‘Chinoiseries’ – bản chất từ xưa đến nay của chính quyền Bắc Kinh

Cho dù ý định của Trung Quốc là gì đi nữa… Khi ngoại giao không còn hoạt động được nữa, các quan hệ sẽ tập trung ngày càng tăng vào sách lược quân sự. Đầu tiên là chạy đua vũ trang, sau đó là mưu mô giành giật lợi thế chiến lược bất chấp nguy cơ xung đột, và cuối cùng là đi đến chiến tranh.

Năm 1899, nhà văn Pháp De Vogué, xuất thân là một nhà ngoại giao, trong tác phẩm Những người chết biết nói, đã dùng chữ chinoiseries trong ý nghĩa, mà theo định nghĩa của Trung tâm quốc gia tài nguyên văn bản và từ ngữ của Pháp, được hiểu như là “điều gì nhắc đến một số đặc điểm có thực của (hoặc là gán ghép cho) “thiên triều” như sự quái đản, tính thích gây rối rắm, phiền nhiễu, mưu mô”.

Không rõ người Phú Lang Sa trong thế kỷ 19, khi giao thương với nhà Thanh, đã bực dọc như thế nào mà nặn thêm ra ý nghĩa này cũng cho danh từ chinoiserie(s) mà từ thế kỷ 18 dùng để chỉ những món vật trang trí xuất xứ từ Trung Quốc. Có lẽ do cay cú lắm, nên trong cả ngôn ngữ Pháp chỉ có mỗi từ chinoiserie(s) này để bêu xấu tính cách của “thiên triều”, chớ không có một nhà nước nào khác bị bêu như thế!

Tất nhiên, đó là chuyện “ân oán” của người Phú Lang Sa ngày trước, chẳng dính dáng gì đến quan hệ hai dân tộc Việt – Trung! Thế nhưng, nếu nhìn vào những diễn biến của “sự trỗi dậy” của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay, không thể không hiểu ra ý nghĩa của danh từ bêu xấu trên. Quả thật là Bắc Kinh đã bày ra hết trò chinoiserie này đến trò chinoiserie khác. Từ thu gom móng trâu bò, mèo, rắn, đuôi trâu, lông đuôi voi… cho đến khoáng sản…! Tất cả nhằm làm suy yếu kinh tế lân bang trong khi đợi dịp “lấy thịt đè người” bằng vũ lực!

Song song đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh lần hồi giương nanh vuốt bá quyền ra. Bắt đầu là khái niệm “lợi ích cốt lõi” một cách chung chung, rồi thì cụ thể hóa “lợi ích cốt lõi” đó bằng cách dán vào cụm từ đó những địa danh của thiên hạ, nào là “đường lưỡi bò”, hoặc Arunchal Pradesh… Khẳng định biên cương mới tự cấp bằng khái niệm xong bèn biểu thị sự khẳng định đó bằng bản đồ tự vẽ. Kế đến là tung ra hết tàu hải giám đến tàu ngư chính, lệnh cấm đánh cá… trên biển của thiên hạ, làm như đó là của mình. Sau đó, lùa cả bầy tàu đánh cá ra uy hiếp làm như đó là ao nhà. Gần đây là điều động tàu hải giám ra yểm trợ bầy tàu cá “thiên lôi” kia. Và giờ đây giở chiêu tự cho phép có quyền tàu biên phòng kiểm tra tàu bè các nước trong “đường lưỡi bò” đó. Đây là bước leo thang tột cùng của quá trình “tằm ăn dâu”: dùng tàu quân sự để “thực thi pháp luật” trong vùng biển tự cấp.

Henry Kissinger 40 năm trước đây đã khởi sự cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh để đánh đổi lấy sự câu kết đối đầu với Liên Xô vào lúc Bắc Kinh và Moskva như nước với lửa, trong hồi ký On China cuối cùng cũng đã nhận chân được bộ mặt thật của những trò chinoiseries của các “hữu hảo” của mình để rồi cảnh báo rằng: “Cho dù ý định của Trung Quốc là gì đi nữa… Khi ngoại giao không còn hoạt động được nữa, các quan hệ sẽ tập trung ngày càng tăng vào sách lược quân sự. Đầu tiên là chạy đua vũ trang, sau đó là mưu mô giành giật lợi thế chiến lược bất chấp nguy cơ xung đột, và cuối cùng là đi đến chiến tranh”. (On China, tr.515)

Ít nhất cảnh báo muộn màng của Kissinger cũng hữu lý là khi ngoại giao không còn hoạt động được nữa thì… đã đến lúc quên những lời có cánh “hữu hảo”!

Theo DANH ĐỨC / TUỔI TRẺ ONLINE (2012)

Tags: ,