Chùm ảnh: Ngôi miếu cổ ghi dấu vụ thảm sát kinh hoàng thời vua Tự Đức

Phía sau kiến trúc lộng lẫy hiếm có của Chiêu Ứng Từ ở Huế là câu chuyện lịch sử về một vụ thảm sát chấn động triều Nguyễn thời vua Tự Đức.

Nằm trên đường Chi Lăng của thành phố Huế, Chiêu Ứng Từ là một ngôi miếu thờ cổ có kiến trúc hoa mỹ hiếm có của người Hoa gốc Hải Nam ở kinh thành Huế xưa.

Miếu nằm trong khuôn viên rộng khoảng 400 mét vuông, tường rào và cổng trước bằng sắt dẫn vào sân ngoài lát bằng gạch. Hai bên sát tường có hai bồn hoa lớn.

Cổng chính của Chiêu Ứng Từ được xây theo kiểu nhà có mái, cao 7 m, dài 13 m, rộng 5 m, chia làm ba gian, các cánh cửa đều bằng gỗ.

Trên cổng có tấm biển khắc chữ “Chiêu Ứng Từ”. Hai tấm liễn ở hai bên có các câu: “Để tưởng nhớ đến những đồng hương kính mến” và “Uy danh của các vị bao trùm khắp vũ trụ”.

Ngoài ra còn có nhiều tranh vẽ, họa tiết điêu khắc thể hiện các nhân vật trong tuồng Tàu.

Phía sau cổng là ngôi đình tứ giác hai tầng mái kiểu cổ lâu, mỗi bề 7 m, cao 7 m, bốn cột đúc giữa và bốn cột phụ.

Hai bên tòa đình có hai phòng lớn trông như lớp học dùng làm phòng họp của hội người Hải Nam.

Chính điện nằm sau tòa đình, gồm ba gian, dài 12 m, rộng 8,4 m.

Đằng trước, bên trên chính điện có treo bức hoành phi: “Mọi điều cầu xin đều được toại nguyện”.

Giữa chính điện của ngôi miếu là bàn thờ bài trí trang nghiêm với lư hương, các lọ cắm.

Đằng sau là bàn thờ nhỏ với bài vị của 108 người Hoa gốc Hải Nam chết trong một vụ thảm án thời vua Tự Đức.

Ngược dòng lịch sử, vụ án được đề cập diễn ra vào mùa hè năm 1851, khi vua Tự Đức đọc được tờ tấu do Bộ binh chuyển lên báo Chưởng vệ Phạm Xích, Lang Trung Tôn Thất Thiều tâu trình đã đánh đuổi ba tàu hải tặc ở vùng biển Quảng Nam – Quảng Ngãi.

Theo lời tâu trình, quan binh đã bắn chìm một tàu giặc, một tàu bị quan binh áp sát, giết được rất nhiều hải tặc, thu tàu giải về neo tại vụng Chiêm Dữ, tàu còn lại bỏ chạy về phía Đông, xin báo công để triều đình ban thưởng.

Vua Tự Đức xem xong tờ tâu liền sinh nghi vì đánh nhau với hải tặc mà lính không ai bị thương tích, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh. Vụ việc nghiêm trọng nên vua Tự Đức nhấc bút châu phê: “Giao qua Bộ Binh điều tra cho rõ sự tình”.

Phúc trình từ Bộ binh cho rằng chiếc tàu thu được giống tàu đi buôn hơn là tàu giặc. Ngay lúc ấy, một phụ nữ đến nha môn xin cáo giác. Nguyên bà là Hoa kiều, làm nghề tiệm ăn ở phố Gia Hội, thấy chồng cũng là Hoa kiều về nước bặt tin đã lâu.

Theo lời bà kể, khi viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong tên Trần Hựu ăn uống ở quán bà nhưng không đủ tiền trả nên rút chiếc nhẫn cầm tạm. Bà chủ xem kỹ nhận ra chiếc nhẫn bảo vật của chồng liền vặn hỏi. Trần Hựu lúc đầu tìm cách chối, sau chịu theo bà đến nha môn trình việc.



Trần Hựu khai rằng ngày 17/6/1851, thuyền quan đậu ở cửa Thi Nại, được tin có ba chiếc thuyền lạ đậu ngoài hải phận đảo Thanh Dư. Chưởng vệ Phạm Xích và Thi lang Tôn Thất Thiều lập tức đuổi theo bắn và áp sát để bắt.

Mặc dù đã trình thẻ nhà buôn nhưng 108 người Hoa trên tàu bắt được đều bị chém chết rồi đem quăng xuống biển mất xác.

Toàn bộ hàng hóa trên chiếc tàu buôn của người Hoa được chuyển sang chiếc Bằng Đoàn của quan binh rồi chiếc thuyền buôn được sơn lại toàn màu đen để trông như tàu hải tặc và dẫn về vụng Chiêm Dữ.

Từ lời kêu oan của bà chủ quán ở phố Gia Hội, quan Thượng thư Bộ binh gọi thêm nhân chứng điều tra, làm tờ tâu rằng bọn Xích giết càn và mạo xưng công lại.

Vua Tự Đức thịnh nộ, phê giao Ty tam pháp xét xử. Thiều và Xích chủ mưu đều bị xử tội lăng trì. Dương Cù đồng lõa bị xử chém. Trần Hựu do khai báo thành khẩn khi chưa tra khảo nên được tha. Bản án dâng lên, vua Tự Đức châu phê chuẩn ngay, còn xuống chỉ truy thu tang vật trả lại thân nhân những người bị hại.

Hơn 3 thập niên sau, vào năm 1887, bang hội người đảo Hải Nam xin triều đình cho xây ở Huế miếu Chiêu Ứng Từ để thờ những người đã chết trong vụ án. Ban đầu miếu có quy mô nhỏ, đến năm 1908 được xây dựng lại như ngày nay.

Về mặt kiến trúc, công trình xây theo nguyên mẫu ngôi miếu ở Hải Nam nhưng kích thước thu nhỏ lại. Dù vậy, đây vẫn là một trong các miếu cùng loại đẹp nhất với lối trang trí hết sức tỉ mỉ.

Nội, ngoại thất các kiến trúc chính của Chiêu Ứng Từ đều trang trí bằng phù điêu gốm màu sản xuất từ Trung Quốc với các hình tượng cá gáy hóa rồng, chữ Phúc, Lộc, Thọ, thơ văn chữ Hán viết trên tường bằng bột màu…

Nóc quyết đắp tứ linh tinh xảo, rực rỡ.

Kể từ khi miếu Chiêu Ứng Từ được xây xong, hàng năm vào độ rằm tháng sáu Âm lịch, thân nhân các nạn nhân Hoa kiều sống tại Việt Nam hay Hải Nam các các nước lân cận lại quy tụ về đây để làm lễ tưởng niệm. Truyền thống đó vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Có thể nói rằng, bản án của vua Tự Đức phê chuẩn không những đã minh oan cho nạn nhân của vụ án “Hải tặc” mà còn cho thấy pháp luật Việt Nam thời đó nghiêm minh, không phân biệt một ai.

Bản án còn thể hiện được sự sáng suốt của vua Tự Đức trong bang giao với Trung Quốc, nhất là trong chính sách bảo vệ ngoại kiều đến làm ăn, buôn bán với nước ta.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , , ,