Bức tranh toàn cảnh về vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Philippines

Sau khi Philippines tuyên bố độc lập năm 1946, sự chống đối của người Moro chính là “di sản” mà đất nước Đông Nam Á này phải giải quyết.

Tác giả: ThS Trình Trần Phương Anh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Philippines có khoảng 4 triệu tín đồ hồi giáo (chiếm 5% dân số cả nước), song hoạt động vũ trang dai dẳng của họ đã thu hút sự quan tâm lớn, trở thành một vấn đề phức tạp, nan giải – “Vấn đề Moro” (Moro là tên gọi chung dùng để chỉ các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở miền Nam Philippines). Ở Philippines, cộng đồng tín đồ Hồi giáo thuộc 13 nhóm ngôn ngữ, tập trung chủ yếu ở miền Nam trên các đảo Mindanao, quần đảo Sulu vào đảo Palawan. Hồi giáo du nhập vào miền Nam Philippines từ cuối thế kỷ 14, trở thành tôn giáo của người Moro và hình thành nên một số tiểu quốc Hồi giáo ở đây.

Khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược Philippines, thực thi chính sách Tây Ban Nha hóa và Cơ đốc giáo hóa, người Moro đã chống trả quyết liệt, nhằm bảo vệ đất đai, tôn giáo của họ. Đến giữa thế kỷ 19, bằng sức mạnh quân sự, Tây Ban Nha đã đàn áp sự nổi dậy của người Moro, thiết lập bộ máy cai trị trên vùng đất này. Quá trình bình định của Tây Ban Nha có sự hợp tác của những tín đồ Thiên Chúa giáo. Điều này đã tạo ra sự xung đột giữa những tín đồ Hồi giáo và tín đồ Thiên Chúa giáo.

Bức tranh toàn cảnh về vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Philippines

Một chiến binh Moro tại Sultan Kudarat, Maguindanao, phía Nam đảo Mindanao, 29/7/2018. Ảnh: AFP / Ferdinandh Cabrera.

Năm 1898, cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ đã buộc Tây Ban Nha phải nhượng lại quyền thống trị ở Philippines cho Mỹ. Từ năm 1902, Mỹ đã thi hành chính sách “phát triển khai hóa văn minh và giáo dục”, đưa người Moro vào dòng chảy chung trong chính sách cai trị của Mỹ. Đến năm 1914, với chính sách Philippines hóa bộ máy bảo hộ, người Mỹ đưa ngày càng nhiều người Philippines Thiên Chúa giáo vào bộ máy chính phủ, đồng thời khuyến khích việc di dân Thiên Chúa giáo từ miền Bắc và miền Trung xuống định cư ở phía Nam. Chính sách này đã gây ra sự bất bình của người Moro và đẩy mâu thuẫn giữa người Moro Hồi giáo và người Philippines Thiên Chúa giáo ngày càng gay gắt.

Sau khi Philippines tuyên bố độc lập năm 1946, sự chống đối của người Moro chính là “di sản” mà Cộng hòa Philippines phải giải quyết. Từ 1946 đến những năm 1970, Philippines đã thi hành hàng loạt các chính sách hợp nhất về hành chính, kinh tế ở các tỉnh miền Nam nhằm đưa khu vực này hòa vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, những cố gắng của Chính phủ Philippines đã không mang lại hiệu quả, ngược lại đẩy người Moro Hồi giáo chống lại Chính phủ. Người Moro coi việc xây dựng và mở rộng hệ thống các trường học miền Nam là nhằm âm mưu xóa bỏ tôn giáo và bản sắc dân tộc, cưỡng bức họ phải chấp nhận văn hóa Thiên Chúa giáo. Việc chính phủ khuyến khích di dân một cách ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc xuống phía Nam để định cư và xây dựng kinh tế mới với những ưu tiên đặc biệt cho người Thiên Chúa giáo hay việc sung công những khu vực đất đai người Hồi giáo đang canh tác do không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đều vấp phải sự phản kháng của người Moro…Cuộc đấu tranh càng nóng bỏng khi người Moro chủ trương đòi lại đất đai bị người Thiên Chúa giáo đến định cư và khai thác. Một số người Moro đã dùng vũ lực đe doạ, tống tiền và khủng bố để đòi lại đất hoặc tiền thuê đất. Tình trạng này đã dẫn đến sự khủng hoảng ở miền Nam Philippines từ cuối những năm 1960, đầu 1970.

Năm 1971, Mặt trận dân tộc giải phóng Moro (MNLF – Moro National Liberation Front) dựa trên nguyên tắc quyền tự quyết dân tộc do Liên Hợp quốc đề xướng để thành lập Nhà nước Hồi giáo độc lập ở khu vực Hồi giáo thuộc 13 tỉnh miền Nam Philippines. Năm 1974, MNLF đã chính thức công bố thành lập Nhà nước Cộng hòa dân tộc Moro.

MNLF là tổ chức ly khai ở miền Nam Philippines, có Hội đồng chỉ huy Hồi giáo (ICC) với lực lượng quân sự khoảng 25 nghìn binh sĩ. Sự ra đời và hoạt động của MNLF đã khiến Chính phủ Philippines nhận thức được nguy cơ đe doạ sự thống nhất quốc gia, buộc Chính phủ tìm mọi cách để ngăn chặn. Một mặt, bằng các biện pháp quân sự mở các chiến dịch để truy quét lực lượng của MNLF, mặt khác thông qua các hoạt động ngoại giao để có sự ủng hộ từ các nước ASEAN và các nước Hồi giáo Trung Đông. Hội nghị ngoại trưởng các nước Hồi giáo ở Kuala Lampua tháng 5/1974 đã đề nghị Chính phủ Philippines và MNLF tiến hành đàm phán, tìm ra giải pháp cho vấn đề Moro.

Ngày 27/12/1976, tại Tripoli (Lybia), đại diện Chính phủ Philippines và MNLF đã ký hiệp định ngừng bắn dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (Organisation of the Islamic Conference – OIC). Tuy nhiên, Hiệp định này đã không có hiệu lực vì không được cả hai bên tôn trọng. MNLF đòi quyền tự trị tối đa không phụ thuộc vào Chính phủ Philippines. Tháng
1/1987, đại diện Chính phủ và MNLF đã ký Hiệp định về quyền tự trị của 13 tỉnh thuộc Mindanao, Tawi, Basilan và Palavan. Đồng thời, Hiến pháp năm 1988 của Philippines cũng đã khẳng định quyền tự trị của 13 tỉnh này. Tuy nhiên, những cố gắng của Chính phủ Philippines vẫn không giải quyết được vấn đề Moro, MNLF vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến năm 1996 khi Hiệp định hòa bình được ký kết. Theo nội dung của Hiệp định, MNLF chấp nhận tự quản thay vì độc lập và được quyền kiểm soát bốn tỉnh là Lanao del Sur, Maguidanao, Sulu và Tawi, sau này được gọi là Khu tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM).

Hiệp ước hòa bình giữa Chính phủ Philippines và MNLF đã bị một lực lượng cấp tiến trong MNLF coi là “sự phản bội” đối với người Moro. Năm 1997, lực lượng này đã tách ra và thành lập Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF – Moro Islamic Liberation Front) với khoảng 18 nghìn binh sĩ do Salamat Hashim làm thủ lĩnh. Như vậy, sau khi giải quyết được vấn đề của MNLF thì Chính phủ Philippines lại phải đối phó với MILF – một tổ chức có quan điểm và hoạt động còn cứng rắn hơn cả MNLF. Kể từ khi ra đời, cùng với các nhóm, tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, MILF thường xuyên tổ chức các hoạt động vũ trang khủng bố, gây nhiều tổn thất cho Chính phủ Philippines.

Bên cạnh hoạt động của MNLF và MILF, một tổ chức khủng bố cực đoan khác là Abu Sayyaf cũng là thách thức đối với Chính phủ Philippines. Thành lập năm 1991, Abu Sayyaf tuyên bố rằng họ chiến đấu cho một nhà nước Hồi giáo độc lập ở miền Nam Philippines. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động của tổ chức này mang tính chất khủng bố, giết hại, bắt cóc và tống tiền. Mỹ đã liệt tổ chức này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Để đấu tranh với phong trào ly khai của người Moro ở miền Nam, Chính phủ Philippines đã thực hiện nhiều biện pháp, kể cả sử dụng biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt các lực lượng ly khai và đè bẹp ý chí đòi độc lập của người Moro, nhưng đã không mang lại kết quả mong muốn.

Với MNLF, năm 1996, Chính phủ Philippines đã đạt được một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, MNLF chấp nhận quy chế tự trị với sự ra đời của Khu tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM). Khu vực này gồm 4 tỉnh là Lanao del Sur, Maguindanao, Sulu và Tawi do Mur Misuari – thủ lĩnh của MNLF – làm Thống đốc. Hiệp định này không được MILF và Abu Sayyaf đồng thuận. Vì vậy, hai tổ chức này tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập bằng các hành động bạo lực và khủng bố.

Sau khi giải quyết xong vấn đề với MNLF, Chính phủ Philippines lại tiếp tục các cuộc thương lượng với MILF. Năm 2000, Chính phủ Philippines và MILF đã nhất trí với nhau 39 thỏa thuận nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức nhưng các thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ ngay sau đó, khi Tổng thống Joseph Estrada tuyên chiến với MILF và tấn công Mindanao, dẫn đến gần 1 triệu người phải di chuyển.

Thỏa thuận ngừng bắn được tái lập năm 2001 khi Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo lên nắm quyền, nhưng bị phá vỡ một lần nữa khi quân đội Chính phủ chiếm đóng trụ sở của MILF ở Buliok, Maguindanao.

Tháng 2/2004, với sự cam kết đứng ra làm trung gian của Mỹ và Malaysia, Chính phủ Philippines và MILF tiếp tục mở lại các cuộc đàm phán hòa bình. Thời gian này MILF đã hợp tác với Chính phủ Philippines để quân đội tấn công vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Abu Sayyaf, Jemaah Islamiyah (JI).

