Cuộc chiến tranh 75 năm giữa Champa và Khmer

Ngược dòng Mekong, quân Champa thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào vương quốc Khmer năm 1177. Họ đã đốt phá thành Angkor đầy vàng bạc và châu báu và giết luôn vua Khmer.

Cuộc chiến tranh 75 năm giữa Champa và Khmer

Người kế thừa vua Champa Harivarman V là một vị thái tử (Yuvaraja) lên ngôi vào năm 1139 với danh hiệu là Jaya Indravarman III. Chưa đầy 2 năm, sau khi hoàn tất các công trình xây dựng môt số đền đài tôn giáo tại thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1140 và tại khu vực Po Nagar ở Nha Trang vào năm 1143, Jaya Indravarman III phải đối phó với cuộc tấn công của Khmer mà người ta không tìm ra lý do tại sao. Thế là thủ đô Vijaya của Champa lại lọt vào tay của quân đội Khmer và vua Jaya Indravarman III bị tử trận trong cuộc chiến.

Trong khi thủ đô Vijaya bị chiếm đóng bởi quân viễn chinh Khmer, Jaya Rudravarman IV được tấn phong làm vua Champa, nhưng sau đó ông ta với đoàn tùy tùng phải bỏ Vijaya để chạy sang Panduranga lánh nạn. Ðây là thảm họa đã đưa đến cuộc chiến giữa Champa và Khmer kéo dài trong suốt 75 năm. Cho đến hôm nay, nguời ta không tìm thấy một tư liệu nào nói về tình hình Champa ngoại trừ lời kể mà con trai của vua Jaya Rudravarman IV ghi lại trong bia ký tìm thấy ở phía nam Champa và ở Mỹ Sơn cho rằng quốc vương này băng hà vào năm 1147, mang thánh hiệu là Paramabrahmaloka. Sau đó, các quan chức Champa đang lánh nạn tại tiểu vương quốc Panduranga tôn người con trai của ông lên nối ngôi lấy danh hiệu là Jaya Harivarman I.

Ðể trả lời cho thái độ này, vua Khmer ra lệnh cho đoàn quân viễn chinh Khmer ở Vijaya (thành Ðồ Bàn) có sự hỗ trợ của quân đội Champa ở miền Bắc kéo quân sang miền Nam tấn công vua Jaya Harivarman I, nhưng không đạt được kết quả. Cuộc tấn công lần thứ hai cũng bị thất bại. Trước tình thế này, vua Khmer là Suryavarman II tự phong cho hoàng tử Harideva, tức là người em vợ của mình, lên làm vua Champa ở miền bắc, đóng đô tại Vijaya. Vừa nghe tin này, vua Jaya Harivarman I đang lánh nạn ở miền nam, xuất quân tấn công miền bắc, giết chết hoàng tử Khmer là Harideva và làm chủ tình hình Vijaya. Sau đó Jaya Harivarman I tự xưng là vua Champa vào 1149 và cũng là năm kết thúc cuộc chiến giữa Champa và Khmer (L. Finot, «Les inscriptions de Mĩ-sơn XXI», trong BEFEO IV, 1904, trg. 964-965). Mặc dù đã thành công đánh đuổi quân Khmer, Jaya Harivarman I phải đương đầu với một người anh rễ tìm cách tranh quyền chiếm ngôi, bằng cách kêu gọi dân tộc Cao Nguyên vùng dậy chống lại ông ta. Bị đánh bại vào năm 1150, anh rể của vua Jaya Harivarman I phải chạy sang Ðại Việt để xin cầu cứu.

Mặc dù có sự giúp quân của Ðại Việt, anh rể này vẫn bị đánh bại và biến mất trên bàn cờ chính trị. Sau biến cố này, vua Jaya Harivarman I xua quân chinh phạt tiểu vương quốc Amaravati về tội vùng dậy chống lại uy quyền của ông ta vào năm 1151, sau đó trở lại miền nam để dẹp những cuộc nổi loạn ở Panduranga. Mãi cho đến năm 1160, tiểu vương quốc Panduranga mới chấp nhận phục tùng uy quyền của Jaya Harivarman I như một vị lãnh tụ tối cao của liêng bang Champa. Jaya Harivarman I là vị vua dũng cảm và cũng là nhân vật đã thực hiện nhiều công trình xây dựng đền đài tại Mỹ Sơn và tại Po Nagar ở Nha Trang và băng hà có thể vào những năm 1162-1166. Theo bia ký do cháu của vua Jaya Harivarman I để lại, con trai của ông ta đã nhận vương hiệu là Jaya Harivarman II, nhưng người ta cũng không biết vị tân quốc vương này có lên ngôi trị vì hay không? Vào năm 1167, Jaya Indravarman IV tổ chức cuộc đảo chánh để chiếm quyền ngôi vua và gởi phái đoàn sang Trung Hoa để xin phong chức. Jaya Indravarman IV là một vị quan lại đã từng phục vụ trong triều đình của Jaya Harivarman I trước kia và cũng là vị vua đã từng cống hiến nhiều công trình xây dựng đền đài tại Mỹ Sơn và Po Nagar ở Nha Trang.

