Cầu Đăk Lung – chứng tích về tội ác của quân đội Việt Nam Cộng hòa

Đối với nhiều du khách, Phước Long luôn nằm trong lịch trình tham quan, tìm hiểu khi đến Bình Phước. Phước Long không chỉ được biết đến với danh hiệu “thủ phủ cây điều” hay những danh lam thắng cảnh đẹp như Núi Bà Rá, Hồ Thác Mơ… mà Phước Long còn biết đến là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, với nhiều chiến công đi vào lịch sử dân tộc. Phước Long là nơi các chiến sỹ cách mạng của ta hoạt động cách mạng khi bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Bà Rá như nữ tướng Nguyễn Thị Định, Tô Ký…; Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, là nơi anh hùng Nguyễn Thành Trung trở về an toàn sau khi ném bom Dinh Độc Lập năm 1975. Những chứng tích còn in dấu tại các di tích: Núi Bà Rá – Thác Mơ, di tích Miếu Bà Rá, di tích Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, Nhà tù Bà Rá… và khi nói đến Phước Long, chúng ta không thể không nhắc đến Cầu Đăk Lung, nơi hơn 300 đồng bào vô tội đã tử nạn dưới làn mưa bom của VNCH.

Cầu Đăk Lung – chứng tích về tội ác của quân đội Việt Nam Cộng hòa

Cầu Đăk Lung ngày nay. Ảnh: Nguyễn Thị Huyền.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Phước Long là địa bàn chiến lược quan trọng, là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường Nam Bộ. Cách Sài Gòn khoảng 120 km về phía Bắc, Phước Long là địa bàn hoạt động của các lực lượng thuộc Mặt trận Đông Nam Bộ (B2) sau này được tập hợp thành Quân đoàn 4 của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và nằm trong địa bàn tác chiến của Quân đoàn III – Quân lực Việt Nam cộng hòa.

Trong Chiến dịch Đường 14 – Phước Long, sau khi tiêu diệt chi khu “Bù Đốp lưu vong”, giải phóng chi khu quân sự Đức Phong, chi khu Đồng Xoài, bộ đội ta trực tiếp bao vây thị xã Phước Long. Trước tình hình đó, VNCH đã lập một hệ thống đồn bót, ấp chiến lược dày đặc để phòng thủ vòng ngoài thị xã Phước Long.

Rạng sáng ngày 31/12/1974 ta mở trận quyết chiến giải phóng tỉnh Phước Long, pháo binh, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt nổ súng tiến công, chọc thủng lớp vỏ phòng thủ vòng ngoài của thị xã gồm hệ thống ấp chiến lược và đồn bót. Các điểm cố thủ chính của quân địch hầu như bị tê liệt, không còn khả năng chống trả. Quân ta tiếp tục tiến công các mục tiêu: dinh tỉnh trưởng, tiểu khu mới, tiểu khu cũ, tòa hành chánh và nhiều khu vực trong thị xã.

Ngày 4/1/1975, quân ta tiếp tục tiến công mạnh, pháo binh, xe tăng tiến sâu chi viện đắc lực cho bộ binh xung phong. Các trận địa phòng không vây kín bầu trời thị xã Phước Long bằng một lưới lửa dày đặc. Bên trong thị xã, ta và địch giành giật nhau từng ngôi nhà, góc phố. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, trong nỗ lực cuối cùng để ứng cứu Phước Long, tướng Việt Nam Cộng Hòa Dư Quốc Đống điều động liên đoàn biệt kích dù số 81 bằng không vận lên ứng cứu Phước Long nhưng bị pháo binh ta bắn chặn làm tổn thất 2 tiểu đội.

Trước thất bại liên tiếp và để ngăn chặn bước tiến của ta, địch đã dùng máy bay chiến đấu điên cuồng ném bom vòng ngoài của thị xã Phước Long, gây nhiều thương vong cho dân thường, đặc biệt tại khu vực Cầu Đăk Lung đã có hơn 300 đồng bào bị tử nạn, gây nên sự đau thương, mất mát vô cùng to lớn. Theo lời kể của nhiều nhân chứng như ông Nguyễn Nẫm sinh năm 1924 – ông có 5 người thân bị chết trong trận ném bom và ông Ngô Huy Long cư trú tại phường Long Thủy thị xã Phước Long, người trực tiếp lái xe lam đưa những người bị thương đi cấp cứu thì đã thấy có những cảnh tượng vô cùng đau lòng như: Máu chảy ngập bàn chân, nhiều người bị chết thân xác không còn nguyên vẹn, nhiều cháu bé khi mẹ đã chết nhưng vẫn không hề hay biết và vẫn còn ôm bầu vú mẹ.

Sáng ngày 6/1, đúng như hiệp đồng đã thỏa thuận, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên tất cả các hướng, tiêu diệt các mục tiêu còn lại. Đến 9 giờ sáng ngày 6/1/1975, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc nhà “Dinh tỉnh trưởng”, 19 giờ cùng ngày, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.

Chiến tranh qua đi, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trong lòng những nạn nhân may mắn sống sót và trong lòng thân nhân, gia đình các nạn nhân tử nạn. Cầu Đăk Lung trở về với đời thường vẫn dung dị và bình thản một cách nhẹ nhàng, nhưng nó đã trở thành một chứng nhân sống động cho sự kiện đau thương ngày 4/1/1975.

Để ghi nhớ sự hy sinh của hơn 300 đồng bào Phước Long tử nạn, năm 2003, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ phối hợp UBND thị xã Phước Long xây dựng bia tưởng niệm tại khu vực cầu Đăk Lung. Hằng năm vào ngày 4/1 đông đảo nhân dân và những người thân của những người đã chết, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành tổ chức thăm viếng, dâng hương tưởng niệm.

Năm 2012, di tích “Nơi ghi dấu tội ác Mỹ – ngụy tại cầu Đăk Lung” được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, di tích vẫn chưa được công nhận và xếp hạng di tích, trong thời gian tới di tích cần đưa vào danh mục để xếp hạng di tích nhằm giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về những đau thương mất mát mà dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ./.

(Bài viết có sử dụng tư liệu bài viết “Chiến dịch đường 14 – Phước Long góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” của tác giả Minh An đăng trên web tinhuybinhphuoc.vn)

Theo CHU THỊ THỦY / BẢO TÀNG BÌNH PHƯỚC

Tags: , , , ,