⠀
Chuyển đổi số quốc gia: Những bài học từ Estonia
Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa số đầu tiên trên thế giới”.
Chia sẻ của nguyên Tổng thống Estonia Toomas Hendrik IIves về những câu chuyện thành công của Estonia khi chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2020.
Quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu
Có lẽ mối quan tâm lớn nhất của mọi người khi thảo luận về quản trị điện tử là câu hỏi: quyền riêng tư thì sao? Câu trả lời của tôi dựa trên sự minh bạch chung và có đi có lại trong hệ thống của Estonia, tại đó tôi có thể biết ai đã xem dữ liệu của mình, tôi cảm thấy an toàn hơn về quyền riêng tư của mình với hệ thống số hơn là hệ thống giấy tờ mà trong đó nếu có cũng rất ít hồ sơ lưu trữ về những người đã truy cập dữ liệu của tôi.
Hãy xem xét trường hợp của tay đua xe Công thức 1 Michael Schumacher, một trong những nhân vật của công chúng được biết đến nhiều nhất ở châu Âu, người bị tổn thương não nghiêm trọng trong một vụ tai nạn trượt tuyết kinh hoàng vào năm 2013. Trong vòng vài giờ sau vụ tai nạn, báo chí lá cải đã ngập tràn những bức hình chụp X-quang và hồ sơ bệnh án của anh.
Không thể truy ra nguồn gốc của những thứ này vì chúng là hồ sơ giấy. Trong một hệ thống số hóa đúng cách, điều này là không thể. Tất cả các hồ sơ là hồ sơ số và quyền truy cập chúng luôn bị giới hạn ở các bác sĩ được cấp quyền thông qua ID của họ và mọi người thực hiện việc truy cập đều được hệ thống ghi lại.
Ở Estonia cũng như vậy, hồ sơ sở hữu tài sản được công khai. Bất cứ ai cũng có thể xem những tài sản nào thuộc sở hữu của tôi và quả thực khi tôi còn đương chức, các nhà báo thường xuyên săm soi những hồ sơ đó, có lẽ với hy vọng tìm được tin sốt dẻo nào đó. Nói cách khác, quyền riêng tư dựa trên sự minh bạch, sự hiểu biết rằng tất cả các truy cập đều được hệ thống ghi lại.
Tuy nhiên, việc mọi người nhấn mạnh, nếu không phải là lo sợ, về quyền riêng tư trong quản trị số, lại bỏ qua một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đi kèm với số hóa: tính toàn vẹn của dữ liệu, trụ cột thứ ba của lòng tin và bảo mật trong các dịch vụ công.
Quyền riêng tư là nguyên tắc mà theo đó không ai khi không có sự cho phép của bạn có thể xem dữ liệu của bạn. Tính toàn vẹn của dữ liệu là không ai khi không có sự cho phép của bạn có thể thay đổi nó. Mức độ quan tâm đến sự khác biệt quan trọng này vẫn còn quá thấp.
Đúng, quyền riêng tư là quan trọng và bạn có lý do để lo lắng nếu ai đó đã truy cập hồ sơ y tế hoặc tài khoản ngân hàng của bạn. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu ai đó thay đổi hồ sơ y tế của bạn? Ví dụ, nếu thông tin về nhóm máu của bạn, hoặc số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn bị thay đổi. Tất cả chúng ta cần quan tâm đến tính toàn vẹn của dữ liệu nhiều hơn nhiều so với hiện nay.
Điều này không chỉ đúng với dữ liệu cá nhân. Ví dụ, nó cũng đúng với các luật và các vụ kiện của tòa án mà chỉ tồn tại ở định dạng số. Hãy tưởng tượng nếu ai đó thay đổi một luật hoặc các chi tiết của một vụ án. Làm thế nào để bất kỳ ai đều biết nếu nó đã bị thay đổi?
Kể từ năm 2008, đến nay đã là 12 năm, Estonia đã đưa tất cả dữ liệu có tính quyết định vào một sổ cái phân tán riêng (private distributed ledger), hay còn gọi là “chuỗi khối” (“blockchain”) riêng như mọi người thường gọi. Tất cả sổ đăng ký dân cư, hồ sơ y tế, hồ sơ tài sản và tòa án, hồ sơ thuế và lương hưu cũng đều được bảo mật.
Đây là một bước sống còn phải thực hiện đối với các dịch vụ công được số hóa: hồ sơ số tất nhiên là tâm điểm của bất kỳ xã hội hiện đại nào và tất cả chúng ta đều lo ngại về việc chúng bị xâm phạm. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nhiều đến tính toàn vẹn của dữ liệu trong trường hợp hệ thống bị xâm phạm.
Bài học rút ra
Thứ nhất, số hóa quản trị sẽ vận hành tốt nếu được sự ủng hộ của công chúng. Không nhất thiết tất cả người dân sẽ tham gia, nhưng điều quan trọng phải có sự ủng hộ của các chủ thể chính trong khu vực tư nhân và trong các bộ phận dân cư như thanh niên và tầng lớp chuyên môn ưu tú, tức là các kỹ sư, nhà khoa học, giới học thuật.