Sau gần 10 năm đàm phán bị gián đoạn, Chính phủ Philippines và MILF đã đạt được thỏa thuận vào tháng 10/2012 để kết thúc cuộc xung đột. Hai bên thỏa thuận thiết lập một khu vực tự trị, được gọi là “Bangsamoro”, ở phía Nam thay thế các khu tự trị Hồi giáo Mindanao, trước khi Tổng thống Benigno Aquino kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016, đồng ý trao cho các khu vực Hồi giáo quyền lực chính trị lớn hơn và kiểm soát tài nguyên nhiều hơn.

Thực tiễn giải quyết xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Philippines những năm qua cho thấy:

Một là, giải quyết xung đột sắc tộc, tôn giáo là vô cùng phức tạp, nhất là khi nó có lịch sử lâu dài và bắt nguồn từ chính sách sai lầm của các chính phủ trước đây. Một trong những chính sách sai lầm đó là chủ trương đồng hóa văn hóa để xây dựng quốc gia dân tộc thống nhất.Xóa bỏ hoặc hạn chế nền giáo dục truyền thống Islam của các nhóm người thiểu số là một nguyên nhân chủ yếu khiến cho họ nổi dậy, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn đề bức xúc của người Muslim ở khắp các nước đã bị quốc tế hóa.

Việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn lợi đất đai màu mỡ, khoáng sản ở khu vực cộng đồng thiểu số Muslim, nhưng không có những chính sách đầu tư, phát triển giáo dục, kinh tế hiệu quả nên họ vẫn là những cộng đồng nghèo khổ nhất của đất nước đã dẫn đến những bức xúc, phản kháng của người dân.

Hai là, cần lựa chọn hợp lý biện pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Thực tiễn tại Philippines cho thấy việc dùng sức mạnh, vũ lực để giải quyết xung đột thường không đem lại kết quả mong muốn. Việc sử dụng biện pháp đàn áp quân sự của Chính phủ đối với các phong trào đấu tranh của người Muslim cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các cuộc đấu tranh của họ càng trở nên quyết liệt hơn. Dù ban đầu, bằng các biện pháp quân sự, Chính phủ Philippines có thể đè bẹp được lực lượng nổi dậy, nhưng mầm mống xung đột vẫn không giải quyết được tận gốc. Do đó, từ chỗ quyết định tiêu diệt các lực lượng nổi dậy bằng biện pháp quân sự, Chính phủ Philippines đã chuyển sang giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, thương lượng, ưu tiên sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống cho dân tộc thiểu số ở khu vực nảy sinh mâu thuẫn, xung đột.

Ba là, phải kiên trì giải quyết mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc. Để đạt được thành công trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, Chính phủ Philippines đã điều chỉnh chính sách dân tộc, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích dân tộc hẹp hòi. Sự thống nhất quốc gia trong một đất nước đa chủng tộc và đa tôn giáo chỉ có thể được duy trì trên sự hiểu biết sâu sắc và chính sách khoan dung và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các sắc tộc, tôn giáo.

Cho đến hiện nay, mặc dù vấn đề Moro (Philippines) đã tạm thời được giải quyết bằng các hiệp định hòa bình được ký giữa Chính phủ với các phong trào ly khai, song vấn đề ly khai dân tộc ở Philippines chưa phải đã được giải quyết hoàn toàn. Những xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo rất dễ bùng phát trở lại khi gặp những tác nhân kích thích, những âm mưu lợi dụng từ bên ngoài.

Bài học kinh nghiệm rút ra là: Muốn xây dựng đất nước ổn định và phát triển, trước hết phải thực hiện các biện pháp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, thừa nhận sự đa dạng văn hóa, tôn giáo và tôn trọng bản sắc riêng của mỗi tộc người trong mỗi quốc gia.

————————

Tài liệu tham khảo:

1. Xung đột Mindanao ở Philippines: Nguồn gốc, cái giá phải trả và khả năng đi đến hòa bình, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, số 24, tháng 2-2005.
2. Tại sao xung đột ở miền NamPhilippines khó được giải quyết? Tạp chí Time World, 27-9-2013.
3. Philippines: Giải pháp cho vấn đề xung đột tôn giáo ở Mindanao, Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, Hòa bình và các vấn đề quốc tế Berkley, Đại học Georgetown (Mỹ), 1-8-2013.
4. Xung đột ở Mindanao (Philippines): Lịch sử xung đột ở miền Nam Philippines và những nguyên nhân đằng sau nó,www.aljazeera.com
5. Trần Phương Thảo: Những nỗ lực mới của Tổng thống Benigno S.Aquino trong việc giải quyết các vấn đề xung đột và ly khai ở miền Nam Philippines. Tạp chí “Nghiên cứu Đông Nam Á”, số 11-2013.
6. Phạm Thị Vinh (chủ biên): Một số vấn đề về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Đông Nam Á.Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ (2014)

Tags: , ,