⠀
Chống Nga mù quáng, nhà cầm quyền Ba Lan đang đẩy đất nước vào ngõ cụt
Nga và Ba Lan xứng đáng được sống trong hòa bình và tình hữu nghị, bất chấp những mất mát mà hai bên đã hứng chịu.
RT ngày 9/2/2019 dẫn lời cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa cho rằng, việc cải thiện quan hệ Nga – Ba Lan, vượt qua những bất đồng trong quá khứ và hướng tới tương lai, là một yêu cầu cấp bách đối với cả hai nước.
Theo ông Walesa, Nga và Ba Lan xứng đáng được sống trong hòa bình và tình hữu nghị, bất chấp những mất mát mà hai bên đã hứng chịu. Một khi Moskva và Warsaw có bất đồng, chỉ có bên thứ ba được hưởng lợi.
“Warsaw luôn gần gũi với Moskva hơn là với Washington”, ông nói.
Cựu Tổng thống Walesa từng chia sẻ với tuần báo Sobesednik của Nga rằng, nếu Moskva và Warsaw làm đúng trách nhiệm của mình, cả hai có thể phá băng quan hệ vốn đang không nồng ấm trong nhiều thập niên qua.
“Thậm chí đến bây giờ, quan hệ hai nước vẫn có thể được xây dựng tốt đẹp. Và một khi hai nước khôi phục lại quan hệ láng giềng lịch sử, phần còn lại của châu Âu sẽ phải run sợ”, ông Walesa nhấn mạnh.
Quan điểm của cựu tổng thống Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh Warsaw đang đánh cược quan hệ với Nga bằng những phát biểu về Chiến tranh thế giới thứ hai. Cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski đồng thời là lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật Ba Lan chỉ trích Nga là thủ phạm khơi mào cuộc chiến.
Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski yêu cầu Nga phải trả món nợ vì đã “chiếm đóng” Ba Lan trong nhiều thập niên.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Jablonski, cựu Tổng thống Walesa cho biết: “Nó giống như việc tôi yêu cầu giới trẻ Ba Lan ủng hộ mình. Nhưng mọi chuyện đều đã qua. Chúng ta phải hướng về phía trước. Đó mới là điều quan trọng”.
Nói về giới lãnh đạo Ba Lan thời điểm hiện tại, ông Walesa cho biết ông luôn tránh xa họ. Bản thân ông không bầu cho họ và không thích việc họ chẳng thể cải thiện quan hệ với Nga.
Quan điểm của cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa khá tương đồng với nhận định của chuyên gia phân tích người Ba Lan Piotr Panasiuk. Theo ông Panasiuk, một mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ sẽ đặt Ba Lan vào thế tốt thí.
“Không có gì khó để một người Ba Lan viết về Nga. Đặc biệt là hiện giờ, khi tiếng nói chống Nga đang ầm ầm lan truyền khắp truyền thông Ba Lan, và bất kỳ nhà báo hay chính trị gia nào cũng có nghĩa vụ phải lên án Nga – bởi điều đó là cần thiết.
Điều này như một tấm chắn che kín cảm xúc trong đầu của hầu hết người Ba Lan mà không một suy nghĩ sáng suốt nào có thể lọt qua…
Người Ba Lan cần một Ba Lan như thế nào? Một Ba Lan đóng cửa trên tất cả các biên giới của cái gọi là sườn đông của NATO – đóng vai trò như một pháo đài vũ trang giữa Nga và Đức, một tiền đồn quân y của Mỹ? Hay một Ba Lan nên là cầu nối kinh tế giữa phương Đông và phương Tây, khơi nguồn dòng chảy thương mại từ Đông Á qua Nga vào trung tâm châu Âu?”, vị chuyên gia phân tích.
Ông Panasiuk cho rằng, Mỹ đã chuẩn bị sẵn cho Ba Lan là vai trò của một quốc gia, dựa trên vị trí địa lý của mình, có thể kiềm tỏa Nga và Đức trong kế hoạch quân sự với sự trợ giúp của các căn cứ Mỹ, nơi các loại vũ khí tầm ngắn của Mỹ – như tên lửa Tomahawk và máy bay chiến đấu F-35 – sẽ được triển khai. Điều này dẫn đến thực tế là các thành phố chính của Nga gồm Moskva và St. Petersburg có thể bị phá hủy trong vòng chưa đầy 10 phút.
“Và tất nhiên, sẽ chẳng ai quan tâm rằng sự đáp trả của Nga sẽ phá hủy phần lớn lãnh thổ Ba Lan cũng trong vòng 10 phút, trong khi một kịch bản tương tự đang được xem xét bởi chính Mỹ
Một liên minh vô điều kiện với Mỹ để đổi lấy sự đảm bảo an ninh trước Nga cũng tước đi bất kỳ chính sách độc lập nào của Ba Lan. Hơn nữa, quốc gia này cũng buộc phải mua sắm những vũ khí hiện đại nhất thế giới từ Mỹ, và tất nhiên, với giá cao nhất”, ông Panasiuk nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia người Ba Lan, nếu nước này đóng vai trò như là cầu nối kinh tế giữa phương Đông và phương Tây, quốc gia này sẽ loại bỏ được những xung đột giữa các nước láng giềng và tìm cách lôi kéo họ vào các cấu trúc chính trị và kinh tế lớn. Từ đó sẽ cho phép người Ba Lan nhận ra đầy đủ vị thế của mình và kiếm tiền nhờ vào việc lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Còn nếu Ba Lan tồn tại với tư cách là sườn đông của NATO và tiền đồn quân y sẽ là bước đi sai lầm và tự sát. Nó đẩy Ba Lan vào nhóm các nước hạng ba, phụ thuộc vào chính sách chính trị của các cường quốc thế giới. Với vị thế đó, Ba Lan sẽ không thể giàu lên và phát triển đúng hướng.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Tags: Ba Lan, Nga