Bàn về khái niệm phát triển bền vững

Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn rất quen thuộc đối với các học giả; đồng thời, là chủ đề thời sự được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn quốc gia và quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội.

Trích đăng bài viết của GS.TS. Phạm Văn Đức trên Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam (số 2/2015).

Xét về nguồn gốc, thuật ngữ phát triển bền vững ra đời từ những năm 70 của thế kỷ XX và bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về môi tr­ường và phát triển quốc tế nhờ sự ra đời của công trình Chiến l­ược bảo tồn thế giới (1980)(1). Sau đó, tư tưởng về phát triển bền vững được trình bày trong một loạt công trình, nh­ư Tương lai chung của chúng ta (1987), Chăm lo cho Trái đất (1991)(2)… Khi nói về sự phát triển bền vững, ng­ười ta thường sử dụng hai định nghĩa đã đ­ược nêu ra trong các cuốn sách nói trên. Trong cuốn T­ương lai chung của chúng ta, phát triển bền vững đư­ợc hiểu là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ t­ương lai; còn trong cuốn Chăm lo cho Trái đất, phát triển bền vững đư­ợc xác định là việc nâng cao chất lượng đời sống con người khi đang tồn tại trong khuôn khổ bảo đảm các hệ sinh thái. Nhìn chung, cả hai định nghĩa đó đều quy phát triển bền vững về việc sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sao cho thế hệ hôm nay phát triển được mà không làm ảnh h­ưởng đến t­ương lai của các thế hệ sau.

Như vậy, phát triển bền vững là sự phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ được môi trường tự nhiên nhằm vừa có thể thỏa mãn được nhu cầu của thế hệ hôm nay, vừa không làm ảnh hưởng đến điều kiện và khả năng thỏa mãn nhu cầu và môi trường sống của các thế hệ mai sau. Nội dung của khái niệm đó phản ánh các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa con người với con người. Điều đó được thể hiện cụ thể ở chỗ:

Thứ nhất, để phát triển kinh tế, thỏa mãn những nhu cầu của bản thân mình và xã hội, con người buộc phải khai thác tự nhiên, sử dụng những nguyên vật liệu có sẵn của tự nhiên. Trong lịch sử triết học, đã từng tồn tại 2 lý thuyết nổi tiếng, đó là lý thuyết con người thống trị, làm chủ tự nhiên (lý thuyết chủ đạo của triết học Phương Tây) và lý thuyết con người sống phụ thuộc và hài hòa với tự nhiên (lý thuyết chủ đạo trong triết học Phương Đông). Cả hai lý thuyết đó đều chứa đựng những giá trị tích cực, đồng thời cũng chứa đựng một số bất cập, hạn chế.(2)

Trên thực tế, con người không bao giờ có thể hoàn toàn thống trị được tự nhiên; đồng thời, con người cũng không thể tồn tại được, chứ chưa nói đến phát triển, nếu không khai thác tự nhiên, không làm chủ tự nhiên. Trong trường hợp thứ nhất, khi nói về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844, K. Marx đã từng khẳng định: “Giới tự nhiên… – là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(3). Thừa nhận và khẳng định quyền năng to lớn của con người trước tự nhiên, song với nhãn quan duy vật biện chứng và tầm nhìn vượt thời đại, Ph.Ăngghen cho rằng chúng ta hoàn toàn không thể thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên; đồng thời, ông cảnh báo con người không nên quá tự hào về thắng lợi của mình đối với giới tự nhiên, bởi mỗi kết quả mà con người coi là một kỳ tích chinh phục tự nhiên, tới một lúc nào đó, có thể gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được(4). Lịch sử phát triển của xã hội loài người kể từ khi xuất hiện nền đại công nghiệp đã chứng minh cho tính đúng đắn và khoa học trong dự báo thiên tài về vấn đề này của các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx.

Trong trường hợp thứ hai, con người cũng không thể tồn tại được, càng không thể thoát khỏi thế giới động vật để trở thành con người theo đúng nghĩa nếu không khai thác và cải biến tự nhiên. Như chúng ta đã biết, trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và khủng hoảng môi trường sống, thay vì tìm kiếm những giải pháp khôn ngoan hơn để vừa bảo đảm sự phát triển của mình, vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường sống, trong những năm qua, một số người muốn phục hồi quan niệm tự nhiên chủ nghĩa về lịch sử dưới một hình thức mang tính cực đoan – trở lại lối sống nguyên thủy, hoang dã kiểu bầy đàn. Về thực chất, đó chỉ là một phản ứng tiêu cực, bởi nó kéo lùi lịch sử trở lại thời kỳ mông muội của loài người, phản ánh sự bế tắc trong quan niệm và lối sống của một nhóm người trước tình trạng môi trường sống bị hủy hoại và có nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng.

Do đó, một quan điểm đúng đắn, khoa học về phát triển phải là sự tích hợp những giá trị, cách giải quyết hợp lý những bất cập, mâu thuẫn của cả hai lý thuyết nói trên. Quan niệm về phát triển bền vững đã đáp ứng được những yêu cầu bức thiết đó. Theo đó, để tồn tại và phát triển, xét từ phương diện kinh tế, con người phải khai thác tự nhiên, nhưng không phải là sự khai thác tùy tiện, bừa bãi, vô trách nhiệm mà là sự khai thác hợp lý, có trách nhiệm nhằm bảo đảm cho tự nhiên không bị hủy hoại, trái lại tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của con người và xã hội loài người. Nói cách khác, phát triển bền vững thể hiện một sự phát triển mới về chất cả trong nhận thức lẫn hành động của con người, được hình thành một cách tự giác trên cơ sở nhận thức được quy luật khách quan, tất yếu của tự nhiên, trong đó con người và xã hội loài người là một bộ phận không thể tách rời.

Thứ hai, phát triển bền vững giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người (mối quan hệ giữa các thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau). Theo quan điểm phát triển bền vững, các thế hệ hôm nay có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình, nhưng sự khai thác đó phải làm sao vừa bảo đảm tài nguyên không bị cạn kiệt, vừa có thể bổ sung, tái tạo được để cho các thế hệ tương lai có cơ hội và điều kiện cần thiết nhằm tồn tại và phát triển. Điều đó, một mặt, thể hiện sự công bằng giữa các thế hệ, trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tương lai; mặt khác, thể hiện thái độ ứng xử văn hóa, đạo đức của thế hệ trước đối với các thế hệ tương lai.(4)

Cả hai nội dung trên đây thể hiện những quan hệ khác nhau (quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan hệ giữa con người với con người), đều biểu thị trách nhiệm của con người với môi trường – ngôi nhà chung và trách nhiệm của mỗi con người với đồng loại. Đây chính là nội dung văn hóa của sự phát triển bền vững.

———————————

Chú thích

(1) Xem: IUCN (1980), World conservation strategy: Living resource conservation for sustainable development. IUCN, Gland, Switzeland.
(2) (1987), World Commission on Environment and Development. Our common future. Oxford University Press, Oxford and New York; IUCN/UNEP/WWF (1991), Caring for the earth: A strategy for sustainable living. IUCN, Gland, Switzeland.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.135.
(4) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen,sđd, t.20, tr.654.

Theo TAPCHIKHXH.VASS.GOV.VN

Tags: