Chùm ảnh: Dấu ấn thời chiến phía sau các góc phố Sài Gòn

Mỗi góc phố quen thuộc của Sài Gòn có thể ẩn chứa cả một trang sử thời chiến đầy dữ dội mà ít người nhớ tới trong đời thường bận rộn.

Ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3 TP HCM là một ngã tư đông đúc ở khu vực trung tâm thành phố. Trước 1975, đây là ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt.

 Tại ngã tư này, vào ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp Hòa thượng tự thiêu đã khiến cả thế giới phẫn nộ, góp phần dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm. Ảnh: Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức ở ngã tư ngày nay.

 Chợ Bến Thành có thể coi là biểu tượng lịch sử nổi tiếng nhất TP HCM. Khu vực quảng trường trước chợ là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ của thành phố.

 Sự kiện nổi tiếng nhất là Phật tử Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết ngày 25/8/1963 khi tham gia biểu tình phản đối chính sách tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Sau vụ lật đổ Tổng thống Diệm, người Sài Gòn gọi nơi đây là bùng binh/ quảng trường Quách Thị Trang để tôn vinh chị. Tháng 8/1964, tượng chị được dựng gần nơi chị mất. Đến năm 2014, bức tượng được dời sang công viên Lý Tự Trọng để phục vụ quy hoạch thành phố.

 Ngã 3 Học Lạc – Trần Hưng Đạo (quận 5, TP HCM) với tháp chuông vút cao của nhà thờ Cha Tam (được xây dựng từ năm 1900) là một hình ảnh quen thuộc gắn liền với khu vực Chợ Lớn hơn một thế kỷ qua.

 Nhà thờ Cha Tam chính là nơi ẩn náu cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu vào ngày 2/11/1963, trước khi hai ông này tự nộp mình cho phe đảo chính và bị hạ sát ngay trên đường áp tải từ nhà thờ về Bộ Tổng tham mưu.  Trong chiến sự Mậu Thân 1968, khu vực dân cư quanh nhà thờ bị tàn phá nặng nề bởi hỏa lực của quân đội Mỹ.

 Cầu Công Lý nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi là tuyến huyết mạch từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP HCM. Cây cầu này đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Sài Gòn từ trước 1975. Từ năm 2005 – 2009, cầu Công Lý mới được xây trên vị trí cầu cũ để phục vụ nhu cầu giao thông của thành phố.

 Trong chiến tranh Việt Nam, cầu Công Lý là nơi xảy ra một sự kiện chấn động dư luận thế giới. Đó là kế hoạch gài bom dưới chân cầu ngày 2/5/1964 để tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara của chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi. Bị bắt và kết án tử hình sau khi khi thực hiện kế hoạch không thành, anh Trỗi đã được tôn vinh như một anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 Tọa lạc tại Công trường Lam Sơn, kế bên Nhà hát Lớn, Park Hyatt Saigon là một khách sạn 5 sao sang trọng với một lịch sử đặc biệt thời chiến tranh Việt Nam.

 Vào năm 1964, đây là cư xá Brinks (khách sạn Brinks), nơi ở của nhiều sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Ngày 24/12/1964, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã đánh bom làm sập 4 tầng của cư xá, khiến chính phủ Mỹ bàng hoàng, vì trước đó cho rằng “Quân đội Giải phóng chỉ hoạt động được ở các vùng nông thôn”. Ảnh: Bia chiến công trận đánh cư xá Brinks trước khách sạn Park Hyatt Saigon.

 Nằm bên trái của quảng trường Quách Thị Trang, tòa nhà trụ sở của Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn hiện tại là một công trình cổ kính được xây từ thời Pháp thuộc.

 Năm 1965, đoạn vỉa hè ở bên mặt tòa nhà hướng ra chợ Bến Thành đã bị chính quyền Sài Gòn biến thành một pháp trường để hành quyết công khai phạm nhân nhằm mục đích răn đe. Nhiều nhân vật đối lập và các chiến sĩ biệt động đã bị xử bắn ở nơi đây. Hoạt động của pháp trường bị truyền thông quốc tế lên án mạnh mẽ, buộc chính quyền phải dẹp bỏ nó sau một thời gian. (>> Chùm ảnh: Cảnh hành quyết công khai khủng khiếp ở Sài Gòn trước 1975)

 Phố Lý Chính Thắng (quận 3) tưởng như không có gì đặc biệt so với các con phố khác của TP HCM.

 Tuy vậy, đây chính là phố có quán “Phở Bình” nổi tiếng (số 7 Lý Chính Thắng), nơi nuôi dấu nhiều cán bộ biệt động trong thập niên 1960. Vào 20h ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, tại lầu 2 của quán phở, Bộ Tư lệnh Tiền phương đã đọc mệnh lệnh tổng tiến công và nổi dậy ở toàn thành phố.

 Ngã ba Vườn Lài là tên gọi của một ngã ba nằm ở nơi giao cắt của các tuyến phố Ngô Gia Tự, Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh thuộc quận 10 TP HCM. Đây là cũng một địa điểm lịch sử quan trọng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn.

 Trong sự kiện này, nhân dân khu vực Vườn Lài đã nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang làm chủ khu vực trong 7 ngày đêm, đánh lui nhiều cuộc phản kích của địch. Ảnh: Bia truyền thống ở Ngã ba Vườn Lài.

 Ngõ 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) mang dáng vẻ điển hình của một ngõ hẻm ở khu vực trung tâm TP HCM.

 Thế nhưng, căn nhà số 70 của con ngõ này lại không giống bất cứ ngôi nhà nào khác trong thành phố. Cửa sắt của ngôi nhà vẫn còn những vết đạn do địch bắn năm 1968 để phá cửa và lùng bắt các chiến sĩ biệt động. Đặc biệt, bên trong ngôi nhà còn có cả một căn hầm chứa hàng tấn vũ khí.

 Đối với nhiều du khách phương xa, sân bay Tân Sơn Nhất là hình ảnh đầu tiên của một TP HCM hiện đại xuất hiện trước mắt họ trong mỗi chuyến đi tới thành phố này.

 Có lẽ, chỉ rất ít người nhớ về lịch sử vô cùng dữ dội của sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đường băng của sân bay là nơi đã diễn ra những trận xung phong đầy máu lửa của các chiến sĩ Giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975.

 Ẩn sau vẻ ngoài hiện đại, đường Lê Duẩn (trước 1975 là đường Thống Nhất) là một trong những con đường có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn. Tuyến đường này ghi dấu nhiều biến cố lịch sử quan trọng của thành phố trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 Tại con đường này, rạng sáng ngày 31/1/1968 (đêm Mùng 2 Tết Mậu Thân), các chiến sĩ biệt động đã nổ súng đánh chiếm một mục tiêu “không tưởng”: Đại sứ quán Mỹ. Dù chỉ giữ được trong 6 giờ, trận đánh đã khiến thế giới sửng sốt và góp phần làm người Mỹ phẫn nộ gia tăng áp lực đòi chính phủ rút quân về nước. Ảnh: Bia tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong trận đánh đại sứ quán Mỹ năm 1968.

 Mùa Xuân năm 1975, một lần nữa con đường Lê Duẩn được sống cùng lịch sử khi đón xe tăng của các chiến sĩ Giải phóng tiến về Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn nằm thẳng góc với trục đường này.

 10h45 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh. Lúc 11h30 cùng ngày, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh độc lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,