⠀
Các đối sách lớn của Đài Loan dưới thời Tổng thống Lại Thanh Đức
Ông Lại Thanh Đức được dự báo sẽ tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm Thái Anh Văn. Ông nhấn mạnh việc bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo và yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành động của mình. Mặc dù cho thấy sự cần thiết phải cải thiện quan hệ xuyên eo biển ở cấp độ giao lưu nhân dân, nhưng ông cũng cố gắng thể hiện vị thế của Đài Loan độc lập so với Đại Lục. Trong khi đó, Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô như một “hình phạt cho các hành động ly khai”.
Chính sách đối nội
Chính sách Kinh tế
Các nhóm từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan đã bắt đầu làm việc về giai đoạn hai của Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 vào cuối tháng 4. Cả hai bên đã đạt được thoả thuận ở giai đoạn một trước đó bao gồm các điều khoản tạo thuận lợi thương mại, thực hành pháp lý, các biện pháp chống tham nhũng và tình trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo dữ liệu Hải quan Đài Loan cho thấy thương mại hai chiều Mỹ – Đài đã đạt 116,8 tỷ USD vào năm ngoái. Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan trong quý 1 năm 2024[1]. Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào không có vai trò của họ trong các vấn đề kinh tế của Đài Loan, đặc biệt đây lại là một hiệp định thương mại với Mỹ.
Trong cả hai bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức trước khi trở thành người đứng đầu đảo Đài Loan vào tháng 7 và tháng 10 năm ngoái, ông Lại đều nhấn mạnh vào đa dạng hoá và đảm bảo chuỗi cung ứng chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc của Đài Loan vào thị trường Trung Quốc, qua đó củng cố an ninh kinh tế của Đài Loan. Cùng với đó là củng cố thế mạnh của ngành bán dẫn. Một trong những ví dụ điển hình là ý tưởng hợp tác ngành bán dẫn với một số đối tác ở Đông Á. Những dạng hợp tác “minilateral” như vậy có thể trở thành các thành phần quan trọng của Chiến lược hướng Nam (NSP) dưới thời tân tổng thống Đài Loan, vì chúng thể hiện lợi thế cạnh tranh của Đài Loan trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và giúp thúc đẩy sự tham gia công nghệ cao của Đài Loan với các đối tác NSP.
Về quan hệ với Trung Quốc, thương mại hai chiều đã giảm liên tiếp trong hai năm vừa qua rơi xuống mức thấp nhất trong 22 năm gần đây[2]. Tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ và các quốc gia trong chính sách NSP nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là ưu tiên chính sách của ông Lại. Tuy nhiên ông sẽ gặp không ít thách thức khi phe đối lập trong nghị viện Đài Loan gồm cả đảng đối lập là Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) đều có ý định khởi động lại một thoả thuận thương mại dịch vụ với Trung Quốc. Hiệp định này đã được Đài Loan gác lại một thập kỷ khi đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của người dân. Việc không chiếm được đa số trong quốc hội sẽ khiến DPP của ông Lại đối mặt với một nhiệm kỳ đầy thách thức, không chỉ trong những quyết định về kinh tế mà còn về cả chính trị, xã hội và các vấn đề khác. Mới đây nhất KMT và TPP đã liên minh và đề xuất đạo luật nhằm mở rộng quyền lực quốc hội. Các đề xuất bao gồm yêu cầu tổng thống đọc diễn văn hàng năm trước Viện Lập pháp và trả lời các câu hỏi của các thành viên quốc hội, yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội đối với việc bổ nhiệm người đứng đầu các tổ chức chính phủ chủ chốt và cho phép các thành viên của quốc hội xem xét bất kỳ tài liệu nào từ các cơ quan chính phủ, các công ty tư nhân và công dân[3]. Tranh cãi dữ dội đã nổ ra, báo hiệu sự bế tắc giữa hành pháp và lập pháp của Đài Loan trong những năm tới.
Quốc phòng – an ninh
Ông Lại tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp quân đội Đài Loan. Nhiều ý kiến ở hòn đảo này còn cho rằng Đài Loan nên kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự lên 12 tháng để quân đội có đủ năng lực đối phó với Trung Quốc. Họ viện dẫn lý do là bởi các hoạt động của 300 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần Đài Loan vào tháng 6, con số hàng tháng cao thứ hai kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu thường xuyên công bố dữ liệu vào năm 2020[4]. Trong buổi bổ nhiệm nhóm ngoại giao và an ninh mới, ông Lại Thanh Đức cho rằng thách thức mà đội ngũ nhân sự chiến lược này đang phải đối mặt là chưa từng có. Ông tuyên bố “Tôi rất mong đợi Trung Quốc có được sự tự tin để tham gia với chính phủ dân cử và hợp pháp mà người dân Đài Loan đã giao phó. Đó là cách đúng đắn để trao đổi xuyên eo biển”. Ông Lại cho biết Bắc Kinh sẽ không nhận được sự ủng hộ từ công chúng Đài Loan nếu họ chỉ sẵn sàng giao tiếp với phe đối lập Đài Loan với “các điều kiện tiên quyết chính trị”[5].
Chính sách đối ngoại
Trong bài phát biểu của tân tổng thống Lại Thanh Đức từ dân chủ đã xuất hiện 31 lần, chứng minh cho tầm quan trọng của yếu tố dân chủ trong chính sách của Đài Loan dưới thời ông. Nhà phân tích Raian Hossain cho rằng đây là động thái gián tiếp thể hiện chế độ của Đài Loan là khác biệt hoàn toàn với Đảng Cộng sản Trung Quốc[6]. Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan như một nền dân chủ toàn cầu, bài phát biểu của ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa địa kinh tế của Đài Loan đối với các nền dân chủ toàn cầu. Ông Lại nói: “Chúng tôi là nhân tố chính trong chuỗi cung ứng cho các nền dân chủ toàn cầu. Vì những lý do này, Đài Loan ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế toàn cầu, cũng như sự thịnh vượng của nhân loại”. Ở một dịp khác, phát biểu tại đại hội thường niên của Đảng Dân chủ Tiến bộ, ông Lại khẳng định bản sắc và dân chủ riêng biệt của Đài Loan, đồng thời phản đối các nỗ lực sáp nhập của Trung Quốc[7]. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ là đoàn kết nhân dân, sự cần thiết phải có một bản sắc dân tộc, lịch sử và văn hóa độc đáo của Đài Loan, phản đối sự sáp nhập của Trung Quốc. Đáp trả lại, phát ngôn viên của của văn phòng các vấn đề Đài Loan Chen Binhua nhắc lại Đài Loan là một phần của Trung Quốc và chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia[8]. Điều đó cho ta thấy rằng ưu tiên chính sách đối ngoại của Đài Loan là Mỹ và các “nền dân chủ”, đồng thời tiếp tục theo đuổi một chính sách cứng rắn với Trung Quốc
Thúc đẩy chính sách hướng nam mới
Chính sách hướng Nam mới (NSP) là sáng kiến chính sách đối ngoại của Đài Loan được công bố ngay sau khi Tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016. Sự ra đời của NSP nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Đài Loan vào Trung Quốc thông qua cam kết tăng cường hợp tác về kinh tế với 18 quốc gia mục tiêu bao gồm các thành viên ASEAN, các quốc gia Nam Á, Úc và New Zealand. Ngay từ giai đoạn vận động tranh cử, ông Lại đã nhấn mạnh vai trò của NSP như là một công cụ đắc lực giúp Đài Loan và các đối tác giải quyết các thách thức và thúc đẩy phát triển trong khu vực. “Trong tình thế cô lập ngoại giao hiện nay, quan hệ kinh tế, thương mại và công nghệ thực sự là cách khả thi nhất để duy trì và mở rộng các liên kết toàn cầu của Đài Loan”, Hsiao, chủ tịch tổ chức tư vấn Taiwan-Asia Exchange Foundation có trụ sở tại Đài Bắc, nói với Nikkei Asia[9]. Đài Loan cũng đang có ý định thực hiện một cú hích mới về ngoại giao kinh tế với các nước NSP. Một quan chức cấp cao nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi đang có kế hoạch thành lập các khu công nghiệp ở Nhật Bản, Cộng hòa Séc và một trong những quốc gia hướng Nam mới, có thể là Philippines, Việt Nam hoặc Thái Lan”. Đầu tháng bảy vừa qua, Đài Loan đã ký một hiệp ước đầu tư mới với Thái Lan. Kể từ năm 2016, khi bà Thái Anh Văn nhậm chức,Đài Loan đã ký các thoả thuận tương tự với Philippines, Ấn Độ, Việt Nam và Canada