Các ngân hàng là một đồng minh tất yếu vì việc chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của chính phủ sẽ làm cho các giao dịch an toàn hơn so với các phương pháp mà họ có thể sử dụng và vấn đề không kém phần quan trọng là giúp ngân hàng cắt giảm cả chi phí lao động, chi phí thuê trụ sở và vận hành. Quả thực, khu vực ngân hàng là một bộ phận của khu vực tư nhân mà số hóa mang lại những lợi thế lớn nhất về bảo mật cũng như tiết kiệm.
Tất cả các thành phần, như giới học thuật, chuyên gia ưu tú, khu vực tư nhân và thanh niên, đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự ủng hộ rộng rãi đối với việc chuyển đổi số ở Estonia.
Thứ hai, các chính phủ cần đưa chuyển đổi số trở thành một ưu tiên công. Họ sẽ thành công khi chuyển đổi số được tuyên bố là một mục tiêu chính sách, được cấp lãnh đạo cao nhất như nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ với vai trò là động lực chính trị của quá trình đó dẫn dắt và nêu rõ là một ưu tiên.
Do chuyển đổi số là một quá trình của toàn bộ Chính phủ nên mọi thành viên trong Chính phủ – các bộ trưởng và quan chức cấp cao phải tham gia.
Quá nhiều quốc gia thất bại khi họ đẩy nhiệm vụ này cho một cơ quan, bổ nhiệm một “Bộ trưởng số” với quyền lực giống như tất cả các bộ trưởng khác. Điều này hầu như đảm bảo chuyển đổi số sẽ thất bại, các bộ trưởng khác sẽ phớt lờ những gì “Bộ trưởng số” nói, sẽ luôn có lý do biện minh cho tiến độ chậm chạp, rằng đó là “vấn đề của bộ trưởng số, không phải vấn đề của tôi”.
Cách duy nhất để tránh tình trạng này là để thành viên có địa vị cao hơn trong Chính phủ đứng đầu quá trình đó, ít nhất là về mặt chính trị. Về mặt thực tế và kỹ thuật, nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ sẽ là động lực chính trị, nhưng giám đốc dự án do họ bổ nhiệm là người quản lý quá trình đó. Giám đốc dự án là chuyên gia chịu trách nhiệm về quá trình và không nên dưới quyền ai khác ngoài nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu Chính phủ – người có quyền lực hành pháp để thực hiện chuyển đổi số.
Thứ ba, số hóa thành công khi các chính phủ nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mà người dân ưa thích.
Một cách để xác định điều gì sẽ thu hút nhất là xem cơ quan chính quyền nào là nơi có nhiều công dân đang chờ đợi một dịch vụ hoặc mong đợi điều gì đó, hoặc nơi tồn đọng với khối lượng lớn các đơn từ của công dân chờ xử lý.
Thứ tư, chuyển đổi số sẽ chậm chạp khi thiếu ý chí chính trị từ phía chính phủ. Các chính phủ lo sợ phải thực hiện những bước đi ban đầu không quen thuộc, do vậy ngại thực hiện.
Đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị. Luôn khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc. Các nhà lãnh đạo chính trị cảm thấy không tự tin và không muốn thực hiện những việc mà họ sợ rằng sẽ không được công chúng ủng hộ. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi. Công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới.
Chính vì vậy, “tập thể lãnh đạo” chính trị của một quốc gia cần thể hiện sự lãnh đạo thực sự, giải thích ý nghĩa của chuyển đổi số, cách thức vận hành, những gì nó sẽ mang lại cho người dân. Điều này cũng có nghĩa các nhà lãnh đạo ít nhất cần hiểu được các khía cạnh cơ bản của những việc phải tiến hành và nếu được yêu cầu, cần giải thích được lý do thực hiện các việc đó.
Không có gì là dễ dàng. Cá nhân tôi đã bị công kích vì chuyển đổi số trong gần 10 năm liên tục, bắt đầu từ việc thúc đẩy tin học hóa các trường học cho đến việc số hóa toàn bộ quy trình quản trị. Nói chung, chính sự phản đối về mặt chính trị đã gây ra điều này.
Tuy nhiên, một thập kỷ sau, tất cả những thay đổi ở Estonia đã được coi là “bình thường”. Như một điều không thể tránh khỏi, mọi người lập tức quên mất ai là người đã và đang thúc đẩy số hóa. Họ tin rằng làm các việc theo phương thức số là điều đương nhiên và tất cả những điều này “dù thế nào” cũng sẽ diễn ra.
Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, bản thân phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa số đầu tiên trên thế giới”.
Cuối cùng, chuyển đổi số sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng.
Những chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới nảy sinh cho dù có thực hiện chuyển đổi số hay không.
Theo VIETNAMNET
Tags: Bộ máy hành chính, Công nghệ, Estonia