Chiến lược răn đe trong quan hệ giữa các quốc gia đối nghịch

Trong lịch sử, chiến lược răn đe đã thường xuyên được các cường quốc sử dụng nhằm đạt được các mục đích chính trị và kinh tế mà không cần phải sử dụng đến sức mạnh quân sự trên thực tế.

Tác giả: Lê Hồng Hiệp & Trương Thanh Nhã

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Răn đe (Deterence) là biện pháp dùng việc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đối thủ thực hiện một hành động nhất định. Đối tượng bị đe dọa, khi nhận thấy hành động dự kiến của mình nếu xảy ra sẽ phải trả giá đắt, sẽ kiềm chế và giảm động lực thực hiện hành động đó. Chính vì vậy có thể nói răn đe chính là một dạng thuyết phục trong chiến lược quân sự. Khi thực chiến lược răn đe, quốc gia răn đe phải quyết định hành động nào của đối phương xứng đáng được đáp trả và sự đáp trả cần ở mức độ như thế nào để đối phương cảm thấy đủ sợ hãi mà không dám thực hiện hành động đó.

Chiến lược răn đe thành công hay không phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất, sự răn đe phải được chuyển tải thành một thông điệp rõ ràng đối với đối phương. Thứ hai, hành động trừng phạt đi kèm với sự răn đe phải đủ lớn. Nói cách khác, việc răn đe phải khiến đối phương tin rằng nếu thực hiện hành động nào đó thì phí tổn mà nó gánh chịu do bị trừng phạt sẽ lớn hơn nhiều lần lợi ích mà nó thu được. Thứ ba, sự răn đe đưa ra phải có mức độ khả tín cao. Điều này có nghĩa là đối tượng bị răn đe phải thực sự tin rằng hành động của mình nếu xảy ra chắc chắn sẽ bị trừng phạt như đe dọa. Mức độ khả tín của răn đe phụ thuộc vào năng lực, ý chí và uy tín của bên đưa ra răn đe.

Chính vì vậy, khi thực hiện chiến lược răn đe, quốc gia răn đe phải tìm cách thuyết phục đối phương về năng lực cũng như ý chí thực hiện việc trừng phạt của mình. Trong khi đó phía bị răn đe lại tìm cách đánh giá khả năng đối phương hiện thực hóa lời đe dọa. Một chiến lược răn đe thành công do đó cũng phụ thuộc vào việc đối tượng bị răn đe phải hành động một cách duy lý, có khả năng đánh giá năng lực và ý chí của phía đưa ra răn đe cũng như tính toán được lợi ích và thiệt hại của mình khi tiến hành hành động bất chấp răn đe của đối phương. Điều này cũng khiến cho răn đe khác biệt với phòng thủ với tư cách là những chiến lược quân sự. Trong khi phòng thủ tập trung vào năng lực quân sự thì răn đe liên quan nhiều đến ý định của các bên. Mặt khác, trong khi răn đe là nhằm đe dọa trừng phạt đối phương khiến đối phương từ bỏ ý định thực hiện một hành động nhất định thì phòng thủ hướng tới việc ngăn cản đối phương đạt được các mục tiêu một khi đối phương đã bắt đầu thực hiện hành động đó.

Trong lịch sử, chiến lược răn đe đã thường xuyên được các cường quốc sử dụng nhằm đạt được các mục đích chính trị và kinh tế mà không cần phải sử dụng đến sức mạnh quân sự trên thực tế. Ví dụ, năm 1938, Đức Quốc xã gửi tối hậu thư cho Áo đòi cho phép Đảng Quốc xã Áo hoạt động, ân xá tất cả các thành viên của Đảng Quốc xã đang ngồi tù, nếu không sẽ tiến hành các hoạt động quân sự chống lại nước Áo. Kết quả là thủ tướng Áo Schuschnigg phải từ chức, luật sư thân Quốc xã Seyss-Inquart lên nắm quyền và đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Đức.

Thuyết “Hòa bình bằng sức mạnh nguyên tử”

Đây là một lý thuyết trong quan hệ quốc tế xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh do các nhà hiện thực mà tiêu biểu là Kenneth N. Waltz phát triển. Nó cho rằng sự phổ biến của lực lượng răn đe hạt nhân làm cho các quốc gia e dè và không thể gây chiến tranh với nhau, bảo đảm sự tồn tại cho cả những quốc gia nhỏ không có sức mạnh quân sự trong các cuộc chiến tranh quy ước. Lý thuyết này cũng chỉ ra rằng không thể cấm các quốc gia phổ biến vũ khí hạt nhân do các quốc gia sẽ tự tìm cách nghiên cứu chế tạo để bảo đảm sự tồn tại của mình. Lý thuyết này cũng cho rằng kể cả chủ nghĩa khủng bố cũng không sử dụng vũ khí hạt nhân tùy tiện mà các nhóm khủng bố này sẽ hành xử như các quốc gia nhỏ sở hữu vũ khí hạt nhân, chỉ để đảm bảo sự tồn tại của mình. Những lập luận của lý thuyết này gặp rất nhiều chỉ trích. Các nhà lý thuyết chính trị như Scott D. Sagan cho rằng việc phổ biến vũ khí hạt nhân đem lại nhiều bất ổn cho tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là với chủ nghĩa khủng bố hay các quốc gia dân tộc cực đoan vì các nhóm chủ thể này không hoàn toàn duy lý.

.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh, biện pháp “răn đe” thay vì thường được sử dụng trong mối quan hệ giữa các cường quốc với các quốc gia nhỏ hơn đã mở rộng ra trở thành một chiến lược đối ngoại và quân sự giữa các cường quốc thù địch với nhau. Hiệu quả của chiến lược răn đe thời kỳ này gắn liền với sự ra đời của vũ khí hạt nhân. Bản chất hủy diệt và linh hoạt của vũ khí hạt nhân khiến các quốc gia không thể bảo vệ được các đường biên giới trước các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương. Mặt khác, việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra sức tàn phá khủng khiếp, khiến cho hành động xâm lược trở nên không còn ý nghĩa. Điều này khiến cho vũ khí hạt nhân trở thành phương tiện răn đe chủ yếu giúp các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nâng cao an ninh của mình.

Tuy nhiên chiến lược răn đe hạt nhân lại gây ra nhiều tranh cãi. Nguyên nhân chính là trên thực tế chưa có trường hợp nào hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã tiến hành chiến tranh và sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nhau. Điều này khiến cho các giả định liên quan đến thuyết răn đe hạt nhân không thể kiểm nghiệm trên thực tế. Không ai có thể biết chính xác đối tượng răn đe của việc sở hữu vũ khí hạt nhân là gì, hay sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân là đủ để mang lại sự răn đe đối với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này bắt nguồn từ việc mức độ khả tín của sự răn đe phụ thuộc vào nhận thức của bên bị răn đe hơn là bên đưa ra răn đe. Cũng chính vì lý do này mà trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các cường quốc, đặc biệt là Liên Xô và Mỹ, đã tiến hành chạy đua vũ trang nhằm tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa an ninh giữa các cường quốc với nhau không còn lớn như trước, biện pháp “răn đe” chủ yếu lại được các cường quốc sử dụng phổ biến trong quan hệ với các quốc gia nhỏ. Ví dụ, Mỹ đã dùng biện pháp răn đe đối vối Iraq trước cả hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, đối với CHDCND Triều Tiên và Iran về vấn đề hạt nhân. Trong khi đó, Nga cũng đã dùng biện pháp này với Gruzia trước cuộc chiến tranh ngắn ngày vào tháng 8 năm 2008, yêu cầu nước này ngừng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Nam Ossetia.

Mặt khác, trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, chiến lược răn đe dựa trên sức mạnh hạt nhân cũng gặp phải nhiều thách thức với việc chấm dứt trật tự hai cực, sự trỗi dậy của các chủ thể phi quốc gia cũng như sự gia tăng số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Bản chất của các chủ thể phi quốc gia vốn không luôn hành động một cách duy lý đã thách thức các giả định của chiến lược răn đe hạt nhân. Mặt khác việc số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gia tăng cũng làm xác suất các quốc gia phạm phải sai lầm trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,