⠀
Cuộc chiến Vịnh Con Lợn – nỗi hổ thẹn thế kỷ của CIA
Diễn ra từ 17-19/4/1961, Sự kiện Vịnh Con Lợn là một nỗ lực bất thành của lực lượng những người Cuba lưu vong do CIA huấn luyện để xâm chiếm miền Nam Cuba với sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm lật độ chính phủ của Fidel Castro ở Cuba.
Kế hoạch được tiến hành vào tháng 4/1961, chưa đầy ba tháng kể từ khi John F. Kennedy lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến này, quân đội chính phủ Cuba đã đánh bại đội quân lưu vong do CIA hậu thuẫn trong vòng ba ngày.
Sự kiện này được đặt tên theo Vịnh Con Lợn, tâm điểm của các hoạt động quân sự. Cuộc đổ bộ chính trong sự kiện xâm lược này diễn ra tại bờ biển Playa Girón, nằm ở cửa vịnh.
Kế hoạch của CIA
Ngày 16/3/1960, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) dùng Đơn vị Hoạt động Đặc biệt của mình để vũ trang, huấn luyện và chỉ đạo những người Cuba lưu vong để thực hiện đổ bộ xâm lược vào Cuba, nhằm lật đổ chính quyền do Fidel Castro mới thành lập ở Cuba. Eisenhower nói rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ là phải hỗ trợ cho lực lượng du kích chống Fidel.
Ban đầu CIA rất tự tin là họ đủ khả năng lật đổ chính phủ Cuba, vì đã có kinh nghiệm thành công trước đây như Cuộc đảo chính ở Guatemala 1954. Một kế hoạch có bí danh Chiến dịch Pluto được Phó giám đốc Kế hoạch của CIA Richard Mervin Bissell, Jr. thảo ra, dưới quyền của Giám đốc CIA Allen Dulles.
Kế hoạch ban đầu của CIA là sẽ xâm nhập bằng tàu vào thành cổ thuộc địa Trinidad, Cuba, cách La Habana khoảng 270 km về phía đông nam, tại chân của Dãy núi Escambray thuộc tỉnh Sancti Spiritus. Trinidad có hạ tầng cầu cảng tốt, và khá gần với các hoạt động phản cách mạng tại Cuba. CIA về sau cũng đề nghị các phương án thay thế, đến ngày 11/3/1961 Tổng thống Kenedy và nội các của ông đã lựa chọn phương án Vịnh Con Lợn (hay còn được gọi là Chiến dịch Zapata), vì nó có đường sân bay thích hợp cho hoạt động của máy bay ném bom B-26 và ít “ồn ào” về mặt quân sự hơn, vì vậy có vẻ sẽ dễ khước từ sự liên quan trực tiếp của Hoa Kỳ hơn.
Khu vực đổ bộ được đổi sang những bãi biển bao quanh Vịnh Con Lợn tại tỉnh Las Villas, cách La Habana 150 km về phía đông nam, nằm ở phía đông bán đảo Zapata. Cuộc đổ bộ dự kiến sẽ diễn ra tại Playa Girón (bí danh Bãi xanh dương), Playa Larga (bí danh Bãi đỏ), và Caleta Buena Inlet (bí danh Bãi xanh lá).
Vào tháng 3/1961, CIA giúp những người Cuba lưu vong tại Miami thành lập Hội đồng Cách mạng Cuba (CRC), do José Miró Cardona, cựu Thủ tướng Cuba vào tháng 1 năm 1959, làm chủ tịch. Cardona trên thực tế trở thành tổng thống chờ đợi cho chính quyền Cuba hậu xâm lược.
Chuẩn bị cho cuộc xâm lược
Vào tháng 4/1960, CIA bắt đầu tuyển mộ người Cuba lưu vong có tư tưởng chống Fidel tại khu vực Miami. Đến tháng 7/1960, quá trình tuyển lựa và huấn luyện diễn ra tại Đảo Useppa và một số địa điểm khác tại Nam Florida, như Homestead AFB. Những cuộc huấn luyện về đánh du kích diễn ra tại Trại Gulick, Panama và Trại Clayton, Panama. Sau khi tăng mức độ tuyển dụng, việc huấn luyện bộ binh được thực hiện tại một căn cứ của CIA có bí danh JMTrax gần Retalhuleu tại Sierra Madre trên bờ biển Thái Bình Dương của Guatemala.
Nhóm lưu vong tự gọi mình là Lữ đoàn 2506 (Brigada Asalto 2506). Vào mùa hè năm 1960, một trường bay (có bí danh JMMadd, hay Căn cứ Rayo) được xây dựng gần Retalhuleu, Guatemala. Những nhân viên đến từ Alabama ANG (Bảo vệ Hàng không Quốc gia) đảm nhiệm việc huấn luyện bắn súng và bay cho lực lượng bay của quân đội lưu vong.
26 chiếc B-26 lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ đã được ‘làm sạch’ tại ‘Field Three’ để xóa hoàn toàn xuất xứ, và khoảng 20 chiếc trong số đó được cải tạo cho chiến dịch tấn công bằng cách bỏ đi các quân trang phòng vệ, chuẩn hóa mũi tám súng, bổ sung buồng thả dưới cánh, khay tên lửa, v.v.
Việc huấn luyện lính nhảy dù được tiến hành ở căn cứ Garrapatenango, gần Quetzaltenango, Guatemala. Việc huấn luyện xử lý thuyền và đổ bộ diễn ra tại Đảo Vieques, Puerto Rico. Huấn luyện tăng diễn ra tại Trại Knox, Kentucky và Trại Benning, Georgia. Huấn luyện phá hoại và xâm nhập dưới nước diễn ra tại Belle Chase gần New Orleans.
CIA đã sử dụng máy bay vận tải Douglas C-54 để gửi người, lương thực, và vũ khó bay từ Florida vào ban đêm. Những chiếc Curtiss C-46 cũng được dùng để vận tải giữa Retalhuleu và căn cứ của CIA có tên JMTide (hay Happy Valley), tại Puerto Cabezas, Nicaragua. Ngày 9/4/1961, nhân sự, tàu bè, và máy bay của Lữ đoàn 2506 bắt đầu được chuyển từ Guatemala sang Puerto Cabezas, Nicaragua.
Đầu năm 1961, quân đội Cuba sở hữu các loại vũ khí do Liên Xô thiết kế như xe tăng T-34 và IS-2 Stalin, SU-100 tự hành chống tăng, pháo bức kích 122 mm, các loại pháo và vũ khí hạng nhẹ khác, trong đó có cả pháo bức kích 105 mm của Ý. Không quân Cuba được trang bị các loại khí tài như máy bay ném bom hạng nhẹ Douglas B-26 Invader, chiến đấu cơ Hawker Sea Fury, và phản lực Lockheed T-33, tất cả đều là những thứ để lại từ thời chính quyền Batista.
Do đã tiên lượng được cuộc xâm nhập, Che Guevara đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lược lượng dân quân vũ trang, nói rằng “mọi người dân Cuba phải là một đội quân du kích, mỗi một người Cuba phải học cách sử dụng súng và khi cần phải dùng chúng để bảo vệ đất nước”.
Lực lượng phòng thủ của Cuba đã biết về cuộc xâm lược sắp tới, thông qua mạng lưới tình báo bí mật của họ, cũng như qua những cuộc nói chuyện bị rò rỉ giữa những thành viên của lữ đoàn, một số nghe được tại Miami và được lặp lại tại Hoa Kỳ và các bản tin báo chí ngoại quốc khác. Chính quyền Cuba cũng đã được các nhân viên cấp cao của KGB, lần lượt là Osvaldo Sánchez Cabrera và “Aragon” cảnh báo.
Theo Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, David Ormsby-Gore, tình báo Anh cho rằng đa số người dân Cuba ủng hộ Fidel và sẽ khó mà xảy ra hiện tượng đào ngũ hoặc khởi nghĩa hàng loạt sau khi xâm lược.
Không kích Cuba
Trong đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/4, người Mỹ lên kế hoạch đổ bộ nghi binh gần Baracoa, tỉnh Oriente, với khoảng 164 quân Cuba lưu vong dưới sự chỉ huy của Higinio ‘Nino’ Diaz. Tàu mẹ, có tên ‘La Playa’ hoặc ‘Santa Ana’, đã đi từ Key West mang cờ hiệu của Costa Rica. Một số tàu khu trục của Hải quân Mỹ thả neo gần bờ biển Vịnh Guantanamo để tạo cảm giác đang chờ đổ bộ. Thuyền trinh sát đã trở lại tàu sau khi nhận thấy có hoạt động của lực lượng dân quân Cuba dọc bờ biển.
Vào khoảng 6 giờ sáng giờ Cuba ngày 15/4/1961, tám máy bay ném bom Douglas B-26B Invader được sơn dấu hiệu của lực lượng không quân chính phủ Cuba chia làm ba nhóm, bắt đầu thực hiện cuộc tấn công ba sân bay của Cuba. Mục đích của điệp vụ này (bí danh Chiến dịch Puma) là để phá hủy phần lớn hoặc tất cả máy bay vũ trang của không quân Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính.
Tại Santiago, hai máy bay tiêm kích được báo cáo đã phá hủy một máy bay vận tải C-47, một thủy phi cơ PBY Catalina, hai B-26 và một máy bay dân sự DC-3 cộng với vài máy bay dân sự khác. Tại San Antonio, ba chiếc tiêm kích đã báo cáo phá hủy được 3 chiếc B-26, một Sea Fury và một T-33 của Không quân Cuba, có một chiếc tiêm kích đổi hướng quay về Cayman Lớn do thiếu nhiên liệu. Tại Ciudad Libertad, ba chiếc tiêm kích báo chỉ phá hủy được các loại máy bay không còn vận hành như hai chiếc F-47 Thunderbolts.
Một trong các chiến đấu cơ này đã bị lưới đạn phòng không tiêu diệt, rơi cách Cuba khoảng 50 km về phía bắc, đội bay gồm 2 người đều thiệt mạng.
Vào 10h30 sáng ngày 15/4 tại Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Raúl Roa đã buộc tội Mỹ đã tấn công không quân vào Cuba, và chiều hôm đó chính thức đệ trình bản kiến nghị lên Ủy ban Chính trị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Phản ứng lại, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson cho rằng không quân Hoa Kỳ không “có cớ gì” can thiệp vào Cuba, và rằng Hoa Kỳ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng không có công dân Hoa Kỳ nào tham dự vào các hành động chống Cuba. Ông cũng nói rằng những lính đào ngũ Cuba mới là người thực hiện những vụ tấn công vào hôm đó, và ông đưa ra bức ảnh của Thông tấn xã Hoa Kỳ chụp chiếc B-26 của Zuniga có phù hiệu Cuba tại sân bay Miami.
Sau cuộc tấn công bằng không quân ngày 15/4/1961, quân đội Cuba đã chuẩn bị cho lực lượng vũ trang của mình với ít nhất là bốn chiếc T-33, bốn Sea Fury và năm hoặc sáu B-26. Tất cả ba loại này đều có thể trang bị súng máy và hỏa tiễn không đối không và oanh tạc thuyền và các lực lượng trên bộ.
Các tuyên bố cường điệu của phi công đã khiến CIA tin vào sự thành công của vụ tấn công ngày 15/4, cho đến khi hình ảnh do thám từ chiếc U-2 vào ngày 16/4 cho thấy điều ngược lại. Vào cuối ngày 16/4, Tổng thống Kenedy ra lệnh hủy các vụ tấn công vào sân bay được lên kế hoạch thực hiện vào rạng sáng ngày 17/4, để cố gắng phủ nhận sự liên can trực tiếp của Hoa Kỳ.
Cuối ngày 16/4/1961, đội tàu xâm lược của CIA và những người Cuba lưu vong tập hợp tại “Điểm tụ quân Zulu”, nằm về phía Nam Cuba khoảng 65 km. Đội tàu này gồm năm tàu vận tải 2.400 tấn, dự tính sẽ vận tải 1.400 quân chia thành bảy tiểu đoàn gần khu vực bờ biển đổ bộ.
Những chiếc tàu vận tải này được hộ tống bởi các tàu khu trực của Hải quân Hoa Kỳ USS Bache, USS Beale, USS Conway, USS Cony, USS Eaton, USS Murray, USS Waller. Một lực lượng đặc nhiệm đã tập hợp phía xa Quần đảo Cayman, gồm có tàu sân bay USS Essex, tàu đột kích trực thăng USS Boxer, tàu khu trục USS Hank, USS John W. Weeks, USS Purdy, USS Wren, tàu ngầm USS Cobbler và USS Threadfin.
Cuộc xâm lược từ vịnh Con Lợn
Trong suốt đêm ngày 16, sáng ngày 17/4, một cuộc đổ bộ nghi binh được các đặc vụ CIA thực hiện gần Bahia Honda, tỉnh Pinar del Rio. Một đội nhỏ gồm các thuyền nhẹ kéo theo những chiếc bè trên có đặt các thiết bị phát ra âm thanh và các hiệu ứng khác để tạo cảm giác có một cuộc đổ bộ xâm lược bằng tàu. Nguồn tin từ Cuba sau này báo cáo rằng vì cuộc nghi binh này mà Fidel Castro đã rời khỏi mặt trận Vịnh Con Lợn trong một thời gian ngắn.
Vào khoảng 00h00 ngày 17/4/1961, hai nhóm bộ binh đổ bộ Blagar và Barbara J, mỗi đội có một “sĩ quan điều hành” của CIA cùng một Đội Phá hoại dưới mặt nước với 5 người nhái, xâm nhập Vịnh Con Lợn ở bờ biển phía Nam Cuba. Theo sau các nhóm này là một lực lượng gồm bốn tàu vận tải chở khoảng 1.300 quân Cuba lưu vong, cùng với xe tăng và các loại xe bọc thép khác trên tàu đổ bộ.
Vào khoảng 01h00, chiếc Blagar, với vai trò là tàu chỉ huy chiến trường, hướng về địa điểm đổ bộ chính tại Playa Girón (Bãi xanh biển), đi đầu là nhóm người nhái lái xuồng cao su, sau đó là các nhóm quân đi trong những chiếc xuồng nhôm nhỏ. Nhóm Barbara J, dẫn đầu tàu Houston, cũng đổ quân cách đó 35 km về phía đông tây tại Playa Larga (Bãi đỏ).
Khoảng 06h30, các máy bay Sea Fury, B-26 và T-33 của Không quân Cuba bắt đầu tấn công tàu của đội quân lưu vong Cuba lúc đó vẫn đang đổ quân. Vào khoảng 06h50, cách 8 km về phía nam Playa Larga, tàu Houston cũng bị hư hỏng do trúng tên lửa từ một chiếc Sea Fury và T-33, khoảng 2 tiếng sau thuyền trưởng Luis Morse ra lệnh kéo thuyền lên phía Tây vịnh.
Vào khoảng 07h00, hai chiếc B-26 của quân lưu vong tấn công và đánh chìm tàu Hộ tống Tuần dương Hải quân Cuba El Baire tại Nueva Gerona trên Đảo Thông. Hai chiếc này tiếp tục bay tới Giron để nhập vào hai chiếc B-26 khác cùng tấn công lực lượng bộ binh Cuba và yểm trợ trên không cho các máy bay thả dù C-46 và các tàu của quân lưu vong đang bị không kích.
Vào khoảng 07h30, năm máy bay vận tải C-46 và một C-54 thả 177 lính dù trong điệp vụ có bí danh Chiến dịch Falcon. Khoảng 30 quân cùng với các vũ khí hạng nặng đã được thả xuống phía Nam nhà máy đường của Australia trên đường đến Palpite và Playa Larga, nhưng các vũ khí này bị thất lạc trong đầm lầy và quân lưu vong không thể khóa được con đường như dự kiến. Số quân khác được thả xuống San Blas, Jocuma giữa Covadonga và San Blas, và tại Horquitas giữa Yaguaramas và San Blas.
Đến 09h00, quân đội và dân quân Cuba từ bên ngoài khu vực bắt đầu tiến đến nhà máy đường, Covadonga và Yaguaramas. Suốt hôm đó, lực lượng chính phủ liên tục được tăng viện, xe thiết giáp và xe tăng được chở tới bằng xe tải.
Vào khoảng 09h30, nhiều chiếc Sea Fury và T-33 của quân chính phủ tấn công bằng tên lửa vào tàu Rio Escondido, khiến nó bị nổ tung và chìm cách Girón 3 km.Đến khoảng 11h00, hai chiếc tàu vận tải còn lại là Caribe và Atlántico cùng tàu hộ tống của CIA bắt đầu rút lui về phía Nam để đến vùng hải phận quốc tế.
