Samuel Baron viết về Đàng Ngoài: Chuyện ‘huynh đệ tương tàn’ của Chúa Trịnh

Lâu nay, một số tài liệu hiếm hoi và phim ảnh chỉ mới tiếp cận được phần nào những “thâm cung bí sử” của các Chúa Trịnh, nên đằng sau bức rèm buông tại phủ Chúa ở Đàng Ngoài vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá.

Phủ Trịnh ở Thanh Hóa.

Câu chuyện ‘huynh đệ tương tàn” trong phủ Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài được tác giả Samuel Baron viết trong cuốn sách Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài do Omega và NXB Khoa học Xã hội ấn hành, kể về đời Chúa Trịnh Căn (trị vì từ năm 1682 – 1709), tiếp sau các đời Chúa trước đó là Trịnh Kiểm (nắm quyền 1545 – 1570), Trịnh Tùng (trị vì 1570 – 1623), Trịnh Tráng (trị vì 1623 – 1657) và Trịnh Tạc (trị vì 1657 – 1682) với nhiều tư liệu hấp dẫn.

Các vị Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, theo sách đã dẫn được miêu tả đa số khá chừng mực, không có những đặc tính xấu mà những vị bạo chúa hay có: tham vọng, tham lam, tàn ác…, mà thường cất nhắc anh em mình vào vị trí quan trọng như quan đầu tỉnh, chỉ huy quân đội, thống chế, tổng trấn quan… và sử dụng họ vào những việc cao quý của triều đình để xứng đáng với địa vị huynh đệ của Chúa. Tuy nhiên, đến thời Chúa Trịnh Tạc thì xảy ra một vụ án mạng do anh em nghi kỵ dẫn đến thanh trừng khá đau lòng.

Đó là chuyện Chúa Trịnh Tạc cho tống giam Ninh Quốc Công Trịnh Toàn, con út chúa Trịnh Tráng, em của mình và cũng chính là chú ruột của Chúa Trịnh Căn sau này. Ai cũng biết Ninh Quốc Công Trịnh Toàn là người  có công rất lớn trong việc đẩy lùi quân nổi loạn ở vùng Nghệ An trong đợt xung đột lần thứ 5 (1655 -1660). Do có tài và có uy tín trong quân đội nên Trịnh Toàn bị Trịnh Tạc nghi ngờ lập mưu bắt giam, tìm cách giết đi để trừ hậu họa.

Theo sách đã dẫn, Trịnh Toàn (tên trong sách được Samuel Baron viết là Chechenging) hội tụ những đủ đức độ của một người được mọi người kính trọng: đức độ, phóng khoáng, anh dũng, rộng lượng… nên được binh sĩ quý mến gọi là cha, còn quân địch khiếp sợ với uy danh của ông ở Đàng Ngoài hình tượng ông là “ánh chớp Đàng Ngoài”. Biết anh trai ngờ vực vào lòng tốt của mình, Ninh Quốc Công Trịnh Toàn cố gắng tìm mọi cách “thanh minh” và thường đẩy những thành tích vẻ vang ngoài chiến trường là nhờ tài thao lược chỉ đạo của Chúa Trịnh Tạc. Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là người thừa hành chỉ đạo của Chúa Trịnh và thề luôn trung thành tuyệt đối. Lúc đầu, Chúa còn tin tưởng vào lời thề này nhưng dần dà không hiểu vỉ lý do gì, Chúa Trịnh Tạc cho triệu tập khẩn Trịnh Toàn cùng một vài quân sĩ về cung khi đang chiến đấu với quân Đàng Trong ở biên thùy phía Nam. Vừa về tới nơi, Ninh Quốc Công Trịnh Toàn bị bắt và tống giam trong một nhà ngục ngay gần phủ Chúa Trịnh.

Từ đó, Trịnh Toàn bị giam cầm suốt trong vài năm mà chẳng có lý do gì chính đáng để phải hành quyết. Tác giả Samuel Baron kể tiếp: “Thế nhưng có lẽ định mệnh đã sắp đặt cho sự ra đi của ông: Vào khoảng năm 1672, một lượng lớn quân sĩ không dưới 40.000 người, ở Kinh thành Kẻ Chợ, chiếm đóng mọi ngõ ngách của khu phủ Chúa Trịnh, gây ra nỗi lo bạo loạn và huyên náo khắp nơi khiến dân chúng sợ hãi bỏ thành chạy về quê. Binh lính đến trước phủ Chúa kêu gào ầm ĩ…”. Tình thế lúc này vô cùng nguy nan, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong đối với vương quốc nên Chúa Trịnh cho mời nhiều quan cận thần đến tham khảo ý kiến. Một vị quan văn đại thần cho rằng: “Tóm cổ một vài đứa đầu sỏ đem giết sẽ khiến bọn phản loạn khiếp sợ”. Vì vậy, phát hiện ra đám binh lính nổi loạn đang tìm cách phá ngục giải cứu Trịnh Toàn để suy tôn ông này lên làm Chúa, ngay trong đêm, Chúa Trịnh Tạc pha một liều thuốc độc rồi sai viên hoạn quan tin cẩn mang đến yêu cầu Ninh Quốc Công Trịnh Toàn phải uống hết.

“Ông lúc đó đã đoán được thứ quà Chúa ban cho mình. Trịnh Toàn phủ phục về phía phủ Chúa Trịnh rồi lạy 4 lạy, sau đó uống cạn chén thuốc độc. Vài giờ sau ông chết – một cái chết bị gây ra bởi chính đức độ cao cả của ông cũng như tình yêu lớn lao mà đám binh sĩ dành cho ông”, Samuel Baron chua chát viết.

Ngay sáng hôm sau, sau khi việc sát hại Ninh Quốc Công Trịnh Toàn đã hoàn tất, Chúa Trịnh Tạc cho mở kho phát chẩn bạc và tiền đồng cho đám binh lính nên tạm thời tránh được sự bạo loạn tiếp diễn. Sau đó những cái chết bí ẩn khác chẳng ai hiểu rõ nguyên do cũng lần lượt xảy đến với nhiều người cho đến khi Chúa Trịnh Tạc mất năm 1682 và Trịnh Căn là con trai lên kế vị cha, khép lại một trang sử về một câu chuyện “huynh đệ tương tàn” bí ẩn của giai đoạn này.

Theo LÊ CÔNG SƠN / THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,