⠀
Chùm ảnh: Khám phá ‘đệ nhất miếu’ hoành tráng nhất Trung Quốc
Các công trình của Khổng Miếu được thiết kế theo quy cách kiến trúc cao nhất của xã hội phong kiến Trung Hoa, tức bố cục kiến trúc kiểu hoàng cung, được coi là chuẩn mực của kiến trúc đền miếu cổ Trung Quốc.
Tọa lạc ở thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Khổng Miếu được gọi là “Đệ nhất miếu Trung Hoa”, là nơi thờ Khổng Tử lớn và quan trọng nhất đất nước này. Ảnh: Whc.unesco.org.
Theo sử sách, miếu được vua nước Lỗ cho xây dựng năm 478 TCN, sau khi Khổng Tử qua đời 2 năm. Công trình được các đời vua sau không ngừng mở rộng và có quy mô như ngày nay từ thế kỷ 18. Ảnh: Nick Kembel.
Khổng Miếu có chiều dài từ Nam tới Bắc hơn 1.000 mét, diện tích gần 10 ha, với hơn 500 gian nhà. Đây là công trình có quy mô chỉ xếp sau cụm kiến trúc cổ Cố cung Bắc Kinh. Ảnh: SkyscraperCity.
Các công trình của Khổng Miếu được thiết kế theo quy cách kiến trúc cao nhất của xã hội phong kiến Trung Hoa, tức bố cục kiến trúc kiểu hoàng cung, được coi là chuẩn mực của kiến trúc đền miếu cổ Trung Quốc. Ảnh: SkyscraperCity.
Mộ trong những công trình tiêu biểu của Khổng Miếu là Linh Tinh Môn. Cánh cổng cao 10,3 mét này được xây thời Minh Vĩnh Lạc để cúng sao Thiên Điền, thể hiện việc các hoàng đế cúng tế Khổng Tử như cúng tế trời, tôn thánh như tôn thiên. Ảnh: Wikipedia.
Kiến trúc chính của Khổng Miếu là điện Đại Thành, cả khối điện cao khoảng 30 mét, rộng hơn 50 mét, trên mái điện lợp ngói vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự trang nghiêm. Ảnh: Icocn.org.cn.
Một nét độc đáo khác của Điện Đại Thành là 10 cột đá lớn chạm rồng dựng trước điện, mỗi cột đều là khối đá nguyên vẹn được điêu khắc tỉ mỉ cao 6 mét, bán kính 1 mét, không cột nào chạm khắc giống cột nào. Ảnh: Wikipedia.
Khổng Miếu cũng là nơi lưu giữ hơn 2.000 tấm bia đá thuộc các triều đại khác nhau Trung Quốc, trong đó, có hơn 50 tấm Ngự bia (bia có bút tích của vua), khảng định địa vị của Khổng Tử trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Ảnh: Wikimedia Commons.
Khổng Tử (551 – 479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Ảnh: Chris Travel Blog.
Cùng với Khổng Phủ (nơi ở của các thế hệ con cháu Khổng Tử) và Khổng Lâm (lăng mộ Khổng Tử) ở Khúc Phụ, Khổng Miếu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1994. Ảnh: Icocn.org.cn.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Địa điểm du lịch, Di sản thế giới, Nho giáo, Đền thờ, Trung Quốc, Di tích lịch sử