Chủ nghĩa tư bản và sự mong manh của mô hình ‘phát triển bền vững’ phương Tây

“Mặt trái thứ hai của chủ nghĩa tư bản” hay sự phá hủy sinh thái của mô hình sản xuất tư bản được O’connon và Redclift gợi ra đã được minh chứng bởi hàng loạt các nghiên cứu dân tộc học ở nhiều vùng trên thế giới.

Chủ nghĩa tư bản và sự mong manh của mô hình ‘phát triển bền vững’ phương Tây

“Phát triển bền vững” (sustainable development), ‘phát triển xanh’ (green development) hay triết lý cho rằng “phát triển đáp ứng được nhu cầu cơ bản hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các thế hệ sau” như Bản thông báo của Hội đồng Brundtland, Liên Hiệp Quốc năm 1987 định nghĩa, đã trở thành khẩu hiệu cho hầu hết các chương trình phát triển ở các nước Thế giới thứ ba và trở thành vấn đề thảo luận chủ chốt của nhiều nghị sự thế giới trong những năm gần đây.

Theo Adam trong cuốn Phát triển xanh (Green Development), phát triển bền vững không phải là một thuật ngữ mới. Diễn ngôn về phát triển bền vững nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc kết hợp giữa bảo vệ môi trường (đa dạng sinh học, động thực vật quý hiếm, vv) với tăng trưởng kinh tế “trong một bàn chân duy nhất của sự duy lý phương tây” (Escobar 1995:192), đã trở thành phổ biến trong các nghị sự quốc tế và quốc gia từ những năm 1980.

Sau bản báo cáo Brundlant và cuộc gặp cấp cao ở Rio de Janeio, tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, theo Devon (2001:1), đã bị “toàn cầu hóa” và “theo đó sự đa dạng của nguồn tài nguyên văn hóa và sinh học tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới được chuyển thành “di sản chung của nhân loại”.

Cơ sở triết lý được dùng để biện minh cho tuyên bố này xuất phát từ giả thuyết mang tính tưởng tượng “tấm thảm kịch của tài sản chung” [the tragedy of the commons] của Hardin (1968). Theo Hardin, nông dân là các cá nhân duy lý, luôn tìm mọi cách khai thác tối đa các nguồn tài nguyên chung (common property) để phục vụ lợi ích cá nhân cho tới khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt. Vì nguồn tài nguyên chung của cộng đồng địa phương là một phần của nguồn tài nguyên chung của thế giới, của nhân loại, và vì các cộng đồng địa phương không thể tự bảo vệ tài nguyên của họ do ‘vụ lợi cá nhân’ cũng như các phương thức mưu sinh của họ không ‘bền vững’ nên “tài nguyên chung” cần có sự can thiệp mang tính toàn cầu, được bảo vệ mang tính toàn cầu bởi các chuyên gia quốc tế thông qua các chương trình phát triển và bảo tồn khác nhau do họ thiết kế, như “đóng cửa tài nguyên chung” (the Ecologists, 1990).

Ngoài ra để tài nguyên nếu được sử dụng thì phải hiệu quả, nên cần phải tư nhân hóa tài nguyên chung (Goldman, 1998), tự do thương mại toàn cầu và sự phát triển công nghệ (Escobar, 1995, Adam 1990). Bằng việc thiết lập mô hình bảo tồn và phát triển mới theo kiểu “sự lô gic có tính thương mại và toàn cầu hơn trong việc sử dụng nguồn tài nguyên” (Goldman, 1993:22), nên mô hình phát triển bền vững này được tin là sẽ có thể hòa giải hai “kẻ thù trước đây của nhau”: sự tăng trưởng kinh tế và môi trường (Redclift, 1987).

Tuy nhiên, theo Escobar (1995:195), “cuối cùng thì bản Báo cáo [Brundtland] quan tâm ít đến hậu quả tiêu cực của tăng trưởng kinh tế lên môi trường mà chỉ quan tâm nhiều hơn đến tác động của suy thoái môi trường lên sự tăng trưởng và khả năng tăng trưởng – đó là sự phát triển, chứ không phải là môi trường được bảo vệ một cách bền vững”. Giống như ngôn thuyết và các mô hình phát triển chủ đạo được thực hành ở những năm 1950-1970, mô hình coi phát triển là một sự dịch chuyển tới gần với mô hình công nghiệp hóa về công nghệ và duy lý hóa cuộc sống, nên phát triển bền vững, ở cả khía cạnh lý thuyết và hệ các chiến lược của nó, bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội cũng như các cộng đồng địa phương.

Một trong những vấn đề bị chỉ trích mạnh mẽ nhất là khả năng bền vững của chính lý thuyết về phát triển bền vững này. Theo nhiều nhà nghiên cứu (Redclift 1987, O’connor 1991), nguyên tắc của mô hình phát triển bền vững trong đó coi tăng trưởng kinh tế thông qua tự do thương mại và tư nhân hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên như là cách thức bảo vệ ‘thế giới xanh” hiệu qủa nhất, trước hết, dường như bỏ qua cái mà O’connor (1991) gọi là “mặt trái thứ hai của chủ nghĩa tư bản”. Nói cách khác, bằng việc cổ súy cho sự phát triển kinh tế dựa vào phương thức sản xuất tư bản, mô hình phát triển bền vững không tính đến các khía cạnh tàn phá điều kiện tự nhiên của quá trình tích lũy của mô hình tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, theo Redclift (1987: 4): “Nếu phát triển bền vững muốn trở thành một mô hình thay thế cho sự phát triển không bền vững thì nó phải ám chỉ một sự tuyệt giao giữa mô hình tăng trưởng đơn tuyến và sự tích lũy, cái phá vỡ hệ thống bảo vệ trái đất”.

“Mặt trái thứ hai của chủ nghĩa tư bản” hay sự phá hủy sinh thái của mô hình sản xuất tư bản được O’connon và Redclift gợi ra đã được minh chứng bởi hàng loạt các nghiên cứu dân tộc học ở nhiều vùng trên thế giới. Ví dụ, ở Ấn Độ, Shiva (1991, 1992) and Gupta (1999) đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng xanh được triển khai vào những năm 1960, 1970, một mô hình hiện đại hóa nông nghiệp theo kiểu kinh tế tư bản về công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghệ ‘đơn văn hóa’ và sản xuất lớn cho thị trường như là một chiến lược tốt nhất để giải quyết vấn đề “giới hạn của tự nhiên”, đã làm gia tăng không chỉ nghèo đói và bất bình đẳng ở nông thôn mà còn phá hủy sự đa dạng sinh học và môi trường. Vấn đề tương tự cũng được Scott (1999) minh chứng thông qua nghiên cứu về những tác động tiêu cực của các dự án lớn về phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.

Mô hình phát triển bền vững với triết lý quản lý tài nguyên toàn cầu và mô hình phát triển kinh tế theo kiểu phương Tây cũng gặp phải những thách thức khác khi hàng loạt các nghiên cứu trường hợp ở nhiều nơi trên thế giới được xuất bản bởi các nhà sinh thái học, nhân học và các ngành xã hội khác về tài sản cộng đồng (common property). Bằng các nghiên cứu về lịch sử phát triển của các mô hình quản lý công của các cộng đồng địa phương (Orstrom 1990, Ghai and Vivian 1995, Peluso 1992, Rambo at el. 1988, Devon 1998, the Ecologists 1993, Escobar 1992), các nghiên cứu này chỉ ra rằng cái gọi là “thảm kịch của tài sản cộng đồng” mà các nhà quản lý kinh tế và sinh thái quốc tế dùng để biện minh cho sự cần thiết phải có mô hình quản lý và phát triển kinh tế toàn cầu, trên thực tế, là “thảm họa của việc những người dân địa phương bị tách ra khỏi quê hương, bản quán của họ” (Devon 2001:9). Các nghiên cứu trường hợp được các nhà sinh thái học miêu tả và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phong trào xã hội và môi trường ở các nước Thế giới thứ ba để chống lại các mô hình mang tên “phát triển bền vững” do các chuyên gia Quốc tế giới thiệu minh chứng rằng người dân địa phương có thể tự bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình và có thể tự tìm các con đường phát triển của riêng họ.

Cùng với các nghiên cứu của các nhà sinh thái văn hóa và nhân học văn hóa, các nhà sinh thái chính trị phát triển một hướng tiếp cận khác để tìm hiểu về vấn đề nghèo đói và suy thoái môi trường. Các nghiên cứu trường hợp sử dụng cách tiếp cận sinh thái chính trị chỉ ra rằng vấn đề nghèo đói và suy thoái môi trường không phải là vấn đề “mang tính đơn lẻ hay các điều kiện tồn tại tự thân” [isolated or self perpetuating conditions], mà là hệ quả của sự bất bình đẳng trong quan hệ quyền lực về sản xuất, quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng về phân phối, tiếp cận và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên diễn ra trong thời kỳ mở rộng của chủ nghĩa thực dân và tư bản chủ nghĩa (Bryant and Bailey 1997, Peet and Watts 1996, Peluso 1992). Những đóng góp của các nhà sinh thái học chính trị, vì vậy, không chỉ thách thức triết lý “đổ lỗi cho nạn nhân”, tức là coi sự nghèo đói và suy thoái môi trường chủ yếu là do gia tăng dân số và thực hành kinh tế ‘lạc hậu’ của người địa phương, mà còn cung cấp một cách nhìn mới về vấn đề bền vững. Theo đó, cái mà các nhà phát triển bền vững cần để có được sự bền vững thực sự không phải là mô hình phát triển và quản lý tài nguyên toàn cầu như Báo cáo Brundlant và các tổ chức tài chính quốc tế thực hiện. Thay vào đó, họ phải đưa vào trong mô hình của họ, như Adam (1990: 200) lập luận “các lý thuyết về nền kinh tế quốc tế vận hành như thế nào” và các mối quan hệ giữa con người, vốn và quyền lực của nhà nước trong việc tạo ra sự đói nghèo và suy thoái môi trường.

Tuy nhiên, thật không may là các nhà thực hành công tác “phát triển bền vững”, những người tự nhận trọng trách thay mặt các cộng đồng cư dân địa phương trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên cho họ chưa bao giờ nhắc đến một từ nào mà Adam đưa ra. Nguyên nhân chính, theo Goldman (1998), Escobar (1995), Gupta (1998), là các ngôn thuyết và các mô hình phát triển bền vững không phải được xây dựng để giải quyết vấn đề đói nghèo và suy thoái môi trường mà là để thiết lập các thể chế ẩn về sự đô hộ và thực dân của các nước phương Tây đối với các nước Thế giới thứ ba. Sự xuất hiện của mô hình phát triển mới này, theo Gupta (1998:321) thực chất có quan hệ mật thiết đến sự tái cơ cấu của chủ nghĩa từ bản trong nửa cuối của thể kỷ 20.

Chiến lược và thực hành đặt dưới cái tên phát triển bền vững theo nhiều nhà nghiên cứu, vô tình hay hữu ý, đã phá bỏ hệ giá trị về sự bền vững của các cộng đồng địa phương, tác động tiêu cực đến quyền sở hữu và tiếp cận tài nguyên, quyền ra các quyết sách, quyền có được các cơ hội mưu sinh và công bằng xã hội. Hệ quả của mô hình áp đặt này, ở một vài nơi, là ‘các dạng thức phản kháng hàng ngày’ (everyday forms of resitance) (Scott 1976) một cách hòa bình như trường hợp của người dân Java, Indonesia (Peluso 1992) và Miến Điện (Bryant 1997). Ở nhiều nơi khác, đó là các cuộc xung đột có cả máu và sự chết chóc như trường hợp của người Hmong ở Thái Lan (Peakew 2000), người Zapatistas in Mexico (Castells 1997) và nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ (Silva 1999).

Diễn ngôn về phát triển bền vững cũng là một diễn ngôn liên quan đến chủng tộc, giai cấp và tộc người. Ở phạm vi quốc gia, diễn ngôn này thường được xây dựng và thực hành bởi các nhà làm chính sách lấy quan điểm dân tộc lớn làm trung tâm. Ở nhiều nơi, nó được xây dựng từ “sự tưởng tượng mang tính định kiến” (prejudice imagination) của các nhà làm chính sách về sự phân cực lưỡng đôi giữa một bên là ‘văn minh’, ‘màu mỡ’, ‘khoa học’ của vùng đồng bằng với sự ‘lạc hậu’, ‘cẵn cỗi’, ‘ngoại biên’ của vùng miền núi (Sowerin 2003, Tania 1999). Từ đó, dẫn đến những sai lầm về chính sách mang tính áp đặt lên các cộng đồng địa phương.

Ngày nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa và những quan điểm về “phát triển bền vững” theo kiểu phương Tây, những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và biểu đạt văn hóa – hai cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng tộc người và loài người – ngày càng tăng: áp lực kinh tế, áp lực về chính trị, sự mất mát của nhiều loại tri thức địa phương cũng như di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người. Nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia được triển khai dưới cái tên ‘phát triển bền vững” cũng trở thành một gánh nặng cho đời sống văn hóa và sự duy trì bền vững của nhiều tộc người. Có lẽ, đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại diễn ngôn phát triển bền vững và những tác động không mong đợi của nó đối với sự phát triển bền vững của các tộc người địa phương.

Theo TÂY BẮC / DIỄN NGÔN

Tags: ,