Chuyện của ngôi chùa cấm đốt vàng mã ở Sài Gòn

Trong 20 năm qua, chùa Liên Hoa tại quận 11, TP HCM không cho phép đốt giấy tiền, vàng mã.

Từ giữa năm 1998 nhà chùa đã treo bảng thông báo: “Phật tử vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, hãy lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp người nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa”. Trụ trì chùa Liên Hoa, Thượng tọa Thích Duy Trấn, giải thích với tôi, rằng chùa nói không với việc đốt mã “để làm được việc lợi đạo ích đời”.

Lợi đạo ích đời cụ thể ở đây là gì? Những năm đầu, chùa Liên Hoa tích quỹ từ thiện không đốt mã được vài trăm triệu đồng mỗi năm. Qua mỗi năm, quỹ từ thiện tăng dần. Năm 2016 quỹ có 2 tỷ đồng, năm 2017 đạt 3,7 tỷ đồng. Và, suốt 20 năm qua, nhà chùa đã dùng số tiền gần 20 tỷ đồng giúp đồng bào nghèo trên khắp cả nước. Số tiền ấy, đáng lẽ đã theo tro bụi bay đi.

Nhưng cả nước có tới 18.000 cơ sở tự viện Phật giáo, gồm chùa, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất… Nhiều chùa vẫn “linh động” chấp nhận xây thêm chỗ hóa vàng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Nhất là đầu năm, họ mang theo vàng mã như nhà lầu, xe hơi, người hầu kẻ hạ, ngựa voi, gấm vóc, điện thoại, đô la, tiền vàng bạc nén đến cúng, đốt. Vàng mã là một phương tiện để cầu xin thần thánh ban cho tài lộc, làm ăn hanh thông, thăng quan tiến chức hoặc cầu mong cho người thân ở cõi âm được sung túc, hạnh phúc hơn lúc còn sanh tiền thiếu thốn, cô đơn.

Trong 10 năm làm phóng viên Báo Giác Ngộ, tôi đã đến rất nhiều cơ sở thờ tự khắp cả nước. Trước mỗi chiếc am nghi ngút khói lửa, đang được một người cầm que gẩy gẩy để hóa vàng, tôi luôn dâng lên cảm giác buồn và bất lực.

Tôi nhẩm tính, mỗi năm có tới 8.000 lễ hội diễn ra trên ba miền đất nước và tiêu tốn khoảng 50.000 tấn vàng mã. Đó là chưa nói đến số lượng vàng mã xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ kiều bào. Bộ đồ lễ vàng mã nhỏ có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng, bộ lễ vàng mã trung bình giá bán 700 nghìn tới 1,5 triệu đồng. Những bộ vàng mã hoành tráng hơn để cúng cho việc lớn của cá nhân, gia đình, dòng họ, công ty, hội đoàn có thể lên tới hàng trăm triệu đồng cho một lễ cúng. Bao nhiêu tỷ đồng tiền thật đã bay đi?

Nhiều người sẽ nảy sinh thắc mắc, rằng duyên cớ gì mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây gửi công văn tới các cơ quan và tỉnh thành đề nghị “Tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Phật giáo và hành vi đốt vàng mã có liên quan gì?

Tôi xin trả lời rằng thực sự nó không liên quan gì đến nhau. Và động thái tuyên truyền “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo” cũng không phải là chuyện mới lạ của các vị đại diện Phật giáo trong 80 năm trở lại đây.

Hành vi cúng đốt vàng mã xuất phát từ tín ngưỡng dân gian mà người theo nó đặt trọn niềm tin vào thế lực thần linh, ông đồng, bà cốt phù hộ độ trì. Tôi mới lục lại tài liệu có ghi giải thích của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm (1930-2009), vị cao tăng của Phật giáo Đài Loan, Trung Quốc. Ông cũng là sư phụ của diễn viên Lý Liên Kiệt và cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Vị này cho rằng đốt vàng mã rất có thể xuất phát từ một loại tôn giáo gọi là Hỏa giáo. Hỏa giáo tin rằng Thần Hỏa có khả năng đưa vật bị đốt đến cho quỷ thần dùng. Trong Ấn Độ giáo có thờ Hỏa thần Agui (A Kỳ Tu) có công năng đem đồ tế bị đốt đến cho quỷ thần.

Phong tục đốt vàng mã thịnh hành từ đời nhà Đường. Sau nhiều thế kỷ, trong dân gian ngày nay, người ta không những đốt tiền giấy, bạc giấy, mà còn làm cả nhà cửa, gia cụ bằng giấy, ngày nay là điện thoại Iphone, máy bay, xe “mẹc” hay “audi”, du thuyền năm sao để đốt cúng cho người chết. Thói quen này không liên quan gì đến sinh hoạt Phật giáo. Bởi triết lý của Phật giáo chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi là có linh nghiệm, chứ không cần phải đốt sớ, tiền giấy, vàng mã. Trong Tam tạng Thánh điển của Phật giáo không hề có một dòng chữ nào nhắc đến việc cúng đốt tiền bạc, vàng mã.

Phật giáo Việt Nam trong 80 năm trở lại đây đã trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh và chấn hưng. Nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, các cao tăng đứng đầu Giáo hội cũng kêu gọi, vận động các cơ sở tự viện (bao gồm tổ đình, chùa, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường) giảm tối thiểu hình thức đốt vàng mã vì đó là mê tín, hao tốn tiền của, đồng thời có nguy cơ gây ra hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường. Trong Giới luật Phật giáo còn cấm tăng ni hành nghề tà mạng như kinh doanh, cầu đảo, xin xăm, bói quẻ ngày lành tháng tốt, hầu đồng lên cốt… Các tăng ni trụ trì các cơ sở tự viện có nhiệm vụ hướng dẫn, giảng giải cho Phật tử, tín đồ biết rõ việc đốt vàng mã là hành vi mê tín, lãng phí tiền của.

Thầy tôi, Thiền sư Thích Thanh Từ, năm nay đã 95 tuổi, một vị cao tăng còn hiện hữu đã nhiều năm khẳng định rằng “Tục đốt giấy tiền, vàng mã lại là việc vô lý trên vô lý”. Ông cho rằng, những chiếc nhà lầu, quần áo bằng giấy đốt gửi xuống âm phủ là việc làm vừa trái đạo lý, vừa phí tổn tiền bạc vô ích, và “người có đôi chút nhận xét, lý luận không bao giờ chấp nhận việc làm mù quáng ấy”.

Trong hành động của mình, Giáo hội Phật giáo cũng không ngừng kêu gọi tăng ni, Phật tử, người dân hãy hoán chuyển việc đốt vàng mã thành hành động ý nghĩa hơn như giúp đỡ bệnh nhân nan y, người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, xây cầu bê tông xóa cầu khỉ… Công đức ấy, vừa hồi hướng cho người thân quá vãng, vừa giúp người đang sống. “Hai nẻo âm dương” đều hoan hỉ.

Theo PHỔ TÂM / VNEXPRESS

Tags: ,