Chí Phèo, bi kịch số phận của một con người bị xã hội khước từ

Nói đến Chí Phèo ta nghĩ đến Nam Cao (1917-1951). Nói đến Nam Cao không nhắc tới Chí Phèo là một điều thiếu sót. Tác giả tác phẩm gắn bó nhau hơn sáu mươi năm qua. Nam Cao viết nhiều truyện ngắn, nhiều thể loại khác nhau nhưng hầu hết nói lên mặt trái của xã hội thời bấy giờ, bao quanh bởi đám quan liêu chuyên chế nằm trong tay ”đô hộ phủ”.

Truyện Chí Phèo đã đưa tên tuổi của Nam Cao lên đỉnh cao của văn học. Chỉ một Chí Phèo thôi; sự nghiệp văn chương của ông thành hình,khởi từ đó truyện của ông được xem là văn chương lý luận về nhân thế,những luận án văn học đựơc đề cập* tạo nên một bề dày cho tới nay. Quan niệm nhân sinh về một nhân vật hư cấu đã được tác giả triễn khai sống thực với đời và cũng chứng nhân của lịch sử,chứng nhân cho con người bị đè bẹp, áp bức đưa tới những xung đột nội tại giữa người với người, giữa xã hội với xã hội. Tựu chung cũng đi từ sự khước từ sinh mệnh làm người; đó là vai trò của Chí Phèo phải gánh chịu, Nam Cao đã nhân cách con người của Chí Phèo để nói lên tiếng nói bất công ấy mà đôi phần trong cuộc đời của tác giả đã dấn thân.

Nam Cao lớn lên thì cuộc chiến bắt đầu,thời buổi nhiễu nhương bên cạnh lớp hủ nho đục khoét,bè phái gây chia rẽ trong nhân gian, đám thủ cựu duy trì quan niệm lạc hậu, một lối chăm dân thiếu khoa học nhân văn,tác giả sống trong hoàn cảnh đó, vì vậy không tránh khỏi những tệ đoan xã hội gây nên, rồi dẫn đưa tới những bế tắc trong cuộc sống. Nam Cao mất sớm; ở tuổi 34. Nhưng ông đã sống nhiều và ý thức được hoàn cảnh xã hội thời đó một cách triệt để , thấm thấu được chân lý làm người âu cũng là cơ duyên thúc đẩy ông cầm bút, ông viết nhanh và viết khoẻ để đi vào lòng người trước khi vĩnh viễn ra đi. Sự đóng góp của Nam Cao vào văn học Việt Nam là một giá trị đáng kể về mặt phẩm chất cũng như tinh thần .

Tiên khởi tập truyện ngắn đầu tay của Nam Cao được đặt dưới tiêu đề gọi là“Cái Lò Gạch Cũ”(1940) về sau nhà văn Lê văn Trương đổi tên truyện là “Đôi Lứa Xứng Đôi”(xb 1941)mãi đến năm 1946 Nam Cao cho in lại tập truyện có tựa đề “Luống Cày” thành tên “Chí Phèo”. Trong tập Đôi Lứa Xứng Đôi gồm 7 truyện ngắn: Đôi Lứa Xứng Đôi,Nguyện Vọng,Hai Khối Óc, Giờ Lột Xác,Chú Khì, Ma Đưa và Cái Chết Của Con Mực. Trong đó; truyện Đôi Lứa Xứng Đôi, tức Chí Phèo là xuất sắc nhất.

Thời điểm đó tác phẩm Chí Phèo ít ai mong đợi hoặc ca tụng. Thời gian lâu Chí Phèo dần dần được đi vào lòng độc giả thì lúc đó người ta mới nhận ra Nam Cao là tác giả có đôi mắt tinh đời,mới dám vẽ lên những chân dung thời đại, đã một thời hủ hóa, một thời ngu dân mà không một ai lên tiếng giữa cái buổi bao che,dung dưỡng của chủ nghiã thực dân, tạo nên một tình huống bị trị,cậy quyền,trách nhiệm xã hội mất đi nhân tính từ đó. Nỗi uất nghẹn đắm chìm trong lòng của Nam Cao.

Chính tác giả cũng ít nhiều là nạn nhân của cái gọi là xã hội thuộc địa . Nam Cao phải gánh chịu mọi thử thách trong cuộc đời,văn nghiệp của ông cũng nhiêu khê và thường thay đổi bất ngờ, ông đã du thân vào những miền đất lạ xa xôi để kiếm sống, dồn dập những biến cố lịch sử,mặc dù ông nổ lực nương nhờ vào ngòi bút. Cuối cùng đời cũng lãng quên ông

Cùng thời với Nam Cao, những nhà văn khác may mắn hơn ông;tuy nhiên những nhà văn lớn chưa hẳn thật sự là lớn,bên cạnh đó có một số nhà văn không tên tuổi,không biết đến thì họ thật sự nhà văn lớn. Trong số nhà văn ít ai biết;chúng ta có Nam Cao.

Tác giả viết lên nhân vật Chí Phèo không ngoài tư tưởng phản kháng,chống lại mọi hình thức cai trị của thực dân,mọi quyền hành của bọn cường hào ác bá; áp bức,hủ hóa, đè nén những con dân hiền lành, ít học ở nông thôn mà những nơi đó phải gánh chịu… Nam Cao đã thể hiện mọi nhân tính trong truyện,chưởi thẳng vào mặt những kẻ cầm quyền qua những vai trò hạ cấp trong xã hội. Những tiếng nói đó đã đánh động lương tâm con người,kể cả cái chết tức tưởi của Chí Phèo. Những nhân vật bị đời nguyền rũa được Nam Cao vẽ lên bằng một bút pháp tài tình,pha màu chế biến thành những khuôn mặt dị dạng,xấu xí từ bản tính cho tới ngoại hình, điển hình nhất là Chí Phèo dáng dấp không được bình thường,lúc say,lúc tĩnh,lúc bình sinh,lúc hung tàng tạo nên một chân dung tuyệt vời,người đọc thấy được chân tướng của Chí Phèo,có khác gì một Quasimodo của Victor Hugo cũng chẳng khác gì một ẢQ của Lỗ Tấn. Nhưng mỗi nhân vật tuy khác nhau về hoàn cảnh cũng như tình cảm nhưng họ đều mang chung một nỗi thống khổ; đó là thân phận làm người của những kẻ bất hạnh.

Tuy nhiên tính chất nhân bản được nhìn rõ nét hơn. Nam Cao thể hiện cuộc đời như một lối sống có ý nghiã trong đó ý nghiã luân lý và tính nhân bản được đưa qua từng nhân vật,từng nhận thức. Trường hợp Chí Phèo không phải sinh ra là có độc ác “nhân chi sơ tính bản thiện”cho dù định mệnh đã báo trước sự hẩm hiu bên “lò gạch”,rồi phải sang tay,lớn lên bị gạt phức ra khỏi lòng đời, đẩy Chí Phèo vào con đường lầm than,lao lý… đó là sự biến tính của xã hội,Chí Phèo trở nên con người ngang tàng nhưng bên trong Chí Phèo vẫn còn lương tính,luôn luôn muốn mình là một con người chân thật,có một người tình lý tưởng như mọi người khác : “… Hắn tự nghĩ nếu thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác không thể được. Họ có thể thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng,thân thiện của những người lương thiện… ”. Nhưng tất cả đổ lên đầu Chí Phèo hai chữ “gian ác” với cái mặc cảm xấu xí,vô-gia-cư-vô-địa-táng,vô học,lộng ngôn đã ăn sâu vào lòng Chí Phèo, đó là sức ép nội tại,buộc Chí Phèo rơi vào ngõ cụt,dồn ép đến nỗi quên mất lý trí hành động;cuối cùng Chí Phèo giải quyết cái chết mới mong thoát tục.

Ngoài Chí Phèo, Nam Cao đã lồng những nhân vật khác vào truyện để nói lên cả tập thể quần chúng phải chịu những đớn đau;trong đó có Binh Chức,Năm Thọ,Binh Tư… là những nhân vật bất cần đời không nghĩ đến ngày mai mà đành chấp nhận thương đau. Truyện của Nam Cao nói lên cái tha hóa của một xã hội lạc hậu,giáo dục dân đi vào lề thói hư hỏng, đưa tới cảnh người cai trị người,tranh chấp,cậy quyền,tham ô,dung tục một cách hèn hạ “… Bây giờ cụ mới gặp lại được Chí Phèo,có thể thay cho binh Chức. Cụ thử nói khích xem sao. Nếu nó trị được đội Tảo thì tốt lắm. Nếu nó bị đội Tảo trị thì cụ chẳng có thiệt thòi gì, đằng nào cũng có lợi cho cụ cả… ”thậm chí kể cả miếng ăn giữa chồng với vợ,giữa cha với con,tất cả quên hết,quên luôn nhân tính làm người “Trẻ Con Không Được Ăn Thịt Chó”,cờ bạc lận như Binh Hựu,Cả Tuynh,Mạo Khiễng,cái tham ô bẩn thỉu của Cu Lộ trong “Tư Cách Mõ”,tâm hồn ích kỷ của Tẻ trong “Rình Trộm”. Nam Cao dàn dựng như thế đã đủ chưa ? Đã thấy một xã hội ngày ấy chưa ? Có lẽ; ngày nay những bi kịch đó vẫn còn nhan nhản xẩy ra; đó là “thói đời”, đó là bản chất(substance), đó là một “tant qu’il y aura des hommes” (?) mà xã hội đã nẩy sinh. Tất cả những nhân vật nói trên dường như không còn nhân phẩm làm người và tiếp tục hành động như bản năng tự có.

Dưới mắt khách quan, Chí Phèo đâm chết tay cường hào Bá Kiến là lý do phản ứng đấu tranh giai cấp, cảnh tỉnh những kẻ lộng quyền, những kẻ tưởng mắt thường không thấy… cho nên sắp xếp một cái chết như thế, Nam Cao giải quyết được vai trò “đấu tố”của mình, biểu thị được cái ước vọng của một người bị rơi vào tuyệt vọng trong cuộc sống.

