BRICS: Hình mẫu cho một trật tự thế giới dựa trên đồng thuận và dân chủ

BRICS là một kiểu liên kết kiểu mới dựa trên nguyên tắc đồng thuận, dân chủ và không theo nguyên tắc “chủ-tớ” như NATO.

BRICS: Hình mẫu cho một trật tự thế giới dựa trên đồng thuận và dân chủ

Trong bài phát biểu và trả lời câu hỏi của giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của Vương quốc Eswatini T. Dladla sau cuộc hội đàm ở Mbabane ngày 24/1/ 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov nói về triển vọng phát triển của Nhóm BRICS.

Câu hỏi: Ngày nay chúng ta nghe và nói nhiều về vai trò ngày càng tăng của liên kết BRICS [Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Cộng hòa Nam Phi]. Có những tuyên bố cho biết liên kết này có thể sẽ được bổ sung thêm 13 thành viên mới. Ngài có thể mô tả thế nào về vai trò toàn cầu của liên kết như vậy trong tương lai? Liệu các nước Châu Phi có được tham gia BRICS không? Vấn đề này có được thảo luận với các đồng nghiệp Eswatini hay chưa và liệu họ có quan tâm đến khả năng này trong tương lai hay không?

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov: Các nhà lãnh đạo của “Nhóm 5 nước” đã nhiều đề cập về viễn cảnh toàn cầu của BRICS, trong đó đồng nghiệp Nam Phi của chúng tôi là N.Pandor đã nói cụ thể về viễn cảnh này trong cuộc họp báo ở Pretoria ngày hôm qua.

BRICS là một kiểu liên kết kiểu mới theo nghĩa là nó không được xây dựng theo nguyên tắc “chủ-tớ”, không phải là một cấu trúc mà ở đó mọi người có thể ra lệnh và “bị ràng buộc” như chúng ta đang thấy trong NATO.

BRICS là một tổ chức hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, nhưng khác với sự đồng thuận được áp dụng trong NATO và Liên minh Châu Âu. Nếu bất kỳ thành viên nào của BRICS gặp vấn đề với một đề xuất nào đó thì đề xuất ấy sẽ không được thông qua và các bên sẽ nỗ lực tiếp tục tìm kiếm một giải pháp có lợi cho tất cả các bên. Trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương và EU, đặc biệt trong năm vừa qua liên quan đến tình hình xung quanh Ukraina và các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ, đã có những tiếng nói bị loại khỏi chương trình nghị sự chung. Trong những trường hợp này, nguyên tắc đồng thuận được sử dụng để “đè bẹp” những ý kiến phản đối đơn lẻ và buộc họ phải chấp nhận quan điểm mà các thành viên “ngồi chiếu trên ” cho là đúng.

Trong khuôn khổ BRICS, chúng tôi chưa bao giờ đề xuất các ý tưởng giống như ý tưởng được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây nhất trong tháng 7/2022 tại Madrid, rằng liên minh này phải có trách nhiệm toàn cầu đối với các vấn đề an ninh, bao gồm cả an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nói chung là ở khắp nơi trên hành tinh. BRICS chưa bao giờ theo đuổi những tham vọng toàn cầu như vậy.

Chúng tôi dựa trên sự thống nhất về lợi ích hợp pháp, tự nhiên của các quốc gia thành viên. Trong khuôn khổ của tổ chức, chúng tôi có chung đánh giá về những thiệt hại nghiêm trọng mà chính sách của Phương Tây gây ra đối với nền kinh tế thế giới, đối với quá trình toàn cầu hóa và tài chính toàn cầu. BRICS sẽ không tự đóng cửa với thế giới bên ngoài. Ngược lại, chúng tôi muốn hợp tác nhiều nhất có thể với tất cả các quốc gia sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, có tính đến sự cân bằng lợi ích.

Vì lợi ích của nhân dân các nước chúng tôi và sự phát triển của các nền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi có nghĩa vụ phối hợp và thống nhất các cách thức bảo vệ lợi ích chống lại sự thống trị của các cơ chế do Phương Tây tạo ra trong khuôn khổ mô hình toàn cầu hóa mà họ đang lạm dụng một cách trắng trợn. Trước hết, tôi muốn nói đến vai trò của đồng đô la.

Hiện nay đồng tiền quốc gia chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong thanh toàn thương mại song phương giữa các quốc gia thành viên BRICS với các quốc gia khác. Các quốc gia BRICS tuyên bố về sáng kiến hình thành đồng tiền riêng của liên kết. Lý do rất đơn giản – không thể dựa vào các cơ chế trong tay những kẻ có thể lừa dối bất cứ lúc nào, sẵn sàng từ chối nghĩa vụ của mình để đạt được mục tiêu chính trị nhất thời, cả trong chính sách đối ngoại và các quá trình chính trị trong nước.

Cách tiếp cận được các thành viên BRICS thể hiện đối với các vấn đề thế giới đang thu hút sự đồng cảm của ngày càng nhiều quốc gia trên tất cả các châu lục, từ Châu Á đến Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Ngày 23/6/2022 diễn ra Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của định dạng BRICS+ và BRICS+cộng đồng. Tất cả 13 quốc gia tham gia ở mức độ này hay mức độ khác đều quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với “Nhóm 5nước” của chúng tôi.

Hôm qua, Tổng thống Cộng hoà Nam Phi S. Ramaphosa nói với tôi trong cuộc họp của chúng tôi rằng Nam Phi, với vai trò là Chủ tịch BRICS năm nay, có kế hoạch mời một số quốc gia nhất định tham dự Hội nghị thượng đỉnh trong tháng 8 ở Durban.

Nhiều quốc gia đang hợp tác với BRICS đã bày tỏ mong muốn chính thức hóa các mối quan hệ này. Hiện giờ các chuyên gia của chúng tôi đang chuẩn bị đề xuất cho các bộ trưởng về chủ đề này. Khi các nguyên thủ quốc gia tập trung tại Durban, chúng tôi sẽ báo cáo với họ về các hình thức và những quốc gia nào có thể phát triển quan hệ sâu sắc hơn.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM

Tags: