COVID-19: Thuốc chữa lành bệnh tật ‘virus’ nhân loại gây ra cho Trái đất

Suốt thời gian dài, Trái Đất phải gánh chịu hậu quả do chính con người gây ra. Con người là kẻ thù chung của nhiều loài trên Trái Đất. Vì, tự cho mình đứng trên muôn loài, nên loài người không tự mở phiên tòa để phán xét mình. Virus Corona đã làm được điều này.

“Thank you for the Corona”. Đó là câu nói con gái tôi thốt lên khi nhận được tin nhắn thông báo nghỉ học vì dịch COVID-19 từ thầy giáo chủ nhiệm. Trẻ con chẳng biết lo xa chỉ thật thà nói nên cảm nhận của mình. Song, nếu nhìn vấn đề dưới góc độ tích cực, cơn đại dịch này không phải không có tác dụng nhất định.

Khi cánh cửa tìm kiếm cơ hội dập dịch thời kỳ đầu khép lại thì cánh cửa đem đến khả năng phục hồi cho thiên nhiên mở ra. Thời gian qua, các nhà môi trường vui mừng trước tình hình môi trường cải thiện ngoài dự tính, nhiều chỉ báo thay đổi rõ rệt, như khí CO2, tiếng ồn… Chất lượng bầu không khí có thể cảm nhận qua từng hơi thở, ngẩng đầu lên ta đã nhìn thấy trời xanh mây trắng…

Suốt thời gian dài, mục tiêu phát triển kinh tế đã lấy đi sức khỏe của Trái Đất. Kinh tế tăng trưởng là âm hình chủ đạo trong bản hòa tấu vang lên khắp hành tinh. Nó khiến cho bầu không khí không ngừng sa sút, xuống cấp. Từng giờ, từng phút biết bao nhiêu chất thải độc thải ra môi trường.

Hoạt động quá tải gây ô nhiễm liên tục gia tăng. Dù hồi chuông cảnh báo về tình trạng này đã được phát đi từ lâu, thậm chí ngân dài trong không gian bao la, nhưng chẳng làm con người cảnh tỉnh, chùn bước. Tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản dưới lòng biển, mặt đất, không khí trên bầu trời… bị khai thác kiệt quệ.

Khắp nơi trở thành địa bàn tác nghiệp của con người nhằm triển khai các chương trình, dự án vì mục tiêu tăng tưởng. Thông điệp phát triển bền vững phần nào cho thấy nỗ lực “hãm phanh” trong chiến lược phát triển, ít nhất về mặt nhận thức, song cũng không ngăn nổi đà tăng tốc gây hiểm họa cho môi trường. Nói chung, không một lời cảnh báo nào có thể làm lung lạc ý muốn chinh phục thiên nhiên ở con người, cũng không một ý kiến nào đạt được sự đồng thuận cao trong vấn đề môi trường.

Các nhà môi trường từng cảnh báo, loài người không còn nhiều thời gian, cơ hội để làm đảo chiều xu hướng Trái Đất nóng lên. So với thông báo của tổ chức Y tế thế giới về nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lời cảnh báo trên đáng sợ hơn nhiều. Vì, trái đất có mệnh hệ gì, tất cả chúng ta, kể cả loài vật, vạn vật đều chịu ảnh hưởng. Virus Corona có thể ở lại với xã hội loài người, nhưng các nhà khoa học cũng có thể sớm tìm ra vaccine, thuốc chữa trị đặc hiệu hoặc khu trú trong từng khu vực nhằm khắc chế sự lây lan. Còn nhiệt độ trái đất không ngừng tăng lên, thảm họa môi trường gây ra tồi tệ hơn bất cứ tác hại nào khác, kể cả Corona.

Thực tế cho thấy, biết bao hội nghị về biến đổi khí hậu gặp phải thất bại. Ý kiến chuyên gia trong vấn đề môi trường dường như chưa đủ mạnh để biến thành hành động. Kết quả là, khí hậu Trái Đất tiếp tục nóng lên.

Năm 2020 được dự báo là một năm nắng nóng kỷ lục. Cái từ kỷ lục xuất hiện đến mức quá quen, thậm chí nhàm chán, vô cảm. Vì, rất nhiều kỷ lục về thảm họa môi trường đã bị phá vỡ trong thời gian qua. Các hiện tượng thời tiết bất thường gia tăng đến mức đáng ngại. Nhiều hiện tượng cực đoan thường xuyên viếng thăm hành tinh.

Trong thời gian đại dịch hoành hành, người dân miền Tây nước ta đang phải oằn mình chống trọi với tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, nhiều tỉnh, như Bến Tre, Tiền Giang thiếu nước ngọt trầm trọng. Song, cảnh báo về môi trường trước đó rất ít được chú ý. Dự báo nguy cơ biển tiến (thay vì biển lùi từng xảy ra trong lịch sử) đã được một số nhà khoa học cảnh báo.