Chí Phèo đi vào đời với cái tên gọi như báo cho biết sự tung hoành ngang dọc, luôn luôn bơi ngược giòng đời để từ đó đánh mất nhân tính làm cho đời sợ mỗi khi nhắc đến tên anh “Chí Phèo” anh trở thành kẻ đứng ngoài cuộc đời, đứng ngoài cái xã hội đồi trụy. Đọc truyện Nam Cao viết người ta thường nghĩ đến những vấn đề xã hội, ám ảnh người đọc về ý tưởng con người bị từ chối vai trò làm người. Nam Cao đã nói lên được ý tưởng đó. Con người sinh ra làm người,nghĩa là được sống bằng những dự định, ước muốn đó là điều xác định bản chất con người khác với con vật. Nhưng ở đây con người đã hóa thân vì một xã hội tha hóa và vô hình dung bị từ chối cái quyền sống làm người để trở nên không được làm người. Đó là trường hợp của Chí Phèo, hoàn toàn đi ngược tình người,ngược tính chất nhân sinh và đánh mất luôn bản ngã tự tin.

Chí Phèo là bi kịch của con người bị khước từ khỏi cuộc đời này. Nam Cao dẫn dắt độc giả đi sâu vào con người của Chí Phèo, một con người sống ngoài vòng pháp luật. Hắn trở nên cô độc,lầm lủi với thân phận: ”… ngay đến cái thẻ có biên tuổi hắn cũng không có,trong sổ làng người ta vẫn khai hắn là dân lưu tán,lâu năm không về làng. Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi,rồi hắn đi ở tù,rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có đúng không ?. . . ”. Chí sống như chết. Nếu định nghĩa con người sống là dự phóng mà mỗi khi không còn dự phóng thì còn gì muốn sống,sự “hiện hữu”trở nên vô vị. Nhưng sự “có” ( être/human being) của Chí Phèo trở thành không hiện hữu với cõi thế và sống thừa vì người ta muốn khai tử cái tên Chí Phèo trong làng Vũ Đại.

Đó là lý do Chí Phèo phải chưởi và uống vào để chưởi,chưởi tuốt! Hay trước đây làng Vũ Đại “thiếu nợ” với Chí Phèo ? Cho nên xã hội không thể chấp với hắn vì hắn ở ngoài phạm trù,pháp lý của đoàn thể cho nên Chí hóa ra liều mạng vì đời bỏ quên hắn,mặc cho hắn quấy động. Nhưng chữ bất chấp khác nghĩa trong hai thái độ. Một đằng bất chấp là thao túng,có thể đụng chạm, làm thiệt hại quyền lợi kẻ khác mà không sợ phải đền bù. Một đằng bất chấp là không chấp nhặt,bỏ qua không đòi hỏi đền bù. Đằng nào rồi hắn cũng phải chết thôi,không chết rượu thì cũng chết dao,cho nên người ta đã lánh hắn: “… tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn đi qua… ” Chí Phèo hoang mang chính bản thân mình,tại sao phải sinh ra trong cái làng Vũ Đại nầy ? Sanh ra để chưởi? Đúng! Đó là tiếng chưởi sấm sét đâm thủng những kẻ lộng quyền cậy cửa quan để hà khắc dân lành.

Nam Cao đã mượn cái miệng của Chí Phèo để hoành hành và điều trị những kẻ “hung tàng” đó. Bên cạnh một Chí Phèo ngông cuồng,say sưa, chưởi bới, chưởi không sót một ai ở đó nhưng trừ một người mà Chí không chưởi là Thị Nở. Tác giả cho hai nhân vật này sống lại bên nhau vẫn còn một chút hạnh phúc cho nhau đó là ân huệ của định mệnh đền bù;bởi cả hai đều xấu xí,dị hình đó là hai cái gai mà làng trên xóm dưới muốn vùi dập:”… đó cũng là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công;nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất… ”

Nói tóm lại, truyện của Nam Cao, nhất là truyện Chí Phèo ông đã lột tả trọn vẹn nhân cách làm người, ông đưa vào truyện những thành phần bất hảo những thứ cha-chòi-chú-chóp mà xã hội nào cũng có những hạng người như thế, tác giả biết những thành phần đó xã hội cần đến để “sửa sai” sửa dể hơn dân thường,chính những hạng người như Chí Phèo là đại diện cho quần chúng đến gần với xã hội và xã hội đến gần với quần chúng…

Dù tiếng nói ấy không đổi thay hoàn cảnh hay đổi thay con người. Nhưng đã thức tĩnh. Nam Cao đã làm tròn sứ mệnh của người cầm bút một cách chân chính và để lại cho thế gian những suy nghĩ cần thiết đặc biệt đã để lại cho văn học Việt Nam những bài học văn chương quí giá qua từng thế hệ.

Theo VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG

Tags: , ,