ông lạc quan ở mức độ nào về một xã hội sẽ thay đổi theo hướng bền vững?

– Năm 1972 và một thời gian sau đó tôi đã rất lạc quan.Tôi đã lạc quan một cách ngây thơ. Tôi đã chân thành tin vào cái mà tôi gọi là “mô hình thực thi tại bậc cửa”. Nghĩa là, sau khi tiến hành nghiên cứu, ta nhận ra được “sự thật”. Ta đặt nó ở bậc cửa của nhà lãnh đạo, và khi anh ta bước ra vào buổi sáng, anh ta nhìn thấy nó, và thay đổi hành vi của mình. Toàn bộ nhóm của tôi đã làm việc rất nhiều. Chúng tôi cũng đã viết cả những cuốn sách khác. Chúng tôi đã xây dựng các tài liệu giảng dạy. Nhiều người trong chúng tôi đã tham gia giảng dạy trong nỗ lực giúp tạo ra những thay đổi mà chúng tôi cho là sẽ đến.

– Tới nay, ông không còn cho rằng phát triển bền vững là có thể. Vậy ông định nghĩa thuật ngữ này ra sao?

– Khi sử dụng thuật ngữ “Phát triển bền vững” – thuật ngữ mà thực ra tôi cho là tự mâu thuẫn — thì tôi cố gắng biểu đạt một ý nghĩa phù hợp với cách hiểu của đại đa số mọi người. Ở chừng mực mà tôi có thể nói, những ai sử dụng thuật ngữ phát triển bền vững, ý của họ cơ bản là một pha của sự phát triển mà ở đó người giàu vẫn cứ giàu, nhưng mọi người nghèo đều vẫn có thể bắt kịp. Hoặc là, người ta vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động [khai thác và tiêu thụ] như bình thường, nhưng nhờ vào phép màu công nghệ mà thiệt hại cho môi trường giảm bớt, và tiêu tốn ít tài nguyên hơn. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì cũng chỉ là ảo tưởng. Cả hai đều không còn khả thi nữa. Có thể vẫn còn khả thi vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, nhưng đến giờ thì không. Chúng ta hiện đang khai thác ở mức 150% khả năng chịu đựng của trái đất.

– Vậy khi nào thì niềm tin của ông về phát triển bền vững thay đổi?

– Từ những năm 90 quan điểm của tôi đã bắt đầu thay đổi. Nhưng nó trở nên chắc chắn chỉ mới bốn, năm năm trở lại đây khi tôi nhận thức rõ rằng chúng ta không còn cơ hội để giải quyết các vấn đề này một cách có trật tự. Tôi nghĩ rằng ví dụ về sự đổ vỡ của các doanh nghiệp ảo trên internet (dot-com bust) và sau này là vụ đổ vỡ bất động sản năm 2008 đã cho thấy sự hiểu biết và cách thức mà chúng ta xử lý các bong bóng là thô sơ tới mức khó tin như thế nào. Các giới hạn tăng trưởng tuyệt đối nhấn mạnh đến hiện tượng bong bóng, bong bóng trong dân số, trong tiêu thụ vật chất và năng lượng.

– Thay vì tăng trưởng ông nghĩ ta phải làm gì sắp tới để có được sự tiến bộ?

– Khắp thế giới, người ta đang xây dựng các chỉ tiêu mới về sự phồn vinh quốc gia, và các chỉ tiêu này tinh tế hơn chỉ tiêu GNP (tổng sản lượng quốc nội). Điều khôi hài là, những người phát minh ra khái niệm GNP đã khuyến nghị rất rõ rằng cần thận trọng khi sử dụng nó như một chỉ số cho thành công. Thế nhưng biết làm sao được khi chúng ta đã quen dùng nó [một cách sai lệch]. Chúng ta cần bắt đầu nhìn vào các nhân tố khác. Ví dụ như ở Mỹ, chúng ta có lượng tù nhân cao nhất thế giới tính trên đầu người. Chúng ta là nước nợ lớn nhất. Tính bình đẳng cơ hội trong xã hội (social mobility) ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp khác. Khoảng cách giàu và nghèo đang lớn hơn. Chúng ta đang có rất nhiều vấn đề, và một chỉ số đo lường hiệu quả hơn thành công của quốc gia sẽ giúp phản ánh những vấn đề này, định lượng chúng, và kết hợp lại theo một cách nào đó.

– Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết của khả năng phục hồi. Ý ông muốn nói gì?

– Trên lí thuyết, phục hồi là khả năng của hệ thống hấp thụ những cú sốc và tiếp tục hoạt động. Trên thực tế thì điều này có nghĩa như thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu tương đối đầy đủ xung quanh vấn đề phục hồi tâm lí. Cộng đồng y học đã thử tìm hiểu cái gì có khả năng cho phép con người tiếp tục duy trì tồn tại sau khi trải qua mất mát, ví dụ như khi mất người thân, bệnh tật trầm trọng, hoặc mất việc làm. Đặc biệt từ sau cơn bão Katrina, đã bắt đầu có một lĩnh vực nghiên cứu khả năng phục hồi của cộng đồng, hoặc khả năng của một thành phố hay một cộng đồng xã hội hấp thụ các cơn sốc và tiếp tục duy trì vận hành, đáp ứng được như cầu từ các thành viên của nó.

Ở đây, tôi muốn nói đến sự phục hồi mang tính lâu dài. Tôi muốn nói về sự thích nghi với việc mất đi vĩnh viễn nguồn năng lượng giá rẻ, hoặc sự thay đổi khí hậu một cách vĩnh viễn, và làm thế nào để chúng ta, ở cấp cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, và ở cấp quốc gia, có thể đảm bảo rằng – mặc dù chúng ta không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra – chúng ta sẽ có khả năng phải vượt qua thời kì khó khăn đó mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của mình.

– Trong các chuyên gia bàn về tình hình tăng trưởng hiện nay và dự đoán cho tương lai, ai là người mà ông cho là thật sự đáng quan tâm?

– Đối với tôi, Lester Brown [nhà phân tích môi trường và tác giả cuốn World on the Edge] luôn cung cấp những hiểu biết rất hữu ích về những vấn đề chính của các hệ thống lương thực. Ông đã chỉ ra rằng bây giờ tại đa số các khu vực trên thế giới, chúng ta đang khai thác nước ngầm quá mức. Một số trong các tầng nước ngầm không được tái tạo; chúng ta gọi đó là nước hóa thạch, còn những tầng khác thì tốc độ tái tạo khá chậm. Vì vậy chẳng bao lâu nữa sẽ đến thời điểm khi việc sử dụng các tầng nước ngầm đó sẽ không thể nhiều hơn lượng nước được tái tạo hằng năm. Điều này có nghĩa là trong tương lai chúng ta buộc phải chịu mất đi lượng lương thực đang được sản xuất theo cách dùng quá nhiều nước như hiện nay, hoặc phải chuyển sang sản xuất bằng phương pháp phác. Đây là một luận điểm rất thuyết phục của Brown.

Theo TRẦN ĐỨC LỊCH / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: