Chùm ảnh: ‘Thiên đường’ của người mê quân sự, vũ khí ở Hà Nội

Hàng nghìn hiện vật được lưu giữ tại nơi đây đã tái hiện một cách sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tọa lạc tại số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong những bảo tàng quốc gia có lượng khách tham quan đông nhất Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, Bảo tàng được thành lập ngày 17/7/1956, thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cơ sở hạ tầng của Bảo tàng là khu nhà thuộc trại lính thông tin của Quân đội Pháp xưa.

Ban đầu, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có tên gọi là Bảo tàng Quân đội. Bảo tàng khánh thành ngày 22/12/1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ghi Sổ vàng lưu niệm: “Bảo tàng Quân đội nhắc lại lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam ta, Bảo tàng Quân đội là một trường học và nguồn phấn khởi đối với người xem, đối với nhân dân ta, quân đội ta”.

Trải qua quá trình xây dựng, và phát triển, đến nay Bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, được chia làm hai khu vực bảo quản trong nhà và ngoài trời.

Hệ thống trưng bày trong nhà của Bảo tàng giới thiệu 4.000 hiện vật, tài liệu trên diện tích rộng 3.200 m2, tái hiện một cách sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.

Các hiện vật ở nơi đây phản ánh một số trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, đồng thời thể hiện tính sáng tạo, tài thao lược, đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự mang bản sắc Việt Nam.

Bên cạnh hiện vật gốc, các hình ảnh, mô hình, sa bàn… đem lại những góc nhìn sinh động về các sự kiện lớn trong lịch sử quân sự của dân tộc.

Sự nghiệp của các nhà cầm quân lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh được thể hiện một cách trang trọng qua tượng bán thân cùng những dòng tiểu sử cô đọng.

Hệ thống trưng bày ngoài trời có 200 hiện vật gốc bài trí trên diện tích rộng 5.000 m2, giới thiệu những vũ khí lập công của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm và những vũ khí trang bị hiện đại thu được của địch.

Hiện vật đồ sộ nhất của Bảo tàng là chiếc máy bay IL-14 số hiệu VN-C482, từng được Trung đoàn Không quân 919 đã sử dụng làm chuyên cơ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác trong những năm 1960-1964.

Một hiện vật gây ấn tượng đặc biệt ở khu trưng bày ngoài trời là “tượng đài” về sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc, được dựng từ xác nhiều chiếc máy bay Mỹ. Những máy bay này bị bắn hạ khi đánh phá Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ.

Nhiều hiện vật của Bảo tàng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam, tiêu biểu là xe tăng T54B số hiệu 843. Đây là chiếc xe tăng đầu tiên lao vào Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, húc đổ cổng phụ của Dinh trưa ngày 30/4/1975.

Các Bảo vật quốc gia khác của Bảo tàng là máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21F96 số hiệu 5121 và bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đó, chiếc MiG-21 số hiệu 4324 từng 14 lần bắn hạ máy bay địch, được đặt trang trọng bên cổng chính.

Trong khuôn viên Bảo tàng có một di tích lịch sử đặc biệt, đó là Cột cờ Hà Nội. Đây là một trong các công trình được bảo tồn nguyên vẹn của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, đồng thời là hình ảnh mang tính biểu tượng về thủ đô Hà Nội.

Từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn của thủ đô Hà Nội. Không chỉ thu hút khách trong nước, Bảo tàng đã đón hàng triệu lượt khách quốc tế đến từ khắp các châu lục.

Bảo tàng mở cửa 5 ngày trong tuần, trừ ngày thứ Hai và thứ Sáu, buổi sáng từ 8h – 11h30, buổi chiều từ 13h – 16h30. (Bài có sử dụng tư liệu của Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng).

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,