Cuộc cách mạng thất bại lãng xẹt ở Sudan năm 1971

Năm 1956, nước Sudan ở Bắc Phi tuyên bố tách khỏi Ai Cập, trở thành một quốc gia độc lập. Trong thời gian đầu độc lập, Sudan được lãnh đạo bởi các nhà lãnh đạo thiên hướng thế tục và tự do, tên nước là Cộng hòa Sudan.

Cuộc cách mạng thất bại lãng xẹt ở Sudan năm 1971

Thiếu tá Hashem al-Atta của Đảng Cộng sản Sudan đứng trước họng súng của quân đội trung thành với tổng thống Jaafar Nimeiry trong cuộc đảo chính thất bại ở Sudan tháng 7/1971.

Tuy nhiên, sau đó Sudan phải đối mặt với một thời kỳ dài khó khăn về kinh tế, chủ yếu do giá dầu và giá bông thấp. Quan trọng nhất, là chính phủ Sudan sa vào cuộc chiến tranh để đàn áp phong trào độc lập của người da đen ở Nam Sudan. Đến năm 1969, do sự bất mãn của người dân tăng cao, các sĩ quan quân đội thuộc Phong trào Sĩ quan Tự do (tương tự như của Nasser ở Ai Cập) đã tiến hành chiếm quyền bằng vũ lực, đưa Sudan đi theo con đường độc tài quân sự vốn rất phổ biến trong thế giới Arab lúc bấy giờ.

Chính quyền mới đặt tên nước là Cộng hòa dân chủ Sudan, đưa viên sĩ quan Jaafar Nimeiry lên làm Tổng thống. Jaafar Nimeiry là một sĩ quan thân Ai Cập, sùng bái Hồi giáo và bảo thủ, nhưng lại có thiện cảm với chủ nghĩa Xã hội Arab. Chính vì vậy mà Jaafar Nimeiry được sự ủng hộ rộng rãi của các sĩ quan cánh tả trong quân đội và người dân Sudan. Chính quyền Sudan thời Jaafar Nimeiry có quan hệ rất gần gũi với Liên Xô và Ai Cập (thực ra đã từ trước đó rồi), thậm chí còn cho Liên Xô thuê cảng và căn cứ ở Nam Sudan để làm nhiệm vụ ở Congo (cái này liên quan đến khủng hoảng Congo 1960-1965), và được đáp lại bằng viện trợ quân sự lớn của Liên Xô cho Sudan giai đoạn này. Sudan đã tận dụng nguồn viện trợ đó để duy trì cuộc chiến tranh đàn áp người da đen ở Nam Sudan.

Cũng vì mối quan hệ như thế, mà Đảng Cộng sản có được sự phát triển mạnh mẽ ở Sudan. Và đến năm 1971, Đảng Cộng sản Sudan (SCP) đã trở thành đảng phái lớn nhất ở Sudan và là Đảng Cộng sản lớn nhất trong thế giới Arab với gần 1 triệu thành viên. Trước đó chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Iraq (ICP) lớn hơn, nhưng đã sụp đổ năm 1963 sau khi bị Đảng Ba’ath ở Iraq tiêu diệt. Mặc dù vậy, một số lãnh đạo của Đảng Cộng sản Sudan vẫn không thỏa mãn với tình hình đó. Dù ủng hộ đường lối xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Jaafar Nimeiry, họ lại không thích chính sách bảo thủ, thân Hồi giáo (nhất là việc áp đặt luật Sharia) và thân Ai Cập quá mức của ông. Đặc biệt, một số thành viên lãnh đạo Đảng Cộng sản Sudan ngấm ngầm ủng hộ phong trào độc lập của Nam Sudan, không ủng hộ cuộc chiến mà chính phủ Sudan tiến hành chống lại Nam Sudan. Do đó, họ đã bí mật lập ra một nhóm sĩ quan chông đối để âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ. Đứng đầu họ là thiếu tá Hashem al Atta – một sĩ quan người da đen có cảm tình với Nam Sudan và nhiệt thành với chủ nghĩa Cộng sản, muốn biến Sudan thành nhà nước Cộng sản hoàn toàn như Nam Yemen thay vì nhà nước Xã hội chủ nghĩa Arab như Ai Cập.

Nhóm sĩ quan này âm thầm chờ thời cơ và đến ngày 19/7/1971 họ quyết định ra tay. Buổi trưa mùa hè hôm đó, tận dụng thủ đô Khartoum đang nghỉ trưa yên tĩnh, các sĩ quan ủng hộ Đảng Cộng sản Sudan đưa bọc thép vào tràn ngập thủ đô, nhanh chóng chiếm toàn bộ các cơ quan chính phủ và bắt sống Tổng thống Jaafar Nimeiry. Cuộc đảo chính diễn ra vô cùng chóng vánh, ngay sau đó thiếu tá Hashem al Atta cùng 2 lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng sản là Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah đứng ra tuyên bố thành lập chính phủ mới, thông báo qua đài phát thanh với người dân Sudan. Khi thông tin được lan truyền rộng rãi, các cuộc biểu tình lớn ủng hộ Đảng Cộng sản đã diễn ra khắp thủ đô Khartoum và trên toàn đất nước Sudan. Thông qua đài phát thanh, chính phủ mới của Sudan đã tuyên bố các chính sách mới và tuyên bố Sudan đang thực hiện một cuộc cách mạng.

Tuy vậy, cuộc cách mạng ban đầu thắng lợi chớp nhoáng đó đã thất bại theo một cách vô cùng lãng xẹt. Số là khi cuộc đảo chính lan rộng, phe ủng hộ Tổng thống Jaafar Nimeiry đã tiến hành cắt liên lạc giữa thủ đô Khartoum với bên ngoài. Điều kiện hạ tầng liên lạc của đất nước Sudan lúc đó cũng rất nghèo nàn, và rất ít phóng viên nước ngoài có điều kiện tiếp cận quốc gia đóng kín và bảo thủ này. Do đó, chính phủ Cộng sản của Sudan gặp khó khăn trong việc liên lạc với thế giới bên ngoài, không có cách nào để thông báo về sự thành lập chính phủ và cuộc cách mạng dự tính ở nước này. Do đó, chính phủ Sudan đã quyết định cử 2 thành viên cao cấp của mình là Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah lên máy bay sang Anh Quốc để thông báo với các nước châu Âu về việc thành lập chính phủ mới ở Sudan.

Chặng đi của chuyến đi này vẫn dễ dàng và 2 thành viên của chính phủ Sudan đã thành công trong việc đưa thông tin về tình hình Sudan đến thế giới. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà tin này đã đến tai nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi – một đồng minh thân thiết hết mực ủng hộ tổng thống Jaafar Nimeiry của Sudan và khó chịu với những người Cộng sản. Khi biết tin Đảng Cộng sản Sudan đảo chính, Gaddafi đã cùng với Tổng thống Ai Cập al-Sadat đồng ý rằng phải giúp Sudan đánh bại cuộc đảo chính này. Và vì vậy, ngày 21/7/1971 khi biết máy bay của hàng Hàng không hải ngoại Anh Quốc (British Overseas Airways Corporation – BOAC) đang chở các lãnh đạo Cộng sản Sudan bay qua lãnh thổ Libya để về nước, Gaddafi đã cho 2 máy bay chiến đấu của mình lên chặn máy bay của Anh Quốc ép hạ cánh. Máy bay phải đáp xuống sân bay trong lãnh thổ Libya và 2 lãnh đạo Cộng sản Sudan bị lính Libya bắt giữ.

Đoán xem Libya làm gì tiếp theo? Họ đưa lính lên máy bay cùng các lãnh đạo Cộng sản Sudan và ra lệnh cho nó bay về Sudan như bình thường, hoàn toàn không gây ra sự nghi ngờ nào. Nước Sudan lúc đó vẫn bị cô lập liên lạc với bên ngoài, không có tin tức gì về tình hình máy bay chở các lãnh đạo. Tuy nhiên, sáng ngày 22/7/1971, máy bay chở Babiker Al Nour và Farouk Hamdallah vẫn bay về sân bay Quốc tế Khartoum đúng như dự kiến. Không mảy may nghi ngờ, thiếu tá Hashem al-Atta cùng đưa chính phủ ra sân bay đón 2 thành viên trở về, không vũ trang đề phòng. Chỉ chờ có thế, sau khi cửa máy bay mở ra lính Libya và lính Sudan đào thoát ủng hộ tổng thống Jaafar Nimeiry xông ra bắt giữ các thành viên chính phủ mới của Sudan, không tốn quá nhiều sức.

Bị bất ngờ trước sự có mặt của lính Libya và lực lượng trung thành với Jaafar Nimeiry, thiếu tá Jaafar Nimeiry chỉ kịp lên sóng phát thanh kêu gọi người dân tuần hành ủng hộ cách mạng nhưng đã quá muộn, và ông bị lính trung thành với Jaafar Nimeiry lùng ra bắt giữ ngay sau đó. Toàn bộ chính phủ mới của Sudan bị bắt gọn một cách dễ dàng.

Không lâu sau đó, các đơn vị trung thành với Tổng thống Jaafar Nimeiry, với sự hỗ trợ từ Libya và Ai Cập đã tiến vào tấn công lực lượng đảo chính ở thủ đô Khartoum và những nơi khác. Họ nhanh chóng đè bẹp quân đảo chính, chiếm thủ đô Khartoum và giải thoát cho tổng thống Jaafar Nimeiry. Cuộc ”cách mạng” của những người Cộng sản Sudan coi như chết yểu.

Ngay ngày hôm sau, 23/7/1971, một ”phiên tòa nhân dân” được mở ra do chính tổng thống Jaafar Nimeiry điều hành. Phiên tòa kết thúc nhanh chóng với việc các lãnh đạo Cộng sản Sudan: thiếu tá Hashem al-Atta, Đại tá Babikir al-Nur Osman, Thiếu tướng Farouk Hamadallah đến bí thư Đảng Cộng sản Sudan Abdel Khaliq Mahjub cùng hơn hàng chục thành viên khác đều bị tử hình. Sau đó, Jaafar Nimeiry được bầu lại làm tổng thống, quyết định ký hiệp ước hòa bình tạm dừng chiến tranh với Nam Sudan, dồn sức đàn áp Đảng Cộng sản trong nước. Chính phủ Nimeiry đã giảm bớt quan hệ với Liên Xô, Đông Đức và các nước Cộng sản khác, trong khi gắn kết quan hệ với Libya, Ai Cập và các nước Arab. Ông tiến hành đàn áp và khủng bố khốc liệt đảng Cộng sản Sudan tương tự cách mà đảng Ba’ath làm ở Iraq sau năm 1963. Chỉ trong vài năm, đảng Cộng sản Sudan từ chính đảng lớn nhất đất nước, bị khủng bố đến mức tan rã gần hết và bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, cùng chính nhờ thỏa thuận hòa bình mà chính phủ Sudan ký với Nam Sudan, mà nhiều thành viên Đảng Cộng sản Sudan đã trốn được đến Nam Sudan lánh nạn, sau này thành lập nên Quân đội giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) – lực lượng chính ở Nam Sudan chiến đấu trong cuộc Nội chiến Sudan lần 2 từ 1983 đến 2005.

Trong khi đó, chính phủ của Jaafar Nimeiry tồn tại đến năm 1989 thì bị tướng Omar al-Bashir lật đổ, thiết lập chế độ độc tài hà khắc hơn gấp bội lần. Omar al-Bashir cầm quyền 30 năm với chế độ độc tài được coi là khắc nghiệt nhất thế giới hiện đại, đến năm 2019 mới bị lật đổ. Và cũng phải đến lúc đó, Đảng Cộng sản Sudan mới được phép hoạt động trở lại.

Theo ĐĂNG PHẠM / NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: ,