Bao giờ nỗi khổ đã kéo dài hàng chục năm của học sinh Việt mới chấm dứt?

“Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”.

Tác giả: Tiến sĩ Vật lý Giáp Văn Dương.

Tôi là một phụ huynh. Tôi cũng khổ vì văn mẫu.

Vào mỗi cuối tuần, nếu con tôi có bài tập làm văn, thế nào tôi cũng gặp cảnh con ngồi cắn bút, than vắn thở dài, không viết được. Không viết được không phải vì không viết được. Cháu nói, bài yêu cầu phát biểu cảm tưởng của em, nhưng lại chấm theo cảm tưởng của cô. Vì thế mà mâu thuẫn, không viết được.

Thế là suy nghĩ bị khóa cứng. Có khi cả một cuối tuần vật vã, nhấc bút lên đặt bút xuống mãi vẫn không xong bài tập làm văn.

Nhưng không xong không được, nên tốt nhất là nhắm mắt làm theo dàn ý mẫu, hoặc chép theo một bài văn mẫu nào đó cho nhanh, vừa không bị phê bình, lại được điểm cao.

Nhưng tôi không đồng ý, nên sự bế tắc trong bài tập làm văn của con cũng trở thành xung đột quan điểm giáo dục của gia đình. Sự việc lặp đi lặp lại đến mức tôi phải tự phát triển một phương pháp viết riêng để dạy con, giúp con hết sợ môn văn.

Nhưng cách này không giải quyết được vấn đề. Với phương pháp của tôi, con có thể viết tự nhiên, chân thật và khoáng đạt hơn. Nhưng theo cháu, viết thế này thì không có điểm.

Không chỉ con tôi, các bạn khác cũng loay hoay như vậy. Nên, bằng cách bí ẩn nào đó, bài viết của cả lớp cuối cùng gần như giống hệt nhau, và giống một bài mẫu đâu đó, trên mạng hoặc trong sách tham khảo.

Theo dõi sự phát triển của trẻ, tôi thấy ở bậc mầm non, các con sáng tạo bao nhiêu, thì khi lên bậc học cao hơn, sự sáng tạo đó giảm sút bấy nhiêu. Để kiểm chứng, tôi tổ chức nhiều khóa dạy kỹ năng viết trực tuyến, theo phương pháp mà tôi đã hướng dẫn con mình, cho học sinh các cấp khác nhau. Kết quả cho thấy, trẻ tiểu học đạt kết quả tốt nhất.

Nguyên nhân chính của hiện tượng đáng buồn này là càng học lên cao, thói quen nghĩ và viết theo văn mẫu càng ăn sâu, nên tư duy ngày càng xơ cứng và tính sáng tạo ngày càng suy giảm.

Đặc biệt, trong các kỳ thi chính thức, việc chấm bài được tiến hành bằng cách đếm ý khớp với ba-rem để cho điểm càng cổ xúy lối viết theo văn mẫu.

Nhìn lại và suy ngẫm, tôi thấy hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình. Với con trẻ, điều này càng thể hiện rõ ràng. Khi một đứa trẻ được sống thật, niềm hạnh phúc sẽ tỏa rạng trên khuôn mặt. Còn khi đứa trẻ đau khổ, gần như chắc chắn, đứa trẻ đó đang phải sống theo ý người khác và đang không biết phải xoay xở thế nào cho vừa ý họ.

Với học sinh, viết không chỉ đơn thuần là hoàn thành một bài tập làm văn, mà rộng hơn là phát triển tư duy và sử dụng ngôn ngữ, cũng như từng bước hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, tức từng bước tạo ra chính mình. Do từng bước tạo ra chính mình như thế mà học sinh luôn cần được sống thật và nhờ đó, có được niềm vui khi viết, khi học.

Quan sát giờ ra chơi trong trường học, ta sẽ thấy, tất cả trẻ nhỏ đều rất hạnh phúc. Và sau những năm tháng đến trường, kỷ niệm sâu sắc nhất còn đọng lại trong mỗi người, phần lớn đều ở trong giờ ra chơi.

Vì sao lại như vậy? Vì chỉ trong giờ ra chơi, trẻ mới được sống thật, được thể hiện thật con người mình. Còn trong giờ học, các em bị gò vào “văn mẫu – toán dạng”, “đồng phục tư duy”. Tức trẻ phải gò ép suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc và trí tưởng tượng của mình vào các khuôn mẫu cho trước, dù chúng có thể không thực sự hiểu rõ và đồng tình.

Vì thế, nếu muốn giúp trẻ có được niềm vui đến trường, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, một trong những việc cần làm trước hết là loại bỏ văn mẫu; để học sinh được sống thật, ít nhất là trong việc cảm, nghĩ và viết môn văn.

Nếu bỏ được văn mẫu, hàng chục triệu học sinh sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh với môn tập làm văn và những nỗi khổ không đáng có. Chất lượng giáo dục, ít nhất là trong môn ngữ văn, sẽ được cải thiện.

Vì thế, bỏ văn mẫu không đơn thuần là một đổi mới, mà sẽ là bước tiến lớn trong giáo dục.

Nhưng bỏ văn mẫu bằng cách nào đây? Trong suốt mấy chục năm qua, những người quan tâm đến giáo dục cũng đã nhiều lần kêu gọi xóa bỏ vấn nạn này. Nhưng sự việc chỉ ào lên được một vài ngày, để rồi sau đó, văn mẫu còn nguyên, thách thức phụ huynh, học sinh và cả ngành giáo dục, theo cách ngày càng trầm trọng.

Về nguyên tắc, muốn bỏ văn mẫu, chỉ cần cho phép học sinh được viết những điều mình cảm và nghĩ. Những điều đó chắc chắn còn non nớt, chưa hoàn chỉnh nhưng cần được khuyến khích và lắng nghe; đặc biệt là tránh đánh giá đúng – sai, xấu – đẹp một cách cứng nhắc.

Giải pháp đơn giản quá, nhưng vì sao không thể thực hiện được?

Vì học sinh không dám liều mạng viết thật theo cảm nhận và suy nghĩ của mình, như vậy có thể sẽ phải nhận điểm kém. Thầy cô chấm điểm theo cách nào, học sinh sẽ viết theo cách đó.

Từ phía giáo viên, theo lối tư duy cũ, tốt nhất là cần phải có bài mẫu hoặc dàn ý mẫu để học sinh viết theo. Như thế mới đảm bảo chất lượng và đúng quy trình. Nếu không, lớp sẽ mất điểm thi đua, giáo viên bị phê bình.

Không ai muốn bị phê bình và mất điểm. Cũng không ai muốn chống lại những quy định và thói quen đã có, nhất là những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức và được cổ vũ theo cách tiện lợi, tinh vi. Vì thế, mong ước thoát khỏi văn mẫu trong suốt hàng chục năm qua đã bị bệnh thành tích và các quy định có tính cách hành chính giáo dục bẻ ngoặt và ghì sát đất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần tuyên chiến với văn mẫu. Mới đây, ông chỉ rõ: Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn gửi các Sở, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Như vậy, có thể hiểu cuộc chiến chống lại văn mẫu đã được Bộ khởi động. Tôi tin phụ huynh sẽ rất đồng lòng ủng hộ để ngành giáo dục chiến thắng trong cuộc chiến chống lại văn mẫu.

Để giúp cho con em thoát khỏi nỗi khổ đã kéo dài hàng chục năm này.

Theo VNEXPRESS

Tags: