Chuyện ‘Ông già Ba Tri’ đi bộ ngàn cây số nộp đơn kiện lên vua

Cách nay hơn 200 năm, khi vua Minh Mạng vừa lên ngôi (trị vì từ năm 1820 đến năm 1840), có 3 ông già “dân oan” khăn gói dắt nhau đi bộ suốt 3 tháng ròng từ vùng đất Ba Tri tỉnh Bến Tre, để ra kinh thành Huế khiếu nại lên vua nhằm đòi quyền lợi chung cho dân làng.

Chuyện ‘Ông già Ba Tri’ đi bộ ngàn cây số nộp đơn kiện lên vua

Một trong ba ông già đó, cũng chính là người khởi xướng chuyến đi kiện có một không hai trong lịch sử nước ta, sau khi thắng lợi trở về được dân làng thương mến, kính nể đặt cho biệt danh “ông già Ba Tri”.

Mang cơm cho chúa

Nhân vật “ông già Ba Tri” đang được nói tới có tên thật là Thái Hữu Kiểm, người làng An Bình Đông (nay thuộc thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Về dòng họ Thái Hữu ở đất Bến Tre, một số tài liệu chép rằng, năm 1742 có người ở Quảng Ngãi là Thái Hữu Xưa dẫn đoàn người đi thuyền xuôi Nam vào đất Ngao Châu (huyện Ba Tri ngày nay) vỡ đất khẩn hoang. Ông Thái Hữu Xưa có người con trai là Thái Hữu Chư và người cháu nội chính là ông Thái Hữu Kiểm.

Các thế hệ đầu tiên của dòng họ Thái Hữu có nhiều công lao trong những tháng năm đầu tiên khai phá vùng đất Ba Tri xưa. Nếu người ông Thái Hữu Xưa có công khai đất lập làng An Bình Đông, thì sau đó người cháu Thái Hữu Kiểm tiếp nối công cuộc vỡ đất khi đã thuyết phục hàng trăm hộ dân vùng miền Trung vào khai phá xứ hoang sơ, nê địa Ngao Châu.

Vào khoảng năm 1787, để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh có thời gian trú ngụ ở đây, được nhiều người giúp đỡ, như gia đình Phó tướng Trương Tấn Bửu, Cai việc Trần Văn Hạc, Tri thâu Thái Hữu Chư và Trùm trưởng Thái Hữu Kiểm. Chính vì hàng ngày tận tụy mang cơm nước hầu phụng chúa mà sau này ông Thái Hữu Kiểm được phong chức Trùm cả làng An Bình Đông, người dân thường gọi ông Cả Kiểm.

Sau mấy mươi năm vỡ đất lập làng, An Bình Đông ngày một đông đúc dân cư, ruộng đồng ngày càng mở rộng. Để tiện việc cho dân làng mua bán, trao đổi hàng hóa, khoảng năm Gia Long thứ 5 (1806), ông Thái Hữu Kiểm lập chợ An Bình Đông, dân gian còn gọi là chợ Trong. Chợ được dựng từ chợ chồm hổm họp ở dưới gốc cây da lớn râm mát ven đường, được nhiều người qua lại chọn làm chỗ nghỉ chân, buôn bán vặt.

Sau khi lập chợ, ông Cả Kiểm còn kêu gọi dân làng đắp hai con đường từ An Bình Đông đi Vĩnh Đức Trung và từ An Bình Đông sang Phú Lễ. Đường xá đi lại thuận lợi, dân các làng quanh vùng đến chợ càng đông, ghe thương hồ từ sông lớn chở nông sản phẩm vật ra vào chợ tấp nập. Chợ Trong chỉ một thời gian ngắn hoạt động đã trở nên phồn thịnh, khiến nơi hoang sơ trở thành trung tâm thương mại sầm uất.

Đề cập đến chuyện “ông già Ba Tri” dựng chợ An Bình Đông, tác giả Nguyễn Liên Phong có viết trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (1909), rằng: “An Bình Đông xã một nơi – Có cây da lớn nghỉ ngơi bộ hành – Bán buôn hàng vặt rập rình – Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi – Ông cả Kiểm, thấy chuyện kì – Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền – Chỗ nhằm cuộc đất linh thiên – Như ai xuôi giục người riêng tấm lòng – Càng ngày càng thạnh càng sung – “Chợ ngoài” thưa nhóm, túng cùng nổi sân”.

Cũng theo tác giả Nguyễn Liên Phong, trước khi ông Cả Kiểm xây dựng chợ Trong, ở làng An Hòa Tây đã có chợ Ngoài do ông “Xã Hạt” dựng lên (các tài liệu khác ghi là Xã Hạc). Trong khi chợ Trong hoạt động càng đông đúc thì chợ Ngoài do Xã Hạc lập trở nên thưa thớt. Cho rằng chợ Trong của Cả Kiểm lập nên chính là nguyên nhân khiến chợ Ngoài ế ẩm, Xã Hạc tức giận huy động dân làng mình đốn cây đắp đập ngăn rạch, để ghe thuyền không vào chợ Trong được.

Sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” nói sự tình này: “Bốn cây đắp đặp cản ngăn – Không cho ghe cộ vào băng An Bình – Gây ra cừu oán đấu tranh – Kiện nhau tới tỉnh sự tình lôi thôi”. Chính vì cách cạnh tranh không công bằng từ việc cấm thuyền của Xã Hạc, sự tắc trách của quan địa phương và thái độ khẳng khái, cương trực, quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ đúng của ông Cả Kiểm mà làm nên huyền tích “Ông già Ba Tri” truyền tụng nhân gian suốt 200 năm qua.

Quyết chí đi kiện

Truyền rằng, ông Cả Kiểm họp bàn dân làng rồi làm đơn kiện, mời người làng đồng ký tên rồi lên huyện kiện. Từ quan huyện cho đến quan phủ lúc bấy giờ đều có ý bênh vực Xã Hạc, bác đơn của ông Cả Kiểm với lý do: “Người ta đắp đập trong địa phận làng người ta mà kiện tụng cái gì?”.

Ông Cả Kiểm cho rằng các quan không công minh, vì tư túi của bên bị mà xử ép bên nguyên, phán án trái với lý lẽ thường tình nên cương quyết thưa đơn thẳng lên kinh đô. Ông bàn với các kỳ lão trong làng, tìm phương sách đưa vụ án đến người có quyền lực tối thượng lúc bấy giờ là vua Minh Mạng – người vừa nối ngôi vua Gia Long, mà không muốn qua bất cứ cấp quan nào khác.

Ông Cả Kiểm bấy giờ đã thuyết phục hai kỳ lão là Tham trưởng Nguyễn Văn Tới và Hương trưởng Lê Văn Lợi làm nhân chứng, cùng đi với ông ra Phú Xuân để kêu oan với vua. Điều khiến mọi người bất ngờ, kính nể ông Cả Kiểm cùng với 2 kỳ lão, đó là thay vì đợi đến khi trời nổi gió để dong thuyền từ miền Nam ra Huế, 3 ông cụ lại quyết định cơm đùm cơm nắm đi bộ, khởi hành mau chóng.

Thời điểm đó, việc đi bộ với quãng đường hơn một ngàn cây số, đường xá giao thông vô cùng trắc trở với những đường mòn sình lầy, sỏi đá, qua bao đồng hoang rừng vắng, khi vượt núi lúc băng sông lụy đò. Cung đường đáng sợ nhất với những nguy hiểm rình rập mà 3 ông già phải vượt qua là các tỉnh Nam Trung Bộ, lành ít dữ nhiều khi mà người xưa đã có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Đó là chưa nói tới nạn sơn tặc cướp bóc, kẻ xấu lừa lọc.

Nhìn cảnh ba ông cụ lội bộ từ miền Nam ra kinh đô để kêu oan, nhiều người xót lòng khuyên ba cụ nên quay về vì hành trình quá nguy hiểm, bao nhiêu hiểm họa rình rập. Thế nhưng với ý chí quyết đấu tranh đến cùng, đã có lúc sức tàn lực kiệt mà 3 cụ vẫn không bỏ cuộc. Trải qua 3 tháng ròng rã (có tài liệu ghi là 6 tháng), ba lão nhân Nam Bộ cũng đặt chân đến kinh đô, lá đơn kêu oan đã đến được tay vua Minh Mạng.

Vua cảm phục ý chí của ba ông lão, nghĩ đến chuyện thời Thế Tổ Cao Hoàng đế bôn tẩu, có lần náu nương đất Ngao Châu được dân xứ này che chở, trợ giúp. Trong đó, ông Cả Kiểm xưa là người từng cơm bưng nước rót vua cha, lại là dòng tộc có nhiều công lao mở ruộng dựng làng nên không khỏi xúc động, lại càng kính nể vì tinh thần đấu tranh cho quyền lợi chung cộng đồng.

Vua Minh Mạng cho gọi cụ Kiểm và hai kỳ lão cùng vào hầu để hỏi rõ đầu đuôi. Khi đã tỏ rõ sự tình, vua tuyên: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ, huyện phải cho phá đập”. Vua còn thưởng cho ba kỳ lão một số tiền lộ phí và đoan chắc rằng khi ba người về đến làng thì đập sẽ được phá xong. Chợ Trong vì vậy mà sau còn có tên là chợ Đập, ngày càng đông đúc tấp nập.

Sau thắng lợi ngoạn mục ấy, dân làng càng kính phục ý chí, nghị lực và nghĩa cử của ông Cả Kiểm, đặt cho ông biệt danh “Ông già Ba Tri”. Xoay quanh nhân vật “ông già Ba Tri” Thái Hữu Kiểm và một số nhân vật liên quan như Xã Hạc, các giai thoại vẫn còn nhiều dị bản, với các điểm chưa thống nhất về tiểu sử nhân vật, mốc thời gian, các sự việc liên quan. Tuy nhiên hầu như các ý kiến đều thống nhất ở chỗ mô tả hình ảnh một ông già quắc thước, bền gan, khí phách, sống vì thôn làng.

Từ tên gọi riêng đặt cho ông Cả Kiểm xưa, “Ông già Ba Tri” sau này trở thành thành ngữ, mang ý nghĩa khái quát chỉ người có đức tính cương trực, bản lĩnh, bất khuất trước cường quyền, đấu tranh cho cái đúng và lợi ích chung. Thành ngữ ấy ngày nay người ta cũng dùng để chỉ nét tính cách đặc trưng mang tính kế thừa của cư dân đất này, đó là hồn hậu chất phác, bao dung, có thể hi sinh vì nghĩa lớn nhưng quyết liệt với cái sai, cái ác và để bảo vệ lẽ phải có thể đấu tranh đến cùng dù cho gian khổ cỡ nào.

Ba Tri được coi là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ của nhiều bậc danh nhân, học sĩ, như Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) – nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19, Phan Thanh Giản (1796 – 1867) – vị quan đại thần triều Nguyên nổi tiếng thanh liêm, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc, và các anh hùng đánh Pháp… Đây là nơi yên nghỉ của nhà giáo Võ Trường Toản (1709 – 1792) – người được mệnh danh “cụ tổ ngành giáo dục đất Nam kỳ”.

Theo ĐẠI CHƠN / BÁO PHÁP LUẬT

Tags: ,