Nhiều quốc gia xây dựng nhà máy thủy điện tại thượng nguồn sông Mê Kông dẫn đến nguy cơ làm loạn nhịp chế độ thủy văn của dòng sông, đặc biệt gây thiếu nước, thiếu hụt nguồn tài nguyên, trữ lượng thủy sản, chất bồi… cho vùng hạ du. Mũi Cà Mau có khả năng bị tổn thương nếu biển tiếp tục xâm nhập… Rất nhiều nguy cơ đã được dự báo, có thể xảy ra trong tương lai, nhưng con người không hề sợ hoặc nhượng bộ trước lòng tham. Giống như người biết rõ hành động của mình gây hậu quả tai hại, nhưng bảo rằng cần phải thay đổi thì không. Đó là bản tính cực kỳ lầm lỳ, khó bảo ở con người. Thà ngồi chờ thần chết gõ cửa, còn hơn tự động thay đổi.

Vì, thay đổi đối với nhiều người rất đau khổ, thậm chí đáng sợ hơn cả cái chết! Tôi thấy điều này qua nhiều trường hợp, đáng kể là bệnh nhân. Nhiều người mắc chứng bệnh mạn tính thường ỷ lại bác sĩ, thay vì tự điều chỉnh lối sống của bản thân. Bệnh mạn tính nói chung hình thành lâu dài và tác động âm ỷ. Thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi… góp phần gia tăng hoặc giảm thiểu tính chất bệnh lý. Có điều, tất cả đều bắt đầu từ thay đổi, chủ động hoặc bị động.

Nếu chủ động thay đổi, theo hướng tích cực, bệnh tình sẽ được cải thiện, nếu ỷ lại bác sĩ sẽ rơi vào tình trạng bị động. Khi ấy bệnh lý gia tăng chuyển biến thành nguy cơ. Nói chung, thay đổi là bản chất của sự tồn tại. Mặc dù, trình độ y học đã phát triển đáng kể, nhưng bác sĩ không chịu trách nhiệm đem sức khỏe đến cho bệnh nhân. Nhiệm vụ của bác sĩ là xử lý vấn đề bệnh lý, chứ không trao truyền sức khỏe. Muốn có sức khỏe, cải thiện tình hình bệnh tật, bản thân người bệnh phải nỗ lực tìm kiếm sức khỏe, nỗi lực thay đổi.

Chúng ta sống trong một thế giới thay đổi. Thay đổi có thể tốt hoặc xấu, nhưng thay đổi là thuộc tính của sự tồn tại. Con người không thể nào làm đảo chiều được sự thay đổi. Khi một thính giả hỏi nhà Huyền môn Shadguru người Ấn Độ về cách thức bảo toàn cơ thể và ví von với việc giữ gìn hạt giống? Shadguru trả lời rằng, hạt giống tuy được bảo vệ trong chiếc vỏ cứng, nhưng nhằm chỉ một tình trạng ngừng trệ. Cách bảo vệ sự an toàn tốt nhất là làm cho hạt giống nảy mầm, phát triển thành cây. Phật giáo quan niệm: thế gian vô thường, loài người vô ngã. Chân lý đơn giản ấy rất dễ hấp thu, nhưng khó thực thi. Vì, nó đòi hỏi một sự nỗ lực triệt để nhằm biến nhận thức thành hành động, thông qua sự thay đổi. Không ai trao truyền mầu nhiệm cho con người, ngoài bản thân. Bởi vậy, thay đổi chính là vô thường, vô thường cũng có nghĩa là luôn thay đổi. Nó khiến cho không một hiện hữu nào có thể giữ nguyên trạng thái đứng yên, kể cả cái tôi.

Suốt thời gian dài, Trái Đất phải gánh chịu hậu quả do chính con người gây ra. Con người là kẻ thù chung của nhiều loài trên Trái Đất. Vì, tự cho mình đứng trên muôn loài, nên loài người không tự mở phiên tòa để phán xét mình. Virus Corona đã làm được điều này. Nó cho thấy chúng ta phạm quá nhiều sai lầm. Nếu chịu thay đổi, bước qua sai lầm, cơ hội cho con người làm nên một thế giới hồi sinh trong tương lai đã bắt đầu. Loài người phải thay đổi, Trái Đất cần được bảo vệ. Thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy trời xanh, mây trắng khắp.

Nhiều nơi đều cảm nhận rõ rệt chất lượng bầu không khí. Không chỉ có bầu trời, khí quyển mà cả môi trường văn hóa cũng được cải thiện. Bao trùm lên cuộc sống là một cảnh bình yên, khác lạ. Tất nhiên, đây là cảnh bình yên bất an, cho thấy một tình trạng nguy cấp, ẩn tàng của dịch bệnh, chứ không phải bình yên trong lòng người. Cần có sự chuyển hóa tương ứng từ bình yên giữa mùa dịch sang bình yên trong đời sống thường nhật. Nếu coi dịch bệnh như một cơ hội, đây chính là lúc chúng ta cần thay đổi. Tựu trung, chúng ta chỉ có một hành tinh cho tất cả.

Theo LÊ HẢI ĐĂNG / VNEXPRESS

Tags: ,