Bức tranh trái ngược ở châu Á khi thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Dù đang có dân số trẻ hay đối mặt với tình trạng già hóa dân số, nhiều nước châu Á hiện gặp thách thức về nhân khẩu, từ chăm sóc người cao tuổi tới đảm bảo nhu cầu lương thực.

Bức tranh trái ngược ở châu Á khi thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Nhật Bản vật lộn với mức sinh giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Corbin.

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với nhân khẩu học châu Á: Lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, Ấn Độ được dự đoán vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất.

Dân số trẻ và ngày càng mở rộng của quốc gia Nam Á này mang lại cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra thách thức, từ xóa đói giảm nghèo đến giáo dục.

Các chuyên gia cho rằng nhu cầu lương thực tăng cao có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa Ấn Độ và các nước khác, trong khi Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính Ấn Độ cần đầu tư 840 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đô thị trong 15 năm tới để đáp ứng nhu cầu dân số.

Theo Nikkei Asia, tình thế của Ấn Độ chỉ là một phần trong bức tranh dân số châu Á. Châu lục này giờ phân chia bởi 2 thái cực: Nhóm quốc gia trẻ, đang phát triển và nhóm nước dân số già hóa, suy giảm. Cột mốc mới của nhân loại làm nổi bật sự khác biệt này và thách thức mà cả 2 nhóm phải đối mặt.

Xu hướng dân số khác biệt rõ rệt

Reuters đưa tin hôm 15/11/2022, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo dân số thế giới có thể đã chạm mốc 8 tỷ người. Cột mốc 7 tỷ người được thiết lập 11 năm trước đó.

Châu Á là quê hương của hơn một nửa trong số 8 tỷ người. Ngoài Trung Quốc (1,426 tỷ) và Ấn Độ (1,417 tỷ), 5 quốc gia châu Á khác – gồm Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản và Philippines – có hơn 100 triệu dân vào năm 2022.

Liên Hợp Quốc cho biết việc thế giới có 8 tỷ người báo hiệu những bước tiến đáng kể trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra “nhân khẩu học thế giới đang đa dạng hơn bao giờ hết, với các quốc gia đối mặt với xu hướng dân số khác biệt rõ rệt”.

Châu Á rõ ràng thấu hiểu điều này. Khu vực này có các quốc gia trẻ với độ tuổi trung bình 20 – như Ấn Độ (27,9 tuổi), Pakistan (20,4) và Philippines (24,7) – cũng như các nền kinh tế già với độ tuổi trung bình 40, gồm Nhật Bản (48,7) và Hàn Quốc (43,9). Khoảng cách giữa 2 nhóm ngày càng nới rộng trong những thập niên qua.

Trong khi Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu việc làm và cơ sở hạ tầng cho nhóm dân số ngày càng lớn, thì Nhật Bản vật lộn với mức sinh giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, tới mức chính phủ nước này gọi là “tình hình nguy cấp”. Dù theo cách nào, xu hướng dân số đang tác động đến kinh tế và xã hội.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ sẽ tăng khoảng 11 triệu người từ năm 2022 đến năm 2023, lên 1,43 tỷ người.

Ngoài những mặt tích cực như đóng góp vào hiện thực hóa tiềm năng kinh tế đất nước, báo cáo Thanh niên ở Ấn Độ năm 2022 cho biết nhóm trẻ nước này sẽ gặp nhiều thách thức, như tiếp cận giáo dục, việc làm thu nhập cao, bất bình đẳng giới, tảo hôn, dịch vụ y tế thân thiện với thanh niên và mang thai ở tuổi vị thành niên.

Dù kỳ vọng GDP Ấn Độ sẽ tăng khoảng 7% vào năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở khoảng 8%. Điều này cho thấy nước này không tạo ra đủ việc làm bắt kịp tốc độ tăng dân số.

Ngoài ra, theo Shotaro Kumagai – nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, vấn đề đáp ứng nhu cầu lương thực tại Ấn Độ có thể sẽ vượt ra ngoài phạm vi quốc gia.

“Thách thức trong lĩnh vực lương thực của Ấn Độ là việc sản xuất nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Mặt khác, nhu cầu trong nước đang tăng nhanh. Do đó, khi sản lượng thấp, họ sẽ ưu tiên nguồn cung trong nước, dẫn đến hạn chế xuất khẩu, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác”, ông lý giải.

Già hóa dân số vẫn là thách thức lớn hàng đầu

Trong khi đó, Nhật Bản lại đối mặt với vấn đề hoàn toàn khác, như dân số suy giảm ở nông thôn. Ngoài ra, khi ngày càng nhiều nhà bỏ hoang, điều này không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan, mà còn tác động tới khả năng ngăn chặn tội phạm và thảm họa khu vực, ẩn chứa nguy cơ gây hỏa hoạn và đổ rác trái phép.

Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ cho thấy số ca sinh mới ở Nhật Bản, chưa bao gồm người nước ngoài, có khả năng lần đầu rơi xuống mốc 800.000 vào năm 2022. Đây là tốc độ giảm nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

Covid-19 khiến tình trạng này trầm trọng hơn với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, khi nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn hoặc sinh con.

Dữ liệu về mức sinh của Liên Hợp Quốc chỉ ra tổng tỷ suất sinh ở Đông Á giảm đáng kể xuống 1,17 vào năm 2021, từ mức 1,46 vào năm 2019. Liên Hợp Quốc dự đoán tỷ lệ sinh của khu vực sẽ phục hồi nhẹ và dần dần, với mức sinh đạt 1,28 vào năm 2030, dựa trên kinh nghiệm của một số nền kinh tế tiên tiến trong quá khứ.

Tuy nhiên, dân số Trung Quốc đang đạt mức ổn định và dự kiến bắt đầu giảm trước năm 2025. Một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan cũng vậy.

Về lâu dài, nhìn chung tốc độ tăng dân số sẽ chậm lại trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Theo Liên Hợp Quốc, dù mất 12 năm để tăng từ 7 lên 8 tỷ người, thế giới sẽ cần 15 năm nữa – 2037 – để chào đón công dân thứ 9 tỷ, trước khi đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ vào năm 2086.

Ngay cả ở Ấn Độ, khảo sát thực hiện năm 2019-2021 cho thấy tổng tỷ suất sinh ở nước này đã giảm xuống còn 2 con/phụ nữ, từ mức 2,2 trong khảo sát 2015-2016. Điều này báo hiệu dân số đang ổn định, và Ấn Độ chỉ có khoảng thời gian nhất định tận dụng sức trẻ dân số.

Sau cùng, chuyên gia cho rằng vấn đề già hóa dân số sẽ trở thành một trong những thách thức chính đối với Ấn Độ, và chính phủ sẽ cần đưa ra chính sách mới đảm bảo người già được hưởng lương hưu và trang trải chi phí y tế.

Khi châu Á đứng trước những thách thức nhân khẩu học trong tương lai, ông Kumagai lưu ý cộng đồng quốc tế có thể chung tay giải quyết nhu cầu lương thực và năng lượng ngày càng tăng, trong khi các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm.

“Ví dụ, Nhật Bản đã thiết lập hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn chuẩn bị cho xã hội già hóa. Tôi nghĩ họ có thể hợp tác với các nước châu Á khác có tỷ lệ sinh giảm và dân số già trong việc thiết kế hệ thống an sinh xã hội ở cấp độ liên chính phủ”, ông nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng châu Á có thể trao đổi ý kiến và thông tin về loại sáng kiến dân số nào đã thất bại và cách cải thiện ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,