Đến 12h00, hàng trăm dân quân là học viên các trường quân sự tại Matanzas đã chiếm được Palpite, và thận trọng tiến về Playa Larga ở phía Nam. Họ chịu nhiều tổn thất vì cuộc không kích của những chiếc FAL B-26.
Các lực lượng mặt đất khác của Cuba dần tiến về phía Nam từ Covadonga và phía Tây từ Yaguaramas tới San Blas, và phía Tây dọc theo các con đường ven biển từ Cienfuegos tới Girón. Toàn bộ lực lượng này không có vũ khí nặng hay phương tiện thiết giáp.
Tới 16h00, Fidel Castro đã tới trung tâm nhà máy đường Australia, gia nhập với José Ramón Fernández người đã được ông chỉ định làm chỉ huy chiến trước trước buổi sáng ngày hôm đó.
Vào khoảng 21h00 ngày 17/4/1961, một cuộc tấn công ban đêm của lực lượng lưu vong bằng ba chiếc FAL B-26 vào sân bay San Antonio de Los Baños thất bại. Hai chiếc B-26 khác đã từ bỏ nhiệm vụ sau khi cất cánh. Dường như đạn phòng không dày đặc đã khiến các phi đội sợ hãi.
Tới khoảng 10h30 ngày 18/4, quân đội và du kích Cuba, được sự hỗ trợ của xe tăng, đã chiếm Playa Larga sau khi các lực lượng lưu vong bỏ chạy về phía Girón trong những giờ trước đó. Trong ngày, các lực lượng lưu vong rút về San Blas dọc theo hai con đường từ Covadonga và Yaguaramas. Tới khi ấy, cả Fidel Castro và José Ramón Fernández đều đã chuyển tới khu vực mặt trận đó.
Khoảng 17h00 ngày 18/4, những chiếc FAL B-26 của quân lưu vong tấn công một đoàn 12 xe buýt dân sự Cuba đi về phía nam giữa Playa Larga và Punta Perdiz. Những chiếc xe chở đầy thường dân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đã bị tấn công bằng bom, napalm và tên lửa, chịu thương vong lớn.
Phi vụ không kích cuối cùng của quân lưu vong được năm chiếc B-26 thực hiện, 2 chiếc trong số đó bị bắn hạ, làm mất mạng 4 phi công Mỹ. Các cuộc không kích sau đó bị đình chỉ.
Thiếu đạn dược và mất sự hỗ trợ của không quân, các lực lượng mặt đất của quân lưu vong đã lùi về các bãi biển trước sự tấn công mạnh mẽ của pháo binh, xe tăng và bộ binh chính phủ Cuba.
Cuối ngày 19/4, 2 tàu khu trục USS Eaton và USS Murray đã tới Vịnh Cochinos để di tản các tàn binh lưu vong, những các loạt đạn từ xe tăng Cuba buộc chúng phải rút lui. Hầu hết lực lượng này đã bị quân đội chính phủ Cuba bắt giữ. Cuộc chiến đã kết thúc với thất bại ê chề của CIA.
Hệ quả của cuộc chiến
114 người Cuba lưu vong và 4 phi công Mỹ được thông báo là đã thiệt mạng trong chiến đấu. Theo thông báo chính thức, quân đội chính phủ Cuba mất 176 người, chưa kể nhiều thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc không kích. Khoảng 1.200 quân lưu vong bị bắt làm tù binh.
Ngày 21/12/1962, lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã ký với phía Mỹ một thoả thuận trao đổi 1,113 tù binh lấy 53 triệu USD, được quy đổi bằng lương thực và thuốc men.
Cuộc xâm lược của CIA thường được nhìn nhận như một cột mốc đánh dấu sự gia tăng uy tín của Fidel Castro, khiến các chính sách của ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Cuba.
Sau cuộc xâm lược, ông theo đuổi một quan hệ thân cận hơn với Liên xô, một phần để được bảo vệ, và điều này đã mở đường cho cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba một năm rưỡi sau đó.
S.T
Tags: Mỹ, Cuba, Sự kiện lịch sử thế giới, Chủ nghĩa đế quốc, CIA, Bá quyền Mỹ