⠀
Có phải đạo Phật chỉ dành cho những kẻ yếm thế?
Cô bé trong công ty bảo đạo Phật hay nhưng có điểm trừ là làm con người ta trở nên mất ý chí phấn đấu, bon chen, kèn cựa, ganh đua,… dẫn đến việc xã hội sẽ không phát triển được.
Thật ra đây là một suy nghĩ phổ biến của một bộ phận vô cùng lớn (chứ cóc phải “không nhỏ” nữa) những người theo hay không theo Đạo Phật. Nói đúng ra thì chẳng phải chỉ đạo Phật mới hướng con người ta vào việc triệt tiêu bản ngã của mình. Tôi thấy các đạo lớn khác của phương Đông như Lão, Nho đều thế cả, bằng cách này hay cách khác.
Như vậy, phải chăng tu tâm dưỡng tánh, vứt bỏ cái tôi trần trụi, bon chen, húng chó,.. cũng đồng nghĩa với việc làm thui chột đi động lực phát triển cá nhân, rộng ra là xã hội?
Tôi không cho rằng như thế!
Phật hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vị, lên chốn non cao (tức giã từ cái tôi trần tục) và sáng lập nên dòng thiền tông Trúc Lâm truyền cho ngàn năm sau (đó có phải là sự phát triển?).
Thiên tài toán học Grigori Perelman từ chối rất nhiều giải thưởng cũng như cả đống tiền thưởng (tức ông không có nhu cầu bon chen với đời) nhưng vẫn cho ra hàng đống phát kiến toán học, tức nền toán học nhờ ông vẫn có những tiến triển mới.
Tương tự như thế, chúng ta có thể thấy các thiên tài (mọi lĩnh vực) cho ra đời những tác phẩm, nghiên cứu, phát minh vĩ đại không phải vì họ bon chen với đời mà vì đó là khát khao trí tuệ, cảm xúc của riêng họ. Họ ganh đua với chính bản thân họ, trí tuệ của họ. Nên trong mắt người đời, họ “lập dị” (cũng tức là minh chứng họ chẳng có ganh đua với XH).
Qua đó ta thấy, một xã hội gồm toàn những người không thích ganh đua, biết mình biết người, biết tôn trọng lẫn nhau,… có thể sẽ không phải là một xã hội phát triển “nóng” về bề rộng nhưng chắc chắn là một xã hội có bề sâu về phẩm chất. Con người sẽ không bị cuốn vào những cuộc đua triền miên, mỏi mệt để trèo lên đầu nhau và chỉ kết thúc khi nằm sâu trong 3 thước đất. Thay vào đó, với tinh thần thư thái, minh mẫn, họ sẽ khai phá, phát huy những khả năng tiềm ẩn trong con người mình. Các thím cứ thử ngẫm bản thân mình mà xem, có ai mà không từng khao khát được giỏi giang về một món nghệ thuật, thể thao hay thậm chí là một nghề nghiệp nào đó nhưng đành hẹn kiếp sau vì cát bụi đường đời mưu sinh đã chôn vùi nó trong xó xỉnh tâm hồn mình.
Nếu có một xã hội như thế, các anh nhà văn sẽ thành tri kỷ sẻ chia câu hay chữ tốt thay vì tìm cách phê bình nhau, các cô đào hát sẽ cùng nâng cánh giọng hát của nhau thay vì tìm cách dìm hàng nhau trên facebook,… Và nhất là, xã hội sẽ không còn những vị trí thức biết tuốt rởm đời chường mặt lên báo để dạy dỗ thiên hạ về những điều mà họ chưa chắc đã hơn ai, sẽ tuyệt chủng đám báo chí kền kền đơm điều đặt chuyện, thổi phồng câu chữ để câu khách…
Tiếc rằng, những tâm huyết của người xưa sau hàng ngàn năm vẫn chưa đến mùa đơm hoa kết trái, để loài người vẫn sẽ phải tiếp tục vật vã trong cơn mê trần thế. Thôi thì, ai tỉnh người đó hưởng.
Theo TÙNG NGUYỄN FACEBOOK
Tags: Quan điểm sống, Phật giáo