Ông ta cũng là người mà các bia ký đã từng ca tụng đức độ, sự hiểu biết và am tường về nhiều lãnh vực. Nếu Jaya Indravarman IV lên nắm chính quyền, là vì ông muốn trả thù cho sự thất bại của Champa vào năm 1145, kéo theo sự chiếm đóng Champa của Khmer. Trong suốt mười năm đầu của vương triều, Jaya Indravarman IV tập trung mọi nổ lực vào việc chiến đấu chống lại vương quốc Khmer, mặc dù không mang lại kết quả. Vì không thể tiến quân đến thủ phủ Angkor bằng đường bộ, vua Jaya Indravarman IV thay đổi chiến thuật bằng cách di chuyển quân đội Champa trên các chiến thuyền chạy dọc theo bờ biển tiến vào vùng châu thổ sông Mekong. Nhờ sự giúp đỡ của một viên thuyền trưởng người Trung Hoa, vua Jaya Indravarman IV đưa quân đi ngược dòng sông Mekong và Tonle Sap để tiến đến Biển Hồ vào năm 1177. Cuộc tấn công bất ngờ này đã giúp cho quân đội Champa thành công đốt phá thành Angkor đầy vàng bạc và châu báu và giết luôn nhà vua Khmer, cũng là một vị vua tiếm quyền tại vương quốc này (M. Giteau, Histoire d’Angkor, Paris, Ed. Kailash, 1966, trg. 77-78).



Sau ngày đánh phá Angkor, một vị hoàng tử Khmer thuộc dòng hoàng gia chính thống và cũng là vị vua tương lai mang vương hiệu là Jayavarman VII, xua quân phản công, nhất là trận thủy chiến chống lại đoàn quân viễn chinh Champa trên Biển Hồ và Tonlé Sap, và một trận chiến khác, có lẽ là bãi chiến trường quyết liệt nhất, tại đền Preah Khan cũng nằm trong khu vực Angkor. Trận chiến này đã giúp người Khmer giải phóng hoàn toàn đất nước của họ ra khỏi ách thống trị của Champa vào năm 1180-1181 và cũng là năm mà Jayavarman VII đã nhận tấn phong tại Angkor.

Người ta không biết ngày tháng băng hà của Jaya Indravarman IV, một vị vua chiến thắng tại đền Angkor, mặc dù sự hiện hữu của ông ta vẫn còn được xác nhận vào năm 1183 và nhất là vào lúc Jaya Indravarman Ong Vatuv lên ngôi để kế vị thay thế ông ta. Sau ngày lên ngôi, Jaya Indravarman Ong Vatuv lại mở cuộc tấn công vương quốc Khmer vào năm 1190. Kể từ đó, vua Khmer là Jayavarman VII buộc phải ra tay giải quyết vấn đề bang giao với Champa. Ðể thực hiện dự án này, Jayavarman VII trao quyền chỉ huy quân đội Khmer cho một vị hoàng tử trẻ tuổi gốc Champa tên là Vidhyanandana đã từng sinh sống tại triều đình Angkor từ thuở thiếu thời. Hòang tử này là người rất tôn sùng Ðạo Phật đại thừa, một tín ngưỡng hoàn toàn mới lạ đối với vua chúa Khmer thời đó và đã từng tuyên thệ trung thành với vua Jayavarman VII. Một khi đã nhận lệnh, Hoàng tử Vidhyanandana dẫn đầu một đoàn quân Khmer sang đánh chiếm Vijaya vào năm 1191 và bắt sống vị vua Champa Jaya Indravarman Ong Vatuv làm tù binh đưa về Angkor.

Kể từ năm 1191, Champa bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt. Champa miền bắc đặt dưới quyền cai trị của một vị hoàng tử tên là In, gốc người Khmer, tức là anh rể của vua Jayavarman VII. Khi lên ngôi, hoàng tử In lấy danh hiệu là Suryajayavarmadeva. Champa phía nam đặt dưới quyền điều hành của hoàng tử Vidhyanandana, gốc Champa nhưng đã từng lánh nạn ở vương quốc Khmer. Khi lên ngôi, Vidhyanandana lấy vương hiệu là Suryavarmadeva, đặt thủ đô của mình tại Panrang (tức Phan Rang hiện nay) và đã để lại nhiều tin tức thời sự cho đến năm 1194 trên một tấm bia viết bằng Chăm ngữ cổ tìm thấy tại Mỹ Sơn do L. Finot nghiên cứu. Theo nội dung của tấm bia này, trong khoảng 2 năm sau ngày chia đôi đất nước, dân tộc Champa ở miền bắc vùng dậy chống lại hoàng tử In, gốc nguời Khmer nắm quyền điều hành ở thủ đô Vijaya, buộc ông ta phải tháo chạy về nước để tôn một vị hoàng tử gốc Champa tên là Rasupati lên ngôi vua ở miên bắc lấy danh hiệu là Jaya Indravarmadeva.

Vì muốn tái lập quyền thống trị trên Champa, vua Khmer là Jayavarman VII gởi một đoàn quân sang Vijaya cùng với Jaya Indravarman Ong Vatuv, tức là vị vua Champa đã bị bắt làm tù binh đưa về đất Khmer. Với sự hợp tác của Vidhyanandana-Suryavarmadeva, tức là thủ lãnh của tiểu vương quốc Panduranga, Jaya Indravarman Ong Vatuv tiến quân đánh chiếm Vijaya và giết chết Rasupati. Lợi dụng cơ hội thắng trận này, Vidhyanandana-Suryavarmadeva lọai bỏ Jaya Indravarman Ong Vatuv ra khỏi bàn cờ chính trị và tự tôn mình là quốc vương Champa tại Vijaya, thống nhất lại hai miền nam bắc của vương quốc. Trước tình thế này, Jaya Indravarman Ong Vatuv tìm cách chạy sang tiểu vương quốc Amaravati nhằm dấy quân trở lại đánh chiếm Vijaya. Vidhyanandana-Suryavarmadeva xua quân phản chiến, giết chết Jaya Indravarman Ong Vatuv.

Ðể trả lời cho biến cố này, vua Khmer gởi quân sang Champa vào năm 1193 và 1194 để chinh phạt hoàng tử Vidhyanandana-Suryavarmadeva, nhưng cả hai lần đều bị thất bại. Theo tài liệu Trung Hoa, Vidhyanandana-Suryavarmadeva xin Trung Hoa tấn phong vào năm 1198 và được triều đình của quốc gia này phong vương vào năm 1199. Năm 1203, ông ta bị truất phế bởi một vị thái tử (Yuvaraja) Champa khác tên là Ong Dhanapatigrama, cũng là một nhân vật đã từng sinh sống trong triều đình Angkor và rất trung thành với vua Khmer. Kể từ đó, vương quốc Champa đặt duới quyền cai trị của hoàng tử Ong Dhanapatigrama và trở thành một tỉnh lỵ của vương quốc Khmer.



Việc sát nhập Champa vào lãnh thổ của người Khmer kéo dài 17 năm đã biến vương quốc này trở thành một quốc gia nghèo đói và suy sụp. Trong khoảng thời gian này, tài liệu lịch sử lại nhắc đến một vị hoàng tử Champa thuộc dòng hoàng tộc Ansaraja, nhưng sinh trưởng trong triều đình Angkor và đã từng chỉ huy quân đội Khmer sang tấn công Ðại Việt. Tại vương quốc Khmer, hoàng tử dòng Ansaraja này đã nhận nhiều chức hàm bên cạnh thái tử (Yuvaraja) Ong Dhanapatigrama, cũng là nhận vật đã từng trưởng thành tại Khmer. Chính sách chiếm đóng Champa và chủ nghĩa bành trướng đất đai của Khmer thời đó đã làm suy yếu trầm trọng vương quốc này, vì không đủ tiềm năng để kiểm soát quá nhiều thuộc địa cũng như việc duy trì an ninh trên lãnh thổ quá rộng lớn này. Ðó cũng là nguyên nhân có thể giải thích một phần nào lý do tại sao người Khmer tự động rút quân ra khỏi Champa vào năm 1220, nhưng lúc nào cũng tìm cách duy trì uy quyền của mình tại Champa bằng cách giao cho hoàng tử thuộc dòng hoàng tộc Ansaraja đã từng sinh trưởng trong triều Angkor, quyền cai trị Champa với niềm hy vọng rằng Khmer vẫn tiếp tục giữ một vai trò ảnh hưởng trên bàn cờ chính trị tại quốc gia này.

Lên ngôi vào năm 1226, hoàng tử dòng Ansaraja lấy vương hiệu là Jaya Paramesvaravarman II. Trong suốt những năm trị vì, ông ta trùng tu lại các di tích đền đài bị tàn phá bởi chiến tranh dưới thời đô hộ của Khmer. Jaya Paramesvaravarman II cũng là vị vua có một chính sách rất ưu đãi đối với tiểu vương quốc Panduranga ở miền Nam nơi mà ông ta đã để lại hầu như toàn bộ bia ký nói về cuộc đời của ông. Sau ngày từ trần mà người ta không biết rõ ngày tháng, người em của ông lên nối ngôi, có thể vào khoảng giữa năm 1230 và 1243, lấy danh hiệu là Jaya Indravarman VI.

(Nguồn tư liệu : P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 161-168)

Theo CHAMPAKA

Tags: ,