Chùm ảnh: Nước Mỹ chìm trong làn sóng bạo động lớn nhất kể từ 1968

Cái chết của George Floyd làm rúng động nước Mỹ. Ít nhất 4.100 người bị bắt giữ sau một tuần biểu tình lan rộng, leo thang thành bạo loạn.

Cảnh sát chống bạo động tại Washington D.C. lập đội hình trước Nhà Trắng để đối phó người biểu tình. Thủ đô nước Mỹ đã trải qua 3 đêm liên tiếp không bình yên. Đêm 31/5, sau khi người biểu tình xô đổ hàng rào bảo vệ vòng ngoài của Nhà Trắng, cảnh sát đã phải dùng đến lựu đạn cay gây choáng để giải tán gần 1.000 người. Ảnh: AP.

Vệ binh Quốc gia và cảnh sát chống bạo động được bố trí ở khắp thủ phủ bang Georgia sau liên liếp 3 ngày bất ổn. Các cuộc biểu tình diễn ra ở khắp nước Mỹ phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc. Làn sóng phẫn nộ được châm ngòi sau cái chết của George Floyd, một công dân Mỹ da đen, ở thành phố Minneapolis. Ảnh: AP.

Phần lớn người biểu tình đòi công lý cho Floyd, người bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 25/5 và ghì đầu gối trên cổ trong thời gian dài dẫn đến tử vong. Nhiều bang và thành phố ở Mỹ đã huy động hàng nghìn quân nhân thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia để đối phó bạo động và hôi của. Ảnh: AP.

Các thành phố ra lệnh giới nghiêm và phong tỏa hệ thống giao thông, các cửa ngõ khu trung tâm nhưng không thể ngăn chặn biểu tình và bạo lực tái bùng phát mỗi đêm. Ít nhất 4.100 người đã bị bắt giữ trong tuần qua, với cáo buộc hôi của, chặn cao tốc đến vi phạm giới nghiêm. Ảnh: AP.

“Có thể đất nước này sẽ hiểu rằng chúng tôi quá ngán ngẩm việc cảnh sát giết hại người da đen không vũ trang. Có thể, trong lần tới, khi một cảnh sát da trắng quyết định bóp cò, anh ta sẽ hình dung đến những thành phố bốc cháy”, Scott chia sẻ. Ảnh: AP.

Chạm trán giữa người biểu tình và cảnh sát tiếp tục diễn ra trên khắp nước Mỹ trong đêm 31/5. Tại Atlanta, cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay để giải tán hàng trăm người vi phạm lệnh giới nghiêm. Cảnh sát, Vệ binh Quốc gia và các lực lượng an ninh được đưa đến công viên Centennial ở trung tâm để giải tán người biểu tình. Ảnh: AP.

Los Angeles đã phải tăng mức giới nghiêm lên 18h, kéo dài đến sáng hôm sau, nhằm ứng phó với làn sóng biểu tình ngày một nghiêm trọng. Thành phố và chính quyền hạt đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 31/5 sau biểu tình ôn hòa biến tướng thành bạo động, hôi của và phóng hỏa. Các khu vực như Beverly Hills và Santa Monica thậm chí nâng giới nghiêm lên 16h. San Francisco đặt giới nghiêm từ 20h mỗi đêm. Ảnh: AP.

Nhân viên cảnh sát ghì đầu gối lên cổ George Floyd, liên quan trực tiếp đến cái chết của người công dân da đen, đã chính thức bị cáo buộc giết người. Tuy nhiên, người biểu tình cho rằng 3 cảnh sát viên còn lại tại hiện trường cũng cần bị khởi tố. Cả bốn người này đã bị cảnh sát thành phố Minneapolis sa thải. Ảnh: AP.

“Chúng ta chưa xong việc”, Darnella Wade, người tổ chức hoạt động cho phong trào Black Lives Matter tại St. Paul, thủ phủ bang Minnesota, chia sẻ. “Họ gửi quân đội đến, trong khi chúng ta chỉ yêu cầu họ tiến hành bắt giữ”. Ảnh: AP.

Theo thống kê của AP, khoảng 5.000 quân nhân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động tại 15 bang và thủ đô Washington D.C. Các thành phố lớn của Mỹ bao gồm Atlanta, Chicago, Denver, Los Angeles, San Francisco và Seattle ra lệnh giới nghiêm. Ảnh: AP.

Tổng cộng hơn 40 thành phố trên khắp nước Mỹ đã áp dụng lệnh giới nghiêm. Nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc với quy mô lớn nhất kể từ vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền, mục sư Martin Luther King Jr. vào năm 1968, theo nhận định của BBC. Ảnh: AP.

Hơn 75 thành phố trên khắp nước Mỹ, từ bờ đông đến bờ tây, ghi nhận hơn 7 cuộc biểu tình đã diễn ra trong một tuần qua. Cái chết của George Floyd đã thổi bùng những phẫn nộ chất chứa nhiều năm qua trong cộng đồng về các vụ việc cảnh sát giết người Mỹ da đen. Ảnh: AP.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / AP

Tags: , ,