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả NSP, chính quyền mới của Đài Loan cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Bên cạnh Trung Quốc, còn phải kể tới những nhân tố khác như sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung và vai trò ngày càng tăng của Đông Nam Á. Trong đó, đang kể nhất vẫn là sự tác động của Trung Quốc. Mối quan hệ giữa giữa Đài Loan và các nước NSP đang bị tụt lại phía sau. Nguyên nhân chính được các học giả Đài Loan cho là tác động của Trung Quốc. Đài Loan đã xây dựng mối quan hệ giáo dục với các quốc gia trong NSP thông qua các chương trình trao đổi tài năng và các chương trình học bổng. Tuy nhiên, tài chính lại là một vấn đề nghiêm trọng để thúc đẩy hiệu quả của những chính sách này. Năm ngoái, Đài Bắc được xếp hạng là thành phố đắt đỏ thứ 12 ở châu Á theo Economist Intelligence Unit, vì vậy những khoản trợ cấp của Đài Loan cho du học sinh các nước được cho là khá khiêm tốn để tồn tại và sinh hoạt. Ngược lạị, bằng tiềm lực tài chính hùng hậu, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chương trình học bổng với mức trợ cấp hấp dẫn và nhiều khoản hỗ trợ tài chính khác với các quốc gia trước đây đã công nhận Đài Loan. Kết quả bước đầu là Nauru đã chuyển sang công nhận chính thức với Trung Quốc khiến các quốc gia công nhận Đài Loan đã giảm xuống chỉ còn 12. Do đó, các học giả của Đài Loan đang khuyến nghị chính quyền mới quan tâm hơn tới các khoản trợ cấp về học bổng với các quốc gia đã công nhận Đài Loan và kiểm soát giá cả nhằm giảm bớt sự đắt đỏ tại các thành phố ở Đài Loan. Đây thực sự là thách thức lớn đối với Tổng thống Lại Thanh Đức khi để giải quyết hiệu quả nó đòi hỏi việc kết hợp khéo léo giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Lập trường cứng rắn với Trung Quốc
Từ những tín hiệu trong bài phát biểu của ông Lại, có thể chắc chắn quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ không có nhiều tiến triển tốt trong thời gian tới. Ông Lại miêu tả Trung Quốc là người ép buộc và đe doạ để chống lại Đài Loan và tuyên bố cách hòn đảo này ứng xử sẽ phụ thuộc vào cách Bắc Kinh hành động ở eo biển Đài Loan. Trong bài phát biểu nhậm chức vào hồi tháng 5, tân Tổng thống khẳng định đối thoại với Bắc Kinh chỉ có thể thực hiện được nếu hai bên đàm phán với tư cách bình đẳng, chứ không phải dựa trên những ý tưởng như Bắc Kinh mong muốn rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Bonnie Glaser, nhà phân tích về Đài Loan và Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho biết “Ông Lại chỉ muốn truyền đạt rõ ràng rằng hai bên eo biển là hai quốc gia riêng biệt. Về cơ bản, ông ấy muốn đặt quan điểm đó làm đường cơ sở cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của mình và nói với Trung Quốc rằng họ phải chấp nhận nó”[10]. Không chỉ có các phát biểu cứng rắn của Tổng thống Lại Thanh Đức, Đài Loan còn đang thúc đẩy những hành động trong thực tế. Cuộc tập trận Han Kuang kéo dài 1 tuần trên quần đảo Bành Hồ với nội dung là phòng thủ trước một cuộc tấn công của Trung Quốc[11].
Đáp trả lại, phát ngôn cứng rắng về vấn đề Đài Loan của Đại tá Wu Qian, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngắn vào tháng 6 tại Singapore: “Nếu Đài Loan cố gắng tiến thêm một bước, chúng tôi sẽ tiến thêm một bước với các biện pháp trả đũa của mình, cho đến khi đạt được sự thống nhất hoàn toàn của tổ quốc”. Tháng trước, Trung Quốc đã công bố hướng dẫn pháp lý về việc xử lý “những kẻ cực đoan “Đài Loan độc lập” vì đã chia cắt đất nước và kích động ly khai theo luật pháp, và để bảo vệ nghiêm túc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”[12]. Các hướng dẫn này đi cùng một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm leo thang áp lực lên Đài Loan kể từ chính quyền mới, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan vào tháng Năm, gia tăng sự xâm lấn vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan bằng máy bay quân sự, tần suất đã tăng đáng kể từ sau bài phát biểu nhậm chức của ông Lại.
Trung Quốc biện minh cho các cuộc tập trận quân sự gần đây nhất của họ, diễn ra ba ngày sau lễ nhậm chức của ông Lai, là một “hình phạt mạnh mẽ đối với các hành động ly khai của lực lượng “Đài Loan độc lập”[13]. Cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson đã điều trần trước Quốc hội vào năm 2021 cho rằng Trung Quốc muốn có khả năng chiếm Đài Loan trong vòng sáu năm – một mốc thời gian đã được các nhân vật quân sự khác của Mỹ ủng hộ và nếu đúng nó sẽ nằm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Lại. Trong ba năm qua, PLA đã bổ sung hơn 400 máy bay chiến đấu tiên tiến và hơn 20 tàu chiến lớn, đồng thời tăng hơn gấp đôi kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Giữ cho tình hình eo biển không vượt khỏi lằn ranh đỏ sẽ là một trong nhiệm vụ và thách thức hàng đầu của chính quyền mới ở Đài Loan.
Tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Mỹ
Mặc dù Mỹ vẫn luôn tuyên bố ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” nhưng hành động của Washington thường không đi cùng với lời nói. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tại một sự kiện vào tháng 2 năm 2023: “Cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan “không phải là vấn đề nội bộ như Trung Quốc sẽ nghĩ mà là vấn đề đáng lo ngại với toàn bộ thế giới”[14]. Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là vấn đề nội bộ của họ và các nước không nên xen vào. Nhưng Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn và Mỹ luôn tìm cách “quốc tế hoá” vấn đề tại eo biển này. Theo Wang Hung-jen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Cheng Kung cho rằng: “Trong 8 năm cầm quyền của mình, bà Thái Anh Văn luôn tìm cách “quốc tế hoá vấn đề Đài Loan”. Chiến lược nhằm truyền đạt tới cộng đồng quốc tế rằng Đài Loan không chỉ đơn thuần là vấn đề nội bộ của Trung Quốc” mà là vấn đề toàn cầu “tác động đến lợi ích cốt lõi của nhiều quốc gia”[15].
Thái độ cứng rắn của Đài Loan dưới thời chính quyền mới đã dẫn tới hệ quả tất yếu chính sách của Đài Bắc vẫn sẽ xích gần lại với Washington. Bằng chứng là việc ông Lại nhấn mạnh giá trị dân chủ trong bài phát biểu và việc bổ nhiệm bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi – Khim) làm phó Tổng thống. Bà Tiêu Mỹ Cầm từng là cựu đại sứ không chính thức tại Washington và đã đến thăm Mỹ vào hồi tháng 3 năm nay với tư cách cá nhân. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Lưu Bằng Ngọc (Liu Pengyu) nói Trung Quốc “kiên quyết phản đối” bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và “khu vực Đài Loan”, đồng thời gọi bà Tiêu Mỹ Cầm là “nhân vật ly khai cứng đầu muốn ‘Đài Loan độc lập”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho hay bà Tiêu đang đi du lịch “với tư cách cá nhân để giải quyết các vấn đề riêng” và không trả lời khi được hỏi liệu bà có gặp các quan chức Mỹ hay không[16]. Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng bà có thể đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đài Bắc và Washington. Mỹ là nước bán vũ khí quan trọng nhất cho hòn đảo và là nước ủng hộ Đài Loan trên bình diện quốc tế mặc dù hai bên không có quan hệ chính thức. “Không có kịch bản nào trong đó Đài Loan tự vệ mà không có Mỹ”, Oriana Skylar Mastro, tác giả cuốn Upstart: How China Became a Great Power, nói.
Lễ nhậm chức của ông Lại có sự tham dự của 51 phái đoàn quốc tế, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản và Canada. Không lâu sau, Quốc hội Mỹ đã gửi một phái đoàn lưỡng đảng. Chủ tịch Đối ngoại Hạ viện Ben Cardin gọi Đài Loan là “ngọn hải đăng của dân chủ và quản trị tốt”, nơi đang “đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ một trong những quốc gia độc tài nhất thế giới. Mối đe dọa này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”[17]. Điều đó cho thấy quan điểm của Mỹ vẫn sẽ thắt chặt mối quan hệ với Đài Loan trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp ứng viên Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ một lần nữa, mối quan hệ Mỹ – Đài có thể thay đổi. Những diễn biến mới đây nhất của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy lợi thế lớn của ứng viên Donald Trump. Trong kịch bản Trump quay trở lại vị trí tổng thống, điều này sẽ tác động không nhỏ tới tình hình của eo biển Đài Loan và chính sách của các bên liên quan. Bài xã luận đăng trên China Daily cho rằng Đài Loan sẽ trở nên lo lắng hơn nếu ông Trump đắc cử. Không giống như việc ông Biden nhấn mạnh về một “mặt trận thống nhất” chống lại Trung Quốc, dựa trên mạng lưới liên minh toàn cầu của Mỹ, ông Trump cũng giữ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra. Điều đó có nghĩa là, nếu Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, chính quyền Lai sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông được công bố năm ngày trước cuộc bầu cử của ông Lai vào cuối tuần, ông Trump nói rằng khi nhậm chức trở lại, ông sẽ yêu cầu Đài Loan trả tiền cho sự bảo vệ của Mỹ và cáo buộc hòn đảo này đã lấy đi ngành công nghiệp chip và việc làm khỏi Mỹ. Ông cũng né tránh câu hỏi liệu ông có bảo vệ hòn đảo này hay không nếu Bắc Kinh phải dùng đến việc thống nhất quốc gia bằng vũ lực[18].
Tác động tới tình hình khu vực và hàm ý đối với Việt Nam
Tác động tới tình hình khu vực
Vào tháng 4 năm nay, Mỹ và Đài Loan đã âm thầm tiến hành một cuộc tập trận chung ở phía Tây Thái Bình Dương. Sau đó hơn 1 tháng, cuộc tập trận này mới được công bố trên Reuters vào ngày 14 tháng 5. Một nguồn tin của Reuters cho biết, mặc dù cuộc tập trận của hải quân hai bên chủ yếu bao gồm các nội dung cơ bản, nhưng những cuộc tập trận như vậy rất quan trọng để đảm bảo quân đội hai bên có thể hoạt động cùng nhau trong trường hợp khẩn cấp[19]. Khi Mỹ ngày càng thắt chặt với Đài Loan, Trung Quốc sẽ càng gia tăng áp lực lên hòn đảo này. Nhưng căng thẳng khó có thể leo lên một nấc thang cao hơn. Bởi Trung Quốc còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần giải quyết như cải cách nền kinh tế sau hội nghị trung ương 3, kiểm soát căng thẳng với Mỹ trong bối cảnh ngày càng có nhiều khả năng quay trở lại vị trí tổng thống Mỹ sau những biến cố vừa xảy ra, cạnh tranh kinh tế với EU v…v. Đánh giá về mối quan hệ Trung Quốc – Đài Loan, Chen Kuan Ting, nhà lập pháp từ Đảng dân chủ tiến bộ của ông Lại cho rằng căng thẳng dường như đã trở thành chuẩn mực trong mối quan hệ Trung Quốc – Đài Loan. Ông nói thêm: “[Trung Quốc] sẽ cố gắng kiềm chế và siết chặt chúng tôi hơn”[20]. Thêm vào đó, Đài Loan sản xuất 90% chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới và chi phí toàn cầu của một cuộc chiến tranh trên hòn đảo có thể lên tới 10 nghìn tỷ USD, Bloomberg Economics ước tính. Con số này chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu, nhiều hơn nhiều so với cú sốc từ cuộc chiến ở Ukraine hay đại dịch COVID-19. Sự phụ thuộc của thế giới vào ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan được tờ Time gọi đó là “lá chắn silicon” khiến cho Trung Quốc phải cân nhắc về cái giá phải trả khi có bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra.
