⠀
Chuyện về hai ngọn thác tuyệt đẹp của Đà Lạt bị con người bức tử
Thác Liên Khương và thác Gougah là hai ngọn thác kỳ vĩ nằm trên sông Đa Nhim, từng được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia. Tiếc là cả hai ngọn thác này đã bị xóa sổ hoàn toàn bởi con người.
Thác Liên Khương
Thác Liên Khương hay thác Liên Khang, có tên cũ là Liên Khàng (Liêng: thác; Khàng: ong vò vẽ hay kiến vàng), tại ngã ba Liên Khương, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 20 từ TP HCM lên Đà Lạt, cách Đà Lạt chừng 27km, cách sân bay Liên Khương khoảng 1km.
Thác rộng khoảng 200m, cao 50m, vào giữa mùa khô đến cuối mùa khô, thác có ít nước. Đây là một ngọn thác hùng vĩ ở Lâm Đồng, gắn liền với những truyền thuyết huyền bí của miền đất Tây Nguyên. Cùng với 2 thác Gougah và thác Pongour, thác Liên Khương là một trong 3 thác nước đẹp trên sông Đa Nhim.
Tương truyền nơi đây vốn là khu rừng nguyên sinh có con suối thơ mộng chảy qua. Trên cây có lắm quả ngọt dành cho người và khỉ. Dưới suối có nhiều cá đến nổi dân làng ăn không hết. Vì lý do đó mà lũ kiến vàng từ vùng núi xa xăm nào đó kéo về ngụ cư. Bởi cuộc sống sung túc nên kiến vàng ngày càng đông. Chúng làm tổ và chiếm vị trí độc tôn khiến người dân bản địa lại thiếu cái ăn. Dân làng phải bắt buộc cầu cứu thần lửa. Nhưng thần lửa càng đốt nhiều thì lũ kiến càng sinh sôi. Thần lửa kiệt sức đành chịu thua. Lũ làng lại dâng lễ vật, đâm trâu cúng Yàng và cầu xin Yàng đánh giặc Kiến Vàng. Cảm động trước lòng thành của dân làng, Yàng đã gọi thần mưa, thần Sấm Sét làm cho lụt to. Nước từ Đa Nhim như nước mắt đổ về cuốn trôi giặc Kiến Vàng. Từ đó dân chúng sống ấm no hạnh phúc. Thác Liên Khương là nơi búa sét cuối cùng đánh tan kiến chúa chạy qua đấy, tạo thành dòng thác sâu và đẹp.
Tuy được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia nhưng hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, thác Liên Khương đã cạn nước nên đã đóng cửa khai thác, không tổ chức phục vụ khách tham quan. Cuối năm 2008 Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tham mưu để Bộ Văn hóa Thông Tin thu hồi giấy phép xếp hạng .
Thác Gougah
Thác còn có tên gọi là thác Ổ Gà (do người dân ở đây họ không gọi là thác “Gougah” mà họ gọi là thác “Ô Ga”, lúc đó đường xá ở đây hư hỏng, chưa trải nhựa, mặt đường có nhiều lỗ hỏng – thường gọi là ổ gà. Vậy nên, người dân ở đây hay nói đùa là thác ổ gà, từ đó quen miệng gọi là thác “ổ gà”, thuộc địa bàn xóm Chung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác Gougah nằm sát quốc lộ 20 cách Đà Lạt chừng 37km.
Thác tạo thành bởi dòng Đa Nhim chảy qua thị trấn Liên Nghĩa, đến địa phận xã Phú Hội gặp đứt gãy và đổ xuống độ sâu 30m.
Theo các truyện cổ Nam Tây Nguyên, xưa kia Gougah vốn là một vực sâu kho báu của hoàng hậu Naf Biút (nước Chiêm Thành – Chăm). Naf Biút vốn người Việt, lấy vua Chăm, nàng được vua rất sủng ái, để chữa bệnh cho nàng có quần thần tâu phải xây một cung điện ngoài vương quốc Chămpa để hoàng hậu dưỡng bệnh và vua Chăm đã chấp thuận. Về sau, hoàng hậu mất, nhà vua cho chôn cất ở nơi hoang dã ấy và cho chôn theo một kho tàng vàng, ngọc để hoàng hậu dùng.
Mặc dù cũng đã được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia nhưng hiện nay, thác đã biến mất do ngập nước từ đập nước của nhà máy thủy điện Đại Ninh, vì thế, cuối năm 2008 Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tham mưu để Bộ Văn hóa Thông Tin thu hồi giấy phép xếp hạng.
S.T
Tags: Thác, Du lịch, Đà Lạt, Suy thoái môi trường