Bức tranh toàn cảnh về đa dạng sinh học ở TP HCM

Quá trình đô thị hóa ở TP HCM đã biến các vùng đất trũng trước kia thành các vùng bê tông hóa, từ vùng đa dạng sinh học trở thành vùng đất chết…

Theo Công ước Đa dạng sinh học, khái niệm “Đa dạng sinh học” (biodiversity, biological diversity) có nghĩa là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, bao gồm: các hệ sinh thái trên cạn, trong đại dương và các hệ sinh thái thuỷ vực khác.

Các hệ sinh thái cung cấp 3 loại dịch vụ chính cho các đô thị: cung cấp tài nguyên, điều hòa cải thiện khí hậu và phong phú hóa đời sống tinh thần. Chức năng cung cấp có thể đo được như thực phẩm và nước sạch, còn chức năng điều hòa và phong phú hóa không định lượng được như cung cấp mỹ quan, đời sống tinh thần.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,01 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 thì dân số thành phố là 7.123.340 người (chiếm 8,30% dân số Việt Nam), mật độ trung bình 3.401 người/km².

Tuy nhiên nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của thành phố vượt trên 8 triệu người. Dựa trên mức độ đô thị hóa có thể chia thành phố Hồ Chí Minh ra 3 vùng :

1. Vùng sinh thái gò đồi – ven đô thị huyện Củ chi:Là vùng đồi lượn sóng, đất phù sa cổ, công nghiệp chưa phát triển, mật độ dân cư vừa phải, mức độ đô thị hóa thấp.

2. Vùng sinh thái đô thị trung tâm – nội thành và các quận huyện ven đô: Chiếm tổng diện tích 94.492ha, tức chiếm 46% diện tích toàn thành phố, nhưng chứa đựng tới 94% số dân và cũng chiếm hầu hết cơ sở công nghiệp có trên điạ bàn thành phố.

3. Vùng sinh thái rừng ngập mặn – huyện Cần Giờ: Cách trung tâm nội đô khoảng 45 – 50km; đây là vùng cửa sông ven biển, nơi thấp nhất của thành phố, độ cao trung bình so với mặt biển 0,5 – 1,0m và phần lớn diện tích bị ngập. Có diện tích rừng tập trung 23.055ha, trong đó, 6.161ha là rừng tự nhiên, 16.894ha rừng trồng.

Đa dạng sinh học tại Tp.HCM qua các loài sinh vật hiện hữu:

Ngày nay, thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn đa dạng sinh học ở Tp. Hồ Chí Minh”, chúng tôi đã tập hợp tài liệu, khảo sát bổ sung, tu chỉnh về mặt danh pháp theo những tư liệu mới nhất ở trong và ngoài nước. Kết quả đã nêu danh mục các nhóm sinh vật, phân bố và giá trị sử dụng

Thực vật bậc thấp – tảo : 555 loài
Thực vật thủy sinh và ven bờ  448oài
Thực vật bậc cao có mạch mọc hoang 572 loài
Động vật không xương sống  : 654 loài
Lớp cá: 171 loài
Lớp lưỡng cư: 14 loài
Lớp bò sát: 60 loài
Lớp chim: 140 loài
Lớp thú: 41 loài

Có thể coi đây là một thành phần loài tương đối đầy đủ được tu chỉnh về mặt danh pháp mới nhất của các nhóm sinh vật ở Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cho tới nay nhiều nhóm sinh vật có tầm quan trọng về mặt y học, nông nghiệp và đời sống còn chưa được nghiên cứu đầy đủ và tu chỉnh lại về mặt phân loại và danh pháp: động vật nguyên sinh, nấm, rêu, địa y, côn trùng… Cần phải được tiếp tục khảo sát thống kê. Các nhóm đã được nêu trong danh mục cũng phải được khảo sát bổ sung đầy đủ hơn.

Hệ sinh thái nước biển ven bờ (rừng ngập mặn Cần Giờ):

– Khu hệ động vật thuỷ sinh không xương sống có trên 700 loài thuộc 44 họ, 19 bộ, 6 lớp, năm ngành.
– Khu hệ cá có trên 137 loài thuộc 39 họ và 13 bộ.
– Khu hệ động vật có xương sống trên cạn có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài hữu nhũ. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: tắc kè (gekko gekko), kỳ đà nước (varanus salvator), trăn đất (python molurus), trăn gấm (python reticulatus), rắn cạp nong (bungarus fasciatus), rắn hổ mang (naja naja), rắn hổ chúa (ophiophagus hannah), vích (chelonia mydas), cá sấu hoa cà (crocodylus porosus)…
– Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau.

Diễn biến đa dạng sinh học ở thành phố:

  Các loài có giá trị kinh tế bị sử dụng bừa bãi:

+ TP. HCM vẫn là 1 trong 5 điểm nóng của cả nước về hoạt động buôn bán động – thực vật hoang dã bất hợp pháp, mỗi năm tiêu thụ cả ngàn tấn động vật và hàng chục ngàn tấn thực vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Dù công tác ngăn chặn đã được đẩy mạnh nhưng số vụ bị phát hiện cũng không hơn 10% so với thực tế. Trên địa bàn TP vẫn còn nhiều nơi buôn bán ĐTVHD một cách công khai (VD: chợ Cầu Mống).

+ Khai thác thủy hải sản có nhiều bất hợp lý như dùng lưới có mắt lưới nhỏ, đánh bắt vào mùa sinh sản và đánh bắt hủy diệt. Từ đó làm cho số lượng và thành phần các loài thủy hảii sản suy giảm nhanh chóng.