Ngoài ra, chiến lược tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á của Đài Loan ngoài những tác động tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển và các lợi ích về kinh tế cũng có thể làm phức tạp hơn tình hình trong khu vực. Ngoài lí do như Đài Loan đã tuyên bố là dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng bên cạnh đó họ cũng nhân cơ hội gia tăng ảnh hưởng với các nước NSP nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Các nước đang phát triển ở Đông Nam Á đang có nhu cầu lớn về phát triển ngành bán dẫn và đã trở thành xu thế lớn trong khi cơ sở hạ tầng và năng lực công nghệ chưa thực sự đáp ứng được. Đài Loan với thế mạnh ngành bán dẫn tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á ngoài giúp đa dạng chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc còn tạo ra vị thế và ảnh hưởng nhất định tại Đông Nam Á. Ngược lại, đến lượt Trung Quốc có thể coi đó là một nguy cơ lớn. Bởi Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cô lập ngoại giao” với Đài Loan, từ đó đưa vấn đề Đài Loan trở về công việc nội bộ của Bắc Kinh. Thêm vào đó, Đông Nam Á cũng đang là khu vực chịu sự ảnh hưởng và có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc. Những động thái tăng cường hiện diện trong khu vực của Đài Loan gần như chắc chắn sẽ gặp phải những phản ứng của Trung Quốc. Từ đó, tình hình tại Đông Nam Á sẽ ngày càng phức tạp hơn gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách với các quốc gia tại đây.
Hàm ý đối với Việt Nam
Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tạo ra những thời cơ và thách thức cho Việt Nam. Về thời cơ, chính sách tăng cường hợp tác với các quốc gia NSP trong đó có Việt Nam tạo thuận lợi cho Hà Nội tăng cường năng lực về ngành công nghiệp chất bán dẫn. Vào đầu tháng 4, Ủy ban xúc tiến hợp tác bán dẫn và Ủy ban xúc tiến tài năng bán dẫn đã được các hiệp hội doanh nghiệp từ Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam thành lập để hỗ trợ các công ty bán dẫn Đài Loan và Nhật Bản xây dựng quan hệ với chính phủ Việt Nam. Nhờ các cơ chế hợp tác này, các công ty bán dẫn Đài Loan có thể có được thông tin trực tiếp về các cơ hội đầu tư và giải quyết các rào cản pháp lý tại Việt Nam. Hợp lý hóa các thủ tục giấy tờ và tăng cường sự tự tin giữa tất cả các bên liên quan là hai chức năng quan trọng bổ sung của các nền tảng này[21]. Việt Nam với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới đang gia tăng những hoạt động nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp chất bán dẫn, từ đó tận dụng được nguồn tài nguyên lớn cũng như nâng cao vị thế quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Tận dụng hiệu quả được thời cơ đầu tư của Đài Loan có thể giúp Việt Nam tiến một bước dài với tham vọng trên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đề phòng với những ý đồ, mục đích khác của các nước, từ đó tránh bị lôi vào vòng xoáy cạnh tranh với các nước lớn.
