Cơ chế 4 bên và tham vọng của Tập Cận Bình

Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, lớn tiếng đe dọa Đài Loan, nhiều lần lấn chiếm biên giới ở dãy Himalaya, xâm nhập thường xuyên Senkaku là những minh chứng thực tế rõ nhất về chính sách ngoại giao và chiến lược của nước này.

Bài viết của các tác giả Andrew Davies và Michael Shoebridge, hai chuyên gia kỳ cựu của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia. Bài viết đăng trên trang “Aspistrategist”.

Vấn đề hàng đầu trong số các nội dung thảo luận của cơ chế 4 bên (Úc-Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ) và cũng là một trong những lý do chính mà cơ chế 4 bên liên kết chặt chẽ với nhau là hành vi gây hấn ngày càng tăng và hành động cưỡng ép của Trung Quốc. Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ngày càng lớn tiếng đe dọa Đài Loan, nhiều lần lấn chiếm biên giới ở dãy Himalaya, xâm nhập thường xuyên quần đảo Senkaku là những minh chứng thực tế rõ ràng nhất về chính sách ngoại giao và chiến lược của nước này.

Khi nhìn nhận về hành động của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, đây dường như không phải là mối đe dọa kề cận song cũng không mang lại cảm giác yên tâm. Tiền của Trung Quốc hiện có tiếng nói mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, được sử dụng làm đòn bẩy để đưa các công ty Trung Quốc vào các thị trường mới, thường là kết quả của các khoản vay mềm đối với các chính phủ không đủ trang trải các khoản trợ cấp. Ví dụ, nhìn vào Nam Thái Bình Dương, nhiều trường hợp cấp vốn cho các dự án không mang lại nhiều lợi ích kinh tế và lợi ích cho người dân.

Trung Quốc có nhiều hoạt động toàn cầu tích cực. Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn nhất cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Hải quân nước này phối hợp với các lực lượng hàng hải đa quốc gia đối phó với nạn cướp biển. Trung Quốc làm những điều này vì muốn được xem như một cường quốc lớn, với khả năng đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chứ không phải vì lợi ích riêng. Vì vậy, mục tiêu của bất kỳ tương tác nào với Trung Quốc nên là khuyến khích hành vi mang tính xây dựng của nước này, làm giảm những hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã rất thành công trong việc đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình, nhưng đó không phải là điều bất khả xâm phạm.

Điểm yếu trong yếu tố quyền lực của Trung Quốc là cơ sở cho các nước trong cơ chế 4 bên có thể có cách tiếp cận thống nhất và chiến lược. Vấn đề nóng được đề cập trong báo chí phương Tây là sự phụ thuộc của các nước vào Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng ở Úc, khi kinh tế tăng trưởng 26 năm liên tục là kết quả của các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên điều này có thể hiểu theo cả hai chiều: Trung Quốc cần phần còn lại của thế giới ít nhất cũng như chúng ta cần Trung Quốc và có thể trở nên phụ thuộc hơn. Các thành viên của cơ chế 4 bên có thể tìm cách để khiến sự phụ thuộc lẫn nhau trở nên rõ ràng hơn. Điều này chắc chắn sẽ giúp cân bằng rất nhiều suy nghĩ rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xoa dịu Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng một cách khéo léo sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và lợi ích kinh tế để củng cố sự nắm quyền của mình. Trong 20 năm qua, yếu tố kinh tế được ưu tiên hơn. Chủ nghĩa dân tộc có thể được kích động khi cần và mặc dù là một biện pháp mơ hồ song khá phù hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh những người theo chủ nghĩa dân tộc nổi giận khẳng định chủ quyền của mình ở những khu vực tranh chấp. Khi chủ nghĩa dân tộc quá mạnh mẽ thực sự là nguy hiểm, nhất là khi đi kèm với sự tức giận trước những bất công xã hội, có thể dẫn đến thảm họa nếu một quốc gia bị cuốn theo. Điều gì xảy ra khi có sự hợp nhất của các yếu tố âm mưu kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bùng phát? Một cuộc suy thoái kinh tế, đặc biệt là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu mới khá giàu có của Trung Quốc, có thể làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng lôi kéo sự chú ý ra ngoài các vấn đề nội bộ.

Cho đến nay, các biện pháp quyết đoán và đơn phương của Trung Quốc đã được tính toán để không vượt qua ngưỡng có thể nổ ra xung đột là điều có thể đoán trước. Trung Quốc đã tiếp cận có hiệu quả với Biển Đông bằng cách không bao giờ làm bất cứ điều gì cứng rắn để dẫn tới phản ứng quân sự. Tương tự, Bắc Kinh đã rút lại những lời lẽ gay gắt liên quan quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng các điều khoản của Hiệp ước Mỹ-Nhật có hiệu lực cả ở vùng quần đảo. Tuy nhiên, Trung Quốc không ngừng tiến hành các cuộc xâm nhập cường độ thấp và thực tế tăng mức độ thường xuyên xâm nhập, vừa đủ để không gây ra một sự phản đối lớn. Sự điều chỉnh đó phụ thuộc vào các nhà chức trách Trung Quốc có khả năng quản lý và kiểm soát sự bùng phát chủ nghĩa dân tộc.

Rõ ràng là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều năm tới. Vị trí của ông dường như được bảo đảm. Sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đủ vững chắc cho đến bây giờ, nhưng có lẽ việc tập trung quyền lực vào Tập Cận Bình đã vượt quá tầm kiểm soát của đảng này. Điều đó chắc chắn gây khó khăn cho Tập Cận Bình nếu ông này thất bại và sự thất bại về địa chính trị có thể khó quản lý, đặc biệt là nếu nền kinh tế chậm lại.

Các nước trong cơ chế 4 bên cũng có nhiều điểm mạnh, lực lượng quân sự và kinh tế tập thể của 4 nước vượt hơn Trung Quốc. Cơ chế 4 bên có thể cùng nhau ngăn cản tham vọng địa chính trị của Trung Quốc song tiềm ẩn nguy hiểm. Nếu bị bẽ mặt, Trung Quốc kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa và dẫn tới nguy cơ Đảng Cộng sản Trung Quốc hành động để phản ứng lại sự kích động nội bộ. Khi đó, tình trạng bất ổn ở Trung Quốc là có chủ ý.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,