+ Hoạt động kinh doanh cây kiểng, cây ăn trái và các loài động vật nuôi chưa được quản lý nên đa dạng sinh học của các thành phần này chưa được biết rõ. Đây cũng là một nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học cao. Chẳng hạn, trước đây hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật diễn ra khá lộn xộn, đến gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ra lệnh cấm lấy mật và phải gắn chíp theo dõi tất cả 4000 gấu nuôi trên toàn quốc (trong đó TP. HCM có khoảng 500 con).

–  Môi trường sống của các sinh vật bị ô nhiễm quá mức và không được kiểm soát:

+ Ô nhiễm nước: Đối với chất lượng nước kênh rạch trong khu vực nội thành TP.HCM cho thấy : mức độ ô nhiễm hữu cơ và Ô nhiễm vi sinh tại hầu hết tất cả các kênh và đang có chiều hướng ngày càng tăng, bên trong chứa nhiều chất độc hại (nhất là kim loại nặng và hóa chất độc hại khó phân hủy) nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó được xử lý sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống chung. Mặt khác, dòng chảy của cả 7 hệ thống kênh rạch lại bị thu hẹp do hàng ngàn hộ dân lấn chiếm và xả rác nên môi trường nước càng ô nhiễm nặng nề, bị phú dưỡng hóa và trở thành môi trường chết. Đối với chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước : Các chỉ tiêu DO, nồng độ dầu và Coliform hầu hết không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 (QCVN 08:2008/BTNMT)

Ngoài ra, một số lượng nước thải lại chảy vào rừng ngập mặn Cần Giờ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây.

+ Ô nhiễm đất: tác nhân gây ô nhiễm cho môi trường đất ở TP.HCM có nhiều: nguồn nước ô nhiễm thấm vào đất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, rác thải (gồm nhiều rác thải độc hại, rác thải rắn, rác thải khó phân hủy), khai thác quá mức mà không cải tạo, phân bón hóa học làm chai đất, các quá trình xói lở,…

Trong khi đó, đất là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật, nhất là thực vật nên khi đất bị ô nhiễm thì tất yếu chúng cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Sự ô nhiễm đất nhiều khi có thể làm thay đổi cả một hệ sinh thái.

+ Ô nhiễm không khí: TP.HCM là nơi tập trung hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất lớn nhỏ cùng một số lượng lớn phương tiện giao thông nên có lượng khí thải dày đặc và độc hại, gây bệnh về đường hô hấp cho các loài động vật, gây hiện tượng mưa acid, làm chua đất, giảm độ pH đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, nhất là đối với sinh vật sống trong đất. Ngoài ra nó còn là nguyên nhân của hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đất nóng lên, băng hà tan chảy, gây gia tăng lũ lụt hàng năm khiến nhiều lục địa bị ngập nước, đây không những là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học TP.HCM và rừng ngập mặn Cần Giờ mà còn là một trong những vấn đề của thế giới.

Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM còn biến các vùng đất trũng trước kia (được coi là các vùng đệm sinh thái hay “hồ điều hòa tự nhiên” khi triều lên hay khi nước mưa chảy từ TP ra) như Q.2, Q.7, Q.9, Q.12, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh trở thành các vùng bê tông hóa. Hậu quả là nước triều không lên được chỗ này và sẽ trở nên mạnh hơn ở những nơi khác. Ngoài ra, các quận này đều nằm trên đất ngập triều của lưu vực sông Đồng Nai, là vùng sinh thái đất ướt nhạy cảm nhất, duy trì sự sống cho toàn lưu vực và các vùng kế cận. Khi bị san lấp, không những làm tiêu diệt hệ sinh thái của vùng mà còn biến một vùng đa dạng sinh học trở thành vùng đất chết. Đây là một việc làm vi phạm nghiêm trọng tới môi trường sống của sinh vật.

Những việc cần làm để bảo vệ đa dạng sinh học của Thành Phố

  • Giảm thiểu và tránh tối đa các tác động của hoạt động phát triển đô thị hóa.
  • Bảo vệ và duy trì nối kết nơi trú ẩn
  • Phục hồi các khu vực tự nhiên bị tổn hại
  • Nâng cao ý thức người dân về việc giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh: như ngăn cấm việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng và tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường vào học đường.
  • Nạo vét kênh rạch và xây bờ kè làm giảm ô nhiễm môi trường.
  • Xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở các nhà máy để làm giảm ô nhiễm ở kênh rạch và sông hồ.
  • Tuyên truyền kế hoạch hóa để hạn chế gia tăng dân số.
  • Trồng thêm cây xanh ở khu đô thị.
  • Tăng cường thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo cho các hộ nghèo ở Thành Phố.
  • Ngăn chặn việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt (dùng lưới mắc nhỏ và đánh bắt vào mùa sinh sản), bảo vệ và nuôi trồng động thực quý hiếm để bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn TP.HCM.

——————————

Tài liệu tham khảo

1. Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường TP. Hồ Chí Minh (2002), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, NXB Nông nghiệp.
2. Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu VIE/91/G31 (1995), Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam.
3. Nguyễn Minh Hiệp (2000), Khóa luận: Ảnh hưởng của dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lên hệ thực vật, động vật có ích trong đất trồng rau ở vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường TP. Hồ Chí Minh (2002), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, NXB Nông nghiệp.
5. Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu VIE/91/G31 (1995), Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam.
6. Nguyễn Minh Hiệp (2000), Khóa luận:Ảnh hưởng của dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lên hệ thực vật, động vật có ích trong đất trồng rau ở vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo HEPA.GOV.VN

Tags: ,