————————-
Tài liệu tham khảo:
[1] Ralp Jennings (2024), “Taiwan, US enter ‘harder’ phase of trade talks as mainland China bristles”, South China Morning Post, Taiwan, US enter ‘harder’ phase of trade talks as mainland China bristles | South China Morning Post (scmp.com)
[2] Ralp Jennings (2024), “Taiwan-mainland China investment plunges to 22-year low as politics plague ties”, South China Morning Post, Taiwan-mainland China investment plunges to 22-year low as politics plague ties | South China Morning Post (scmp.com)
[3] Willy Jou (2024), “Difficult times Lai ahead for Taiwan’s new president”, East Asia Forum, https://eastasiaforum.org/2024/07/01/difficult-times-lai-ahead-for-taiwans-new-president/
[4] Chris Buckley, Amy Chang Chien (2024), “Taiwan’s Blunt-Talking Leader Faces China’s Backlash”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2024/07/16/world/asia/taiwan-china-lai-ching-te.html
[5] Yimou Lee, Ben Blanchard (2024), “China Should Have Confidence to Talk to Us, Taiwan’s President-Elect Says”, US News, China Should Have Confidence to Talk to Us, Taiwan’s President-Elect Says (usnews.com)
[6] Raian Hossain (2024), “BETWEEN THE LINES OF LAI CHING-TE’S INAUGURAL SPEECH & GEOPOLITICAL-DOMESTICS ASPECTS”, Taiwan insight, https://taiwaninsight.org/2024/06/03/between-the-lines-of-lai-ching-tes-inaugural-speech-geopolitical-domestics-aspects/
[7] “Taiwan’s President Stands Firm on Sovereignty” (2024), Devdícouse, https://www.devdiscourse.com/article/politics/3024680-taiwans-president-stands-firm-on-sovereignty
[8] Xinhua (2024), “Mainland spokesperson slams Lai Ching-te’s ‘Taiwan independence’ stance”, CGTN, https://news.cgtn.com/news/2024-07-23/Mainland-spokesperson-slams-Lai-s-Taiwan-independence-stance-1vsMBCAGuys/p.html
[9] Thompson Chau (2024), “Taiwan foreign minister steps up economic diplomacy under China pressure”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Taiwan-foreign-minister-steps-up-economic-diplomacy-under-China-pressure
[10] Chris Buckley, Amy Chang Chien (2024), tldd
[11] John Feng (2024), “Taiwan To Begin 24/7 Simulation of Chinese Invasion”, Newsweek, https://www.newsweek.com/taiwan-begin-24-7-simulation-chinese-invasion-1584984
[12] “Opinions on Punishing Crimes of Separatism and Inciting Separatism by “Taiwan independence” Die-hards in Accordance with Law” (2024), China Law Translate, https://www.chinalawtranslate.com/en/taiwan-independence/
[13] Matthew Sperzel, Daniel Shats, and Jackson Karas (2024), “The China-Taiwan Weekly Update”, Institue for the Study of War, https://www.understandingwar.org/sites/default/files/China-Taiwan%20Weekly%20Update%2C%20July%2019%2C%202024%20PDF.pdf
[14] Teng Pei-ju (2024), tldd
[15] Teng Pei-ju (2024), “Tsai’s 8 years in government: Transforming Taiwan amid global challenges”, Focus Taiwan, https://focustaiwan.tw/politics/202405140010
[16] Urvi Dugar (2024), “Taiwan’s vice president-elect on ‘personal trip’ to US; China objects”, Reuters, https://www.reuters.com/world/taiwans-vice-president-elect-is-low-profile-visit-washington-wsj-reports-2024-03-12/
[17] Charlie Campbell (2024), “Taiwan’s New President Lai Ching-te Is Standing His Ground”, Time, https://time.com/6987173/lai-ching-te-taiwan-interview/
[18] “Trump’s words cause of consternation for Lai: China Daily editorial” (2024), ChinaDaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202407/23/WS669f9112a31095c51c50f817.html
[19] “Exclusive: U.S. and Taiwan navies quitely held Pacific drills in April” (2024), Reuters, https://www.reuters.com/world/us-taiwan-navies-quietly-held-pacific-drills-april-sources-say-2024-05-14/
[20] Chris Buckley, Amy Chang Chien (2024), tldd
Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Đài Loan