Chuyện phá án ly kỳ của các ‘Bao Công’ trong lịch sử Việt Nam

Thời xa xưa, khi khoa học hình sự chưa ra đời, để phá án, cha ông ta phát minh ra những cách được xem là “độc chiêu”.

Chuyện phá án ly kỳ của các ‘Bao Công’ trong lịch sử Việt Nam

Nội thư Đoàn Khung và cách nhận biết người lạ

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vào đầu năm Mậu Dần (1278), thời vua Trần Thánh Tông, bệnh đậu mùa hoành hành, làm rất nhiều người chết.

Chẳng biết do bị phóng hỏa hay người ta đốt đống rấm để xóa dịch bệnh, nhiều nhà dân ban đêm bị cháy rụi. Vua Trần Thánh Tông ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung được đi theo hầu.

Theo sách Cương mục, bấy giờ, vua muốn biết chính xác trong số những người tham gia chữa cháy, ai là người đến trước, ai đến sau, nên sai Đoàn Khung thống kê, báo cáo. Đây là việc rất khó, vì sẽ chẳng có người nào tự nhận mình đến sau.

Trước tình huống khó, Đoàn Khung đã nghĩ ra một diệu kế. Ông cho tập hợp những người chữa cháy xếp hàng, rồi ấn đầu từng người, bảo ngồi xuống để đếm. Sau đó, ông tâu rõ với vua những người đến trước, sau, không sai chút nào.

Khâm phục tài năng của họ Đoàn, vua Thánh Tông liền hỏi: Tại sao ngươi biết rõ thế được?

Đoàn Khung trả lời rằng “thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa. Người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết”.

Chuyện bắt trộm của Phí Trực

Đến thời vua Minh Tông, nhà Trần bắt đầu suy yếu, trộm cướp nổi lên. Lúc bấy giờ, tên Văn Khánh được xem là đầu sỏ trộm cướp, triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt không được.

Một hôm, có người khai bắt được tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên bị bắt ấy là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, người bị bắt cũng nhận ngay mình là Văn Khánh. Ai cũng cho rằng đây chính là viên cướp đầu sỏ khét tiếng. Tuy nhiên, quan Hình bộ lang trung Phí Trực vẫn nghi ngờ không phải.

Ông không hiểu sao tên trộm đầu sỏ khét tiếng lại bị bắt dễ thế, còn lập tức nhận mình là Văn Khánh chứ không có lời nào chối tội. Trong khi đó, hình pháp nhà Trần quy định xử rất nghiêm tội này, “kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt chân, tay hoặc cho voi giày đến chết để chừa mãi thói đạo chích”.

Vì phân vân, án ấy để lâu không giải quyết. Nắm được tình hình, đích thân thượng hoàng Trần Anh Tông dò hỏi, Phí Trực trả lời rằng: “Mạng người rất quan trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết”.

Không bao lâu, thượng hoàng hỏi lại án Văn Khánh, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận ông, bảo “nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi”. Phí Trực tâu rằng: “Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ”.

Không ngoài dự đoán của Phí Trực, một tháng sau, tên Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng lúc đó mới thấy tài năng của ông Hình bộ lang trung.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cảm phục tài năng của Phí Trực, về sau, vua Trần Anh Tông đã cho ông giữ chức An phủ Thiên Trường.

Đó là đặc ân lớn mà nhà vua đã ban cho vị phán quan tài giỏi, bởi theo lệ nhà Trần người được cử làm An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan từng kinh qua An Phủ sư cấp lộ, rồi khảo hạch đủ chuẩn mới bổ dụng. Nhưng với Phí Trực, đó được xem như ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.

“Bao Công” Nguyễn Mại và chuyện cho dân tát người để tìm hung thủ

Nguyễn Mại, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương, là một trong những vị quan nổi tiếng liêm chính, xử án xuất sắc dưới thời Hậu Lê. Đương thời, ông được suy tôn là “Bao Công nước Việt”.

Trong cuộc đời xử án của mình, Nguyễn Mại để lại nhiều giai thoại chứng minh được tài năng hơn người.

Theo sách Hải Dương phong vật chí, một hôm, Nguyễn Mại đi bộ qua chợ Bảo Khám, thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất con gà, chửi rủa mãi không thôi. Bà ta lôi cả tam đời, ngũ đại nhà kẻ ăn trộm ra mà chửi.

Sau khi biết sự tình, ông cho gọi người đàn bà mất của lại hỏi con gà đáng giá bao nhiêu tiền để trả. Ông sai lính trói người đàn bà ấy ở quán, rồi cho gọi làng xóm đến chứng kiến cảnh mắng người đàn bà bị trộm gà tội chua ngoa.

Sau đó, ông sai tất cả đàn ông, đàn bà trong xóm vả vào má người đàn bà vì tội chửi rủa. Dân trong làng thương bà đã mất gà còn bị tát nên nương tay. Chỉ có một người đàn bà trong làng ra sức tát thật mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho giữ người này lại và nói: “Chính ngươi đã ăn trộm gà, bị chửi rủa thậm tệ nên mới động lòng mà đánh người ta đau như thế. Tội ấy còn chối cãi sao được!”

Con gà được trả lại cho người bị mất, còn kẻ ăn trộm cứ chiểu theo luật mà định tội. Dân tình trong làng ai cũng khen quan Nguyễn Mại xét án công bằng, sáng suốt.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,