Bảo vệ đa dạng sinh học: ​Sự thất bại trên phạm vi toàn cầu

Báo cáo Triển vọng Đa dạng Sinh học toàn cầu lần thứ 5 của Liên Hợp Quốc công bố ngày 15/9/2020 kết luận: thế giới đã không đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên đặt ra cách đây 10 năm. “Đèn cảnh báo đang lóe sáng. Chúng ta phải nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng khẩn cấp toàn hành tinh”, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Andy Purvis tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Anh) tuyên bố.

Bảo vệ đa dạng sinh học: ​Sự thất bại ctrên phạm vi toàn cầu

Báo cáo kết luận, vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát đa dạng sinh học, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng và đáng kể trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và nhiều hoạt động khác. “Nó cho chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm nhưng không phải là làm nhiều hơn những gì đã làm mà phải làm tốt hơn những bước chuyển đổi đầy khó khăn”, Lina Barrera, người đứng đầu ban chính sách quốc tế tại Tổ chức Bảo tồn Quốc tế nói. Một trong những chuyển đổi như vậy là đưa những giá trị đa dạng sinh học vào trong các quyết định kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc trợ cấp nông trại.

Năm 2010, 196 quốc gia thuộc Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) của Liên Hợp Quốc đã đồng ý với 20 mục tiêu bảo tồn động thực vật gọi là Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi. Cứ vài năm một lần, CBD lại đánh giá tiến độ thực hiện từ các báo cáo quốc gia và những nguồn khác. Báo cáo Triển vọng lần này cũng phản ánh các xu hướng được tiết lộ trong “Báo cáo Đánh giá Toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái” của IPBES do hàng trăm nhà khoa học thực hiện công bố năm ngoái.

Bản đánh giá mới này chỉ ra một số điểm sáng, chẳng hạn ngành thủy sản đang trở nên bền vững hơn tại các quốc gia có chương trình quản lý tốt và các loài xâm lấn đang bị tận diệt trên nhiều hòn đảo. Có lẽ, điều đáng khích lệ nhất là quy mô các khu bảo tồn đã tăng đáng kể lên mức 15% diện tích đất liền và 7% diện tích đại dương. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn thấp so với mục tiêu lần lượt là 17% và 10%, và cho đến nay mới chỉ có 2,5% đại dương được bảo vệ ở mức độ cao.

Nhìn chung, các quốc gia cho biết họ đang đi đúng hướng và đạt được trung bình 34% mục tiêu của mình, mặc dù nhiều quốc gia không đặt ra những mục tiêu tham vọng như các mục tiêu Aichi toàn cầu. Các nước đã báo cáo tiến độ trong việc nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng năng lực nghiên cứu và tạo ra những chiến lược bảo vệ các loài.

Nhưng theo báo cáo, điều này vẫn chưa đủ. Chỉ có 6/20 mục tiêu đạt được một phần kết quả, và một số chỉ tiêu thậm chí đang đi sai chiều. Ví dụ, trong khi việc sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn cầu ở mức tương đối ổn định thì nhiều quốc gia lại tăng cường sử dụng các hóa chất gây hại cho các loài thụ phấn. Nhìn chung, tiến trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi việc tiêu thụ năng lượng và vật liệu ngày càng nhiều cũng như việc tàn phá môi trường sống để xây dựng trang trại, đường xá và đập mới. Bởi vậy, báo cáo cho thấy đa dạng sinh học đang tiếp tục bị mất đi. Nhà sinh thái học Sandra Díaz thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina và ĐH Quốc gia Córdoba cho biết: “Mọi thứ sẽ không thay đổi nhiều cho đến khi chúng ta giải quyết các vấn đề gốc rễ và điều này khó khăn hơn nhiều”.

Các nhà quan sát hy vọng kết luận này sẽ thúc ép các quốc gia đẩy nhanh tiến độ và đặt ra mục tiêu cao hơn khi họp lại lần nữa vào tháng 5 năm sau để đặt ra các mục tiêu đa dạng sinh học mới cho năm 2030. Barrera nhận xét, bản dự thảo mục tiêu công bố “gần như đang đi đúng hướng”. Một đề xuất trong đó đã kêu gọi bảo vệ tới 30% môi trường sống trên đất liền và biển, tăng đáng kể so với mục tiêu 10% hiện nay. “Đây là điều tham vọng nhưng hoàn toàn cần thiết”. Việc đạt được các mục tiêu tiếp theo sẽ là “mức cược rất cao cho tất cả mọi người, không chỉ với các nhà sinh thái học và các nhà bảo vệ môi trường”, Lubchenco nói.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG / SCIENCEMAG.ORG

Tags: